1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hậu Covid-19: Hàng triệu người trẻ Việt có nguy cơ mất việc vì... người máy

An Linh

(Dân trí) - Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng: "Trước Covid-19, có những băn khoăn về việc đưa người máy vào Việt Nam. Nhưng sau dịch, tôi khẳng định hàng loạt người máy sẽ được tiếp nhận...".

Tại Hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức chiều 18/10, nhiều chuyên gia, học giả trong ngoài nước đã nhấn mạnh đến chuyện ưu thế người lao động có thể mất đi do người máy, sau khi chứng kiến tác động Covid-19 quá lớn đối với chuỗi sản xuất.

Về ứng dụng số và chuyển đổi số, ông Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch FPT Telecom) cho rằng, để tạo thị trường và cú huých cho sự phát triển, Chính phủ mỗi quốc gia phải là người dùng lớn nhất về công nghệ, ứng dụng dữ liệu, từ đó mới lan tỏa giúp thị trường phát triển.

"Khi đã nói tới dữ liệu thì tính hiệu quả là cần làm sao chia sẻ được dữ liệu. Dữ liệu phải được quản lý tập trung, khai thác. Sự không thành công của các ứng dụng chống dịch Covid-19 vừa qua là bài học cho sự không thống nhất trong chia sẻ dữ liệu", ông Tiến bình luận.

Hậu Covid-19: Hàng triệu người trẻ Việt có nguy cơ mất việc vì... người máy - 1

Tác động của đại dịch Covid-19 khiến lợi thế của lao động giá có thể sẽ không còn trong tương lai so với năng suất, thời gian hoạt động, sản xuất của người máy (Ảnh minh họa).

Về ứng dụng vào Việt Nam, nơi vẫn thường bị coi là nền sản xuất được sử dụng công nghệ thấp, máy móc lạc hậu, năng suất người lao động thấp, ông Tiến phản bác và cho rằng: "Người Việt Nam linh hoạt, linh động, sẵn sàng học cái mới, hãy tin vào họ".

Chủ tịch FPT Telecom chia sẻ: "Chúng tôi đang làm việc trực tiếp với doanh nghiệp thủy hải sản, cơ khí, nông nghiệp và nhận ra một điều. Trong tương lai những ngành truyền thống tại Việt Nam có thể sẽ ứng dụng công nghệ tốt hơn cả những doanh nghiệp công nghệ - những người hay nói nhiều về công nghệ như chúng tôi".

Theo lãnh đạo của FPT Telecom, thực tế mặt trái của kinh tế số là trong 5-7 năm nữa sẽ khiến hàng triệu người trẻ Việt đang có công ăn việc làm có nguy cơ mất việc.

"Chúng ta đã và đang nhìn thấy rất rõ 2,7 triệu công nhân may, 1,7 triệu công nhân giầy da, 1 triệu công nhân lắp ráp điện tử có nguy cơ mất việc trong vòng 10 năm tới", ông Tiến cho biết. Lý do rất đơn giản là do người máy thay thế!", ông Tiến nói.

Vị này cho biết: "Nếu trước Covid-19, chủ doanh nghiệp còn băn khoăn đưa người máy vào các nhà máy Việt Nam. Thì sau dịch, tôi dám khẳng định hàng loạt người máy sẽ được đưa vào Việt Nam", Chủ tịch FPT Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

Về lợi thế giá cả, ông này cho rằng, người máy dần phổ thông hóa, có lợi thế. Giá người máy hiện nay rất rẻ, nếu trước đây khoảng 300.000 USD/người máy thì nay tụt xuống còn 40.000 USD thôi.

Hậu Covid-19: Hàng triệu người trẻ Việt có nguy cơ mất việc vì... người máy - 2

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom.

"Nếu các nhà máy đưa máy móc vào dây chuyền sản xuất, khi ấy chúng ta không có cách nào đua được với năng suất lao động, thời gian làm việc với người máy. Và như thế, hàng triệu người trẻ, nhấn mạnh là còn rất trẻ có khả năng thất nghiệp", ông Tiến cảnh báo.

Theo đại diện của FPT, vấn đề hiện nay của Việt Nam là nhìn ra vấn đề, cách giải quyết, khắc phục nó. Trong đó phải đào tạo hàng triệu người trẻ để trở thành công dân toàn cầu, được trang bị kiến thức hiện đại, kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ và thói quen lao động, kỷ luật toàn cầu. Vấn đề này thuộc về Chính phủ, bộ ngành với tầm nhìn dài hạn, chiến lược hơn, chứ doanh nghiệp chỉ giải quyết được phần nhỏ.

Bên cạnh đào tạo người làm việc, theo ông Tiến, Việt Nam phải bắt tay vào chiến lược đào tạo những ông chủ dám nghĩ, dám làm, dám thất bại để thành công.

"Để trở thành ông chủ phải bắt tay vào làm, nhiều cuộc họp và hội thảo đã chỉ ra rồi, nhưng chỉ đi nghe hội thảo thôi, chưa đủ, không làm ông chủ được", ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tiến, Việt Nam hiện có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên và điều cần nhất là thay đổi cách thức tổ chức đào tạo, giáo dục mới.

"Covid-19 đã cho chúng ta thấy rằng, phải có chế độ mới để đào tạo, thích nghi trong môi trường mới, điều này không hẳn là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà đầu bài cho cả quốc gia, doanh nghiệp và toàn xã hội", Chủ tịch FPT Telecom cho hay.

Theo lãnh đạo FPT, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào không chuyển đổi mà chết. Nhưng, không biết 5 năm nữa doanh nghiệp chưa chuyển đổi số có còn tồn tại hay không thì không ai biết, đây chắc chắn là câu hỏi lớn và phải dựa vào vận động của thời cuộc.