(Dân trí) - Còn 10 phút nữa là 0 giờ sáng, giờ các Drag Queen bắt đầu buổi diễn. Chiếc đồng hồ treo trên tường như đang chạy nhỏ giọt không đủ xua tan sự hồi hộp của cả đoàn.
(Dân trí) - Còn 10 phút nữa là 0 giờ sáng, giờ các Drag Queen bắt đầu buổi diễn. Chiếc đồng hồ treo trên tường như đang chạy nhỏ giọt không đủ xua tan sự hồi hộp của cả đoàn.
Chốc chốc "cô đào" Sunny (tên thật Lê Nghĩa, trưởng đoàn Venus Drag Queen Team) lại hé cánh cửa quán bar, nhìn một lượt lượng khách. "May quá, cuối tuần đông thì tụi em sẽ được diễn đúng giờ!" - Nghĩa cười. Giữa căn phòng 10m2 vừa là chỗ nghỉ chân, phòng thay đồ, kho chứa thức uống,… những "cô đào" còn lại đang tất bật chỉnh trang xiêm y, dặm phấn son và tranh thủ luyện tập vũ đạo.
Buổi diễn tối nay kéo dài 7 phút, nếu không có khách nào chi tiền để chiêm ngưỡng thêm tiết mục nóng bỏng, đoàn Drag Queen sẽ rời quán bar lúc 0 giờ 10 phút. Nhưng đó là đúng lịch trình! Còn vào các đêm vắng khách, bàn rượu trống ghế, chủ quán buộc lòng kéo dài thời gian thì những "cô đào" phải thức đến tận 2-3 giờ sáng. Đó là chưa kể thời gian luyện tập vũ đạo, học lip-syns, tiếng Anh… liên tục 1 tuần trước, trang điểm từ 3h chiều và chấp nhận cái nóng hừng hực từ bộ đồ ôm sát cơ thể suốt 4 tiếng đồng hồ… Tổng cộng mất gần 8 ngày để chờ đợi một cơ hội xuất hiện lúc 0 giờ.
"Hôm nay, nhân một ngày cuối tuần, Human Night Club sẽ có màn trình diễn chưa từng có gửi đến quý vị. Nào! Tất cả chúng ta hãy đến với bãi biển xanh và cùng hòa mình trong cuộc rượt đuổi ái tình của nàng tiên cá Sunny đến từ đoàn Drag Queen hot nhất Sài Gòn - Venus Drag Team" - đúng 0 giờ, giọng nam MC dõng dạc đọc trên nền nhạc EDM xập xình khiến cả không gian vỡ òa.
Từ phía dưới cánh gà, hai chàng vệ sĩ lực lưỡng từ từ nâng "cô đào" Lê Nghĩa lên sân khấu. Ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy, phản chiếu những bộ đồ kim sa lấp lánh và bước nhảy uyển chuyển của nàng tiên khiến ai nấy đều hò hét không ngừng.
Cứ thế, 0h sáng, một đời sống bất tận của giới trẻ và cuộc mưu sinh của những số phận kỳ lạ bên trong hộp đêm thành phố dường như chỉ mới bắt đầu!
Nghệ thuật Drag Queen lần đầu tiên xuất hiện tại Anh vào năm 1870. Thời điểm đó, trước tình trạng thiếu hụt diễn viên nữ ở sân khấu kịch phương Tây, các diễn viên nam đã hóa trang để thế vai. Từ "Drag" (Dress Resembling A Girl - ăn mặc như một cô nàng) ra đời nhằm chỉ các hoạt động biểu diễn này. Ngày này nó được mở rộng cho tất cả loại hình nghệ thuật có nam hóa trang thành nữ, đặc biệt là lip-sync (hát nhép).
Drag Queen du nhập vào Việt Nam từ những năm 90 thế kỷ trước. Thế nhưng, trước định kiến về mặt giới tính và thiếu vắng tụ điểm biểu diễn, nghệ sĩ Việt Nam không có điều kiện phát triển. Mãi đến năm 2014, sự nổi tiếng của vũ công nhảy trên giày cao gót Tô Lâm và hàng loạt tên tuổi như Angelina Phạm, Gia Kỳ, Rita, Lễ Nghĩa… đã mở đường cho bộ môn này tiếp cận đại chúng.
