DNews

Chợ Bến Thành thay đổi thế nào sau hơn 160 năm?

Tâm Linh Huy Hậu

(Dân trí) - Từ một ngôi chợ mái lá sát sông Sài Gòn, chợ Bến Thành được xây lại nhiều lần và di chuyển vào vị trí hiện nay. Công cuộc cải tạo chợ vẫn còn là trăn trở của TPHCM.

Chợ Bến Thành thay đổi thế nào sau hơn 160 năm?

Tháng 10 vừa qua, chợ Bến Thành tồn tại hơn trăm năm của TPHCM được đề xuất cải tạo do có nhiều hạng mục xuống cấp. Trong lịch sử hình thành của mình, chợ từng được xây dựng lại vài lần, với lần cuối được chỉnh trang cách đây gần 40 năm.

Với đặc thù là công trình mang dấu ấn của cả giai đoạn lịch sử đô thị TPHCM, các chuyên gia kiến trúc cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến việc thay áo mới cho chợ.

Từ một ngôi chợ mái lá

Ngôi chợ nguyên thủy nằm trong phố chợ sầm uất dọc theo bến sông Bến Nghé (trên phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện tại). Đến năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định khiến các binh lính người Việt nổi dậy thiêu rụi cả thành phố, toàn bộ chợ bị xóa sổ. Một năm sau đó, người Pháp cho xây cất lại chợ bằng cột gạch, sườn gỗ và lợp lá tranh tại địa điểm cũ.

Năm 1870 chợ lại bị cháy, phải xây lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp mái ngói, khi đó có tất cả 5 gian bán hàng: thực phẩm, hàng cá, hàng thịt, hàng ăn uống và hàng tạp hóa. Trong đó chỉ có gian hàng thịt được lợp mái tôn, nền lót đá xanh.

Tuy nhiên, đến khoảng giữa năm 1911 (sau 40 năm), chợ trở nên cũ kỹ và có nguy cơ bị sụp đổ. Để tránh tai họa, chợ bị phá bỏ chỉ giữ lại gian hàng thịt vì mái tôn và gạch đá còn bền. Song, người Pháp lựa chọn địa điểm khác để xây khu chợ mới lớn hơn, phục vụ nhu cầu buôn bán ngày càng phát triển. Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa đi Mỹ Tho (nay là Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn), tức vị trí chợ Bến Thành hiện nay.

Chợ Bến Thành thay đổi thế nào sau hơn 160 năm? - 1
Chợ Bến Thành thay đổi thế nào sau hơn 160 năm? - 2

Từ trái qua, hình ảnh chợ Bến Thành tại vị trí hiện nay vào những năm 1920 và 1960 (Ảnh tư liệu: manhhai).

Chợ Bến Thành mới có cụm nhà lồng và một tháp đồng hồ vươn cao nổi bật. Thời kỳ đó, chính quyền thành phố chưa xem trọng vấn đề trang trí chợ bằng các yêu cầu về vệ sinh và sức khỏe, do đó thiết kế chỉ tập trung xử lý những vấn đề công năng thiết yếu như: trần cao và rộng để lưu thông không khí, sàn lót đá và có hệ thống xả thải.

Vài chục năm sau, năm 1952, để tăng thêm phần hình thức, nhà thầu tu sửa chợ Bến Thành từ Sài Gòn lên Biên Hòa (Đồng Nai) nơi nổi tiếng với nghề làm gốm, đặt xưởng mỹ nghệ tại đây làm 12 bức phù điêu gắn lên 4 cửa chợ. 

Cách đây gần 40 năm (từ ngày 1/7 đến 15/8/1985), chợ Bến Thành được cải tạo và sửa chữa lớn, cũng là lần gần nhất công trình này được tu sửa cho đến nay.

Bà N. (58 tuổi, chủ quán bún hơn 40 năm) kể lại sự thay đổi của khu bán hàng ăn uống: "Sau này chúng tôi nấu bằng bếp gas, không dùng củi than vì gây khói và nguy cơ cháy nổ. Thực phẩm chúng tôi bán cũng phải được kiểm tra nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới được bán".

Đồng thời, các tiểu thương còn có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Sau mỗi lượt khách, bà N. luôn tự quét dọn sạch sẽ gian hàng của mình lẫn vài gian kế bên, dù chợ có một đội vệ sinh lau dọn sau mỗi buổi chợ. "Bẩn thì chủ sạp hàng bị phạt nên mọi người đều có ý thức giữ gìn", bà N. nói.

Bà L. (73 tuổi, tiểu thương gắn bó với chợ 43 năm) chia sẻ, theo thời gian chợ đang gặp tình trạng nóng vào mùa nắng, dột vào mùa mưa, có khi mưa lớn gây ngập nhẹ. "Sắp tới có thêm nhà ga tàu Metro sẽ thu hút khách du lịch tới đông hơn, nếu nâng cấp được chợ Bến Thành cho sạch sẽ, khang trang hơn thì càng tốt", bà L. nêu mong muốn.

Chợ Bến Thành thay đổi thế nào sau hơn 160 năm? - 3
Chợ Bến Thành thay đổi thế nào sau hơn 160 năm? - 4

Hình ảnh bên trong chợ Bến Thành năm 1965 và 2023, đều lộ ra sự cũ kỹ, xuống cấp và nhếch nhác (Ảnh: manhhai sưu tầm - Hải Long).

Ý tưởng làm chợ đẹp, bền và hữu ích của chuyên gia

 Trò chuyện với phóng viên, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Đình Hòa, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TPHCM, cho rằng, từ vấn đề bảo tồn chợ Bến Thành, có thể hình dung đến câu chuyện của nhà truyền thống Việt Nam - nhà 3 gian 2 chái - đã không còn phù hợp với đô thị hiện đại.

"Kiến trúc phục vụ cho con người. Đối với chợ Bến Thành cần cân nhắc giữa nhu cầu sử dụng và phần hình thức, để có các giải pháp về mặt bảo tồn để thỏa mãn được 2 yếu tố này.

Ngoài việc duy tu kiến trúc, thì phần cấu trúc không gian cần được thay đổi cho phù hợp hoạt động hiện tại, để cải thiện một số chức năng đang bị giới hạn của chợ truyền thống", KTS Nguyễn Đình Hòa nêu ý kiến. 

Nói riêng về hạng mục lợp mái ngói thay mái tôn hiện tại, KTS Hòa khẳng định nó sẽ giúp không khí bên trong chợ mát mẻ hơn cũng như giữ được nét lịch sử của công trình.

"Nhưng khi thay mái ngói thì trọng lượng mái sẽ nặng hơn, cần thiết sẽ cần gia cố lại kết cấu công trình chợ để đỡ lại mái ngói. Đây là công đoạn không quá phức tạp, thành phố hoàn toàn có thể thực hiện", KTS nói.

KST Hòa cũng lấy ví dụ về chợ Đồng Xuân - ngôi chợ lớn và lâu năm của thủ đô Hà Nội (khởi công năm 1889) - từng được xây dựng lại sau trận cháy lớn năm 1994, khi ấy mới được xây dựng lại trước đó 3 năm.

Sau đó, thành phố tổ chức cả cuộc thi để thiết kế lại chợ. Chợ Đồng Xuân từ 3 gian truyền thống, hiện tại phía bên trong được lát gạch sạch sẽ, sáng sủa, xây cất thành 2 tầng phục vụ được nhiều gian hàng hơn. Tuy nhiên, mặt tiền chợ vẫn được trùng tu giữ lại nét lịch sử ban đầu.

Từ đó, chuyên gia từ Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TPHCM liên hệ với trường hợp chợ Bến Thành, nên chăng có giải pháp về việc duy trì bảo tồn phần mặt tiền mang hơi thở truyền thống của chợ, còn bên trong sẽ cần thay đổi hạ tầng để phục vụ hoạt động buôn bán của tiểu thương và du khách tham quan được cải thiện hơn.

Chợ Bến Thành thay đổi thế nào sau hơn 160 năm? - 5

Cận cảnh mái ngói trên tháp đồng hồ được cải tạo và mái tôn đã cũ của chợ Bến Thành, chụp tháng 5/2023 (Ảnh: Hải Long).

Kiến trúc chợ Bến Thành hơn trăm năm không chỉ là câu chuyện tồn tại của sắt và vữa, mà nó còn mang theo lịch sử cả thế kỷ giao thương và kiến tạo của các cộng đồng văn hóa, cùng với tòa nhà UBND - HĐND TPHCM (Tòa thị chính - Hôtel de Ville năm 1908) và Nhà hát thành phố (1900) tạo thành một quần thể công trình lịch sử thú vị.

Từ yếu tố này, trong việc tôn tạo, chỉnh trang chợ nhằm vừa đảm bảo công năng, mỹ năng, anh Vương An Nguyên, đại diện nhóm Tản Mạn Kiến Trúc (chuyên nghiên cứu về hệ thống di sản kiến trúc Việt Nam) đưa ra những dẫn chứng của một số công trình tương tự trên thế giới.

