Chuyên gia Trần Đình Thiên:
Thu nhập suy kiệt, người lao động chờ đợi chiến lược tốt về nguồn nhân lực
(Dân trí) - "Người lao động là lực lượng hàng đầu trong tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hiện cần được hỗ trợ mạnh mẽ vì việc làm, thu nhập của họ đang bị suy giảm mạnh, thậm chí suy kiệt", ông Thiên nói.
PGS, TS, Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu nhận định trên trong tham luận tại tọa đàm về phát huy vai trò doanh nghiệp, người dân trong phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 mới đây.
Ông nhận định chung, nền kinh tế ổn định trong 2 năm vật lộn với đại dịch đã gặp cú sốc lớn bởi biến thể Delta. Biến thể này đã và đang khiến tình trạng đứt chuỗi cung ứng gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Nó làm lộ rõ những điểm yếu chí tử của kinh tế thị trường.
Trong đó, theo ông Thiên, liên kết vùng vẫn mang nặng tính hình thức, ít thực chất; quan điểm an toàn cục bộ địa phương, vận hành kinh tế địa phương theo cách hành chính làm đứt gãy chuỗi liên kết của các vùng kinh tế.
Theo ông Thiên, đã đến lúc các địa phương phải nhận thức cho đúng bản chất dịch bệnh để thoát khỏi tâm lý sợ hãi quá mức, đẻ ra tinh thần "an toàn địa phương cục bộ" quá đà, xung đột gay gắt với yêu cầu của nền kinh tế thị trường.
"Trong một nền kinh tế vận hành còn bị phụ thuộc nhiều vào nguyên tắc "quản lý hành chính - địa phương", đây vẫn là một nguy cơ hiện hữu, không thể coi thường" - TS.Trần Đình Thiên cảnh báo.
Người lao động sẽ không sớm trở lại nếu điều kiện còn khó khăn
Về vấn đề thị trường lao động, ông Thiên cho rằng, việc thiếu hụt nhân lực hậu Covid-19 là chuyện đương nhiên vì đại dịch chưa có tiền lệ.
Việc này gây tác động lớn, không dễ khắc phục vì người lao động không chỉ là lực lượng quan trọng hàng đầu với doanh nghiệp để tạo của cải vật chất mà họ còn là người có tư cách quan trọng hàng đầu trong việc tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Họ cũng cần được hỗ trợ mạnh mẽ.
"Việc làm và thu nhập của người lao động bị suy giảm mạnh, thậm chí suy kiệt, trong thời gian qua. Chưa nói đến khía cạnh an sinh, ổn định chính trị - xã hội, nếu không vực được sức cầu của khu vực này, sẽ không thể phục hồi kinh tế", chuyên gia Trần Đình Thiên nói.
Theo ông Thiên, Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực đưa ra các gói hỗ trợ, cứu trợ, song vấn đề lớn nằm ở tổ chức thực thi, để tiền đến tay người lao động. Ông cũng nêu quan điểm, các hỗ trợ phải có định hướng ưu tiên, mang tính trọng điểm rõ ràng hơn.
Chia sẻ với báo giới mới đây, ông Trần Đình Thiên cho rằng, muốn thu hút lao động trở lại thì ngân sách Nhà nước phải chi nhiều hơn. Người lao động sẽ không sớm trở lại nếu điều kiện làm việc, đời sống còn khó khăn.
Thời gian qua, Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đảm bảo an sinh song vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm người lao động thuộc khu vực chính thức, còn với người lao động di cư tự do thì họ vẫn rất khó khăn, không có chỗ nào "bấu víu" nên đành về quê.
Ông Thiên nhấn mạnh, để nối lại chuỗi lao động bị gián đoạn thì chính quyền phải phối hợp với doanh nghiệp cùng làm. Vẫn biết rằng với doanh nghiệp thì đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn liên quan tới lợi ích sát sườn, song vị chuyên gia kinh tế góp ý, Nhà nước đừng để doanh nghiệp lo một mình. Theo đó, các bên liên quan cần phối hợp với nhau để biết người lao động đang ở đâu, có tâm tư nguyện vọng ra sao...
Chuyên gia Trần Đình Thiên nhấn mạnh, quá trình phối hợp này cần được đảm bảo không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn. Việt Nam cần có chiến lược cụ thể, rõ ràng về việc tổ chức lại chuỗi lao động hậu Covid-19.
Theo ông, Việt Nam cần bàn luận một cách căn cơ vấn đề nhà ở cho người lao động, hàng chục nghìn công nhân thì nhà ở sẽ giải quyết thế nào? "Đây là công việc rất quan trọng trong số những nhiệm vụ phục hồi kinh tế từ nay đến cuối năm", ông Thiên nói.
"Nếu Việt Nam có một chiến lược tốt về nguồn nhân lực, giải quyết được bài toán lao động tại thời điểm này thì có nghĩa quá trình phục hồi kinh tế được thúc đẩy nhanh hơn", ông Thiên phân tích.