"Cái nghề tụi em lạ lắm! Vì làm đêm, ngủ ngày, mà tới giờ khách đôi khi còn chưa bao giờ biết mặt mình. Dẫu vậy người Việt Nam chưa hiểu hết nên kỳ thị lắm! Ai yêu quý thì vỗ tay tán thưởng, chứ người ghét thì chửi bới giới tính, gọi tụi em là "nửa nam nửa nữ" bệnh hoạn, diễn trò linh tinh, chứ không xem đây là một môn nghệ thuật giải trí. Ai theo đuổi phải có tinh thần thép!" - "cô đào" Lê Nghĩa miêu tả.
Từ thuở nhỏ, Nghĩa đã có "máu" đam mê sân khấu. Nhưng ở quê nhà Tiền Giang, hôm nào cậu hóa trang thành nữ giới tham gia ca hát là ngày cậu xác định sẽ bị đánh. "Nó thành nỗi ám ảnh luôn! Vì bạn bè đánh em chẳng vì bất kì lý do gì cả, thích là đánh. Suốt năm cấp 2, ra về em phải chạy nhanh nhất có thể. Bao nhiêu lần chảy máu vẫn cắn răng chịu, giấu vết thương vì không muốn gia đình đau lòng" - Nghĩa nhớ.
Đến năm 2014, cậu trai trẻ quyết định một mình đi Sài Gòn. Để có chi phí theo đuổi con đường Drag Queen chuyên nghiệp, ban ngày Nghĩa đi bán quần áo. Mãi cuối năm 2015, lần đầu tiên cậu ướm lên người bộ phục trang sắc màu, giấu mình sau lớp son phấn với tên gọi Sunny. Nghĩa cho biết đó là lần đầu tiên cậu nhận ra thế giới của bản thân.
"Người không hiểu sẽ thấy tụi em vớ vẩn, dị hợm. Nhưng anh biết không? Những thứ xuất hiện lúc 0 giờ, đó mới là con người thật, khiến bọn em tự tin nhất. Vì vậy, thời gian đầu có hôm chẳng đủ tiền ăn, em vẫn chưa bao giờ muốn bỏ cuộc".
Không giống các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia,… hiện nay, người Việt Nam vẫn còn quan niệm Drag Queen là trò mua vui hơn bộ môn nghệ thuật, họ tìm tới tụ điểm vui chơi vì sự tò mò hơn thường thức. Vì vậy, Drag Queen thường chỉ xuất hiện vào các dịp lễ hội, hộp đêm, quán bar, club… vào những khung giờ đặc biệt.
Ngồi lau mồ hôi đã kéo dài lớp son phấn chảy trên mặt, "cô đào" Ganita (tên thật là Huy Điền) thẹn thùng khi được hỏi về quá khứ. Đồng hành cùng Nghĩa suốt 6 năm, thế nhưng đến năm 2021, Điền mới lần đầu đảm nhiệm vai trò Drag Queen để "sống thật" với chính mình.
"Năm 18 tuổi, em buộc chọn con đường vào đại học theo ý nguyện gia đình. Nhưng đó cũng là chuỗi thời gian không niềm vui! Cuối cùng ban ngày em đến trường, tối lại trốn đi diễn…" - Huy Điền kể.
Sang năm 2 đại học, Điền bảo lưu kết quả học tập. Một buổi chiều, cậu quay trở về quê, nằm trong lòng mẹ: "Mẹ ơi! Con không học được…". Đó cũng là lần đầu tiên người mẹ nhìn thẳng vào những clip con nhảy và chấp nhận ước mơ của con.
"Năm trước, em bắt đầu tập làm Drag Queen lần đầu, không ngờ được khách thích thú. Bây giờ, em chỉ mong mình sẽ sống tốt để chứng minh lựa chọn của mình đúng và ba mẹ không bao giờ phải đau buồn" - Điền cười.
Buổi biểu diễn tại Human Night Club (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã bắt đầu hơn 2 phút. Nàng tiên cá cuối cùng vẫn bị mắc vào chiếc bẫy tình ái và chàng hoàng tử vẫn nhẫn tâm chặt đứt chiếc đuôi thần, khiến khán giả tiếc nuối vô ngần.
Trong lúc Huy Điền lui về sau, sàn trơn trượt khiến cậu ngã từ bục sân khấu cao 1 mét xuống đất. Thế nhưng, trong mắt toàn bộ khán giả, tất cả chỉ là một phần chiêu trò trong màn biểu diễn rằng chàng hoàng tử độc ác buộc phải trả giá. Giấu cơn đau, Điền tiếp tục lên sân khấu, nhảy trong tiếng vỗ tay không ngớt.
