(Dân trí) - Khi Nghị quyết 54 kết thúc sứ mệnh, việc ban hành nghị quyết mới thay thế trở thành nhiệm vụ quan trọng với TPHCM, đặc biệt trong bối cảnh "chiếc áo cơ chế" dành cho đầu tàu kinh tế ngày càng chật.
Nghị quyết 98: Cú hích cấp thiết cho đầu tàu TPHCM
(Dân trí) - Khi Nghị quyết 54 kết thúc sứ mệnh, việc ban hành một nghị quyết mới thay thế trở thành nhiệm vụ quan trọng đối với TPHCM và cả nước. Việc hình thành một cơ chế đột phá càng cấp thiết hơn trong bối cảnh "chiếc áo" dành cho đô thị đầu tàu của cả nước ngày càng chật chội.
***
Đợt cao điểm mùa mưa năm nay của TPHCM bắt đầu từ đầu tháng 7. Người dân tiếp tục trải qua thời gian vất vả mỗi giờ tan tầm với việc cùng lúc chịu cảnh kẹt xe giữa những cơn mưa trắng trời và những điểm ngập như dòng sông giữa đô thị.
Hệ thống thoát nước lạc hậu, tất cả tuyến vành đai trong quy hoạch dang dở, những dự án lớn lỗi hẹn nhiều năm... là điều người dân sinh sống tại đô thị lớn nhất cả nước trăn trở. Trong số các trở lực đang kìm hãm sự phát triển của TPHCM, hạn chế về cơ sở hạ tầng dễ dàng nhận thấy nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Võ Trí Hảo, nguyên Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng vướng mắc về hạ tầng hay nhiều lĩnh vực khác của thành phố nhìn chung đều liên quan nguồn lực và thể chế. Đây là điều Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM chưa thể gỡ vướng triệt để sau 5 năm triển khai.
Từ giữa năm 2022, khi Nghị quyết 54 sắp kết thúc sứ mệnh, việc xây dựng một nghị quyết mới thay thế trở thành nhiệm vụ quan trọng đối với TPHCM và cả nước. Việc hình thành một cơ chế đột phá càng cấp thiết hơn trong bối cảnh "chiếc áo" dành cho đô thị đầu tàu của cả nước ngày một chật chội.
"TPHCM là một siêu đô thị của cả nước với 13 triệu dân. Để dễ hình dung, dân số của thành phố gấp 2 lần nước Lào, xấp xỉ Campuchia và GDP chắc chắn cao hơn nhiều. Do đó, địa phương này cần những cơ chế, chính sách đặc thù và vượt trội để tương xứng với vị thế của mình", PGS.TS Võ Trí Hảo phân tích.
Qua các giai đoạn phát triển, TPHCM luôn giữ trên vai trọng trách đầu tàu kinh tế của cả nước. Cơ cấu kinh tế và đóng góp ngân sách của địa phương này luôn chiếm phần lớn so với các tỉnh, thành còn lại.
Giai đoạn 1996-2000, kinh tế của TPHCM chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước, giai đoạn 2001-2010 là 20% và giai đoạn 2011-2020 là khoảng 22%. Đồng thời, tỷ lệ đóng góp cho ngân sách Trung ương của TPHCM bình quân giai đoạn 2001-2010 là khoảng 26,5%, giai đoạn 2011-2019 là 27,5%.
Những dấu hiệu của sự suy giảm đà tăng trưởng của TPHCM đã thể hiện rõ nét những năm gần đây. Năm 2020, tổng thu ngân sách địa bàn chiếm tỷ trọng hơn 25% cơ cấu cả nước, sau năm 2021 chịu tác động nặng nề bởi đợt dịch Covid-19, tỷ lệ đóng góp cho ngân sách cả nước của địa phương này chỉ còn hơn 20% trong năm 2022.
Trong cả giai đoạn dài, tổng sản phẩm (GRDP) so với cả nước suy giảm dần. Từ mức 18,7% của năm 2010, địa phương này chỉ còn đóng góp 15,5% trong năm 2022.
