DMagazine

Người đứng đầu tỉnh thành mới: Phải có tầm bao quát, không thiên vị

(Dân trí) - Đề cập vấn đề lãnh đạo tỉnh thành sau khi sáp nhập, các nguyên lãnh đạo, chuyên gia đều nhấn mạnh yêu cầu "có tầm nhìn bao quát", vì cái chung...

Các nguyên lãnh đạo tỉnh cho rằng, yếu tố quan trọng hàng đầu trong sáp nhập tỉnh là việc chọn được lãnh đạo phù hợp. Theo đó, người đứng đầu tỉnh thành sau sáp nhập phải bao quát được không gian phát triển mới của tỉnh thành, phát huy được các lợi thế, không thiên vị chỗ này, chỗ kia…

Người đứng đầu tỉnh thành mới: Phải có tầm bao quát, không thiên vị - 1

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện cuộc Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đảm bảo hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, trong đó có việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.

Đề cập Kết luận số 127 - KL/TW, ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, ông Vũ Văn Phúc nhìn nhận, những tiêu chí sáp nhập tỉnh lần này được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo rõ ràng, đầy đủ, bao quát toàn diện mọi khía cạnh, đủ cơ sở, căn cứ khoa học, chặt chẽ, trong đó nhấn mạnh yêu cầu "mở rộng không gian phát triển".

Điều này cũng đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp ở địa phương hướng tới mục tiêu lớn "không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính mà còn là điều chỉnh không gian kinh tế; điều chỉnh về phân công, phân cấp, điều chỉnh về phân bổ và kết hợp các nguồn lực kinh tế".

Người đứng đầu tỉnh thành mới: Phải có tầm bao quát, không thiên vị - 3

Ông Phúc cho rằng, sau khi sáp nhập, hợp nhất, một số tỉnh, cấp tỉnh mới có không gian phát triển như một vùng của đất nước, sẽ không bị chia cắt bởi địa giới hành chính cấp tỉnh nhiều như hiện nay.

Đề cập nhiều yêu cầu về công tác lãnh đạo sau sáp nhập, ông Phúc nhấn mạnh việc cần tập trung khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các vùng động lực, cực tăng trưởng, các địa phương đầu tàu, địa phương được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù để dẫn dắt cho tăng trưởng cả nước.

Cũng theo ông Phúc, những người lãnh đạo tỉnh cần nắm chắc tình hình, làm tốt công tác phân tích, dự báo, chủ động các phương án, giải pháp đồng bộ, toàn diện, trọng tâm trọng điểm để có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, nhất là đối với những vấn đề mới phát sinh, vấn đề khó, nhạy cảm.

Người đứng đầu tỉnh thành mới: Phải có tầm bao quát, không thiên vị - 5

Cùng chia sẻ về những công việc sau sáp nhập, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Tấn Hiểu nhấn mạnh, khi hai tỉnh sáp nhập với nhau ngoài yếu tố thuận lợi còn cả một "rừng việc" khó khăn phải làm. Một là bố trí bộ máy hành chính thế nào, hai là giải quyết tài sản công ra sao, thứ ba thiết lập các hệ thống quản lý nhà nước sao cho hợp lý, thứ tư là kết nối từ trung tâm của tỉnh đến các buôn làng, xã mới có khó khăn gì...

"Có cả rừng việc nhưng không phải bất kỳ một ai cũng làm được, mà phải có một đề án rất kỹ lưỡng. Không phải sáp nhập là con số hành chính, mà ở đây thể hiện bằng những công việc cụ thể, hoạt động hiệu lực, hiệu quả như Tổng Bí thư Tô Lâm nói", ông Hiểu chia sẻ.

Người đứng đầu tỉnh thành mới: Phải có tầm bao quát, không thiên vị - 7

Ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, trong sáp nhập tỉnh thành, yếu tố quan trọng hàng đầu là việc chọn được lãnh đạo có trình độ, kinh nghiệm, uy tín, đạo đức. Theo ông, công tác quản lý hiện nay có nhiều thuận lợi hơn trước nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo…, nhưng trước hết phải chọn được người lãnh đạo có tâm, có tầm.

