Ngôi đền giải oan linh thiêng hàng trăm năm tuổi nằm ven biển Đồ Sơn
(Dân trí) - Đền Bà Đế là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng của người dân miền biển Đồ Sơn, được xây dựng tựa vào chân núi Độc, hướng mặt ra biển lớn bao la.
Đền Bà Đế thuộc phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Nơi đây cũng là một chứng tích lịch sử liên quan đến triều đại suy vong đời thứ bảy của chúa Trịnh.
Lễ hội Đền Bà Đế được diễn ra hàng năm vào 3 ngày 24, 25, 26 tháng 2 Âm lịch. Trong đó, ngày 24 và ngày 25 là lễ tạ Đức Bà, ngày 26 sẽ là khai xuân và cúng cơm tại Đền.
Ngôi đền thu hút rất đông người dân và du khách gần xa tìm tới chiêm bái, ngắm cảnh, cầu tài lộc mỗi dịp đầu xuân năm mới.
Du khách tới thăm Đền Bà Đế thường được nghe câu chuyện về cuộc đời bi thương của người con gái hồng nhan bạc phận được tưởng thờ tại đây, đó là bà Đào Thị Hương (tức Bà Đế).
Theo tương truyền, vào năm 1718 ở phía đông nam vùng Ngọc Ðồ Sơn có đôi vợ chồng họ Ðào, sinh ra một người con gái đặt tên là Ðào Thị Hương. Từ lúc sinh ra cho đến khi lớn lên, người con gái ấy luôn tỏa ra mùi hương thơm ngát.
Có một ngày Chúa Trịnh Giang đi kinh lý Ðồ Sơn, khi dạo thắng cảnh đã xúc động trước tiếng hát truyền cảm cùng vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Ðào Thị Hương. Chúa yêu mến và quyến luyến không rời. Một thời gian sau, bà mang thai, Hàng Tổng biết chuyện và bắt bố mẹ bà phải nộp phạt. Nhưng vì nhà nghèo không có tiền nộp phạt, Hàng Tổng đem bà dìm xuống biển.
Về sau, người dân trong vùng vẫn nghe tiếng bà than khóc trong gió biển: "Khi nào dây mục, cối tan thì mối hận thù này mới được gỡ bỏ". Sau này chúa Trịnh đã cho xây đền, lập đàn giải oan cho bà. Sự tôn nghiêm của ngôi đền bảo vệ ngôi làng khỏi những tên cướp biển và kẻ xấu.
Ngôi đền có cảnh quan thơ mộng, hùng vĩ với tầm nhìn hướng ra biển.
Đền Bà từng được vua Tự Đức về thăm và ban sắc phong "Đông Nhạc Đế Bà - Trịnh chúa phu nhân". Đồng thời, Vua Tự Đức xuất ngân lượng xây dựng mái đền nơi cửa hang để dân làng tiện cúng bái, chiêm ngưỡng và răn dạy con cháu.
Đền Bà Đế có cấu trúc đơn giản nhưng trang nhã. Chính điện của Đền là nơi thờ Bà Đế và cha mẹ bà. Bên trái chính điện là bệ thờ Vua Biển. Cạnh đó là nơi thờ Vua Đất, Vua Núi và chúng sinh. Bên phải gian chính là bàn thờ Tam Tòa Thánh Mẫu - ba vị nữ thần cai quản đất trời sông núi. Đối diện với bàn thờ Tam Tòa Thánh Mẫu là bàn thờ Phật và Đức Đại Vương (Trần Quốc Tuấn) - danh tướng thời Trần.
Ngay trước sân đền là hình ảnh một chiếc thuyền, trên đó có tượng Bồ Tát, xung quanh là hình rồng tôn nghiêm.