(Dân trí) - Sinh ra và lớn lên ở cái thành phố này, nhưng có lẽ gần nửa đời người tôi mới thấy thương Sài Gòn!
Rồi có buổi trưa, cả bọn tụm năm tụm bảy mang trái banh ra đầu hẻm đá. Banh lăn ra đường, bà Tư ghé qua ô cửa sổ, hù: "Ông ba bị bắt giờ", khiến cả bọn tiếc hùi hụi nhìn trái banh xoay vòng trôi tuột xuống cống trong cơn mưa như thác đổ…
Ở Sài Gòn, ghét là sẽ có ti tỉ thứ khiến người ta ghét! Ra đường, ghét kẹt xe. Ở nhà, ghét chật chội. Ban ngày ghét nắng nóng. Ban đêm ghét cướp giật, ghét tiếng hủ tiếu gõ lốc cốc hòa tiếng rao bánh bún, ghét mấy quán nhậu "hơn thua" nhau mở nhạc inh ỏi lẫn tiếng rít xe máy của mấy anh chị "giang hồ hảo hớn"…
Ấy vậy, lần đầu vào thành phố, má thằng Tú dặn: "Ra đường, nhớ tháo chiếc nhẫn vàng bỏ vô túi. Cướp Sài Gòn nó chặt tay con nghen…", khiến thành phố trong mắt dân tỉnh như Tú thành chốn náo nhiệt nhưng cũng đầy cạm bẫy, nguy hiểm.
Dăm ba tháng, cứ có dịp thằng Tú lại bắt xe đò về quê. Nó bảo thành phố này phiền khủng khiếp. "Hàng xóm cả năm hông giáp mặt, phòng trọ tẹo tèo teo chả bù cho ruộng lúa cò bay thẳng cánh, sông kênh thúi òm thua xa bãi biển xanh ôm trọn xóm… Vậy đó, quê tao nhiêu đó, chứ đâu như Sài Gòn, quê mùa, cái gì cũng hổng có, cái gì cũng hổng biết" - nó thường so sánh vậy.
Rồi mỗi mùa Tết, từ 15 tháng Chạp, dân tỉnh lẻ như thằng Tú đã rộn ràng về quê. Sài Gòn được trả lại một sự vắng vẻ đến hoang dại. Đôi lúc tôi nghĩ cái thành phố chưa bao giờ thuộc về họ. Người ta tề tựu về đây mưu sinh, kiếm tiền tìm bạc, nhưng rồi những giây phút êm đẹp họ vẫn chọn quê hương.
Thế mà, có đêm Tú bể bánh xe ở trung tâm quận 1. Anh Grab đang trên đường đi làm về vẫn quay ngược đầu xe đẩy nó đến chỗ vá.
Lần khác, thằng Tú bị giật chiếc túi xách ở ngã tư Bảy Hiền. Có anh trai không biết tên tuổi, rồ con Honda cùi bắp tức tốc đuổi theo. Chiếc túi "pha-ke" được mang về, chân mày anh rách mảng da, nhưng anh vẫn cười: "May cho cưng gặp anh!". Thằng Tú nghẹn: "Người Sài Gòn liều mạng quá!"
Lần khác nữa, nó bị ông chủ nợ lương. Cứ tưởng sẽ bị đuổi khỏi trọ, vậy mà tháng ròng đó bà chủ không chỉ miễn phí, còn ngày ngày nấu cơm, gọi nó sang ăn. Lúc ấy, thằng Tú tu tu khóc: "Người Sài Gòn ngốc quá chừng chừng…"
Sau ra trường, trong buổi tiệc chia tay, tôi hỏi: "Tú, giờ mày muốn ở lại Sài Gòn nữa hông?". "Có!", nó đáp nhanh.
Nó bảo, người Sài Gòn kỳ cục lắm! Ví cuộc đời nó như sợi dây điện bị hư, nếu bảo Sài Gòn giúp, họ sẽ chạy đi mua và tặng cho nó cả chục mét dây với câu nói: "Để bữa khác dùng tiếp!", dù đời nó chỉ cần 2.000 đồng dây cột là đủ.