Từng là bí thư của tỉnh Hà Nam Ninh, ông Bùi Xuân Sơn chia sẻ, từ thực tế làm việc, ông rút ra 3 điểm "mấu chốt" với công tác lãnh đạo sau khi hợp nhất tỉnh. Trước hết, lãnh đạo phải có tầm nhìn bao quát, thứ hai, lãnh đạo phải vì cái chung, không thiên vị chỗ này, chỗ kia, tạo điều kiện phát triển đồng đều và thứ ba, phải có một đội ngũ cán bộ giỏi, nhiệt huyết.

Người đứng đầu tỉnh thành mới: Phải có tầm bao quát, không thiên vị - 9

Trả lời câu hỏi về mối lo ngại tính cục bộ có thể vẫn còn tồn tại ít nhiều ở một số lãnh đạo địa phương, ông Sơn cho rằng, tính cục bộ là bản năng của con người và việc xóa cục bộ đòi hỏi sự giác ngộ của lãnh đạo, ý thức chung của toàn xã hội cùng cơ chế đủ mạnh để hạn chế, ngăn ngừa chuyện biến tướng, tiêu cực.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho rằng, khi người đứng đầu tỉnh mới sáp nhập là người thuộc 1 tỉnh sáp nhập có tính cục bộ địa phương sẽ dẫn đến cục bộ nhân sự, cục bộ đầu tư, cục bộ phân chia dự án…

Cục bộ địa phương thường bắt đầu từ chính người đứng đầu của tỉnh, cho nên việc lựa chọn nhân sự ngay từ đầu đã phải tính đến câu chuyện này. Phẩm chất người lãnh đạo đã phải bao hàm những yếu tố như công tâm, khách quan, vì sự phát triển chung của tỉnh… Mặt khác, yếu tố kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp trên đối với cấp ủy và người đứng đầu là hết sức quan trọng.

Trở lại với việc chọn người đứng đầu tỉnh sáp nhập, ông Hòa cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là đánh giá đúng, khách quan phẩm chất và năng lực của các ứng viên tiềm năng để chọn ra người thích hợp nhất.

Người đứng đầu tỉnh thành mới: Phải có tầm bao quát, không thiên vị - 11

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn có cùng quan điểm với nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh Bùi Xuân Sơn khi cho rằng, để tối ưu không gian phát triển, những nhà lãnh đạo các tỉnh mới sáp nhập phải có năng lực quản lý và tầm nhìn bao quát. Chẳng hạn, TPHCM sau sáp nhập với hai tỉnh khác ở Đông Nam Bộ, tầm nhìn lãnh đạo cũng phải phải bao trùm ba tỉnh và cả Vùng đô thị xung quanh, chứ không thể chỉ giới hạn trong ranh giới TPHCM hiện tại.

"Trước đây, khi tham gia các cuộc họp về quy hoạch chung của TPHCM và của các tỉnh trong Vùng Đô thị TPHCM tôi luôn nhấn mạnh một ý tưởng nhất quán rằng, trong quy hoạch tỉnh thành phải luôn thể hiện tầm nhìn phát triển trong tương quan liên kết hợp tác  vùng, không chỉ đặt câu hỏi tỉnh nhà có lợi ích gì, mà cả tỉnh bạn sẽ có lợi ích gì trong mối liên kết hợp tác đó!", ông chia sẻ.

Người đứng đầu tỉnh thành mới: Phải có tầm bao quát, không thiên vị - 13

Cũng theo TS Ngô Viết Nam Sơn, việc thúc đẩy hợp tác vùng để phát triển khu vực tứ giác kinh tế (gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) vươn lên tầm quốc tế rất quan trọng. Nếu như kết hợp tốt, thì tứ giác này sẽ không chỉ là đầu tàu kinh tế của cả nước, mà sẽ trở thành một khu vực phát triển hàng đầu của châu Á.

Đề cập lịch trình sáp nhập tỉnh rất gấp gáp (tháng 8 phải xong), TS Sơn cho rằng, khung thời gian này có thể không kịp để đề án này gắn với các nghiên cứu khai thác những tiềm năng mới về mặt kinh tế - xã hội, đi kèm với những điều chỉnh cần thiết về quy hoạch.

