PhotoStory

Những "cuộc chiến" đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva

Thực hiện: Tiến Thành - Dương Nguyên

(Dân trí) - Sau Hiệp định Geneva, đôi bờ Bến Hải xảy ra những "cuộc chiến" chọi màu, chọi cờ, chọi âm thanh. 70 năm sau, vùng đất này vẫn lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh nhắc nhớ về khát vọng hòa bình.

Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 1
Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 2

Cách đây 70 năm (21/7/1954 - 21/7/2024), Hiệp định Geneva được ký tại Thụy Sỹ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương và bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp.

Sau Hiệp định này, một vùng phi quân sự trên vĩ tuyến 17, từ cửa sông Bến Hải chạy dọc theo chiều dài sông đến biên giới Việt - Lào trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam thành 2 miền Nam - Bắc.

Khi đó, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị ngày nay) cũng bị chia thành 2 phần thuộc về 2 miền để chờ đến tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Nhưng với những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch, khiến đất nước ta phải mất 21 năm (đến năm 1975) mới giành được độc lập, thống nhất đất nước.

Trong hình là cầu Hiền Lương năm 1961 và ngày nay.

Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 3

Cầu Hiền Lương được Pháp cho xây dựng vào tháng 5/1952, gồm 7 nhịp, dài 178m, trụ bằng bê tông cốt thép, dầm cầu bằng thép, mặt lát bằng gỗ thông, rộng 4m; hai bên có thành chắn cao 1,2m, trọng tải cầu tối đa 18 tấn.

Trong thời kỳ chia cắt, đôi bờ Hiền Lương đã xảy ra những cuộc chiến không tiếng súng giữa chính quyền Việt Nam Cộng hòa (phía Nam) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (phía Bắc), trong đó có "cuộc chiến" màu sắc.

Ban đầu, phía Nam sơn nửa cầu phía bên mình màu xanh, ngay sau đó phía Bắc cũng sơn nửa cầu kia thành màu xanh. Thời gian sau đó, phía Nam sơn màu gì, phía Bắc cũng sơn màu đó. Đây là một cách đấu tranh chính trị nhằm nói lên khát vọng thống nhất đất nước của quân và dân ta.

Trong ảnh là cảnh sơn lại màu cầu ở phía Bắc năm 1960.

Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 4
Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 5

"Cuộc chiến" màu cầu kéo dài đến năm 1960 thì được giữ nguyên 2 màu xanh - vàng, ranh giới giữa 2 phần cầu là một vạch trắng kẻ ngang rộng 1cm.

Năm 1967, cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập. Đến năm 2001, cầu được phục dựng. Nhiều năm đầu cầu chỉ được sơn một màu duy nhất.

Năm 2014, tỉnh Quảng Trị phục hồi 2 màu sơn cho cầu Hiền Lương như thời kỳ đất nước chưa thống nhất, nhằm nhắc nhớ, khắc ghi về khát vọng thống nhất, toàn vẹn non sông.

Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 6
Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 7

"Chọi cờ" có lẽ là "cuộc chiến" gay gắt và quyết liệt nhất diễn ra tại đôi bờ Bến Hải trong suốt 14 năm ròng. Từ khi giới tuyến được phân định, chiều cao và rộng của cột cờ không ngừng được hai bên nâng lên.

Sau khi cột cờ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (phía Nam) dựng cao 35m, năm 1962, Chính phủ điều Tổng Công ty lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ rồi chuyển vào dựng ở Hiền Lương. Cột cờ này cao 38,6m, lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến.

Tính từ năm 1956 đến năm 1967, các chiến sĩ công an giới tuyến đã treo 267 lá cờ với nhiều kích cỡ khác nhau.

Trong hình, cột cờ ở phía bắc cầu Hiền Lương năm 1962 và ngày nay.

Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 8
Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 9

Ngoài đấu màu sơn, đấu cờ, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải còn có "cuộc chiến" âm thanh giữa ta và địch.

Cuộc đấu loa giữa 2 miền với tần suất 14-15 tiếng/ngày, công suất khủng và mở bất kể ngày đêm. Cuối cùng, chiến thắng nghiêng về miền Bắc.

Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 10
Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 11

Bốt gác và một trong những giàn loa phát thanh ở bờ Nam Bến Hải. Ngày nay, bốt gác được phục dựng.

Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 12
Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 13

Theo Hiệp định Geneva, dọc vùng phi quân sự có 10 điểm để người dân hai bờ qua lại, gồm cầu Hiền Lương và 9 bến đò. Tại mỗi địa điểm đều có trạm gác kiểm soát. Trong hình, người dân hai bên giới tuyến tự do qua lại cầu Hiền Lương (1954-1956) nhưng với điều kiện phải có giấy thông hành.

Ngày nay, cầu Hiền Lương phục vụ người dân và du khách đi bộ tham quan.

Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 14
Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 15

Năm 1966, Mỹ ném bom làm sập cầu Hiền Lương. Từ đó cho đến năm 1974, quân và dân ta vượt sông Bến Hải bằng cầu phao dã chiến để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong hình, hai bên bờ sông Bến Hải chi chít những hố bom do Mỹ ném xuống tàn phá. Ngày nay, khu vực này hồi sinh với những xóm làng bình yên và cánh đồng lúa xanh mướt.

Những cuộc chiến đặc biệt bên cầu Hiền Lương sau Hiệp định Geneva - 16

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là di tích quốc gia đặc biệt.

Cụm di tích bao gồm cầu và cột cờ Hiền Lương, hệ thống loa phóng thanh bờ Bắc, Đồn Công an Hiền Lương, Nhà trưng bày "Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất"... Mỗi năm, di tích đón rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Ảnh: Dương Nguyên - Tiến Thành và Tư liệu