DNews

"Việt Nam chỉ nên duy trì 45-50 tỉnh, thành"

Thế Kha

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng những tỉnh có quy mô dân số quá nhỏ hoặc diện tích quá hạn chế cần được ưu tiên xem xét sáp nhập trước tiên. Việt Nam chỉ nên duy trì 45-50 tỉnh, thành phố.

"Việt Nam chỉ nên duy trì 45-50 tỉnh, thành"

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu định hướng sáp nhập một số tỉnh đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Vì sao được dư luận đồng tình?

Việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận những ngày qua. Ông có thể lý giải những nguyên nhân chính khiến dư luận ủng hộ như vậy?

- Tôi cho rằng có nhiều lý do quan trọng. Một trong những nguyên nhân chính là nhu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính. Việc tinh gọn đơn vị hành chính giúp giảm bớt tầng nấc trung gian, qua đó giảm thiểu sự chồng chéo, quan liêu và nâng cao tốc độ xử lý công việc. Từ đó phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Khi bộ máy hoạt động trơn tru, không còn những khâu trung gian không cần thiết, nguồn lực cũng sẽ được phân bổ hợp lý hơn, tạo ra động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến dư luận đồng tình là mong muốn tiết kiệm ngân sách, tập trung đầu tư cho các lĩnh vực thiết yếu. Khi sáp nhập các đơn vị hành chính, bộ máy cồng kềnh được thu gọn, đồng nghĩa với việc giảm chi phí vận hành, giảm số lượng cơ quan hành chính, giảm biên chế, từ đó tiết kiệm một phần đáng kể ngân sách nhà nước.

Khoản ngân sách này có thể được đầu tư lại vào các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, hạ tầng, an sinh xã hội… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Việt Nam chỉ nên duy trì 45-50 tỉnh, thành - 1

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Ảnh: Phạm Thắng).

Một yếu tố nữa khiến dư luận ủng hộ chính là kỳ vọng vào việc quy hoạch và phát triển các địa phương theo hướng bền vững, đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn hơn. Hiện nay, có những tỉnh, thành có quy mô dân số nhỏ, nguồn lực hạn chế, khó có thể phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập.

Khi các địa phương được sáp nhập với nhau trên cơ sở hợp lý, họ có thể tận dụng tối đa lợi thế về địa lý, tài nguyên, hạ tầng, từ đó hình thành những trung tâm kinh tế - văn hóa lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong vùng và cả nước.

Dư luận quan tâm và ủng hộ như vậy còn bởi đây là một quyết sách lớn, mang tính chiến lược, thể hiện sự đổi mới trong tư duy quản trị quốc gia. Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính không đơn thuần là một sự thay đổi về địa giới mà là một cuộc cải tổ sâu rộng về cách thức tổ chức bộ máy, cách thức quản lý, vận hành nền hành chính, hướng đến sự chuyên nghiệp, hiệu quả và hiện đại hơn.

Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, khi nhiều quốc gia cũng đã thực hiện các cuộc cải cách hành chính tương tự để tăng cường hiệu quả quản trị.

Với những lợi ích rõ ràng như vậy, sự quan tâm và đồng thuận của dư luận đối với chủ trương này là hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy nhiên, để việc sáp nhập đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, lộ trình thực hiện hợp lý và đặc biệt là phải lắng nghe ý kiến từ chính quyền địa phương, chuyên gia và người dân để đảm bảo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Việt Nam chỉ nên duy trì 45-50 tỉnh, thành - 2

Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam với 822,70km2; dân số gần 1,5 triệu người, xếp thứ 22 trong bảng xếp hạng dân số Việt Nam (Ảnh: Báo Bắc Ninh).

Theo ông, nghiên cứu sáp nhập các tỉnh cần phải dựa vào những tiêu chí, điều kiện cụ thể nào? Những kinh nghiệm thực tế thời gian qua khi tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần được áp dụng?

