DMagazine

Nghị quyết 98, "chìa khóa" mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM

(Dân trí) - Nghị quyết 98 sẽ khơi thông cho hạ tầng giao thông của TPHCM, nhưng nếu không có một đường đi đúng đắn, bản nghị quyết cũng xem như mắc kẹt và dây dưa như hiện trạng quốc lộ 13.

Nghị quyết 98, "chìa khóa" mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM

(Dân trí) - Nghị quyết 98 được kỳ vọng sẽ khơi thông cho hạ tầng giao thông của TPHCM, nhưng nếu không có một đường đi đúng đắn, bản nghị quyết cũng xem như mắc kẹt và dây dưa như hiện trạng quốc lộ 13.

Gia đình chị Nguyệt bán cơm trưa ven quốc lộ 13, TP Thủ Đức. Mỗi sáng sớm, người phụ nữ này chạy xe máy đến chợ đầu mối Thủ Đức cách nhà hơn 300m để mua thực phẩm. Chị cảm thấy quá quen thuộc với cảnh kẹt xe, có hôm phải chịu cảnh "chôn chân" giữa dòng xe đến 30 phút trên đoạn đường ngắn.

"Hơn 6h, xe lớn nhỏ kéo dài, leo vỉa hè, chạy ngược chiều khiến kẹt nghiêm trọng hơn. Hôm nào trời mưa nữa thì nước chắc chắn sẽ tạt nước vô nhà", chị Nguyệt mô tả.

Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 1

Quốc lộ 13 dài hơn 140km, nằm trong phạm vi dự án xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM, được xem là tuyến đường huyết mạch giúp nối liền giao thông thành phố với Bình Dương, Bình Phước. Thế nhưng, nhiều năm qua, việc quy hoạch vẫn chưa thể hoàn thành.

Cung đường này tại địa phận tỉnh Bình Dương đang được mở rộng đến 8 làn xe. Trong khi đó ở TPHCM, đường này chỉ có 6 làn đi qua khu dân cư đông, mỗi ngày còn kết nối hàng trăm lượt phương tiện ra vào từ Bến xe miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) cùng khu vực nội đô, thường xuyên ùn tắc.

Để có kinh phí mở rộng đoạn đường hiện hữu, một trạm thu phí BOT sẽ được đặt đâu đó trên quốc lộ 13. Điều này sẽ được thực thi khi Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM được Quốc hội thông qua kể từ ngày 1/8. Trong khi trước đó, theo Nghị quyết 54, trạm BOT chỉ được đặt ở dự án đường mới.

Nghị quyết 98 sẽ mang đến cơ hội và diện mạo mới cho quốc lộ 13 nói trên và nhiều tuyến đường đang nghẽn mạch của thành phố, góp phần khơi thông hạ tầng giao thông, mở đường cho sự phát triển của "đầu tàu" kinh tế TPHCM.

Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 3

TS. Huỳnh Thế Du, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Chính sách công tại Đại học Fulbright, cho rằng, khó thấy dấu ấn của Nghị quyết 54 lên hạ tầng giao thông TPHCM sau 5 năm triển khai.

Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 5

"Hạ tầng giao thông của Thành phố vẫn đang rất thiếu và yếu. Giao thông nội đô chưa đáp ứng được cả công cộng lẫn cá nhân. Những đường vành đai, cao tốc, quốc lộ… vẫn rất chậm kể cả khi có nghị quyết mới", ông Du chỉ ra thực trạng.

"Nguồn lực dành cho giao thông so với kế hoạch thực hiện đề án chỉ đạt khoảng 30%", ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, công bố thông tin trong kỳ họp lần thứ 10, HĐND TPHCM khóa X, sáng 11/7.

Trong phiên họp, các đại biểu đặt vấn đề, hiện nay tình hình thực hiện các công trình giao thông kết nối vùng vẫn còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số, chưa tương xứng với vị trí, vai trò "đầu tàu" kinh tế của TPHCM. Đây là điểm nghẽn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả vùng Đông Nam Bộ.

Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 7

UBND TP đã chỉ ra một số tồn tại và nguyên nhân chính khiến TPHCM chưa thể phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian qua.

Thứ nhất, về nguồn vốn ngân sách, khả năng cân đối còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu để thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng nói chung, đặc biệt là các dự án thuộc danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (giao thông, ngập nước, nhà ở, công viên cây xanh, hạ tầng công nghiệp, chiếu sáng…).

Thứ hai, nguồn vốn huy động từ xã hội hóa còn nhiều hạn chế, đồng thời chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư tham gia và vướng khung khổ pháp lý: hình thức đầu tư BT không còn, hình thức BOT chỉ áp dụng cho các tuyến đường làm mới, hình thức PPP đã có nhưng chưa thấy thuận lợi, các quy định giao đất thông qua hình thức đấu giá còn hạn hẹp…

Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 9

Vướng mắc khá lớn là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BTGPMB) còn thực hiện quá chậm; nhiều dự án có chi phí GPMB lớn nên phương án tài chính khó khả thi; việc thiếu mặt bằng sạch dẫn đến một số công trình, dự án trọng điểm chậm tiến độ…

Theo UBND TPHCM tổng kết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, mục tiêu tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương khá khiêm tốn. Thời gian qua, đà tăng trưởng cũng như sự vượt trội của thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại. 

