DMagazine

Chàng trai Ý nói tiếng Việt lưu loát, kể chuyện văn hóa Việt bằng biển hiệu

(Dân trí) - Những tấm biển hiệu sờn cũ, các bức tường phủ màu thời gian nhưng còn in hằn chữ viết tay… Tất cả đã được Andrea Gallo ghi lại qua máy ảnh của mình.

Andrea Gallo thực hiện cuộc phỏng vấn khi anh đang công tác tại Uzbekistan. Xuyên suốt buổi trò chuyện, anh nhiều lần nhắc về Hà Nội cùng lời hứa: "Sẽ trở về nơi này, ngay khi có thể".

Bởi dù đi đâu, những ký ức dịu dàng về con người thủ đô, về đồng lúa chín, về bãi bồi ven sông hay vị ngọt đắng của ly cà phê phố cổ… vẫn luôn theo anh.

Chàng trai Ý nói tiếng Việt lưu loát, kể chuyện văn hóa Việt bằng biển hiệu - 1

Mùa thu năm 2012, Andrea Gallo lần đầu đến Hà Nội bằng học bổng của trường Đại học L'Orientale. 

Những tuần đầu tiên, cái nóng bỏng rát của Hà Nội đã làm Andrea toát mồ hôi, căn bệnh nấm da trở nên nghiêm trọng hơn. Những đốm màu đỏ trên da đã xuất hiện từ khi anh còn ở Ý. Chàng trai đã từng đến Viện Da liễu tại thành phố Rome, trả 70 euro (khoảng 1,8 triệu đồng) cho 5 phút khám cùng bác sĩ. Cuối cùng, họ kết luận anh không thể chữa dứt điểm bệnh. 

Tuy nhiên, ở Việt Nam, một bác sĩ tốt bụng đã cho Andrea phương pháp chữa trị gồm hai loại thuốc uống cùng túyp kem bôi da. "Nấm đã biến mất sau hai tuần, thật tuyệt vời. Tôi cảm kích sự giúp đỡ đó".

Chàng trai Ý nói tiếng Việt lưu loát, kể chuyện văn hóa Việt bằng biển hiệu - 3

Andrea kể, anh lớn lên trong nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân, điều này hoàn toàn khác với những gì anh cảm nhận ở Việt Nam. 

"Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn ở Hà Nội. Khi lang thang trên vỉa hè, bạn luôn gặp những người mà họ sẵn sàng ngồi uống trà và trò chuyện cùng bạn. Trở về nhà, mọi người ngồi cùng nhau trên chiếc bàn, gắp cùng đĩa thức ăn và rôm rả nói cười. Họ cũng trân trọng sự sum vầy, đoàn viên dịp lễ Tết. Tôi yêu bức tranh văn hóa cộng đồng ấy", anh chia sẻ.

Theo Andrea, Hà Nội có nhiều nét tương đồng với Napoli, quê hương anh. Đó là thành phố lớn thứ ba của nước Ý, nơi có những cụ già chơi thể thao từ sáng sớm rồi cùng con cháu đạp xe đến trường học. Những học sinh ngồi bậc thềm buôn chuyện và chơi đùa trong giờ nghỉ. 

Andrea chia sẻ: "Thời gian đầu ở Việt Nam, tôi cảm thấy hạnh phúc đến nỗi phải đăng ký ngay một khóa học Karate để tham gia vào sinh hoạt chung với họ. Dù trước đó, tôi là người chưa từng chơi bất kì môn thể thao nào".

Ngược lại với hầu hết những sinh viên Ý, anh thích giao thông ở Hà Nội. Dù đôi khi, anh phải mắc kẹt hàng giờ liền trong dòng người giờ tan tầm. Ở Ý, Andrea lái chiếc Vespa, loại xe tay ga phổ biến nhưng ở Việt Nam, anh học cách lái Honda Dream, chiếc xe số có bàn đạp. 

Chàng trai Ý nói tiếng Việt lưu loát, kể chuyện văn hóa Việt bằng biển hiệu - 5

"Napoli giống với Hà Nội về những con đường chật ních người và xe. Tuy nhiên, tôi đã học được hai điều cơ bản. Thứ nhất, bạn luôn phải giữ bình tĩnh. Thứ hai, hãy cố gắng bao quát tầm mắt trên đường", Andrea chia sẻ.

Suốt 6 năm ở Việt Nam, Andrea đã thay đổi nhiều, kể cả ngoại hình và tâm hồn. Anh luôn được đáp lời khi trò chuyện ngẫu nhiên với ai đó trên hè phố, anh cười nhiều hơn và cảm thấy yêu đời. Và, những món ngon trải dọc từ Bắc chí Nam đã khiến anh… mập lên vài kí, thay đổi cả bộ râu quai nón thường thấy của những chàng trai Ý.

