DMagazine

Với cơ chế mới, bộ máy TPHCM có đủ sức thực thi?

(Dân trí) - Để Nghị quyết 98 đi vào thực tế, không bị ngưng trệ, chuyên gia cho rằng, TPHCM cần tránh được rào cản về vấn đề cán bộ e dè, sợ trách nhiệm bên trong, xóa bỏ được câu chuyện "xin - cho" bên ngoài.

Với cơ chế mới, bộ máy TPHCM có đủ sức thực thi?

(Dân trí) - Để Nghị quyết 98 đi vào thực tế, không bị ngưng trệ, chuyên gia cho rằng, TPHCM cần tránh được rào cản về vấn đề cán bộ e dè, sợ trách nhiệm trong nội tại, và xóa bỏ được câu chuyện "xin - cho" trong mối quan hệ với các bộ, ngành Trung ương.

***

Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hiệu lực từ ngày 1/8. Với 44 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có những nội dung mới, chưa từng có trong các dự thảo luật, bản nghị quyết được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ pháp lý mạnh mẽ để đầu tàu kinh tế của cả nước phá vỡ những trở lực, tạo xung lực bứt phá trong giai đoạn tới.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận, Nghị quyết 98 được thông qua là một thành công lớn không chỉ của TPHCM mà của cả nước. Ngoài những chỉ số phát triển về kinh tế, nếu thành công, bản nghị quyết có thể được coi là điểm đột phá trong việc trao quyền cho các địa phương, mang lại tinh thần cải cách thể chế, chính sách cho cả nước.

Với cơ chế mới, bộ máy TPHCM có đủ sức thực thi? - 1

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Ảnh: Q.Huy).

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc thực thi thành công một nghị quyết về chính sách, cơ chế đặc thù là điều không đơn giản. Để từng nội dung trong Nghị quyết 98 đi vào thực tế, không bị ngưng trệ, TPHCM cần tránh được rào cản về vấn đề cán bộ e dè, sợ trách nhiệm trong nội tại, và xóa bỏ được câu chuyện "xin - cho" trong mối quan hệ với các bộ, ngành Trung ương.

"Nếu thành công, bản nghị quyết sẽ là hình mẫu để biến các cơ chế, chính sách đặc thù trở thành những quy định được áp dụng tại tất cả địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, cần lưu ý, việc thực thi một nghị quyết đặc thù, vượt trội là điều không hề dễ dàng", PGS.TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Với cơ chế mới, bộ máy TPHCM có đủ sức thực thi? - 2

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo góc nhìn của ông, bản nghị quyết mới này có tầm quan trọng ra sao đối với TPHCM và cả nước?

- Chúng ta cần đánh giá đầy đủ, Nghị quyết 98 được ban hành là thành công của quá trình nỗ lực rất lâu dài không chỉ của TPHCM mà của cả nước. Nếu thực hiện thành công, bản nghị quyết sẽ là hình mẫu để biến các cơ chế, chính sách đặc thù trở thành những quy định được áp dụng tại tất cả địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, cần lưu ý, việc thực thi một nghị quyết đặc thù, vượt trội là điều không hề dễ dàng.

Tôi cho rằng, thành công của bản nghị quyết này không chỉ dừng lại ở các kết quả về phát triển kinh tế - xã hội. Thành công lớn nhất của Nghị quyết 98 là mang đến tinh thần cải cách về thể chế, chính sách cho cả nước.

Với cơ chế mới, bộ máy TPHCM có đủ sức thực thi? - 4

Với cách nhìn nhận vấn đề như vậy, việc triển khai Nghị quyết 98 không phải chuyện riêng của TPHCM và trách nhiệm thực thi cũng không chỉ của địa phương này. Việc các cơ quan Trung ương cùng vào cuộc để hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hiện thực hóa nghị quyết là điều bắt buộc và là tiền đề cơ bản để mang tới thành công.

Ở nước ta, việc đề ra một chính sách đã rất khó, nhưng việc để các chính sách mới đi vào cuộc sống còn khó hơn nhiều. Hơn nữa, hầu hết những phần khó nhất, lớn nhất thì nằm tại các bộ, ngành Trung ương. Cho nên, việc thực hiện Nghị quyết 98 cần có sự phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm rõ ràng giữa Trung ương với địa phương để tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ để giải quyết từng vấn đề.

