(Dân trí) - Nhiều chuyên gia nhận định, trường hợp sáp nhập tỉnh ở Tây Nguyên với tỉnh ở duyên hải Nam Trung Bộ sẽ không đơn thuần mở rộng địa giới hành chính, mà là "ghép mạch" cho hai vùng thế mạnh bổ trợ.

Theo ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, phương án nhập tỉnh miền núi với tỉnh miền biển là một phương án tốt, khả quan.
"Nếu sáp nhập tỉnh miền núi với tỉnh miền biển, các bên sẽ bổ trợ lợi thế cho nhau. Hải sản chở lên, nông sản, quặng Alumin chở xuống… hỗ trợ nhau phát triển", ông Lạng nhận định.

Về việc sáp nhập Bình Định với Gia Lai có phù hợp hơn so với Quảng Ngãi hay Phú Yên như trước đây không, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Tấn Hiểu cho rằng, Trung ương đưa ra nhiều tiêu chí kể cả tiêu chí văn hóa, an ninh quốc phòng,… chứ không đơn thuần chỉ riêng kinh tế.
"Hiện nay, tiêu chí phát huy tiềm lực về kinh tế, mở ra không gian phát triển, kết nối hành lang kinh tế đông - tây tạo ra tiền đề mới tạo sức bật để bước vào kỷ nguyên mới. Một phương án rất khó trọn vẹn hết được, sẽ có một số mặt hạn chế nhưng về cơ bản là tốt", ông Hiểu nhìn nhận.
Theo ông Hiểu, phương án sáp nhập tỉnh Bình Định với tỉnh Gia Lai (nếu có) sẽ tạo điều kiện cho 2 địa phương cùng phát triển, từ rừng xuống biển và ngược lại; tăng cường tình đoàn kết dân tộc giữa miền xuôi miền ngược; an ninh, quốc phòng cũng được củng cố, tạo một không gian bảo vệ Tổ quốc.
Ông Hiểu đánh giá, Bình Định có nhiều lợi thế, là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tỉnh có vị trí kinh tế quan trọng, nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc - Nam.

Là cửa ngõ ra biển gần và thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan thông qua quốc lộ 19 và cảng biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định rất gần các tỉnh Tây Nguyên, cách cửa khẩu quốc tế Bờ Y - tỉnh Kon Tum (qua Lào) 300km, cách cửa khẩu Lệ Thanh - tỉnh Gia Lai (qua Campuchia) 280km, trải dài dọc theo 134km bờ biển, nên có nhiều cơ hội giao thương, hội nhập quốc tế.
Trong khi đó, tỉnh Gia Lai có diện tích lớn với nhiều thế mạnh phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường…
Hạ tầng giao thông của Gia Lai cũng thuận lợi không những về đường bộ mà còn cả đường hàng không. Tỉnh có quốc lộ 14 nối các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum thông đến Đà Nẵng, TPHCM, đặc biệt tuyến đường Hồ Chí Minh đã rút ngắn khoảng cách từ Gia Lai đến các trung tâm kinh tế chính trị lớn của cả nước.
"Với những thuận lợi trên, trong trường hợp Bình Định và Gia Lai sáp nhập sẽ hỗ trợ nhau phát triển nhanh, bền vững", theo ông Hiểu.

Đối với khu vực duyên hải miền Trung, TS Trần Du Lịch cho biết, trước đây chúng ta từng sáp nhập theo chiều dọc, "biển với biển". "Tôi nhớ khi tôi còn làm tổ tư vấn liên kết vùng duyên hải miền Trung, tôi cũng thấy bất cập, tỉnh nào cũng giống tỉnh nào, biển đảo như nhau, thành ra thay vì bổ sung thì lại cạnh tranh", vị chuyên gia nhìn nhận.
Chính vì vậy, trong một hội nghị liên kết vùng miền Trung, ông Lịch đã đề xuất mời các tỉnh Tây Nguyên cùng tham gia. Ông cho rằng, liên kết miền Trung và Tây Nguyên mới quan trọng, để có thể bổ sung lợi thế phát triển, không cạnh tranh với nhau.
Theo đó, trong trường hợp kết hợp một tỉnh Tây Nguyên với một tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, chúng ta sẽ thay đổi cách tổ chức những tỉnh mới thành những tiểu vùng kinh tế, gắn kết với sự phát triển, bổ sung cho nhau.
Hiện nay, dọc Nam - Bắc đã hình thành hệ thống giao thông nhiều trục như đường ven biển bắc nam, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường Trường Sơn... Chúng ta đã và đang làm hệ thống rất lớn đường xương cá nối theo chiều ngang như cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Dọc miền Trung, hệ thống gắn kết Tây Nguyên với biển rất dễ dàng; giao thông gắn kết thì kinh tế sẽ phát triển.
Vị chuyên gia quê Bình Định cũng chia sẻ thêm, từ xưa ông bà đã có câu "Ai về nhắn với nậu nguồn. Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên" thể hiện rất rõ tính gắn kết, giao thương, bổ sung lợi thế cho nhau để kinh tế phát triển giữa miền núi và đồng bằng.