Andrea quyết định gắn bó với Việt Nam, trở thành giảng viên khoa tiếng Ý của trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Anh bắt đầu tổ chức một số buổi học đàm thoại với câu lạc bộ. Đồng thời, Andrea cũng đăng ký cho mình một khóa học tiếng Việt.

Chàng trai Ý nói tiếng Việt lưu loát, kể chuyện văn hóa Việt bằng biển hiệu - 7

 "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam", Andrea cười, nói về cảm nhận của mình về việc học tiếng Việt. Lúc bắt đầu hành trình, bạn bè của anh chàng tò mò hỏi: "Sao lại học tiếng Việt, bạn cần nó để làm gì?". 

Chàng trai chỉ đáp: "Tôi học vì tôi thích". 

So với các ngôn ngữ châu Âu, tiếng Việt không chia động từ, không "phân giống cái, giống đực" hay danh từ số nhiều… Tuy nhiên, thanh điệu thực sự là thách thức lớn đối với người phương Tây. 

Chàng trai bắt đầu nghe nhạc Đen Vâu, Lệ Quyên… Anh học cách dịch các biển hiệu ở khắp Hà Nội, trò chuyện với người bán cà phê, chơi cờ tướng, đánh tam cúc với ông chú hàng xóm. Họ giúp anh phát âm chính xác hơn, khuyến khích và dành lời ngợi khen cho anh. 

Chàng trai Ý nói tiếng Việt lưu loát, kể chuyện văn hóa Việt bằng biển hiệu - 9

Anh chia sẻ: "Đối với tôi, những sự giúp đỡ này rất quý giá. Và tôi đảm bảo với bạn, không phải ở đâu cũng được như thế". Hơn hết, anh muốn thực sự hiểu về Việt Nam. Là giáo viên dạy ngôn ngữ, Andrea luôn cho rằng tiếng nói và văn hóa luôn phải song hành cùng nhau. 

"Hãy tưởng tượng mà xem, nếu bạn không hiểu văn hóa Việt Nam, bạn sẽ dịch thuật ngôn ngữ như cỗ máy. Hay nói cách khác, bạn sẽ đọc tiếng Việt giống bản dịch Google. Đối với tôi, tiếng Việt hay ho khi liên quan đến con người, có sự ngọt ngào, có nhịp điệu, có biểu cảm, có những chuyển động của cơ thể", Andrea khẳng định. 

Chàng trai người Ý cũng cho rằng, nếu học vì ngôn ngữ vì nghĩa vụ, bạn có thể vượt qua kỳ thi nhưng nhanh chóng quên đi sau đó. Nếu học vì niềm yêu thích, bạn sẽ nhớ lâu nhất có thể. 

Sau 6 năm học tiếng Việt, anh đã có thể nói lưu loát. Anh có thể tự giới thiệu bản thân, dừng xe bên đồng lúa chín, hỏi thăm bác nông dân hay ngồi tán gẫu với bạn bè ở phố cổ. 

Chàng trai Ý nói tiếng Việt lưu loát, kể chuyện văn hóa Việt bằng biển hiệu - 11

Andrea kể, từ bé anh đã có sự nhạy cảm và tò mò về chữ viết và văn hóa nước ngoài. Khi đến Việt Nam, anh đặc biệt chú ý đến biển hiệu sờn cũ, được chủ nhân nắn nót viết chữ "sửa xe, photocopy, nơi đậu xe, cho thuê phòng trọ, bán tào phớ, cắt tóc"… 

Đôi khi, anh "vỡ òa" sung sướng khi phát hiện bức tường cũ, trên có viết câu khẩu ngữ "Toàn dân đoàn kết", "Xây dựng nông thôn mới", "Thực hiện tốt đảm bảo an toàn giao thông đô thị"... Đa phần, những bức ảnh được Andrea chụp trong hành trình phượt tại Sapa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Nam Định, Đồng Hới (Quảng Bình)… 

Trong số đó, anh yêu nhất bức ảnh chụp bức tường có dòng chữ "Anh Chung cắt tóc". Những nét chữ mềm mại, sơn màu xanh đỏ, vẽ thêm hai bông hoa tươi thắm đã thật sự gây ấn tượng cho Andrea. 

Anh kể: "Đó là một buổi chiều nắng dịu dàng, tôi lái xe máy lang thang Nam Định. Bức tường nằm dưới tán cổ thụ, lá cây in bóng trên tường, xa xa tôi vẫn nghe tiếng hát chèo văng vẳng.

Tôi tìm thấy bức tường đó trong một không gian ấm áp, bình lặng theo kiểu Việt Nam. Tôi không gặp được người chủ bởi họ đã đóng cửa tiệm. Tuy nhiên, tôi chắc hẳn anh ta là "họa sĩ" tài ba mới có thể tạo ra biển hiệu đầy sống động như thế".

