DNews

Số phận của bức tượng "mất chân" trước chợ Bến Thành ngày ấy

Tâm Linh

(Dân trí) - Nằm trước chợ Bến Thành cả nửa thế kỷ trước khi phải tạm di dời chục năm chờ xây ga metro, hai bức tượng của danh tướng Trần Nguyên Hãn và nữ liệt sĩ Quách Thị Trang sẽ được "châu về Hợp Phố".

Số phận của bức tượng "mất chân" trước chợ Bến Thành ngày ấy

Những người dân sống ở TPHCM hoặc du khách đến thành phố nửa đầu năm 2014 trở về trước, ít nhiều một lần đi ngang chợ Bến Thành, lưu thông qua vòng xoay Quách Thị Trang phía trước chợ, đều "may mắn" khi thấy được hai bức tượng sừng sững giữa bùng binh.

Bùng binh chợ Bến Thành có từ năm 1914, thân thuộc với nhiều thế hệ người dân thành phố. Tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn và tượng bán thân nữ liệt sĩ Quách Thị Trang được coi biểu tượng của bùng binh này. Tuy nhiên, năm 2014, hai công trình tượng phải tạm di dời để phục vụ thi công tuyến metro đầu tiên của thành phố.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức khai thác thương mại vào năm 2024, không gian cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành sẽ hiện diện trở lại hai bức tượng, tròn 60 năm kể từ khi tượng Quách Thị Trang có mặt đầu tiên tại vòng xoay.

Số phận của bức tượng

Khu vực bùng binh với hai bức tượng từ năm 2014 trở về 50 năm trước, là nơi dừng chân chụp ảnh của nhiều du khách đến TPHCM - ảnh chụp năm 2014 (Ảnh: Hữu Khoa).

Bức tượng đầu tiên giữa vòng xoay

Theo cuốn "Chấn hưng Phật giáo" của Hòa thượng Thích Thiện Hoa soạn năm 1970 thuật lại: Sáng ngày 25/8/1963, Trang thức dậy thật sớm rồi xin phép mẹ đến nhà bạn và rủ Yến cùng đi. Hai cô gái trẻ cùng nhau bắt xe taxi chạy đến khu vực chợ Bến Thành.

Theo ghi chép về đường phố nội thành TPHCM của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: Quảng trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành thường được gọi là bùng binh chợ Sài Gòn; thời Pháp thuộc gọi là quảng trường Eugène Cuniac. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi tên thành quảng trường Diên Hồng; từ năm 1963 đổi gọi thành Công trường Quách Thị Trang.

Từ các ngả đường xung quanh khu vực chợ, xuất hiện hơn 300 sinh viên, học sinh, Phật tử ùn ùn kéo đến công trường Diên Hồng với khí thế ngất trời. Đoàn biểu tình hiên ngang đi tới, vượt qua khỏi mặt tiền chợ Bến Thành.

Đến 10h sáng, trong tình trạng khắp nơi đều có đơn vị vũ trang canh gác, hàng loạt biểu ngữ được tung ra, với khẩu hiệu yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa không được đàn áp tôn giáo.

Các trung đội cảnh sát kéo tới đàn áp đoàn biểu tình, lập hàng rào chắn chặn bước tiến của đoàn người biểu tình. Chợt nghe 2 tiếng súng nổ vang lên xé rách trời xanh, Yến giật mình quay lại thì nhìn thấy Trang đã ngã gục trên đường nhựa. Bầu trời lúc ấy như nhuộm màu đỏ trên nền áo trắng.

Nữ sinh Quách Thị Trang khi ấy 15 tuổi, tiến lên trước đoàn biểu tình, đã hy sinh dưới họng súng của chế độ Ngô Đình Diệm.

Số phận của bức tượng

Chợ Bến Thành từng mang tên Quách Thị Trang (Ảnh: Michael Mittelmann Collection).

Năm 1964, sau khi chế độ Diệm sụp đổ, giới sinh viên, học sinh Sài Gòn đã quyên góp xây bức tượng thờ nữ học sinh anh hùng, đặt ngay công trường Diên Hồng trước cửa chính chợ Bến Thành nơi cô ngã xuống.

Thời điểm đó, chợ Bến Thành có thời gian bị đổi tên thành chợ Quách Thị Trang để tưởng niệm, tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn thì bảng tên này được gỡ xuống.

Sau năm 1975, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận Quách Thị Trang là liệt sĩ, đặt quảng trường nơi cô hy sinh chính thức mang tên cô.

Sau này, bùng binh dần dà được mở rộng, tượng bán thân Quách Thị Trang vẫn mỉm cười tại đó. Đúng 50 năm kể từ ngày được dựng lên, tượng Quách Thị Trang được mang đến công viên Bách Tùng Diệp (quận 1) vào năm 2014.

Số phận của bức tượng
Số phận của bức tượng

Tượng Quách Thị Trang trên bùng binh chợ Bến Thành được chụp năm 1965 khi chưa có tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng hiện tại nằm ở công viên Bách Tùng Diệp (Ảnh trái: Jordan/manhhai suutam - Ảnh phải: Tâm Linh).

Tượng danh tướng rụng chân

Năm 1967, ngay bên cạnh tượng Quách Thị Trang, tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa và đỡ chim bồ câu đứng trên bệ đá cao ngay chính giữa bùng binh chợ Bến Thành xuất hiện.

Chế độ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nối tiếp chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau cuộc đảo chính nói trên, Phó Tổng thống là Nguyễn Cao Kỳ quản lý chính lực lượng quân đội, trong thời gian cầm quyền đã cho dựng 14 tượng đài (hầu hết là các danh nhân quân sự lớn của nước ta) nằm ở những nút giao quan trọng của Sài Gòn. Mỗi tượng đại diện cho từng binh chủng quân lực.

Số phận của bức tượng

Tượng Tả tướng Trần Nguyên Hãn phía sau tượng Quách Thị Trang, được chụp tháng 8/1967 (Ảnh: Eaindy/manhhai sưu tầm).

Nói riêng về Trần Nguyên Hãn, theo sử sách ghi lại, ông là danh tướng nhà Trần và theo phò nhà Lê sơ đánh bại quân Minh xâm lược khoảng thế kỷ XV.

Trong thời gian đánh giặc, ông đã huấn luyện những con chim bồ câu có khả năng chuyển thư tín qua lại với chủ tướng Lê Lợi và các đầu mối quân sự khác.

Trong một lần bị giặc vây chặt, Trần Nguyên Hãn đã viết thư cầu cứu buộc vào chân chim, tướng Lê Lợi nhận được tình hình liền cho quân tiếp viện đến phá vỡ vòng vây giải cứu.

Do vậy, Binh chủng Truyền tin Việt Nam Cộng hòa đã vinh danh tướng Trần Nguyên Hãn và xây dựng tượng ông nhân ngày Quân lực của chính quyền này, vào ngày 19/6/1967.

Cấu trúc tượng đài gồm một bệ hình tháp vuông vức cao chục mét, trên đỉnh bệ tháp là tượng danh tướng ngồi trên lưng ngựa, tay phải giơ cao con chim bồ câu tái hiện hành động thả chim bay mang tin truyền đi.

"Ngày xưa đứng lấp ló từ sông Sài Gòn đã thấy con chim nhô cao, thì biết đó là bức tượng định vị chợ Bến Thành. Sau này có nhiều nhà cao mọc lên, càng đi gần vào mới thấy", một người đàn ông lớn tuổi từng là lính Việt Nam Cộng hòa mô tả cho phóng viên.

"Những năm 1990-2000, người nước ngoài đến TPHCM ngày càng nhiều. Tôi đưa khách tham quan chợ Bến Thành, xe từ từ tiến về phía vòng xoay, thứ họ chỉ trỏ hỏi tôi trước tiên là tượng người cưỡi ngựa kia, sau đó mới nhìn sang chợ", ông J.P. là hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam gần 30 năm kể lại.

Phơi nắng mưa giữa trung tâm thành phố được 46 năm, bức tượng được xây bằng xi măng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, dù từng được trùng tu, phục chế 2 lần. Tháng 7/2013, chiếc chân phải của tượng danh tướng đã gãy và rụng xuống, làm mất đi vẻ uy nghi của tượng đài và gây nguy hiểm cho người đến gần.

Số phận của bức tượng

Tượng Trần Nguyên Hãn vào năm 2014 trước khi phải dời đi nhường chỗ cho công trường metro, đã bị rụng chân (Ảnh: Hữu Khoa).

Đến năm 2014, cùng với tượng Quách Thị Trang phải dời đi cho công trường làm ga metro, tượng đài Trần Nguyên Hãn được mang về đặt tại Công viên Phú Lâm (quận 6).

Song, UBND quận 1 có báo cáo tình trạng tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn đang bị mục và xuống cấp. Theo kế hoạch của UBND quận 1 về kế hoạch cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành, tượng Trần Nguyên Hãn sẽ được phục dựng bằng chất liệu bền vững hơn như đồng. 

Đồng thời, tỷ lệ kích thước bệ tượng và tượng cũng sẽ được nghiên cứu cho phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành. Từ đây cũng đặt ra bài toán "đặt ở đâu" đối với cả hai bức tượng để đảm bảo yếu tố hài hòa.

Hai bức tượng có được đặt ở chỗ cũ? 

Theo nội dung của UBND quận 1 trình thành phố, tượng Trần Nguyên Hãn sẽ được bố trí gần với vị trí cũ (1). Còn tượng Quách Thị Trang sẽ được đặt trước dự án cao ốc One Central khu tứ giác Bến Thành (4).

Số phận của bức tượng

Vị trí 4 vùng sẽ được thay áo mới tại khu vực trước chợ Bến Thành (Ảnh: Hải Long).

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS - KTS Nguyên Hạnh Nguyên, Trưởng khoa Kiến trúc, Nội Thất, Mỹ thuật ứng dụng trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM), bày tỏ trăn trở về câu chuyện tìm nơi yên vị cho hai bức tượng mang tính biểu tượng của khu vực chợ Bến Thành.

Trong khi tượng Trần Nguyên Hãn được thành phố ưu tiên nghiên cứu tỷ lệ mới phù hợp, thì tượng Quách Thị Trang hiện nguyên vẹn chỉ cần mang về chỗ cũ.

"Tượng Quách Thị Trang nhỏ bé, nếu đặt cạnh tòa cao ốc hiện đại lọt thỏm ở đó thì thật tội nghiệp", KTS Nguyên lắc đầu.

Theo quan điểm của nữ KTS, sự kết nối công trình với không gian đô thị là rất quan trọng. Vì vậy, những công trình dù nhỏ hay lớn, nếu nó nằm trong một quần thể thì cần phải được bảo tồn và coi trọng nó như là coi trọng cả một mảng lịch sử.

KTS Nguyên phân tích: Không gian bùng binh trước đây có khoảng cách và tầm nhìn gần với người lưu thông ngang qua. Nhưng với mặt bằng hiện tại đã giãn mở rộng ra, bên cạnh đó có tòa nhà mọc lên cao, thì việc đặt lại các bức tượng cần được xem xét sao cho có sự tương quan với không gian.

"Khi môi trường, cảnh quan thay đổi, thì vị trí và tầm nhìn cũng như tỷ lệ của công trình tượng cần phải thay đổi theo, nâng cao lên hoặc làm to ra để tượng không bị mờ nhạt vô nghĩa giữa không gian bị kéo giãn rộng lớn", KTS Nguyên nêu lý thuyết.

Số phận của bức tượng
Số phận của bức tượng

Không gian trống trải rộng lớn phía trước chợ Bến Thành sau khi bùng binh bị dỡ bỏ (Ảnh: Hữu Khoa - Hải Long).

Đối với tượng bán thân nữ liệt sĩ Quách Thị Trang, KTS Nguyên cho rằng cần lưu ý một số phương án sau. Trước hết, nếu di dời tượng đến chỗ mới, thì phải đề thêm chú thích ở bên cạnh về vị trí ban đầu của tượng.

Theo góc nhìn của nữ KTS, đặt tượng Quách Thị Trang phía trước chợ Bến Thành hoặc mũi tàu công viên 23/9 là phù hợp hơn cả. Hai vị trí này không có nhà cao tầng che chắn tầm nhìn, tượng bán thân nhỏ bé sẽ không bị "vô duyên" giữa công trình.

Vì đây là bức tượng mang theo câu chuyện lịch sử của khu vực, để nâng cao giá trị di sản của tượng, KTS Nguyên đề xuất phương án bảo tàng hóa nó. Tức là, bên cạnh tượng nên dành một không gian nhỏ để trưng bày hình ảnh, thông tin về sự kiện, lý giải vì sao lại có bức tượng này ở đây, không để bức tượng đơn lẻ đứng đó lạc lõng giữa dòng xe.

"Thay vì phải khiên cưỡng dựng lại một bức tượng to hơn để có tỷ lệ tương quan với không gian hiện hữu, thành phố có thể xem xét phương án trên", KTS Nguyên Hạnh Nguyên nói.

Nhưng, chung quy lại, nữ KTS nhìn nhận vấn đề không chỉ mỗi việc đặt hai bức tượng ở đâu, mà điều quan trọng nhất là thành phố cần tổ chức lại khu vực vòng xoay sao cho hài hòa về cảnh quan, lưu giữ di sản và hợp lý về giao thông.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 10 tượng đài được xây dựng trước năm 1975. Hầu hết là tượng danh nhân lịch sử, anh hùng dân tộc như tượng: Phù Đổng Thiên Vương, Trần Hưng Đạo, An Dương Vương, Trần Nguyên Hãn, Phan Đình Phùng…

Số phận của bức tượng

Quần thể công trình cũ và mới mang tính biểu tượng của TPHCM nằm bên sông Sài Gòn (Ảnh: Hải Long).

Bài viết tham khảo tài liệu sách của các tác giả: Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Nguyễn Đình Tư, Phạm Công Luận.

Đọc thêm:

1. Chợ Bến Thành thay đổi thế nào sau hơn 160 năm?

2. Từ khách sạn khang trang đến ký túc xá lỗi thời ở TPHCM