- Việc nghiên cứu sáp nhập các tỉnh cần phải dựa trên những tiêu chí và điều kiện cụ thể để đảm bảo tính hiệu quả, hợp lý và phù hợp với thực tiễn. Trước hết, tôi nhận thấy rằng yếu tố quan trọng hàng đầu là quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Một tỉnh có dân số quá ít hoặc diện tích quá nhỏ có thể gặp nhiều hạn chế trong việc phát triển kinh tế - xã hội, trong khi một tỉnh quá lớn lại có thể gây khó khăn trong công tác quản lý.

Do đó, cần tính toán một mức quy mô hợp lý, đảm bảo sự cân đối giữa dân số, diện tích và năng lực quản trị.

Các tỉnh được sáp nhập cần có sự tương đồng hoặc bổ trợ lẫn nhau về cơ cấu kinh tế, trình độ phát triển, thu nhập bình quân đầu người, để tránh tình trạng chênh lệch quá lớn, gây khó khăn trong việc quản lý và phân bổ nguồn lực.

Nếu một tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh, trong khi tỉnh kia lại còn nhiều khó khăn thì việc sáp nhập cần có lộ trình rõ ràng để đảm bảo sự hài hòa, không tạo ra những bất cập về chính sách và cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa - lịch sử - xã hội cũng vô cùng quan trọng. Việc sáp nhập cần xem xét đến sự tương đồng về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, bản sắc vùng miền để đảm bảo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư, tránh những khác biệt có thể dẫn đến khó khăn trong quản lý và điều hành. Nếu hai tỉnh có sự khác biệt quá lớn về văn hóa - xã hội, quá trình hòa nhập có thể gặp trở ngại, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lâu dài.

Yếu tố địa lý và hạ tầng giao thông cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Các tỉnh được sáp nhập nên có sự kết nối thuận lợi về giao thông, không bị chia cắt bởi yếu tố địa hình quá phức tạp như núi non, sông ngòi hay khoảng cách địa lý quá xa, để đảm bảo việc quản lý, điều hành diễn ra thuận lợi. Đồng thời, việc sáp nhập cũng cần tính đến khả năng phát triển hệ thống đô thị, trung tâm hành chính mới sao cho hợp lý, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Quá trình nghiên cứu sáp nhập cần tham khảo kinh nghiệm thực tiễn đã triển khai trong việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Thực tế, có những địa phương đã thực hiện thành công, mang lại hiệu quả tích cực về quản lý, tiết kiệm ngân sách, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Tuy nhiên, cũng có những nơi gặp khó khăn do sự chênh lệch về trình độ phát triển, khác biệt văn hóa, hay vấn đề trong việc xác định trung tâm hành chính mới.

Những bài học này rất quan trọng để giúp chúng ta có một kế hoạch sáp nhập tỉnh bài bản, tránh những sai lầm không đáng có.

Thí điểm trước, nhân rộng sau; 45-50 tỉnh, thành là phù hợp

Khảo sát của Báo Dân trí cho thấy hiện nay có rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước không đáp ứng được các tiêu chí về dân số, diện tích tự nhiên và đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016 và Nghị quyết số 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Theo ông, những địa phương này cần đưa vào "tầm ngắm" xem xét sáp nhập ngay?

- Việc nhiều tỉnh, thành phố không đáp ứng được các tiêu chí về dân số, diện tích tự nhiên và đơn vị hành chính cấp huyện là một thực tế đáng quan tâm. Điều này đặt ra yêu cầu phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng để có lộ trình sáp nhập hợp lý.

Tôi nghĩ rằng những địa phương có quy mô dân số quá nhỏ hoặc diện tích quá hạn chế cần được ưu tiên xem xét sáp nhập trước tiên. Việc này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, mà còn tạo điều kiện để các địa phương này có thêm nguồn lực phát triển, tránh tình trạng bộ máy cồng kềnh nhưng hiệu quả hoạt động không cao.