Cuối năm 2022, UBND TPHCM đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM, thay thế Nghị quyết 54.

Sắp tới, ngày 1/8, Nghị quyết 98 được thông qua sẽ thay thế Nghị quyết 54, cho phép TPHCM thực hiện nhiều giải pháp để phát huy nguồn lực cho các công trình hạ tầng giao thông, hứa hẹn mở ra thời kỳ phát triển bứt tốc của thành phố.

Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 11
Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 13

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, để thực hiện quy hoạch hạ tầng giao thông kết nối cần triển khai thực hiện các dự án. Và để triển khai các dự án thì cần có nguồn lực và thời gian.

"Vấn đề đầu tiên là cần có nguồn ngân sách. Thành phố có nhiều dự án dự định sẽ thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Nếu ngồi chờ ngân sách từ thành phố để làm các dự án thì sẽ bị chậm", ông Lâm nhận định.

Dự kiến danh mục một số dự án quan trọng, có tính kết nối nội vùng, liên vùng, có tính chất cấp thiết, cấp bách có thể xem xét áp dụng cơ chế. Đồng thời, các dự án này sẽ có khả năng góp phần tăng giá trị các khu đất lân cận, tăng thêm nguồn thu ngân sách của thành phố khi dự án triển khai đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác để có nguồn thu tăng thêm.

Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 15

Trong đó, hợp đồng BT trước đây cho thanh toán bằng quỹ đất rất thu hút các nhà đầu tư, tuy nhiên nay phương án thanh toán này đã không còn phù hợp theo luật và thành phố không có đủ quỹ đất để trao đổi.

Khi dùng ngân sách, thành phố sẽ thực hiện thanh toán ngay cho nhà đầu tư thay vì phải chờ có mặt bằng sạch để trả, qua đó giảm chi phí phát sinh và thời gian.

Một số dự án được sử dụng hình thức BT: Xây dựng cầu Cần Giờ; Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái; Nâng cấp mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2); Mở rộng đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương (đoạn Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm); Mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài liệt sỹ; Xây dựng nút giao thông Ngã tư Bốn Xã…

Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 17

Hoặc trước đây các dự án BOT trên đường hiện hữu không được phép vì vướng quy định, trong khi thành phố chưa cân đối được ngân sách làm đường mới và chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông tại đường hiện hữu, thì đó là sự lãng phí.

Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 20

Các dự án có thể xem xét đầu tư theo hình thức BOT gồm: Mở rộng quốc lộ 1 (chia 3 đoạn tương ứng với 3 dự án); Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Mở rộng quốc lộ 13; Xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía Nam nối ra đường Vành đai 3; Mở rộng trục đường Bắc - Nam; Xây dựng đường động lực (đường song song quốc lộ 50)… sẽ cần thu hút khoảng 100.000 tỷ đồng xã hội hóa để thực hiện các dự án trên theo hình thức BOT.

Ngoài ra, cũng theo ông Lâm, TPHCM sẽ thí điểm áp dụng triển khai dự án giải phóng mặt bằng độc lập, tách riêng ra khỏi dự án giao thông và thu hồi đất theo quy hoạch TOD hiện tại là các khu đất có tiềm năng khai thác, phát triển theo trục giao thông chính để tạo nguồn lực từ các quỹ đất dọc theo các dự án giao thông, trước mắt có thể kể đến như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đường Vành đai 3 TPHCM…

"Muốn chủ động được nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, cần phải nghiên cứu phát triển kinh tế giao thông, trong đó tập trung vào TOD", Giám đốc Sở GTVT khẳng định.

Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 21

Năm 2002, ông Lee Myung-bak, khi còn tranh cử chức thị trưởng thủ đô Seoul (sau này trở thành Tổng thống Hàn Quốc nhiệm kỳ 2008-2013), khẳng định: "Trong nhiệm kỳ của mình, tôi sẽ cải thiện được hệ thống giao thông công cộng". Thực tế, trong nhiệm kỳ của thị trưởng 4 năm, ông đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Seoul.

Vậy những người thực hiện chính sách ở TPHCM có thể khẳng định được như thế không?

Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 24

Theo chuyên gia Huỳnh Thế Du, ông Lee đang truyền tải một thông điệp cụ thể, rõ ràng, để người dân nhìn vào một chính sách sẽ nắm bắt, lượng hóa được, thay vì chỉ tuyên bố chung chung "chúng tôi có một chính sách mới".

Dưới góc độ của một người nghiên cứu chính sách và dành nhiều năm nghiên cứu về TPHCM, ông Du đặt vấn đề về khả năng hiệu quả của bản nghị quyết mới tác động đến thành phố. Ông Du đánh giá bản nghị quyết mới gần 13.000 từ có đầy đủ những điều mà TPHCM đang cần để giải quyết - song, có tất cả nhưng chưa có trọng tâm.