Cứ vậy, ti tỉ thứ khiến ban đầu người ta ghét Sài Gòn như thằng Tú. Nhưng rồi cuối cùng, chẳng có một nơi nào trên thế giới này lại bao dung, hào sảng, mãi mãi là điểm tựa cho trăm vùng miền đổ về sống dễ dàng như Sài Gòn.
Nếu hệ thống cơ sở hạ tầng được xem là bộ mặt của một thành phố, thì tính cách cư dân chính là "bộ gen", cấu thành bản sắc đô thị, lôi kéo con người ta đến đây, nhớ và nói về nó.
Riêng Sài Gòn, đây là vùng đất của sự hội tụ và hòa hợp của tất cả văn hóa mọi miền đất nước. Bởi vậy, Sài Gòn vừa tôn trọng tính cách nguyên bản, vừa sẵn sàng tiếp nhận cái mới, dung nạp đủ hạng người, từ anh trí thức hàn lâm đến chị lao công quét dọn, từ giới nghệ sĩ đến bà buôn thúng bán bưng…
Có một điều kỳ lạ, ít ai tự nhận bản thân là người Sài Gòn "hàng hiệu". Lần đầu tiên đến thành phố này, hầu hết đều bắt đầu bằng lời chào hỏi: "Quê anh/chị ở đâu?". Dù câu trả lời là Sài Gòn, nhưng khi xét về lịch sử di dân, họ vẫn sẽ truy ra nguồn gốc: "À! Nhưng quê ngoại, quê nội mình ở tỉnh A-B-C". Cứ thế, lúc nhỏ tôi nghĩ Sài Gòn này là riêng người Sài Gòn, lớn lên mới biết nó là của chung, của tất cả. Chỉ cần họ đến Sài Gòn, sống theo phong thái Sài Gòn thì chắc chắn sẽ là người Sài Gòn.
Suốt 10 năm làm báo, tôi đã được gặp và trò chuyện với nhiều hội đặc trưng như hội tương tế, hội đồng hương… Và tôi nhận ra cái xứ đàng trong này thiệt ngộ nghĩnh! Ví như, vé số hầu hết quê Phú Yên; hàng rong, trái cây dạo thường dân Bình Định; hủ tiếu thì Quảng Ngãi, Quảng Nam; thợ hồ, bốc vác, ve chai có Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; tiểu thương thường là người Bắc di dân từ những năm 1945 hay 1975… Hỏi ra, cứ bà con vào trước rỉ tai kẻ theo sau.
Ấy thế, với họ, Sài Gòn không chỉ để yêu, mà còn có cả sự biết ơn và cảm tạ. Bởi Sài Gòn cho họ chốn lập nghiệp, có được nhà cửa, cái ăn cái mặc, dư dả tiền gửi về quê nuôi con nuôi cháu. Con cháu họ sau này lại lớn lên, vào Sài Gòn học tập, đi làm, cất nhà cửa rồi đón cả người thân lên sinh sống…. Cứ lớp trẻ tiếp nối lớp già, mang tất cả những tính cách tuyệt vời của xứ sở mình vào thành phố này và biến hóa nó thành sự đặc trưng.
"Sài Gòn hổng kiếm ra tiền là cưng dở ẹc!" - chị bán bún bò Huế đầu hẻm 408 Nguyễn Thị Mai Khai (Q.3, TPHCM) nói chơi vậy đó mà đúng thiệt. Ở cái thành phố này, cứ bán gì là có người ăn đó, làm nghề gì có nhu cầu đến đó, khó kiểu gì sẽ gặp người gỡ rối tới đó.
Lạ lùng nhất là họ chưa bao giờ muốn giấu nghề. Bạn bè cần mối làm ăn, kiếm việc, họ sẵn sàng giới thiệu: "Thằng/con đó chơi được", "chơi đẹp". Chỉ cần biết sống và chịu sống, biết làm và chịu làm, biết chơi và chịu chơi kiểu Sài Gòn, thể nào cũng có cách tạo ra tiền.
Như nhỏ bán xoài lắc bên hông Nhà thờ Đức Bà, 10 năm nay không ai biết tên, sinh thứ 4 thì người ta gọi "Tư" riết thành tên. Nhà nó ở Huế, hết thảy 7 anh chị em nhưng chỉ đôi mẩu vườn ít ỏi!