Đồng quan điểm, TS Lê Thế Phiệt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên - cho rằng, nếu phát triển theo trục ngang, tỉnh miền núi kết hợp cùng tỉnh miền biển sẽ giúp mở rộng không gian cho cụm ngành phát triển. Không gian lớn có tiềm lực thu hút đầu tư, tạo thành chuỗi để phát triển kinh tế - trong đó, các trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty tài chính, các doanh nghiệp… hỗ trợ lẫn nhau.
Theo TS Phiệt, nếu như trước đây, quan niệm lợi thế so sánh từng vùng thì nay, sự đổi mới mở ra cơ hội phát triển hơn. "Sự đổi mới sáng tạo giai đoạn này rất quan trọng, sẽ không dừng ở khái niệm so sánh lợi thế vùng miền. Thay vì làm manh mún nhỏ lẻ như trước đây do điều kiện chưa cho phép, nay sáp nhập, quy mô càng lớn chi phí càng giảm, là cơ hội cho doanh nghiệp", ông Phiệt đánh giá.
Đồng thời, khi phát triển theo trục ngang, hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng. Nếu hạ tầng phát triển đồng bộ thì sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận tải, việc lưu kho, bảo quản hàng hóa… có nhiều thuận lợi.
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho hay, Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ tập trung nhiều dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực điện lực. Tuy nhiên, không ít dự án bị "tắc" do quy hoạch điện là quy hoạch đặc thù, trong quá trình triển khai sẽ có độ vênh nhất định với Luật Quy hoạch. Trường hợp chọn sáp nhập một tỉnh Tây Nguyên với tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ sẽ mang lại lợi ích lớn, thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư công về lưới điện và nguồn điện.

Vướng mắc lớn nhất của các dự án công - cả về xây dựng nguồn điện lẫn xây dựng lưới điện - là câu chuyện giải phóng mặt bằng và đền bù. Sau sáp nhập tỉnh, nguồn lực địa phương sẽ tốt hơn. Việc sáp nhập tỉnh ở Tây Nguyên với tỉnh duyên hải sẽ mang lại cơ hội đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng và sắp xếp tái định cư. Cùng với đó, sau khi sắp xếp lại bộ máy, bỏ cấp trung gian, vị chuyên gia kỳ vọng, sự cải cách, đổi mới về thể chế này sẽ thúc đẩy hiệu quả thực thi tại các dự án điện, từ đó đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế.

Là người sinh ra và lớn lên giữa cao nguyên đất đỏ Đức Trọng, KTS Trình Phương Quân - ThS Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường (Hệ thống đô thị bền vững), ĐH Stanford - chia sẻ, ông hiểu rõ khoảng cách giữa Tây Nguyên và biển. Lịch sử đã chứng minh tầm nhìn của người Pháp khi xây dựng tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt từ năm 1908 - họ muốn biến Tây Nguyên thành "hậu phương nguyên liệu" thông thương với cảng biển. Ngày nay, nếu sáp nhập tỉnh ở Tây Nguyên với tỉnh ở duyên hải Nam Trung Bộ sẽ không đơn thuần là mở rộng địa giới hành chính, mà là "ghép mạch" cho hai vùng thế mạnh bổ trợ.
Cơ hội mới được mở ra khi Tây Nguyên không còn bị cô lập bởi địa hình núi cao. Cà phê, chè, rau củ từ Lâm Đồng có thể xuất thẳng qua cảng Phan Thiết, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ngược lại, các khu công nghiệp ven biển như Bình Thuận, Ninh Thuận sẽ có nguyên liệu ổn định, kết hợp công nghệ để nâng tầm giá trị sản phẩm. Phương án này không chỉ là bước tiến kinh tế, mà còn giúp hồi sinh những vùng đất từng bị xem là "vùng sâu vùng xa".

Về du lịch, tiềm năng càng rõ rệt. Từ resort biển Phan Thiết đầy nắng gió chỉ cần 3 giờ để lên Đà Lạt đón cái lạnh se sắt giữa rừng thông sẽ là một trải nghiệm độc đáo hiếm nơi nào có được. Dải đất này có thể trở thành điểm đến đa dạng: kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái, khám phá văn hóa bản địa, hay tham quan nông trại công nghệ cao bên cạnh di sản văn hóa biển.
Điều quan trọng hơn cả là sự bổ trợ tài nguyên. Tây Nguyên có nước ngầm, thủy điện; duyên hải có nắng, gió, cát - kết hợp lại có thể tạo ra nguồn năng lượng sạch mạnh mẽ. Việc mở rộng địa giới còn thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào chuỗi sản xuất liên hoàn, từ nông nghiệp sạch đến năng lượng tái tạo.
"Tuy nhiên, thành công chỉ đến nếu chúng ta không quên bài học xưa: phát triển phải đi đôi với bảo tồn. Những con đường mới không được phá vỡ rừng già Tây Nguyên, resort ven biển không được lấn chiếm làng chài truyền thống. Chúng ta nên học cách người Pháp tôn trọng thiên nhiên khi quy hoạch Đà Lạt - uốn mình hòa theo núi đồi, chứ không ép đất đai phục vụ con người", vị kiến trúc sư nhìn nhận.
Theo ông, nếu làm được điều đó, sự hợp nhất này sẽ tạo nên một dải phát triển hài hòa: hạ tầng hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần bản địa.