Những dự án hạ tầng ở TPHCM đang chờ Nghị quyết 98 mở đường
(Dân trí) - 16 năm, đường Vành đai 2 TPHCM dài 64km vẫn còn 14km chưa khép kín. Cùng nhiều dự án hạ tầng giao thông dang dở khác, các tuyến đường ở TPHCM đang chờ được khơi thông sau Nghị quyết 98.
Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8. Bản nghị quyết mới được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội và diện mạo mới cho hàng loạt tuyến đường đang nghẽn mạch của thành phố, góp phần mở đường cho hạ tầng giao thông, mở đường cho sự phát triển của "đầu tàu" kinh tế TPHCM.
Một trong 4 đoạn của đường Vành đai 2 dài chỉ 2,8km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) chưa thi công xong kể từ năm 2017.
Thay vì con đường hiện đại 6 làn xe, công trường dự án ở đoạn này lại trở thành mấy đường mòn dân sinh đi tắt qua những bụi cỏ dại, vật liệu ngổn ngang.
Vành đai 2 TPHCM còn 4 đoạn chưa khép kín dài 14km. Trong đó, 3 đoạn nằm ở TP Thủ Đức: Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội dài 3,5km; đoạn 2 từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5km; đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa và đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh).
Vành đai 2 TPHCM được động thổ, khởi công từ năm 2015, có quy hoạch chạy quanh các quận, huyện vùng ven nội đô giúp giảm tải áp lực giao thông thành phố, rút ngắn thời gian đi lại của người dân.
Dự án này được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn hơn 12.540 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Do gặp vướng mắc về cân đối ngân sách và thủ tục thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư, các đoạn vành đai đã bị "đứng hình".
Theo kỳ vọng và mục tiêu của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, Nghị quyết 98 sẽ giúp thành phố tháo gỡ các dự án BT, trong đó có dự án đoạn 3 đường Vành đai 2.
Kẹt xe là "nỗi khổ" của người dân đi lại qua cửa ngõ Đông Bắc TPHCM (khu vực ngã tư Hàng Xanh - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm - Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí, quốc lộ 13) tại quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức nhiều năm qua.
Quốc lộ 13 là tuyến đường huyết mạch kết nối TPHCM với các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Bình Phước. Con đường nêm kín dòng xe của người dân đổ vào nội đô đi làm vào buổi sáng và tan tầm chiều tối. Cả ngày, xe khách, xe buýt lớn qua lại đưa người dân ra vào thành phố.
Hiện trạng quốc lộ 13 thuộc TPHCM chạy xuyên giữa khu dân cư đông đúc, nhà dân sát mặt đường, có vài đoạn thắt lại 4 làn trên con đường 6 làn.
TPHCM có kế hoạch mở rộng đồng bộ quốc lộ 13 từ hơn 20 năm nay (từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu dài gần 5km), tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng được xem xét đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh). Song, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai, do vướng mắc chi phí giải phóng mặt bằng quá cao, không thể cân đối tài chính và hạn chế thủ tục đối với BOT.
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, TPHCM được áp dụng hình thức hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, thay vì chỉ được dùng cho những dự án đường mới xây.
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, thành phố sẽ tập trung áp dụng BOT với các dự án tuyến đường trục chính đô thị, kết nối vùng, các tuyến quốc lộ đi qua TPHCM.
Nhờ cơ chế đặc thù mới, người dân hàng ngày đi qua các con đường quận 4 như Nguyễn Tất Thành, Khánh Hội - cầu Kênh Tẻ - Nguyễn Hữu Thọ cũng mong chờ một "lối thoát" cảnh kẹt xe. Họ đang đặt kỳ vọng vào dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, xây dựng cầu Nguyễn Khoái được đầu tư theo hình thức BT, giúp giảm áp lực giao thông từ khu Nam vào trung tâm TPHCM.
"Muốn chủ động được nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, cần phải nghiên cứu phát triển kinh tế giao thông, trong đó tập trung vào TOD dọc các tuyến metro, vành đai...", ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM khẳng định.
Tuyến đường sắt đô thị metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sắp được đưa vào hoạt động, metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) sắp được khởi động. Những tuyến metro đầu tiên ở TPHCM này chạy qua những khu dân cư hiện hữu đông đúc, đã đặt gánh nặng vào công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Hải Long).
Điểm thuận lợi của Nghị quyết 98 là cho phép TPHCM thí điểm áp dụng TOD - khai thác giá trị từ đất dọc hạ tầng giao thông. Các dự án có thể được triển khai giải phóng mặt bằng độc lập, tách riêng ra khỏi dự án giao thông và thu hồi đất theo quy hoạch TOD tại các khu đất có tiềm năng khai thác, phát triển theo trục giao thông chính để tạo nguồn chi phí từ đất.
Cơ chế này mở ra tương lai dọc hai bên các tuyến metro, các công trình cao ốc như chung cư, tòa nhà thương mại... khang trang, hiện đại và đa năng sẽ mọc lên, mang lại giá trị cho giao thông, đời sống người dân và bộ mặt thành phố.
Ngày 1/8, Nghị quyết 98 có hiệu lực thi hành thay thế cho Nghị quyết 54. Nghị quyết mới cho phép TPHCM thực hiện nhiều giải pháp để phát huy nguồn lực cho các công trình hạ tầng, hứa hẹn mở ra thời kỳ phát triển bứt tốc của thành phố.
Bài tiếp: Với cơ chế mới, bộ máy TPHCM có đủ sức thực thi?
Mời quý độc giả đón đọc những bài liên quan:
- Nghị quyết 98: Cú hích cấp thiết cho đầu tàu TPHCM
- Nghị quyết 98, "chìa khóa" mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM