"Cần 100.000 tỷ đồng tăng lương, cố thực hiện dễ thành... lợi bất cập hại"

Phương Thảo

(Dân trí) - TS. Bùi Sỹ Lợi tính toán, việc cải cách tiền lương như kế hoạch dự kiến sẽ tiêu tốn lớn, tăng khoảng 100.000 tỷ, dễ khiến đồng tiền mất giá, làm mất ý nghĩa của việc tăng lương, nếu cứ cố thực hiện…

Chủ trương, quyết tâm lớn của Trung ương

Liên quan đến chủ trương lùi thời gian thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương, trao đổi với PV Dân trí ngày 21/10, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội nêu quan điểm thống nhất và chia sẻ với việc Trung ương một lần nữa phải quyết định chưa bắt đầu lộ trình tăng lương từ 1/7/2022 như dự kiến. Ông Lợi nêu tình hình thực tế, cả nước đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn về ngân sách, về việc giải quyết những hậu quả to lớn của đại dịch Covid-19.

Vị chuyên gia về vấn đề lao động, việc làm tiền lương và an sinh xã hội đã nhiều khóa hoạt động ở khía cạnh xây dựng chính sách pháp luật, giám sát lĩnh vực này phân tích, trước hết phải khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc cải cách chính sách tiền lương cho người lao động.

Cần 100.000 tỷ đồng tăng lương, cố thực hiện dễ thành... lợi bất cập hại - 1

TS Bùi Sỹ Lợi là Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội khóa XIII, XIV.

Trong thực tiễn, Bộ luật Lao động đã điều chỉnh được cơ bản vấn đề tiền lương cho người lao động trong khu vực có quan hệ lao động bằng việc quy định tiền lương tối thiểu vùng (theo 4 vùng), công bố hàng năm, được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Đó là chính sách căn cơ với khu vực doanh nghiệp. 

Với khu vực nhà nước (khu vực công), ông Lợi chỉ rõ, Việt Nam đang xác định tiền lương theo mức lương cơ sở, hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng và có điều chỉnh tăng thêm hàng năm. 

Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội nhận xét: "Mức lương cơ sở này thực sự cũng chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống của khu vực cán bộ, công chức, viên chức".

"Quyết tâm của Trung ương rất cao, thể hiện bằng ý chí, hành động, với việc thông qua Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về việc cải cách chính sách tiền lương, theo định hướng đưa lương cơ sở lên bằng mức trung bình của lương tối thiểu 4 vùng. Đây là một chủ trương lớn, quyết tâm rất cao của cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng đáng tiếc là cả nước vẫn chưa thực hiện được" - TS. Bùi Sỹ Lợi nói.

Từ khía cạnh khác, ông Lợi giải thích, muốn cải cách được chính sách tiền lương thì vấn đề quan trọng, có tính chất cốt tử là phải cải cách được tổ chức bộ máy và giảm nhẹ được biên chế trong các cơ quan nhà nước theo tinh thần đã đề ra của Đảng, Nhà nước, đồng thời phải chuyển được các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự bảo đảm tiền lương.

Nhưng thực tế, quá trình sắp xếp, tổ chức, tinh giản biên chế của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đạt được như kỳ vọng nên vẫn chưa đáp ứng được điều kiện, yêu cầu cho tiến trình cải cách tiền lương. Ông Lợi khuyến cáo, phải tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, tinh giản sao cho bộ máy nhà nước gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả thì việc cải cách tiền lương mới đảm bảo ý nghĩa là cải thiện đời sống người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng hiệu quả và năng suất lao động.

Việt Nam đã chi những nguồn tiền rất lớn cho an sinh

Yếu tố thực tế khác, theo nhận xét của ông Bùi Sỹ Lợi, cho đến nay, dù Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, tác động rất lớn, sâu sắc đến đời sống nhân dân và người lao động, đặc biệt là những người làm công ăn lương nhưng đáng mừng là thời điểm này, chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) mới chỉ tăng 1,82%, là mức thấp nhất từ năm 2016 đến nay.

"Mừng về việc này là vì giá không tăng thì cũng không tác động nhiều đến đời sống của cán bộ công chức viên chức nên việc tăng lương để bù đắp không quá bức thiết. Nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá, việc giá cả không tăng cũng có nguyên nhân từ vấn đề sức mua rất thấp, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân rõ ràng giảm mạnh do tác động của đại dịch" - vị chuyên gia nhìn nhận.

Quan điểm chung, ông Lợi cho rằng hoàn toàn có thể chia sẻ với Đảng, Nhà nước về việc chưa thể tiến hành cải cách tiền lương trong điều kiện hiện nay được, phải chờ đến thời điểm thích hợp hơn vì 2 năm qua (2020-2021), cả nước luôn chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Sản xuất bị đình trệ, một số khâu đứt gãy đã xảy ra trong chuỗi sản xuất, cung ứng, trên thị trường lao động khiến nhà nước phải tập trung nhiều gói cứu trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 42 (62.000 tỷ đồng), Nghị quyết 68 (26.000 tỷ đồng), Nghị quyết 116 (38.000 tỷ đồng) và nhiều chính sách khác của Chính phủ và các địa phương để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và tập trung nguồn lực phòng chống đại dịch theo tinh thần thực hiện nhiệm vụ kép, vừa sản xuất vừa chống dịch.

Chính việc nhà nước đã phải chi ra những nguồn lực rất lớn từ ngân sách cho các hoạt động hỗ trợ an sinh, sản xuất như vậy nên nguồn lực hiện tại chưa đảm bảo cho việc cải cách tiền lương.

"Nói tóm lại, tình hình hiện tại chưa đủ điều kiện thực hiện cải cách tiền lương. Nếu cả nước vẫn cố thực hiện việc này (dự kiến cần số tiền rất lớn, khoảng 100.000 tỷ đồng) trong bối cảnh hiện tại, ngân sách chi ra quá nhiều thì lại dẫn đến mất giá, trượt giá. Mà khi giá cả tăng lên quá nhiều thì việc tăng lương cũng không còn nhiều ý nghĩa" - TS. Bùi Sỹ Lợi phân tích.

Từ những lý do đó, ông Lợi nhận định, chủ trương lùi thời gian thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương của Ban chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 3 khóa XIII vừa rồi là hợp lý, mỗi người dân cần cùng chia sẻ, ủng hộ, cùng nhau cố gắng khắc phục khó khăn sau đại dịch để khôi phục, phát triển kinh tế.

Dù vậy, đứng từ góc độ chuyên gia chính sách, ông Lợi vẫn khuyến cáo, mong Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chú ý dành nguồn lực, tiết kiệm nguồn chi để cố gắng tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong một thời điểm thích hợp nhất.