Người dân lập barie chặn xe máy ở Hà Nội: "Khổ sở vì ồn ào, tắc đường"
(Dân trí) - Gần 2 năm nay, ông T., 76 tuổi, sống tại ngõ 126 phố Thượng Đình, phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi từ xe cộ qua lại, khiến cơ thể mệt mỏi, đầu óc đau nhức, thậm chí mất ngủ.
"Giờ cao điểm chẳng có chỗ đặt chân xuống đường"
Ông T. sống tại ngõ 126 phố Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) gần 70 năm nay. Ở tuổi xế chiều, cuộc sống của ông gặp nhiều đảo lộn vì xe cộ đi lại, ô nhiễm tiếng ồn lẫn ô nhiễm khói bụi. Ông T. thường bị đau đầu, không ngủ được vì xe cộ tấp nập qua lại liên tục trước nhà vào giờ cao điểm.
Chiều 25/11, ngồi trước cửa nhà, nhìn dòng xe qua lại, ông T. lắc đầu ngán ngẩm: "Mới 15h30 thôi, xe còn ít, chứ tầm 17h30 thì chẳng còn chỗ mà đặt chân xuống đường", ông nói.
Từ khi khu vực Ngã Tư Sở được phân luồng lại giao thông, lượng xe đi qua ngõ nhà ông tăng gấp 4-5 lần. Khung giờ cao điểm 7h hay 17h30, tiếng xe máy cùng khói bụi làm ông đau đầu, đôi lúc còn nghe tiếng cãi nhau khi các xe va chạm ngay trước cửa nhà.
"Xe cộ đông quá, nối đuôi nhau trong ngõ hẹp, ngoằn ngòeo. Có khi xe ba bánh cũng chen vào chặn hết lối đi", ông T. chia sẻ.
Ông kể thêm, nhiều lần xe va vào góc nhà làm vỡ tường, buộc ông phải ốp lại gạch mới. Buổi chiều, xe cộ đông đến mức có lúc không thể xuống khỏi nhà hay mở cửa ra ngoài.
Ông T. cho rằng ai cũng có nhu cầu đi lại, bởi đường là của chung, không thuộc sở hữu riêng. Dù sát nhà, ông cũng không thể cấm cản người khác đi qua. Tuy nhiên, nếu không lắp rào chắn, người chịu khổ lại chính là dân trong ngõ.
"Chúng tôi biết họ chỉ đi qua vào một số giờ nhất định. Nhưng nếu không chặn barie, dân trong ngõ muốn đi làm cũng chẳng thể ra khỏi nhà", ông T. than thở.
Trước tình trạng này, người dân tại các ngõ 14, 44, 58 Thượng Đình (khu dân cư Cơ khí 2B) và 94, 126, 144 Thượng Đình (khu Cơ khí 2A) thống nhất lắp barie chặn xe vào giờ cao điểm để giảm ùn tắc và tiếng ồn.
Tuy nhiên, giải pháp này gây nhiều tranh cãi. Một số người đồng tình, nhưng phần lớn cho rằng việc chặn đường là không hợp lý. Người dân trong những ngõ này vì thế cũng trăn trở, không biết nên giải quyết ra sao để vừa đảm bảo cuộc sống gia đình, vừa không ảnh hưởng đến người khác.
Anh Huy (30 tuổi) - nhân viên giao hàng - thường xuyên đi qua ngõ 126 Thượng Đình để di chuyển ra đường Nguyễn Trãi, cho biết việc lắp rào chắn khiến anh phải đi vòng gần 1km qua đường Trường Chinh, mất thêm 15-20 phút trong giờ cao điểm.
Biết vi phạm nhưng vẫn dựng rào chắn
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổ trưởng tổ dân phố số 8, khu Cơ khí 2A, cho biết tổ có gần 300 hộ dân sống tại hai ngõ 126 và 144.
Việc dựng barie được sự thống nhất của người dân trong khu vực. Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi, hôm 25/11, tổ dân phố số 8 quyết định mở barie vào giờ cao điểm để thử nghiệm, trong khi các tổ khác vẫn đóng rào để xem xét tình hình mật độ xe.
Theo bà Hương, người dân trong các con ngõ không muốn lắp rào chắn vì lo ngại ảnh hưởng đến giao thông. Tuy nhiên, họ lại rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ngõ nhỏ bỗng chốc trở thành đường lớn khi nhiều người chọn đi tắt qua đây để tránh tắc đường ở Ngã Tư Sở.
Tình trạng này khiến cuộc sống trong ngõ bị đảo lộn, trẻ nhỏ thường xuyên trễ học, người già đi chợ dễ bị xe quẹt ngã, thậm chí kéo lê cả đoạn. Chính bà Hương cũng từng bị xe va chạm khi đang đi bộ trong ngõ.