Chàng trai Ý nói tiếng Việt lưu loát, kể chuyện văn hóa Việt bằng biển hiệu - 13

Lần khác, khi đang đạp xe ở ngoại ô Hà Nội, anh nhìn thấy tấm biển có chữ: "Vẽ tường" nên dừng lại hỏi thăm. Người dân chỉ anh vào xưởng vẽ của một nghệ nhân thư pháp. Ngồi xuống chuyện trò, anh mới nhận ra người này là tác giả của nhiều biển hiệu nghệ thuật trên tường mà anh đã chụp trong nhiều năm. 

"Anh ấy có một cuộc đời thật tuyệt vời. Anh khởi nghiệp với vai trò là người viết thư pháp trong các bộ phim. Công việc này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, thể hiện được "linh hồn" văn hóa Việt Nam.

Đằng đẵng mấy mươi năm, anh ấy vẫn cần mẫn với công việc, thể hiện nó trên các bức tường, biển quảng cáo. Giữa thời đại cạnh tranh gay gắt với mỹ thuật công nghiệp, họ vẫn làm nghề tâm huyết và quyết không để nó mai một", Andrea kể. 

Chàng trai người Ý đã đăng tải bộ sưu tập ảnh biển hiệu lên trang Instagram mang tên eyesonvietnamproject (dự án Việt Nam-PV) như một cách thể hiện tình yêu. Mỗi bức ảnh anh đăng tải đều nhận được nhiều lượt like (yêu thích), thậm chí rất nhiều người bạn nước ngoài còn bày tỏ "họ đã yêu Việt Nam nhờ những bức ảnh sinh động của Andrea".

"Ban đầu, tôi làm vì niềm vui, không có mục đích, không có dự án đằng sau và cũng không tự hỏi bản thân tại sao lại chụp nhiều như thế. Tuy nhiên, sau thời gian "nuôi dưỡng" trang Instagram này, tôi biết rằng mình muốn kể câu chuyện của Việt Nam", Andrea nói.

Hiện tại, "góc nhỏ" của Andrea có tổng cộng 121 bức ảnh, chú thích nơi chụp ảnh, nội dung bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Ý. Các bức ảnh nhận được sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Họ xem chúng như "tác phẩm nghệ thuật" trên đường phố.

Chàng trai Ý nói tiếng Việt lưu loát, kể chuyện văn hóa Việt bằng biển hiệu - 15

Nhiều người nước ngoài "dạo quanh" Instagram cũng tò mò về những bức ảnh của anh. Họ bình luận: "sao thú vị quá", "nét chữ mềm mại, sống động", "tuyệt vời"... Một số người đã nhắn tin cho Andrea hỏi về thăm về địa điểm chụp các tấm biển xanh, đỏ, nắn nót chữ viết tay. Đa phần, họ là những sinh viên ngôn ngữ, người yêu nghệ thuật Việt Nam.

Thi thoảng, anh vẫn nhận được những bức ảnh đóng góp từ người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, có cùng niềm đam mê. "Gửi tặng bạn bức ảnh này, nó làm tôi cảm thấy Việt Nam thật đẹp", một người Mỹ gửi cho Andrea, thông qua trang Instagram.

Trước đó, có khoảng 20 bức ảnh của Andrea cũng đã được gửi đến triển lãm ảnh tại Đại sứ quán Ý tại Hà Nội. 

Dù đã chuyển công tác, chàng trai nước Ý vẫn luôn duy trì việc đăng tải những bức ảnh này. Andrea cho biết, điều đó khiến anh cảm thấy như mình vẫn đang ở Việt Nam để tiếp tục du lịch và nghiên cứu. 

Mỗi khi nhìn thấy bức ảnh này, Andrea Gallo cảm thấy như được nhắc nhớ về những ký ức êm đềm ở Việt Nam. Lúc đó, anh đạp xe trên con đường dài xuyên qua miền quê hay thả mình vào sự tĩnh lặng trong một ngôi chùa nằm nép mình ở triền núi.

"Việt Nam đợi tôi nhé, tôi sẽ trở lại", Andrea nói, trước khi kết thúc buổi phỏng vấn. 

Lời tòa soạn: Không phân biệt màu da, tiếng nói, quốc tịch, nhiều người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam những năm qua đã gắn bó, yêu thương vùng đất này như chính quê hương của mình.

Với trái tim chân thành, họ đóng góp và cống hiến cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, ẩm thực, đến du lịch, giáo dục, môi trường.

Hơn ai hết, họ luôn coi Việt Nam là nhà, để kể câu chuyện chân thật nhất về đất nước này đến bạn bè quốc tế.

Báo điện tử Dân trí trân trọng giới thiệu đến quý độc giả tuyến bài Việt Nam là nhà, giới thiệu những người bạn quốc tế âm thầm truyền cảm hứng sống đẹp giữa dòng chảy cuộc sống hiện đại.

Bài 4: CEO 9X Đan Mạch khởi nghiệp ở Việt Nam: "Tôi cống hiến vì ngôi nhà thứ 2"

Bài: Ngọc Ngân

Thiết kế: Tuấn Huy