Thanh Hóa:
Những người phụ nữ không có ngày 20/10
(Dân trí) - Họ là những nữ cửu vạn ở chợ đầu mối Đông Hương (thành phố Thanh Hóa), đến từ nhiều miền quê khác nhau để bốc hàng thuê mỗi tối. Với họ, ngày 20/10 cũng như bao ngày, vẫn nhọc nhằn gồng gánh mưu sinh.
Lúc 0h, khi mọi người còn đang say giấc ngủ, cũng là lúc Chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương (gọi tắt là chợ đầu mối Đông Hương), phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa tấp nập không khí kẻ bán người mua. Đây cũng là thời điểm những người bốc vác, gánh hàng thuê từ nhiều miền quê đổ về đây để mưu sinh.
Những tưởng công việc nặng nhọc này vốn chỉ có đàn ông làm, thế nhưng, ở chợ đầu mối Đông Hương này không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đang "hành nghề".
Một đêm tháng 10 ở phiên chợ lớn nhất xứ Thanh, tôi tình cờ gặp bà Hoàng Thị Xá (54 tuổi). Bà Xá đã có 2 năm gắn bó với công việc cửu vạn tại đây. Không kể ngày nắng hay mưa, đều đặn mỗi tối, bà thường đem theo chiếc xe kéo ra chợ đầu mối Đông Hương để làm việc.
Quê bà Xá ở xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Trước khi làm nghề cửu vạn, bà cũng như bao người phụ nữ ở quê quanh năm lam lũ làm ruộng. Cách đây 2 năm, cuộc sống ở vùng quê khó khăn nên bà quyết định khăn gói lên thành phố để làm thuê kiếm thêm thu nhập. Qua người quen bà biết đến công việc bốc hàng thuê ở chợ đầu mối Đông Hương.
Thông thường, thời gian làm việc của bà bắt đầu từ 21h đến 6h ngày hôm sau. Công việc chủ yếu là bốc vác, xếp dỡ hàng hóa cho các đại lý, cửa hàng rau củ, quả ở chợ.
Sau mỗi đêm bốc vác bà Xá được trả thù lao khoảng 300-400 nghìn tiền công. Trừ chi tiêu mỗi tháng bà cũng gom góp gửi về quê được chút ít để lo trả nợ, nuôi các con ăn học.
"Tuy tiền công không cao lắm nhưng so với làm ruộng thì cũng có thu nhập cao hơn. Công việc này có thể làm quanh năm nên ổn định hơn nhiều. Ở đây, những người làm nghề như chúng tôi chỉ khi nào ốm mới nghỉ, còn gần như làm việc quanh năm, có những ngày làm thâu đêm, càng Tết thì công việc càng bận rộn", bà Xá chia sẻ.
Khi được hỏi về ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, bà Xá cho biết công việc bận rộn quanh năm nên chưa bao giờ bà biết đến những ngày này.
"Chúng tôi là những lao động chân tay, từ quê ra đây chỉ biết chịu khó làm việc để gửi tiền về quê nuôi con ăn học, thật tình không có thời gian để biết đến những ngày này. Thậm chí, có đợt vài tháng mới về nhà một lần. Những ngày này chúng tôi chẳng cần hoa hay quà, chỉ cần các con, các cháu gọi điện thoại chúc mừng một câu là cảm thấy hạnh phúc lắm rồi", bà Xá tâm sự.
Cùng tổ bốc vác thuê với bà Xá, có bà Nguyễn Thị Hảo (quê xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa) cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Gia đình bà Hảo trước kia cũng là gia đình thuộc diện khấm khá ở địa phương, nhưng từ khi chồng lâm bệnh rồi qua đời thì cuộc sống của mẹ con bà thiếu thốn đủ bề. Để có tiền nuôi con ăn học, bà Hảo tranh thủ mỗi tối đến chợ đầu mối để bốc vác thuê.
Nhắc đến ngày 20/10, bà Hảo lại nhớ về những kỷ niệm trước kia với người chồng quá cố. "Trước kia khi chồng tôi còn sống thì ông ấy thường đưa mẹ con đi ăn để cùng nhau trò chuyện, chúc mừng. Hôm vừa rồi Facebook có nhắc lại nhưng không có chồng và con ở bên cạnh nữa nên cũng thấy buồn.
Hôm qua, con trai đang học bên Nhật gọi về chúc mừng ngày 20/10 và dặn mẹ giữ gìn sức khỏe. Nghe những lời chúc của con mà tôi thấy vui lắm, đối với tôi chỉ cần như thế là mãn nguyện lắm rồi", bà Hảo chia sẻ.
Không chỉ bà Xá, bà Hảo mà hàng trăm người phụ nữ đang làm việc tại chợ đầu mối Đông Hương, họ đều biết đến ngày 20/10. Tuy nhiên, vì công việc mà họ như tạm quên đi ngày lễ tôn vinh của mình.
Đối với họ, ngày 20/10 cũng như bao ngày khác. Họ vẫn nhọc nhằn gồng gánh mưu sinh để lo cho cuộc sống của gia đình.