"Đã làm cái nghề này thì té, chảy máu, chấn thương,… đều trở thành điều bình thường" - Huy Điền cười, bên dưới cánh tay của cậu và bạn diễn nữ một mảng da đã rách toạc, tươm máu.
Trưởng đoàn Lê Nghĩa cho biết, Drag Queen trên thế giới đơn thuần là hoạt động hóa trang để biểu diễn lip-sync. Thế nhưng khi loại hình này du nhập về Việt Nam, khách hàng không dễ tiếp nhận, thậm chí chửi họ hát hò linh tinh. Vì vậy, để có nhiều show diễn thu hút khách, hầu hết các Drag Queen hộp đêm buộc phải sử dụng nhiều chiêu trò như xiếc, ảo thuật, bắn pháo, múa lửa… Và tất cả đều đánh cược bằng máu và tính mạng!
2 năm trước, "cô đào" Luna Hoàng Vương được giao đảm nhiệm phần drop (nhảy từ trên cao-PV) cho phần kết màn. Thế nhưng, thời điểm đang rơi xuống đất, bạn diễn không tránh kịp khiến Vương đập toàn bộ lưng vào sàn nhà. Gắng gượng thêm 10 giây cho đến khi vào cánh gà, 2 chân Vương đã run rẩy, đột ngột ngất xỉu, buộc phải nhập viện gấp.
"Chỉ vài phút tỏa sáng có khi tụi em đánh đổi rất nhiều, ít nhất ai cũng từng một lần chấn thương. Bình thường nhìn xinh đẹp thế này, chứ bên trong là băng keo dán tóc, đệm mút, nẹp quanh người… Đêm nào trở về nhà mở ra cũng siết đỏ tấy…" - Lê Nghĩa nói rồi chỉ tay vào 3 vết sẹo lồi.
3 năm trước, Nghĩa được một quán bar ở quận 1 yêu cầu thực hiện màn trình diễn bắn pháo ra từ ngực. Thế nhưng, hôm đó, ngòi pháo gặp lỗi, xịt lửa bắn ngược vào da thịt khiến cả đoàn hốt hoảng. Riêng Nghĩa nhanh chóng lột đồ, cố tỏ ra ổn để tiếp tục cho đến khi nhạc tắt hẳng. "Mình không thấy đau, chỉ biết đã nhận tiền thì phải làm tới cuối. Khi vô trong phòng nghỉ thì da đã phỏng, phồng rộp…" - Nghĩa nhớ.
Sau đợt ấy, trên ngực Nghĩa có 3 vết sẹo lồi. Đêm đêm, khách vặn vẹo hỏi khiến "cô đào" càng buồn bã vì nó là điều cấm kỵ trong nghề ưu chuộng sắc đẹp. Trung thu 2020, Nghĩa quyết định xăm chồng lên sẹo hình con phượng hoàng lửa.
"Nó là biểu trưng của sự hồi sinh. Giống như em vậy đó, dù cùng cực, khó khăn đến đâu cũng không bao giờ gục ngã…" - Nghĩa cười
Vài năm gần đây, bằng sự cởi mở với cộng đồng LGBT, Sài Gòn trở thành mảnh đất phát triển nghệ thuật Drag Queen mạnh mẽ nhất. Đêm đêm, hàng nghìn cuộc vui chơi náo nhiệt trong các quán bar giúp những Drag Queen, "vedette" 0 giờ như Lê Nghĩa, Magic Quyên, Lolita… có thêm đất sống.
Thế nhưng, có một sự thật, tất cả vẫn thừa nhận rằng đến thời điểm hiện tại, nhiều Drag Queen chưa thể là công việc nuôi sống bản thân. Có nhiều đêm diễn họ buộc "bù lỗ" chỉ để sống đúng đam mê.
Ban ngày, trở về hình dáng đời thường, họ làm đủ trăm nghề: phục vụ nhà hàng, bán hàng online, nhân viên văn phòng, vũ công, tik-toker… Nhiều "cô đào" xen kẽ các buổi diễn quán bar, còn nhận hát lô tô ở các điểm vui chơi để có đủ chi phí trang trải. "Nếu không có nhà Sài Gòn, được bố mẹ nuôi, chắc chắn em không thể theo đuổi. Hồi trước, một show chỉ có 50.000 đồng, 100.000 đồng, nhưng ít nhất chúng em đã bỏ 3 tiếng trang điểm, 1 ngày tập nhảy…" - thành viên của đoàn Drag Queen Venus chia sẻ.