Covent Garden (TP London, nước Anh) nổi tiếng bởi chợ rau quả từng nằm ở quảng trường trung tâm và là nơi gắn liền với Nhà hát Opera Hoàng gia, được cập nhập những phương án hiện đại bằng cách nâng cấp hệ thống chiếu sáng LED tiết kiệm năng lượng và có tính tương tác cao trên lớp bề mặt công trình.

Cụ thể, một vài nhóm đèn chiếu vào làm nổi bật bề mặt đá cổ từ năm 1633, vài nhóm đèn khác có khả năng trình chiếu hình ảnh kỹ xảo thay đổi nhiều chủ đề gắn bó với truyền thống người dân nước Anh từ xưa như Noel. Các hệ thống đèn, điện tử cũng hỗ trợ cung cấp thông tin đa ngôn ngữ cho du khách đến đây.

Hoặc như khu chợ có mái che lớn và lâu đời nhất thế giới Grand Bazaar (năm 1455 tại TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), thường được tổ chức các lễ hội tôn vinh văn hóa, bán thực phẩm đặc sản cũng như đồ thủ công tinh xảo đặc trưng của vùng đất này. Từ đó có thể thêm phương án xem xét tổ chức các lễ hội truyền thống và có tính kỷ niệm của thành phố tại chợ Bến Thành để níu chân người dân và du khách.

Tại Trung tâm lịch sử Ma Cao, để có thể truyền tải đầy đủ thời kỳ giao thoa văn hóa Trung Quốc và thời là thuộc địa của Bồ Đào Nha, công nghệ thực tế ảo đã được ứng dụng để trình chiếu hình ảnh làm sống động lại câu chuyện lịch sử. 

Chợ Bến Thành thay đổi thế nào sau hơn 160 năm? - 6
Chợ Bến Thành thay đổi thế nào sau hơn 160 năm? - 7

Tháng 5 vừa qua, 4 mặt tiền của chợ được sơn lại theo ý kiến thống nhất của Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Theo KTS Nguyễn Đình Hòa và nhóm nghiên cứu Tản Mạn Kiến Trúc, việc thực hiện các phương án cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành đòi hỏi sự cân bằng cẩn thận giữa bảo tồn và đổi mới, đòi hỏi sự hợp tác liên ngành với sự tham gia của các nhà sử học, kiến trúc sư, chuyên gia công nghệ, người nghiên cứu văn chương, nhân học... để đảm bảo các biện pháp can thiệp phải tôn trọng di sản của thị trường, chính xác về mặt khoa học và phù hợp với thị hiếu đương đại.

"Mục tiêu cuối cùng là biến khu chợ cổ này thành bảo tàng sống, đóng vai trò vừa là nền tảng giáo dục vừa là động lực kinh tế cho cộng đồng địa phương", anh Vương An Nguyên nhấn mạnh.

Chợ Bến Thành có diện tích khoảng 13.000m2 giữa trung tâm quận 1, TPHCM.

UBND quận 1 đã có tờ trình thành phố về kế hoạch cải tạo chợ, gồm 2 hạng mục: Cải tạo hạng mục chính là mái chợ thay tôn bằng ngói đỏ; Cải tạo hệ thống thoát nước, điện, thay mới hệ thống phòng cháy chữa cháy, lát lại khoảng 10.000m2 nền chợ.

Đồng thời, khu vực cảnh quan phía trước chợ sẽ được lát nền bằng đá granite, bố trí cây xanh, thảm cỏ, hệ thống tưới, đèn chiếu sáng mỹ thuật, tiện ích công cộng (ghế ngồi, biển chỉ dẫn, máy nước uống, mạng wifi miễn phí, camera, thùng rác, nhà vệ sinh...).

Kinh phí để thực hiện chỉnh trang riêng công trình chợ được tính toán lên đến 95 tỷ đồng, UBND quận 1 sẽ đề xuất UBND TPHCM xem xét bố trí ngân sách để thực hiện, do nguồn lực của chợ cũng như dự kiến các khoản vay đến năm 2025 chỉ được khoảng 45 tỷ đồng.

Chợ Bến Thành thay đổi thế nào sau hơn 160 năm? - 8

Tài liệu tham khảo:

1. Tư liệu của nhóm nghiên cứu lịch sử kiến trúc Việt Nam Tản Mạn Kiến Trúc.

2. Một số tác phẩm sách về lịch sử TPHCM của các học giả Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Phạm Công Luận.