Rồi hôm chị bán nước cam cùng quê vào Sài Gòn dắt nó vô theo, ké vài ô gạch ngay hông nhà thờ cho nó bán. Ấy vậy, từ đó, Tư có tiền gửi cha mẹ, cất lại căn nhà ngoài quê, cho em lên đại học. Có lần sau mùa dịch Covid-19, Công Vinh - Thủy Tiên chạy ô tô tới, ngồi đợi nó xóc ly xoài điệu nghệ khiến Tư nổi tiếng rần rần, hút trọn khách nhà thờ. Vậy mà, hỏi ra, chả ai thèm ghét, thèm ganh.
"Sao chị hổng lấy lại chỗ để kiếm nhiều hơn?" - tôi hỏi trêu chị bán nước cam.
"Trời thương ai nấy hưởng, cưng ơi! Nhà nó nghèo, chị cũng nghèo, thương hổng hết sao chị đành…" - chị bảo.
"Thế trời Sài Gòn hông thương chị rồi, chị có ghét Sài Gòn hông?" - tôi tiếp.
"Trời trời! Hổng thương mà đến giờ Sài Gòn cho cơm chị ăn, cho con chị học, cho gia đình chị nhà! Mắc cái giống ôn gì chị ghét Sài Gòn được hé?" - chị vừa nói, vừa ôm bụng cười nắc nẻ.
Là điểm đến của triệu triệu người lao động tìm kế sinh nhai, tạo con người Sài Gòn sự đoàn kết, dễ dàng giúp đỡ, cưu mang lúc ngặt nghèo, gian khó để cùng vươn lên mà không cần phân biệt vùng miền, gốc gác, họ hàng… Vậy nên, lòng hào sảng, hào hiệp, thật thà, bộc trực… đã là đặc sản của thành phố này.
Không ngạc nhiên khi ở Sài Gòn, bạn dễ dàng bắt gặp một "đại gia" chạy con xe cà tàng, dép tông, áo quần xuề xòa đi làm từ thiện. Qua quận Phú Nhuận là có hẻm Ông Tiên, mấy chục năm cưu mang người nghèo. Quận 12 lại sở hữu lão nông cả đời chống đinh tặc, giúp đỡ xe gặp sự cố bất trắc trên quốc lộ 1A. Ở Bình Chánh thêm người hiến ngàn mét đất nhằm mở rộng hẻm cho bà con sống vui mà chưa bao giờ đồng ý chụp ảnh trên báo. Rồi không chỉ ban ngày, mà ban đêm cũng có đội tình nguyện SOS, hiệp sĩ đường phố, đội cứu hộ 115, trà đá miễn phí, bánh mỳ "ai cần cứ lấy", quán cơm 2.000, quần áo 0 đồng…
Cái "bệnh" thiện, ham hành việc tốt khó thế mà dễ cảm, dễ lây khiến đâu đâu ở Sài Gòn đều có thể gặp ông bụt, bà tiên. Cứ cái gì người khác đã làm rồi, họ sẽ làm lại theo cách mới hơn, lớn hơn, nhiều hơn đến nỗi người ta vẫn đùa rằng: "Cứ 1 mét vuông ở Sài Gòn là có chục người tốt".
Và đặc biệt hơn nữa, không đợi giàu có, của dư của để họ mới hành thiện. Chỉ cần bản thân đỡ khó hơn người ta là đã đủ cho đi. Như bà Tư cạnh nhà tôi, căn nhà chưa đầy 30m2, lương hưu một mình gồng gánh nuôi 4 miệng ăn, đâu dư dả gì, nhưng tháng nào bà cũng góp tiền phát cơm cho người lang thang, hôm thì trích 2-3 triệu đồng gửi hoàn cảnh bĩ cực. Mấy chục năm nay vẫn vậy, hỏi ra, bà xuề xòa: "À! Mình có bao nhiêu giúp bấy nhiêu thôi!".