Giờ giấc oái oăm, thường kết thúc khi đã quá nửa đêm, đối mặt với hàng loạt sự nguy hiểm, kỳ thị, chửi bới, sàm sỡ… Thế nhưng, đối với họ, điều khiến Drag Queen đau khổ nhất là gia đình chưa bao giờ chấp nhận.
4 năm làm Drag Queen là 4 năm "cô đào" Phúc buộc lừa dối gia đình. Đến tận bây giờ, mẹ cậu vẫn nghĩ cậu đang là nhân viên văn phòng cho một công ty nước ngoài. Và mỗi đêm trước khi ra khỏi nhà, Phúc luôn nói dối: "Tối nay con tăng ca".
"Diễn xong là em ghé nhà người quen, tháo hết tất cả lớp hóa trang để trở về hình hài con trai đối diện gia đình. Ba má em chưa bao giờ chấp nhận cả! Nhưng không được lên sân khấu, đội tóc giả, phấn son cũng như cực hình nên em đành chấp nhận…" - Phúc kể.
Quá trình trò chuyện, tôi hỏi: "Nếu mẹ em đọc bài viết, mọi thứ sẽ như thế nào?". Cậu chỉ cười và lặng đi rất nhiều: "Đã hóa trang em đã thành người khác, em mong bá má không nhận ra. Nhưng nếu nhận ra, em chấp nhận đối diện vì chuyện này sớm muộn rồi cũng tới…"
0 giờ 10 phút, màn trình diễn cuối cùng đã kết thúc. Nàng tiên cá được biển cả cứu vớt, vực dậy từ bi thương mà tiêu diệt hoàng tử, nhấn chìm cả vương quốc xuống biển sâu. Cả không gian bị xé toạc theo vũ đạo bốc lửa kết màn của Lê Nghĩa, một vài khách ngỏ lời mời "cô đào" nán lại bằng cách dúi tờ tiền polymer vào trong áo ngực. Nhạc vừa nổi lên, cả đoàn Drag Queen vừa nhún nhảy, vừa vòng quanh mời rượu. Quay trở về phòng thay đồ, mồ hôi đã nhễ nhại trên gương mặt tất cả.
Nghĩa gọi đây là một đêm may mắn. "Vì mỗi buổi diễn kéo dài 10 phút, đôi khi tiền thuê trang phục và trang điểm phù hợp với yêu cầu của quán rất tốn kém. Những đồng tiền được boa khiến chúng em có thêm thu nhập" - Nghĩa nói rồi từ từ rút từ trong áo ngực tờ 100.000 đồng và 200.000 đồng ướt đẫm.
"Đó là tiền đổi cả máu và mồ hôi nên càng phải trân trọng" - cậu cười mỉm.
Gần 50 giờ đồng hành cùng Drag Queen Sài Gòn vào khung giờ đặc biệt của thành phố, giúp phóng viên đã được trải qua vô ngần cung bậc cảm xúc. Đó là sự trân quý tuổi trẻ đánh đổi để sống đúng đam mê, "sống thật" với bản thân của "cô đào" Huy Điền, Xuân Tâm. Là sự ngưỡng mộ suốt 6 năm cống hiến hết mình của Lê Nghĩa vì ước mơ: "Một ngày nào đó khách sẽ xem tụi em là nghệ sĩ, Drag Queen là bộ môn nghệ thuật".
Là niềm xót thương khi chứng kiến những vệt máu, vết bầm tím, sẹo… trên cánh tay, vai, đôi chân, khuôn mặt. Và cuối cùng là vỡ òa hạnh phúc trong đêm nghe Luna Hoàng Vương kể, năm trước bố mẹ cậu bí mật ghé một quán bar. Lần đầu chứng kiến cậu trong hình hài nữ giới, nhún nhảy theo nhạc lúc 0h, người mẹ đã reo vui: "Đấy! Con trai tôi đấy, con trai tôi giỏi thế đấy!".
***
2 giờ sáng, tất cả nhanh tay tháo lớp hóa trang, đầu tóc giả, bộ quần áo.. rồi lũ lượt kéo vali ra chiếc taxi. Ngồi trên ghế, Lê Nghĩa lấy ổ bánh mì mua vội từ cửa hàng tiện lợi chia cho tất cả.
Đó là bữa ăn đầu tiên trong hôm nay. Lúc 2 giờ sáng. Trên con đường trở về Sài Gòn…
Nội dung: Huy Hậu
Thiết kế: Đỗ Diệp
Ảnh: Hải Long
Video: Phương Nhi.