Khi một tỉnh có dân số ít, nguồn thu ngân sách hạn chế, khó thu hút đầu tư, thì việc duy trì một bộ máy quản lý hành chính riêng biệt sẽ gây lãng phí nguồn lực. Vì vậy, sáp nhập với các tỉnh lân cận có điều kiện tương đồng sẽ giúp tối ưu hóa bộ máy, tiết kiệm ngân sách và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việt Nam chỉ nên duy trì 45-50 tỉnh, thành - 3

Với 0,32 triệu dân, diện tích tự nhiên 4.859,96km2 và chỉ có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh Bắc Kạn không đáp ứng được cả 3 tiêu chuẩn về đơn vị hành chính cấp tỉnh theo nghị quyết của Quốc hội (Nguồn: BacKan.gov.vn).

Bên cạnh đó, những địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp huyện quá ít cũng cần được đưa vào diện xem xét sáp nhập để đảm bảo sự hợp lý trong mô hình tổ chức. Một tỉnh với quá ít huyện có thể gặp khó khăn trong việc duy trì và phát triển các chính sách quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, cũng như khó tận dụng tối đa các lợi thế của vùng miền.

Tuy nhiên, việc sáp nhập không thể chỉ dựa vào các tiêu chí cứng nhắc về dân số và diện tích, mà cần tính đến các yếu tố thực tiễn khác như sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, kết nối hạ tầng giao thông. Những tỉnh có sự khác biệt quá lớn về những yếu tố này cần được cân nhắc kỹ trước khi đưa vào diện sáp nhập.

Quá trình xem xét sáp nhập cũng cần có sự tham vấn ý kiến rộng rãi từ các cấp chính quyền, chuyên gia và đặc biệt là người dân. Bởi suy cho cùng, mục tiêu của việc sáp nhập là để nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ nhân dân tốt hơn, nên sự đồng thuận của xã hội là yếu tố then chốt.

Năm 1976 cả nước chỉ có 38 tỉnh, thành phố, sau đó trải qua rất nhiều lần sáp nhập, chia tách, từ năm 2008 tới nay Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố. Theo ông, nước ta nên có khoảng bao nhiêu tỉnh, thành thì phù hợp?

- Số lượng tỉnh, thành phố cần được xác định dựa trên các tiêu chí khoa học và thực tiễn, thay vì chỉ đơn thuần theo con số cố định. Tuy nhiên, nếu xét về quy mô dân số, diện tích, năng lực quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể thu gọn xuống khoảng 45-50 tỉnh, thành phố để phát triển bền vững.

Duy trì 63 tỉnh, thành phố với bộ máy hành chính cồng kềnh đang tạo ra nhiều áp lực về ngân sách, biên chế và hiệu quả điều hành. Trong khi đó, nhiều tỉnh có quy mô dân số thấp, diện tích nhỏ, năng lực kinh tế hạn chế, dẫn đến tình trạng nguồn lực bị phân tán, khó phát huy lợi thế.

Nếu sáp nhập hợp lý, các tỉnh lớn hơn sẽ có điều kiện để xây dựng chiến lược phát triển mạnh mẽ hơn, thu hút đầu tư tốt hơn và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước.

Nếu chúng ta giảm bớt số lượng tỉnh, nhưng nâng cao chất lượng quản lý, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, cải cách thủ tục hành chính, thì bộ máy nhà nước sẽ vận hành hiệu quả hơn.

Mô hình của một số quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam có thể là bài học tham khảo với chúng ta. Chẳng hạn, Hàn Quốc với dân số hơn 50 triệu nhưng chỉ có 17 tỉnh/thành phố, hay Trung Quốc với gần 1,4 tỷ dân nhưng chỉ có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. So với các nước này, số lượng 63 tỉnh, thành của Việt Nam đang ở mức cao, gây ra sự phân tán nguồn lực và khó khăn trong quản lý vĩ mô.