Tuy vậy, theo ông, nhân sự lãnh đạo tỉnh có thể thay đổi nhưng đa phần, họ vẫn sẽ nằm trong hàng ngũ lãnh đạo của tỉnh thành mới, nhân sự phụ trách về mặt quản lý quy hoạch, lãnh đạo các sở, các xã vẫn là những con người đó. Nên thời gian này là cơ hội để cho những cán bộ này có sự chuẩn bị, từ đó họ sẽ tham mưu, giúp cho ban lãnh đạo mới của tỉnh sau khi sáp nhập nhanh chóng đánh giá đúng tình hình và sớm đưa ra những định hướng chiến lược mới.

Chẳng hạn, với những vấn đề chuyên môn muốn đưa vào quy hoạch sửa đổi, muốn trở thành chính sách phải có một quá trình chuẩn bị, phải có quá trình lập đề án, trình duyệt. Do vậy, bây giờ công tác chuẩn bị cho "hậu sáp nhập" phải được thực hiện song song, sẵn sàng phối hợp, chứ không nên ngồi chờ.   

Vị chuyên gia cho rằng, lãnh đạo, cán bộ các tỉnh thành trong cuộc khi nắm được tình hình địa phương thuộc diện sáp nhập, thì cần có sự chuẩn bị trước về mặt tư duy và về các định hướng mới cho tương lai, để khi quyết định được Trung ương đưa ra thì lập tức trong nội bộ đã có sự sẵn sàng phối hợp, vận động, chớp lấy các thời cơ và cơ hội mới.

Người đứng đầu tỉnh thành mới: Phải có tầm bao quát, không thiên vị - 15

Trả lời câu hỏi, việc sắp xếp lại các tỉnh lần này liệu có thể mở ra không gian phát triển lâu dài, thậm chí trăm năm hay không, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, điều này phụ thuộc vào sự cố gắng trên thực tế của Trung ương và các địa phương. Theo ông Sơn, cần phải nỗ lực để mô hình này phát huy hiệu quả, phải nhìn ra được cơ hội và tận dụng được các thế mạnh sẵn có ở từng nơi.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, nhìn lại lịch sử, việc thay đổi địa giới hành chính ở nước ta đã diễn ra nhiều lần và có lẽ hiếm nước nào chỉ vài thập kỉ lại thay đổi nhiều như vậy. Mỗi lần thay đổi theo ông Đáng không chỉ tốn kém nguồn lực mà còn làm xáo trộn trong xã hội.

Người đứng đầu tỉnh thành mới: Phải có tầm bao quát, không thiên vị - 17

"Năng lực của chúng ta chưa đủ để có tầm nhìn dài hạn hơn, mới chỉ giải tỏa những bài toán bối cảnh", TS Đáng nhìn nhận về tồn tại từ những lần điều chỉnh trước đây.

Vị TS này cho rằng, cơ cấu địa giới địa phương cứ vài thập kỷ lại thay đổi một lần sẽ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của từng cá nhân, người dân mà chúng ta cũng rất khó trong việc xây dựng một nền quản trị quốc gia hướng tới hiện đại.

Cho rằng, sau 40 năm đổi mới, vị thế, tiềm lực của đất nước, tầm nhìn của mỗi người dân, đặc biệt của lãnh đạo Trung ương cũng như lãnh đạo địa phương đã khác rất nhiều, ông Đáng kỳ vọng, việc sáp nhập tỉnh lần này sẽ tạo ra một cơ cấu địa phương tốt nhất, hợp lý nhất, thuyết phục nhất có thể, hay nói ngược lại ít hạn chế nhất có thể.

Từ đó, cơ cấu địa phương này tồn tại qua nhiều thế hệ, tích hợp được các nguồn lực đang phân tán hiện nay trở thành động lực mới, tạo tiền đề để nâng tầm tư duy chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo địa phương cũng như lãnh đạo quốc gia.

Nội dung: Cấn Cường, Bích Diệp, Thúy Diễm, Doãn Công

Thiết kế: Đức Bình