"Xe vào ngõ đông đến mức không thể nhích nổi, người dân muốn đi làm cũng chẳng ra khỏi nhà được", bà Hương nói.
Tổ trưởng tổ dân phố số 8, cho hay từ năm 2021, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng trong các ngõ khiến tổ dân phố số 1 phải dựng rào chắn. Xe bắt đầu đổ sang ngõ nhà bà, đầu năm 2022, các tổ dân phố xin ý kiến phường để chặn xe trong một giờ vào buổi sáng.
Tuy nhiên, đây chỉ là thỏa thuận miệng, không có văn bản chính thức. Dù việc lắp rào chắn khiến người dân trong ngõ bất tiện, nhưng mọi người buộc phải thích nghi để đảm bảo an toàn cho người già và trẻ nhỏ.
"Mỗi ngõ giao một chìa khóa cho người đầu ngõ quản lý, mở ra đóng vào, và một số khóa giao cho cá nhân những người có nhu cầu đi sớm", bà Hương cho hay.
Từ ngày có thanh chắn cuộc sống của người dân trong ngõ đỡ khổ hơn. Tuy nhiên việc này cũng gặp phải một nhóm người phá phách, dăm bữa, nửa tháng lại ra đập rào chắn, đổ keo vào các ổ khóa.
"Tổ dân phố cứ sửa thì lại có người phá. Nhưng nếu không dựng lại, lượng xe vào ngõ sẽ tăng lên không kiểm soát được. Chỉ ít hôm rào chắn hư, lượng phương tiện lại đổ vào ngõ đông ngùn ngụt, không thể nhích nổi. Hàng đoàn người và xe xếp dài dằng dặc, không đi được vì ngõ bé", bà Hương nói.
Bà Hương khẳng định, rào chắn chỉ là giải pháp tạm thời và người dân trong ngõ chỉ chặn đường 1 tiếng từ 7h đến 8h vào các ngày đi làm, còn cuối tuần để xe cộ tự do lưu thông.
Dù biết việc này không đúng quy định, nhưng trước những khó khăn hiện tại, người dân không còn cách nào khác. "Chúng tôi cũng khổ vì bụi, tiếng ồn, tắc đường và tai nạn. Nếu không có đường khác để đi, sao chúng tôi dám chắn?".
Bà Hương cho biết thêm, tắc đường khiến nhiều nhà phải thay cửa sắt bằng cửa cuốn vì không thể mở nổi cánh cửa để ra ngoài. Dù tình trạng buổi sáng đã được cải thiện, nhưng chiều tối xe cộ vẫn đổ về đông đúc, gây áp lực không kém từ khung giờ 17h30.
Vấn đề ùn tắc tại các ngõ nhỏ quanh khu vực Thượng Đình là bài toán khó. Các con ngõ 14, 44, 58, 94, 126, 144 vốn nhỏ hẹp, không thiết kế để phục vụ lưu lượng xe lớn. Tuy nhiên, vì nhiều người muốn đi đường tắt tiết kiệm thời gian, những ngõ này đã trở thành tuyến "đường chính" của nhiều người khi đi từ Thượng Đình ra Nguyễn Trãi hay lên hướng Tây Sơn (Đống Đa).
Bà Hương nhấn mạnh: "Ai cũng muốn đi nhanh, còn chúng tôi chỉ mong được an toàn. Chúng tôi đã cố gắng chọn khung giờ hợp lý nhất để hạn chế ảnh hưởng đến mọi người. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm có giải pháp để giảm tải giao thông tại khu vực này".
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện UBND phường Thượng Đình cho hay, việc chặn barie của người dân là không đúng quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương không cho phép hành vi này. Tuy nhiên, nếu không đóng barie thì hàng nghìn người dân trong khu dân cư bị ảnh hưởng.
"Việc người dân lắp đặt barie vào giờ cao điểm xuất hiện từ năm 2021, đến nay đã gần 3 năm. Có một số lần phường Thượng Đình nhận được phản ánh của người dân và đã tiến hành giải quyết. Sau đó chúng tôi không thấy có ai có ý kiến gì thêm nên các barie vẫn tồn tại từ trước đến. Thời gian gầy đây, việc lập barie chắn ngõ lại được nhắc tới và quan tâm bàn luận.
Trong tuần này, chúng tôi sẽ họp cùng các cơ quan chức năng để tìm ra giải pháp triệt để, vừa đúng pháp luật vừa giải quyết được khó khăn cho người dân trong các ngõ nhỏ.
Chúng tôi cũng sẽ làm việc với lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao, thậm chí báo cáo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nếu cần để việc phân luồng phân tuyến hợp lý hơn", đại diện UBND phường Thượng Đình cho hay.