Những hạn chế trong công tác phối hợp giữa TPHCM và các cơ quan Trung ương đã được nhắc tới nhiều lần, đây cũng là một trong những lý do khiến Nghị quyết 54 trước đây chưa đạt kỳ vọng. Theo ông, sự vào cuộc từ các cơ quan Trung ương đóng vai trò ra sao trong thành công của bản Nghị quyết 98?

- Việc thiếu phối hợp một cách tổng thể là điểm yếu tồn tại không chỉ tại TPHCM. Với bản nghị quyết này, thành phố đang đứng trước cơ hội tổ chức lại hoạt động, tính chịu trách nhiệm và nâng cao sự liên thông từ địa phương tới các bộ, ngành.

Tôi lấy ví dụ về việc, các chính sách lớn, nghị quyết lớn chỉ tạo ra sự đột phá khi đi liền với các dự án lớn. Hơn nữa, các dự án lớn ngay cả từ phía TPHCM đề xuất đều cần sự can thiệp mạnh mẽ từ Trung ương. Để giải tỏa ách tắc của một dự án cần hàng loạt những động thái, hành động từ các cấp Trung ương.

Minh họa rõ nét nhất là việc các tuyến vành đai của TPHCM chậm tiến độ, tuyến metro số 1 và các dự án lớn khác ách tắc về vốn, vấn đề pháp lý. Khi đó, các dự án khó về đích nếu không có sự can thiệp từ phía Trung ương.

Với cơ chế mới, bộ máy TPHCM có đủ sức thực thi? - 6

Các dự án lớn của TPHCM khó về đích nếu không có sự can thiệp hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, ví dụ rõ nét là tuyến Metro số 1 (Ảnh: Hải Long).

Cho nên, trong quá trình triển khai Nghị quyết 98, việc phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm từ các bộ, ngành cho tới địa phương cần được chú trọng.

Việc phân cấp, phân quyền này còn giúp quá trình thực thi Nghị quyết 98 của TPHCM tránh được câu chuyện "xin cho", hỏi qua hỏi lại các bộ, ngành. Việc "xin cho" trong triển khai bản nghị quyết này khiến mọi thứ bị đình trệ, hiệu quả giảm sút, tổn thất nhiều dự án và còn ảnh hưởng tiêu cực đến bộ máy.

Vấn đề tiên quyết để TPHCM hiện thực hóa bản nghị quyết này vẫn là tăng thêm tính tự chủ, thay đổi cách tiếp cận và có sự mở đường từ các cơ quan Trung ương từ chính sách đến tài chính.

Về cơ bản, Nghị quyết 98 tôi thấy là một cơ hội phân quyền, trao quyền, nên việc "xin cho" cần được xóa bỏ, xác lập tâm thế bình đẳng, rõ ràng giữa Trung ương với địa phương. Bản Nghị quyết này nếu thành công còn là thí điểm cho cả nước về việc thay đổi quan hệ thực chất trong hành động thực tiễn giữa Trung ương với địa phương.

Với cơ chế mới, bộ máy TPHCM có đủ sức thực thi? - 7

Thời gian qua, vấn đề về một bộ phận cán bộ tại TPHCM e dè, sợ trách nhiệm, tinh thần dám nghĩ, dám làm bị giảm sút được dư luận đề cập tới nhiều lần. Trong việc thực hiện Nghị quyết 98, TPHCM cần làm gì để xóa bỏ rào cản tâm lý này cho đội ngũ thực thi?

- Vấn đề e dè, sợ trách nhiệm làm mọi thứ ngưng trệ, chậm lại, đây là điều cần tránh trong việc triển khai nghị quyết mới. Hơn nữa, nội dung bản nghị quyết này mang tính đổi mới, mà đổi mới là làm khác, khoảng cách giữa làm khác với làm trái là rất mong manh. Như đã nói ở trên, việc thực hiện các cơ chế, chính sách vượt trội là điều không hề dễ dàng.

