Chàng trai dạy học online, vẽ tranh và viết hồi ký 800 trang bằng... miệng
(Dân trí) - Bị tai nạn lúc 15 tuổi, anh Long trở thành người tàn phế, đặt đâu nằm đó. Vượt lên số phận, chàng trai này vẽ tranh, sáng tác thơ, viết hàng trăm trang nhật ký và dạy học online bằng miệng của mình.
Anh Phạm Sỹ Long năm nay 34 tuổi, quê ở thôn Hợp Thuận, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Khi mới sinh ra, anh Long khỏe mạnh bình thường như bao cậu bé khác. Năm 15 tuổi, trong một lần đi chăn bò ngoài đồng, cậu bé Long đã trèo lên cây và không may bị ngã xuống đất. Tai nạn khiến Long bị gãy dập cổ, liệt toàn thân. Gia đình từng đưa anh Long đi chữa trị nhiều nơi nhưng không được.
Chữa trị bất thành, các bộ phận trên cơ thể anh Long mãi bất động, trừ phần đầu. Mọi sinh hoạt, chàng trai này phải nhờ đến người thân hỗ trợ, đặc biệt là mẹ.
"Ban đầu, tôi bị khủng hoảng tâm lý nặng. Mãi về sau, tôi mới lấy lại được tinh thần vui vẻ, lạc quan như xưa", anh Long kể.
Đến năm 2006, anh Long tình cờ phát hiện miệng mình khá khéo léo khi có thể ngậm que đũa để nhấn nút điều khiển tivi và nhắn tin điện thoại.
Cũng trong khoảng thời gian này, anh Long biết đến các câu chuyện về nghị lực khi có người cùng hoàn cảnh như mình nhưng họ có thể làm được nhiều việc như viết, vẽ,... Điều đó khiến anh Long có thêm niềm tin yêu và sống với quyết tâm "tàn nhưng không phế".
Từ năm 2007, anh Long bắt đầu ngậm bút để viết. Ban đầu, anh tập viết nguệch ngoạc tên mình rồi tên người thân. Vì chưa quen, anh Long thấy đau buốt, mỏi cổ, ê răng. Không bỏ cuộc, chàng trai này luyện tập từng ngày và sau đó thành công. Khi mọi thứ thuần thục hơn, anh Long sáng tác thơ, vẽ tranh, viết truyện và nhật ký đời mình.
Suốt hơn 10 năm miệt mài, anh Long đã vẽ được hơn 60 bức tranh và sáng tác 366 bài thơ. Đặc biệt, năm 2013, anh xuất bản tập thơ đầu tay với chủ đề "Miền khát vọng", kể về chính cuộc đời mình. Năm 2020, anh Long xuất bản cuốn truyện dài hơn 100 trang mang tên "Không chỉ là giấc mơ", có nội dung về tình yêu đôi lứa.
Việc bán được thơ và truyện ngắn khiến anh rất vui vì kiếm được thu nhập. Cùng với đó, chàng trai đầy nghị lực này đã hoàn thành 4 quyển hồi ký với hơn 800 trang.
Hiện nay, mỗi buổi sáng, anh Long đều thưởng thức một ly cà phê pha loãng.
Sau đó, anh Long làm việc, trao đổi với mọi người qua mạng xã hội rất thuần thục. Điện thoại, điều khiển tivi đều được buộc lên chiếc ghế cũ kỹ, vừa tầm với khuôn mặt để anh dễ dàng sử dụng.
Anh Long kể, năm 2021, anh tham gia các khóa luyện giọng nói, MC, đào tạo diễn giả qua mạng. Sau khi "tốt nghiệp", chàng trai mở khóa đào tạo để truyền lại kiến thức, kỹ năng được học cho mọi người, không kể lứa tuổi, hoàn cảnh. Những người khuyết tật được anh Long đào tạo miễn phí.
Tiếng lành đồn xa, học viên xin đăng ký học ngày càng nhiều. Đến nay, số học viên được anh Long đào tạo đã lên đến 80 người. Hàng ngày, "thầy giáo" Long sẽ sử dụng Ipad giảng dạy online.
Trong sinh hoạt, ăn uống hay có nhu cầu đi ra ngoài, anh Long cần có sự hỗ trợ của người thân và chiếc xe lăn.
Anh Long nói có rất nhiều câu châm ngôn về cuộc sống nhưng anh yêu thích nhất câu nói "Không quan trọng bạn sống được bao nhiêu lâu mà quan trọng khi ra đi, bạn để lại được gì cho cuộc đời này".
"Vì thế, phương châm sống của tôi là hãy sống như ngày mai sẽ chết, để hôm nay, sống hết mình với đam mê và ngọn lửa nhiệt huyết của mình", chàng trai đầy nghị lực chia sẻ.
Với ý chí và nghị lực vượt lên nghịch cảnh, vừa qua, anh Phạm Sỹ Long là một trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022", do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức (Ảnh: Nhân vật cung cấp).