"Tuy nhiên, tôi chưa thấy có một sự cam kết nào từ những người lãnh đạo, chưa nhìn thấy hành trình cụ thể nào để tin rằng nghị quyết mới có khả năng thay đổi thành phố. TPHCM cần chọn vài nhiệm vụ chiến lược để thực hiện bằng được, thay vì dàn trải rồi điều gì cũng dở dang", ông Du nói.

Chuyên gia nhận định, vấn đề là cần vạch ra đường đi thế nào trong quá trình thực hiện chính sách. Nếu đường đi đúng thì cần 10-30 năm để trở mình, để đạt được như Seoul, Hong Kong bây giờ. Còn đường đi không đúng, những điểm nghẽn tiếp tục bị kéo dài, dây dưa và tồi tệ hơn.

Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 25

Theo ông Du, trong 5 năm tới thực hiện Nghị quyết 98 cho giao thông đô thị, TPHCM cần làm bằng được: cơ chế khai thác giá trị từ đất và phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Cần phải hiểu rõ khai thác giá trị từ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng và TOD là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. TOD là giải pháp kỹ thuật cho vấn đề giao thông và nhà ở đô thị, trong khi khai thác giá trị từ đất là huy động nguồn lực.

"Khai thác giá trị từ đất mang tính chiến lược, mang tính sống còn để quyết định sự thành công của phát triển của hạ tầng giao thông đô thị trong vài thập niên tới. Nếu không làm được điều này thì không tạo ra tiền từ hạ tầng, mà không có tiền thì rất khó làm những việc tiếp theo", chuyên gia khẳng định.

Theo chuyên gia, trong khai thác giá trị của đất có thể thu hồi đất hoặc không cần thu hồi đất, đồng thời có thể sử dụng phương thức điều chỉnh đất - tức là từ mảnh đất hiện hữu có thể điều chỉnh quy hoạch để tạo ra giá trị từ nó, không nhất thiết phải tìm một mảnh đất mới mà bỏ ngỏ những gì đang có.

Ví dụ đối với một mặt bằng đang có 100 nhà dân, khi áp dụng cơ thế điều chỉnh đất, trên cùng mảnh đất đó sẽ vừa giải quyết được nơi ở mới cho toàn bộ 100 hộ dân với điều kiện sinh sống tốt hơn, đồng thời chủ đầu tư xây dựng cũng có thêm mặt bằng để sinh lợi nhuận.

Những giá trị khai thác được từ đây sẽ được dùng để đóng góp vào việc xây dựng, cải thiện hạ tầng giao thông xung quanh khu đất đó.

Nghị quyết 98, chìa khóa mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM - 27

Theo Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm, TPHCM sẽ nghiên cứu quy hoạch phát triển các dự án dọc theo các tuyến đường sắt đô thị (metro), đường Vành đai 3 TPHCM và các tuyến cao tốc trong vùng.

Theo Nghị quyết 98, TPHCM được thực hiện dự án thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng độc lập, tách khỏi các dự án xây dựng. Do đó, việc thực hiện khai thác giá trị từ đất để tạo nguồn thu ngân sách cho thành phố trở nên thuận lợi hơn, không bị mất thời gian chờ đợi và dễ kêu gọi nhà đầu tư.

"Ngoài ra, thành phố cũng được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cục bộ theo quy mô dân số đảm bảo hạ tầng", Giám đốc Sở GTVT cho biết.

Từ các cơ chế trên, TPHCM sẽ rà soát, xác định những phạm vi, những dự án phù hợp để bắt đầu thực hiện điều chỉnh quy hoạch và nghiên cứu lập dự án thu hồi đất, tạo quỹ đất "sạch" để khai thác. Việc này sẽ vừa phát huy được quỹ đất gắn với hạ tầng giao thông.

Còn với góc độ là một người dân gắn bó với TPHCM, chuyên gia Huỳnh Thế Du rất kỳ vọng và mong mỏi Nghị quyết 98 thành công để tạo ra sự thay đổi của thành phố trong thời gian tới.

***

Bán gạo ở ngay chân cầu Đúc Nhỏ (quốc lộ 13), ông T. chứng kiến và than thở về vấn đề kẹt cứng đã diễn ra gần 20 năm.

"Từ lúc mặt đường nhỏ bằng nửa bây giờ, đến nay đã mở rộng hơn thì vẫn kẹt. Nếu quy hoạch mà có thể chống kẹt xe thì chúng tôi đều chấp nhận đền bù và chuyển đi nơi khác", ông T. nói.

Bài tiếp: Những dự án hạ tầng ở TPHCM đang chờ Nghị quyết 98 mở đường

Nội dung: Huy Hậu, Tâm Linh, Phước Tuần

Ảnh: Hải Long, Nam Anh

Thiết kế: Tuấn Huy