Trong thực tế, trong nội dung của Nghị quyết 98 đã có công cụ để TPHCM xóa bỏ rào cản này, đó là từ "thí điểm". Đây là cơ sở pháp lý để TPHCM tránh được rất nhiều rủi ro trong việc hiện thực hóa các cơ chế, chính sách đặc thù.

TPHCM đã rất sốt ruột với bản nghị quyết này, chỉ chờ thông qua là thực thi luôn, việc có thêm công cụ này là điều rất quan trọng.

Bản nghị quyết mới vẫn giữ lại chữ "thí điểm" đối với các cơ chế, chính sách đặc thù. Dù chúng ta đã quen với từ này, nhưng trong bối cảnh hiện tại, việc thí điểm là một công cụ cực kỳ quan trọng trong quá trình thực thi chính sách.

Với cơ chế mới, bộ máy TPHCM có đủ sức thực thi? - 9

Khi những nỗi lo sợ được xóa bỏ, những người thực thi các chính sách, cơ chế vượt trội lại càng thêm yên tâm. Ngược lại, khi không có chữ "thí điểm", nguy cơ thận trọng, sợ làm trái, sợ chệch hướng sẽ khiến Nghị quyết 98 rất khó và rất chậm đi vào cuộc sống.

Đồng thời, TPHCM cần đặc biệt chú trọng trong việc nâng cao năng lực bộ máy, trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm từng đầu việc. Khi đó, TPHCM sẽ mang một diện mạo, tâm thế mới để hiện thực hóa nghị quyết này và vượt qua những nỗi sợ như hiện nay.

Là một người từng nhiều lần góp ý cho bản Nghị quyết mới của TPHCM, cũng như sự phát triển của địa phương này, ông thấy bản Nghị quyết mới có đủ nặng để TPHCM xóa bỏ những tồn tại, hạn chế và tăng tốc trong thời gian tới?

- Với Nghị quyết 98, TPHCM đã được trao quyền nhiều hơn, các dự án là nút thắt của địa phương cũng dần được hé mở cơ chế. Tôi cho rằng, việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cần đặt trong mối quan hệ liên vùng, đặc biệt các địa phương lân cận để phát huy hết hiệu quả mang lại.

Các tỉnh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cần được hưởng các cơ chế tự chủ trong phân cấp, phân quyền nhằm tạo tính liên thông. Khi TPHCM và 3 tỉnh này cộng hưởng sức mạnh, sự phát triển mạnh mẽ sẽ sinh ra và không thể kìm hãm. Hiện tại, các địa phương nói trên đã dần hình thành các liên kết về không gian, hạ tầng giao thông, và tới đây cần có sự liên kết về thể chế.

Với cơ chế mới, bộ máy TPHCM có đủ sức thực thi? - 11

Các tỉnh lân cận TPHCM ngoài liên kết về giao thông còn cần sự liên thông về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù để tạo sự cộng hưởng.

Qua các nội dung các cơ chế, chính sách đặc thù mới, tôi thấy về tổng thể, bản nghị quyết mới là bước tiến lớn trong việc trao thêm quyền tự quyết cho TPHCM. Tuy nhiên, tôi cho rằng các nội dung mới này chưa thật sự mang tính đặc thù, vượt trội theo đúng nghĩa của nó, mà vẫn chỉ dừng lại ở việc cho thêm một chút hay nới ra một chút.

Cá nhân tôi mong đợi TPHCM được trao cho nhiều cơ chế thật sự đặc thù và vượt trội nhiều hơn nữa, đặc biệt là về tổ chức bộ máy.

TPHCM là một siêu đô thị, đại đô thị đặc biệt nên cần một bộ máy chức năng phù hợp với vai trò, tầm vóc, tương lai và kỳ vọng của cả quốc gia. Bộ máy của thành phố này không thể giống bất kỳ tỉnh miền núi hay đồng bằng nào.

Với cơ chế mới, bộ máy TPHCM có đủ sức thực thi? - 12

Bài cuối: Cần để người dân, doanh nghiệp hiểu Nghị quyết 98 tác động tới họ ra sao

Nội dung: Q.Huy

Ảnh: Hải Long

Thiết kế: Đỗ Diệp