Do đó, con số khoảng 45-50 tỉnh, thành phố theo tôi là hợp lý. Quá trình sáp nhập cần được thực hiện một cách khoa học, có lộ trình rõ ràng. Quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận từ người dân, để việc sáp nhập không chỉ là một quyết định hành chính, mà thực sự mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.

Sáp nhập tỉnh được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều không gian phát triển cho các địa phương. Lộ trình của việc này như thế nào cho phù hợp khi sắp tới cả nước sẽ tiến hành đại hội đảng các cấp?

- Rõ ràng lộ trình sáp nhập tỉnh cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tính ổn định, đồng thuận và không làm gián đoạn các hoạt động quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt khi chúng ta đang tiến tới Đại hội Đảng các cấp.

Trước hết, tôi thấy rằng quá trình này cần được thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể, có bước đi thận trọng, không nên nóng vội.

Việc sáp nhập nên triển khai theo nguyên tắc "thí điểm trước, nhân rộng sau". Một số tỉnh có quy mô nhỏ, khả năng sáp nhập thuận lợi hơn có thể được chọn làm mô hình thí điểm để rút kinh nghiệm, điều chỉnh chính sách trước khi triển khai diện rộng. Trong thời gian này, chính quyền địa phương cần ổn định tổ chức bộ máy, xác định rõ phương án nhân sự, chức năng nhiệm vụ, tránh xáo trộn lớn trong quá trình vận hành.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng việc sáp nhập tỉnh không thể tách rời khỏi tiến trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp. Vì vậy, lộ trình cần được thiết kế sao cho phù hợp với chu kỳ chính trị quan trọng này.

Trước mắt, có thể tập trung hoàn thành khâu nghiên cứu, xây dựng đề án và lấy ý kiến rộng rãi trong năm nay. Nếu được đồng thuận, việc sáp nhập có thể bắt đầu sau Đại hội Đảng, khi bộ máy lãnh đạo mới đã được kiện toàn và có đủ thời gian để triển khai các bước tiếp theo.

Việc sáp nhập không chỉ là một thay đổi về địa giới hành chính mà còn ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề về quản lý nhà nước, ngân sách, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân. Vì vậy, cần có các cơ chế hỗ trợ, chính sách đặc thù để giúp các địa phương sau khi sáp nhập nhanh chóng ổn định, phát huy lợi thế và không bị gián đoạn trong phát triển.

Nếu làm tốt, đây sẽ là một cơ hội lớn để đất nước ta tối ưu hóa bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị và tạo ra không gian phát triển mạnh mẽ hơn cho các địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Đại biểu Quốc hội: Chỉ nên duy trì 40 tỉnh, thành là phù hợp

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói vấn đề sáp nhập các tỉnh có dân số ít, diện tích nhỏ đã được ông đưa ra Quốc hội cách đây 5-6 năm. Với dân số hơn 100 triệu người mà có tới 63 tỉnh, thành phố, theo ông Hòa, là quá nhiều.

"Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người nhưng cũng chỉ có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (gồm 23 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc Trung ương và 2 đặc khu hành chính). Việt Nam đã nhiều lần  tách, nhập các tỉnh để phát triển nhưng tôi cho rằng vẫn chưa triệt để", ông Hòa nói và cho rằng có thể chỉ duy trì khoảng 40 đơn vị hành chính cấp tỉnh là phù hợp.

Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đang phát triển mạnh, thông tin liên lạc cũng đầy đủ, thông suốt nên có thể đảm bảo cho việc quản lý địa bàn rộng, dân số đông.

Bên cạnh quy mô dân số, diện tích tự nhiên, ông Hòa cho rằng cần tính đến những tiêu chí về văn hóa, lịch sử, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, vị trí địa chính trị, văn hóa của cộng đồng dân cư… khi xem xét sáp nhập tỉnh nhằm đảm bảo sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.