Rồi có hôm tôi mua ổ bánh mì, lục qua lục lại hết các túi mới biết quên đem tiền, chị chủ tiệm cười: "Hôm khác quay lại trả nghen". Trời ơi! Tôi với chị người dưng nước lã và càng không rõ bao giờ tôi quay lại con đường này để chị còn nhớ tôi.
"Ủa, chị hổng sợ em quỵt hen?" - tôi hỏi.
"Chèn! Có mười mấy ngàn à cưng! Chiện nhỏ! Cưng ăn ngon là chị vui rồi!" - chị lẹ tay móc bánh mì lên xe tôi.
Sài Gòn là vậy! Dễ cảm thông, dễ động lòng, dễ giúp nhau mà chẳng cần soi mói, kì thị, coi thường hay phán xét. Bởi thế, người ta có thể hồn nhiên sống như người nhà quê, yêu thương nhau như ruột thịt mà cốt cách vẫn là của một thành phố văn minh, đầu tàu kinh tế đất nước. Để rồi ai đó có chê người Sài Gòn có thể "quê mùa", chứ Sài Gòn chưa bận chê ai!
"Không ở đâu chấp nhận tôi là một người Việt dễ dàng như Sài Gòn" - Drew Taylor (Giám đốc đối ngoại Trung tâm tư vấn du học ESL) nói về thành phố này. Anh đã có gần chục năm ở Việt Nam và dự định sẽ ở đến 60 tuổi trước khi về Canada.
Mặc dù thành phố này toàn cao ốc cao tầng, hơn 90% số người bạn gặp có thể không phải người Sài Gòn gốc, nhưng tôi dám chắc: Một khi đã từng ở Sài Gòn, ăn dĩa cơm tấm, tô hủ tiếu gõ, đi xe ôm, ngủ vỉa hè… đều sẽ nhớ Sài Gòn. Nhớ rất nhớ, thương rất thương. Vậy nên, bao nhiêu năm nay, với người Sài Gòn, Sài Gòn vẫn là Sài Gòn thôi!
Kết thúc bài viết ở đây, tôi xin kể kỷ niệm nhỏ xíu xiu khiến cả anh bạn ngoại quốc Phúc Mập (tên thật là Brandon Hurley, quốc tịch Mỹ) yêu Sài Gòn.
Năm 2014, sau 2 năm bôn ba khắp thế giới, Phúc chọn thuê một căn nhà ở quận 4 để tiện thăm thú Việt Nam. Nơi này nổi tiếng câu nói: "Nhất quận 4, nhì quận 8", để nói độ phứᴄ tạp của giang hồ.
Ban đầu Phúc không thích sự thân thiện quá mức của Sài Gòn, vì các chị hàng xóm hay chạm vào da Phúc, trầm trồ khen.
Rồi một hôm Phúc cùng tôi ghé ăn bát hủ tiếu đầu hẻm. Bỗng từ xa, mấy tên thanh niên chạy con xe máy, cầm đoạn sắt toan hành hung cướp chiếc ba lô Phúc. Thấy vậy, bà chủ quán la lớn: "Mày cút ngay! Cút cho bà…", vừa phi thân vừa lia chiếc muôi nhôm múc nước lèo đập túi bụi vào tên cướp. Khách xung quanh nhanh buông đũa, xúm vào phụ bà một tay.
Kết thúc buổi "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga", Phúc vẫn há hốc mồm, mồ hôi mẹ mồ hôi con rơi lã chã trong tràng cười giòn tan của bà chủ: "Ăn đi! Ăn đi! Bỏ tui quánh đòn…", như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Sau chuyến đó, Phúc vẫn tiếp tục chu du thế giới. Nhưng rồi anh chọn quay về Sài Gòn, lấy vợ Sài Gòn và muốn sống cả một đời như người Sài Gòn.
"Hãy gọi tôi là Phúc Mập, mập chớ hông phải béo vì người miền Nam thích zậy. Và ai hỏi thì bảo tôi là người Sài Gòn nghen…" - Phúc bập bẹ nói tiếng Việt bằng ngữ điệu Nam bộ, miệng không ngừng cười nghĩ về cái tên.
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Trần Đạt, Hải Long
Thiết kế: Thủy Tiên.