Trong quý I năm nay, tăng trưởng kinh tế của TPHCM gây bất ngờ khi chỉ đạt 0,7% cùng kỳ, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 56/63 tỉnh, thành. Trong quá trình thảo luận và "mổ xẻ" về nguyên nhân, bỏ qua yếu tố về thị trường và tác động bên ngoài, những hạn chế về cơ chế, chính sách, cách thức huy động nguồn lực đã được lãnh đạo thành phố cùng giới chuyên gia đề cập tới.
Thời điểm này, những cơ chế, chính sách đặc thù mới được kỳ vọng trở thành cú hích, cởi trói sự kìm hãm để siêu đô thị của cả nước có dư địa để tiếp tục bứt tốc mạnh mẽ.
Nghị quyết 54 và Nghị quyết 98 đều trao cho TPHCM những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, Nghị quyết 54 trước đây được xây dựng và ban hành với kỳ vọng tốc độ vượt trội của đầu tàu kinh tế TPHCM sẽ đưa cả nước đi lên.
Thời điểm hiện tại, Nghị quyết 98 mà Quốc hội mới thông qua được kỳ vọng là cú hích giúp TPHCM khắc phục hàng loạt hạn chế, vướng mắc hiện hữu, từ chất lượng nền công vụ, cho đến triển khai các dự án để địa phương này đạt được đà tăng trưởng vốn có.
"Khơi thông nguồn lực" là điều được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ với phóng viên Dân trí về những đặc điểm chính trong Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua. Trong bối cảnh hiện nay, việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là rất cần thiết, thậm chí cấp thiết.
Theo ông Phan Văn Mãi, điểm khác cơ bản của nghị quyết mới so với Nghị quyết 54 trước đây là thay vì tập trung cho các cơ chế, chính sách tạo nguồn thu, TPHCM sẽ tập trung nhiều hơn cho các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án, thí điểm các hình thức đầu tư mới.
"Từ đó, dòng đầu tư vào thành phố sẽ nhanh hơn. Địa phương cũng có điều kiện thí điểm các cơ chế, hình thức đầu tư mới và ưu đãi cho các nhà đầu tư xã hội chiến lược", ông Mãi phân tích.
Các nội dung Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được chia làm 4 nhóm.
Trong đó, TPHCM kế thừa 7 nội dung từ Nghị quyết 54; hưởng 4 cơ chế, chính sách được quy định trong các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng ở các địa phương khác; áp dụng trước 6 cơ chế, chính sách đặc thù được quy định tại các dự thảo luật đang được Quốc hội cho ý kiến; nhóm cuối cùng là 27 cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa không chỉ cho TPHCM mà tới cả nước.
Trong số các nội dung mới hoàn toàn, TPHCM đã có thêm hàng loạt công cụ để gỡ vướng những điểm nghẽn hạ tầng đã tồn tại nhiều năm qua. Ngoài ra, địa phương cũng có thêm độ mở của chính sách để thu hút nguồn vốn, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và nâng tầm doanh nghiệp trẻ, khởi nghiệp sáng tạo.
Cụ thể, TPHCM là địa phương đầu tiên được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Ngân sách địa phương được chi để triển khai dự án đầu tư công độc lập, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án phụ cận nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng lân cận các nút giao thông dọc Vành đai 3.
Ngoài việc thực hiện tái định cư tại chỗ, địa phương có thêm quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.
Thành phố cũng được mở thêm quyền trong việc đầu tư các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP)).
Ngoài lĩnh vực đã được pháp luật quy định, TPHCM được phép áp dụng PPP đối với dự án thuộc nhóm thể thao, văn hóa - vốn là thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) được phép áp dụng đối với các dự án công trình đường bộ hiện hữu với điều kiện bảo đảm lợi ích của người dân.
Về mặt tài chính, ngân sách, thu hút vốn, Nghị quyết 98 đã trao quyền nhiều hơn trong việc sử dụng ngân sách cấp thành phố, quận, huyện để chi cho các nhiệm vụ cần thiết. Đồng thời, các quy định miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong một số lĩnh vực cũng được áp dụng.
