Nóng chuyện cần 100.000 tỷ đồng tăng lương trong tuần qua
(Dân trí) - Chuyên gia nói về việc chi 100.000 tỷ đồng tăng lương, nguy cơ hàng triệu người Việt mất việc vì người máy, sầu lòng khi Tết đến mà thất nghiệp… là thông tin việc làm hấp dẫn trên Dân trí tuần qua.
"Cần 100.000 tỷ đồng tăng lương, cố thực hiện dễ thành... lợi bất cập hại"
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội, việc cải cách tiền lương như kế hoạch dự kiến sẽ tiêu tốn lớn, tăng khoảng 100.000 tỷ , dễ khiến đồng tiền mất giá, làm mất ý nghĩa của việc tăng lương, nếu cứ cố thực hiện…
Liên quan đến chủ trương lùi thời gian thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội nêu quan điểm thống nhất và chia sẻ với việc Trung ương một lần nữa phải quyết định chưa bắt đầu lộ trình tăng lương từ 1/7/2022 như dự kiến.
Ông Lợi nêu tình hình thực tế, cả nước đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn về ngân sách, về việc giải quyết những hậu quả to lớn của đại dịch Covid-19...
"Lực hút" nào cho lao động quay về thị trường trọng điểm kinh tế?
Hơn 1,3 triệu lao động về quê nhà trong thời gian qua. Để thu hút lại nhân lực ở các thị trường trọng điểm, lời giải sẽ tập trung vào mức lương, chất lượng nơi ở hay nguồn việc làm dồi dào?
Theo Cục Việc làm, lực lượng lao động quý III/2021 là 49.100 nghìn người, giảm 2 triệu người so với quý trước và giảm 2.200 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ở khu vực nông thôn giảm 1.400 nghìn người và ở khu vực thành thị giảm 583 nghìn người; giảm nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 857 nghìn người…
Hậu Covid-19: Hàng triệu người trẻ Việt có nguy cơ mất việc vì... người máy
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng: "Trước Covid-19, có những băn khoăn về việc đưa người máy vào Việt Nam. Nhưng sau dịch, tôi khẳng định hàng loạt người máy sẽ được tiếp nhận...".
Tại Hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức chiều 18/10, ông Hoàng Nam Tiến phân tích, thực tế mặt trái của kinh tế số là trong 5-7 năm nữa sẽ khiến hàng triệu người trẻ Việt đang có công ăn việc làm có nguy cơ mất việc.
"Chúng ta đã và đang nhìn thấy rất rõ 2,7 triệu công nhân may, 1,7 triệu công nhân giầy da, 1 triệu công nhân lắp ráp điện tử có nguy cơ mất việc trong vòng 10 năm tới", ông Tiến cho biết. Lý do rất đơn giản là do người máy thay thế!"…
Đề xuất thí điểm gói bảo hiểm Covid-19 cho lao động đi làm việc ở Hàn Quốc
Bộ LĐ-TB&XH vừa báo cáo Chính phủ về việc cho phép người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS được mua bảo hiểm Covid-19.
Đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, việc áp dụng chính sách có thể coi là giải pháp để kịp thời nắm bắt cơ hội gia tăng phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Giải pháp này còn tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế…
"Làm ngay việc hỗ trợ việc làm người về quê, đừng "ầu ơ ví dầu" nữa!"
"Người lao động ngoài tỉnh về quê đã có địa chỉ cụ thể, các địa phương phải có kế hoạch ngay để hỗ trợ, giúp họ có nhu cầu việc làm ", Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu yêu cầu.
Ngày 20/10, UBND TP Bạc Liêu đã có cuộc họp với Phòng LĐ-TB&XH thành phố và các xã, phường để bàn hướng giải quyết việc làm cho người lao động về quê tự phát thời gian qua và giao chỉ tiêu việc làm năm 2021.
Theo thống kê của UBND TP Bạc Liêu, vừa qua, có hơn 2.000 người ngoài tỉnh về địa bàn, đều được cách ly tập trung và tại nhà theo quy định. Sau cách ly, về nhà, những người này không có việc làm ổn định. Đây là một vấn đề mà địa phương phải giải quyết, tháo gỡ…
"Đỏ mắt" tìm người trong phiên giao dịch việc làm sau giãn cách xã hội
Ngày 22/10, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng tổ chức phiên giao dịch việc làm kết nối giữa doanh nghiệp với người lao động. Dù là phiên giao dịch việc làm đầu tiên được mở lại sau thời gian Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, người lao động đến phỏng vấn xin việc vẫn còn rất ít.
Ông Nguyễn Thanh Diệp - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc TP Đà Nẵng - cho biết, nhu cầu của các nhà tuyển dụng lớn nhưng người lao động đến phỏng vấn xin việc còn ít. Trong thời gian Đà Nẵng thực hiện quy định "ai ở đâu ở yên đó", nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động khoảng 30-70% công suất hoặc tạm dừng sản xuất. Một bộ phận lao động mất việc đã về quê chưa quay trở lại…
Người lao động trở lại TPHCM làm việc được hỗ trợ gì?
Người lao động ở các tỉnh muốn trở lại TPHCM làm việc sẽ được đưa đón miễn phí, tiêm vaccine, hỗ trợ tìm việc, hỗ trợ test Covid-19, hỗ trợ chỗ ở giá rẻ, nhà trọ "0 đồng"...
Tối 22/10, trong chương trình: "Dân hỏi - Thành phố trả lời" với chủ đề "Lao động - việc làm trong phục hồi sản xuất, kinh doanh" nhiều người thắc mắc về việc hỗ trợ người dân khi trở lại TPHCM. Thông tin về vấn đề trên, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm và Giám đốc TT Dịch vụ - Việc làm Thanh niên TPHCM cho biết, TPHCM sẽ làm tất cả để đón người lao động trở lại làm việc…
Thu nhập suy kiệt, người lao động chờ đợi chiến lược tốt về nguồn nhân lực
"Người lao động là lực lượng hàng đầu trong tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hiện cần được hỗ trợ mạnh mẽ vì việc làm, thu nhập của họ đang bị suy giảm mạnh, thậm chí suy kiệt", PGS, TS, Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu nhận định.
Cũng theo ông Trần Đình Thiên, việc làm và thu nhập của người lao động bị suy giảm mạnh, thậm chí suy kiệt, trong thời gian qua. "Chưa nói đến khía cạnh an sinh, ổn định chính trị - xã hội, nếu không vực được sức cầu của khu vực này, sẽ không thể phục hồi kinh tế". Ông cũng nêu quan điểm, các hỗ trợ phải có định hướng ưu tiên, mang tính trọng điểm rõ ràng hơn…
Ngày bán 30 tô phở mang về, chủ quán "bạc đầu" lo 30 triệu đồng mặt bằng
Qua 2 tuần mở cửa bán mang về, quán ăn của bà Thu (TPHCM) giảm 70% doanh thu so với trước dịch. Chủ tiệm phở phải cho nhân viên nghỉ hết vì lo cuối tháng không đủ tiền trả lương và mặt bằng.
Hơn 10 năm mở quán bún, phở trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú, TPHCM), chưa khi nào quán của bà Nguyễn Hoài Thu (59 tuổi) lại ế ẩm như bây giờ. Quán từng có 8 nhân viên nhưng bà đã cho nghỉ 6 người. Hai người còn lại làm ca để phụ dọn dẹp quán.
"Trước đây người ta mua về cũng nhiều, giờ không hiểu sao lại vắng đến thế. Có thể họ nấu ăn ở nhà cho an toàn, tiết kiệm. Có ngày ngồi từ sáng sớm đến 23h, tôi mới dọn hàng nhưng chỉ bán được 30 tô", bà Thu than thở…
Chàng kỹ sư Việt làm món ăn đối lập bà Tân Vlog gây "sốt" ở Nhật
Thời gian gần đây, việc chế biến những món ăn siêu "tí hon" của anh Lê Thanh Hiệu (SN 1990, quê ở Quảng Ngãi) đang làm kỹ sư công nghệ thông tin cho một công ty thực phẩm ở Nhật Bản, được nhiều kênh truyền hình Nhật Bản săn đón, giới thiệu.
Chia sẻ với PV Dân trí, anh Hiệu kể, năm 2010, anh sang Nhật Bản học đại học ngành hóa học, sau khi ra trường anh làm nghiên cứu cho công ty thực phẩm. Sau đó, anh chuyển công việc sang ngành công nghệ thông tin và làm cho đến bây giờ…
Cả năm thất nghiệp, nghe đến Tết muốn... lộn cả ruột
Cả năm qua, Trần Quốc Hiệu đi làm chưa được 2 tháng, còn lại trong tình trạng "sống nhờ trợ cấp". Quý IV/2021, cậu lại muốn lộn ruột khi nghe nhắc đến Tết.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, 2 năm qua Hiệu nhảy việc 3 lần, thu nhập chỉ đủ nuôi thân ở thành phố với các khoản như tiền trọ, ăn uống, chi tiêu. Tiết kiệm được chút lại gặp chuyện này chuyện kia, chẳng có gì trong tay…
Những người phụ nữ không có ngày 20/10
Họ là những nữ cửu vạn ở chợ đầu mối Đông Hương (thành phố Thanh Hóa), đến từ nhiều miền quê khác nhau để bốc hàng thuê mỗi tối. Với họ, ngày 20/10 cũng như bao ngày, vẫn nhọc nhằn gồng gánh mưu sinh.
Lúc 0h, khi mọi người còn đang say giấc ngủ, cũng là lúc Chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương (gọi tắt là chợ đầu mối Đông Hương), phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa tấp nập không khí kẻ bán người mua. Đây cũng là thời điểm những người bốc vác, gánh hàng thuê từ nhiều miền quê đổ về đây để mưu sinh…