Ông Phan Văn Mãi cho rằng với 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù này, thành phố sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về thể chế và chắc chắn tạo được động lực lớn để phát triển. Đặc biệt, nghị quyết mới sẽ giúp TPHCM phân cấp, ủy quyền kịp thời, chủ động hơn, tháo được "chiếc áo cơ chế" để TP Thủ Đức phát triển.
"Nếu hỏi một nghị quyết, một luật có tháo gỡ hết vướng mắc, khó khăn hay không, khơi thông hết mọi động lực hay không, tôi e là không. Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, chúng ta cần thêm các văn bản pháp luật khác để giải quyết vấn đề thực tiễn, kể cả vướng mắc lẫn nhu cầu phát triển", ông Mãi nhấn mạnh.
"Khi chưa có Nghị quyết 98, chúng ta phải xin cơ chế. Bây giờ có Nghị quyết rồi thì không bàn thêm, nói thêm gì nữa, tất cả phụ thuộc vào hành động của thành phố", Chủ tịch UBND TPHCM quán triệt đến từng sở, ngành, địa phương tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra cuối tháng 6.
Sự gấp gáp của TPHCM trong từng hành động để hiện thực hóa Nghị quyết 98 không chỉ diễn ra sau khi nghị quyết này được thông qua. Ngày 19/5 vừa qua, khi Chính phủ có tờ trình về Nghị quyết 98 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND TPHCM cũng đồng thời ban hành kế hoạch, phân công từng sở, ngành những nhiệm vụ để triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù.
Đến nay, TPHCM đã cơ bản hoàn thiện các tờ trình gửi HĐND TPHCM trong kỳ họp gần nhất, nhằm đưa nghị quyết mới đi vào cuộc sống.
Ngay trong kỳ họp diễn ra vào đầu tháng 7, UBND thành phố đã gửi và được các đại biểu HĐND thành phố thống nhất thông qua tờ trình về triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Đồng thời, các đại biểu cũng thông qua một số tờ trình với tỷ lệ thống nhất cao đối với một số nội dung mới trong nghị quyết này.
Theo từng quý, chính quyền thành phố cũng xác định đầu việc, nhiệm vụ cho từng sở ngành, địa phương cần hoàn thành. Mục tiêu của TPHCM là trong năm 2023, các cơ chế, chính sách mới trong Nghị quyết 98 sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý để hiện thực hóa, áp dụng vào thực tiễn.
Ngay trong đầu tháng 7, TPHCM đã tổ chức hội nghị cán bộ toàn thành phố để quán triệt, triển khai Nghị quyết 98. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 nhằm thực hiện nhanh nhất và hiệu quả nhất những cơ chế, chính sách đặc thù.
Với tầm quan trọng của Nghị quyết, Thủ tướng sẽ là Trưởng ban Chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực.
"Chúng ta phải thật sự thay đổi mới tải được khối lượng công việc, đừng để nghe nói thêm về việc sở này, đồng chí kia trì trệ, làm ách tắc công việc", Chủ tịch UBND TPHCM quán triệt đến người đứng đầu từng sở, ban, ngành, địa phương.
Nhìn nhận một cách khái quát, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về chính sách, kinh tế đều thống nhất quan điểm, Nghị quyết 98 là bước tiến lớn không chỉ cho TPHCM mà cho cả nước về việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ, tăng tính tự chủ cho địa phương. Đồng thời, các cấp lãnh đạo thành phố đã có cách tiếp cận mới, chủ động và quyết liệt ngay từ khi nghị quyết còn chưa hoàn thiện.
Tuy nhiên, Nghị quyết 98 chỉ là một công cụ để TPHCM tạo đột phá, tiếp tục giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế cả nước. Để công cụ này thể hiện hết tính vượt trội, tránh "lãng phí chính sách", đại đô thị phía nam còn rất nhiều việc phải làm và gấp rút cải thiện.
Trong đó, việc nâng cao trách nhiệm công vụ, tránh tâm lý e dè, sợ sai và sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương đóng vai trò quyết định về sự thành công của việc thực thi nghị quyết này.
Bài tiếp: Mở đường cho giao thông TPHCM