(Dân trí) - Mỗi lần kể về chuyện tình của mình, ông Nghi và bà Hoa (Quảng Trị) lại rưng rưng nước mắt, bởi họ là những người đầu tiên làm lễ rước dâu qua cầu Hiền Lương lịch sử, sau ngày hòa bình lặp lại.
Men theo các con ngõ quanh co ven dòng sông Bến Hải, dưới cái nắng của những ngày đầu hè, chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ của gia đình ông Hoàng Nghi (81 tuổi) và bà Hoàng Thị Hoa (75 tuổi), ở thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Thấp thoáng bên giàn mướp trĩu quả, vợ chồng ông Nghi, bà Hoa đang cùng nhau chăm sóc đàn gà con. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng cả 2 ông bà còn khỏe mạnh, khuôn mặt phúc hậu, nước da sạm màu vì sương gió, thời gian.
Ông Nghi và bà Hoa cưới nhau đến nay tròn 50 năm, mỗi khi nhắc về câu chuyện tình yêu "để đời", ông bà lại rưng rưng vì xúc động. Bà Hoa kể, năm 1972 bà là dân quân du kích ở thôn Tam Hữu (bờ Nam sông Bến Hải), thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Những năm tháng đó, địch đánh phá ác liệt, nhà cửa, ruộng vườn của người dân bị tàn phá. Để đảm bảo an toàn, cấp trên lệnh cho bà Hoa cùng đồng đội triển khai sơ tán người dân và gia đình qua khu vực an toàn ở bờ Bắc sông Bến Hải.
Trong "làn mưa bom, bão đạn", lại không quen địa hình nên bà Hoa cùng gia đình đi lạc vào làng Hiền Lương, rồi vô tình gặp ông Nghi. Thời điểm 2 người gặp nhau, ông Nghi đang làm Đội trưởng Đội dân quân du kích và Đội trưởng Đội sản xuất ở thôn Hiền Lương.
"Thời điểm đó bố tôi bị thương nặng do trúng bom bi địch thả, anh Nghi tức tốc đưa bố tôi lên trạm xá cấp cứu. Sự nhiệt tình, tính cách hiền lành, thật thà của anh đã làm tôi rung động rồi đem lòng yêu. Cả gia đình tôi, ai cũng mến anh Nghi, mong muốn chúng tôi nên vợ nên chồng", bà Hoa nhớ lại.
Sau gần một tháng quen biết rồi yêu nhau, bà Hoa được lệnh từ cấp trên trở về địa bàn cũ ở bờ Nam sông Bến Hải để làm nhiệm vụ cách mạng. Nghe tin người mình yêu sắp rời đi, ông Nghi tự tay đan chiếc áo len tặng bà Hoa để minh chứng cho tình yêu của mình và làm tín vật của tình yêu đôi lứa.
Lật những trang giấy trong cuốn nhật ký, nơi ghi lại những kỷ niệm về một thời hoa lửa và chuyện tình yêu với vợ, ông Nghi tâm sự, ngày bà Hoa trở lại đơn vị cũ làm nhiệm vụ, bản thân ông buồn và tủi thân lắm.
Những lúc rảnh rỗi, ông Nghi lại viết thư liên lạc với bà Hoa ở bên kia sông Bến Hải, trong đó có cả những bài thơ mà ông tự sáng tác để tặng người mình yêu.
Thời gian cứ thế trôi qua, chiến tranh ngày càng ác liệt, việc liên lạc giữa ông Nghi và bà Hoa trở nên khó khăn, rồi dần dần bị cắt đứt. Suốt thời gian dài không có thông tin, nỗi nhớ cứ ngày một đong đầy, khao khát gặp người thương, ông Nghi quyết tâm vượt dòng Bến Hải đi tìm bà Hoa.
Sau nhiều lần vượt sông tìm bà Hoa nhưng không có kết quả, ông Nghi vừa nhớ người yêu, vừa lo lắng, chỉ sợ giữa thời kỳ bom đạn, bà Hoa xảy ra chuyện bất trắc.
Những tưởng mối lương duyên giữa ông Nghi và bà Hoa đã bị cắt đứt vì khói lửa chiến tranh. May mắn một hôm, có chiến sỹ làm nhiệm vụ ở bờ Nam sông Bến Hải biết đến câu chuyện của ông Nghi, cũng như địa chỉ nơi bà Hoa ở nên đã báo tin, dùng thuyền máy đưa ông qua sông.
"Chuyến đi lần đó tôi tìm đến tận nơi, nhưng vẫn không gặp được người yêu, vì bà ấy đi làm nhiệm vụ, tôi đành để lại lời nhắn rồi ra bến thuyền để trở về bờ Bắc. Lúc thuyền sắp rời bến, tôi vỡ òa vui sướng khi thấy thấp thoáng bóng dáng thân quen đang chạy về phía bờ sông", ông Nghi rưng rưng kể.
Lúc gặp nhau trời tối om, người bà Hoa run run vì lạnh. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi bên nhau, ông Nghi chỉ kịp tặng người yêu chiếc áo ấm, gửi lại người yêu những nhung nhớ của tháng ngày xa cách, rồi lại vội vàng lên thuyền trở lại vị trí chiến đấu.
Kể từ đó, 2 người tiếp tục gửi gắm yêu thương, nhớ nhung vào những dòng thư biên vội, nhờ các chiến sỹ về cơ sở chuyển tới tay nhau. Thỉnh thoảng, ông Nghi cũng vượt sông để sang thăm bà Hoa.
Tháng 1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải từng bị đánh sập cũng được dựng lại vào một năm sau đó. Người dân đôi bờ vĩ tuyến hân hoan nắm tay nhau qua lại trên cầu trong niềm vui vỡ òa, hạnh phúc của những ngày hòa bình.
Trong niềm vui hân hoan ấy, được sự thống nhất của 2 gia đình, sự giúp đỡ của đơn vị, chính quyền địa phương, cuối năm 1974, ông Nghi và bà Hoa quyết định tổ chức hôn lễ và tạo ra một lễ cưới đặc biệt sau ngày hòa bình lặp lại.
Từ phía bờ Nam sông Bến Hải, chiếc ô tô do bộ đội chở bà Hoa trong bộ áo bà ba đến sát chân cầu Hiền Lương. Bên này cầu, trong bộ quân phục, ông Nghi từng bước đi bộ qua vĩ tuyến 17 - nơi từng chia cắt 2 miền Nam - Bắc - nơi chứng kiến những cuộc chiến đấu tàn khốc để đón vợ về làng Hiền Lương.
"Sông Bến Hải bên bồi, bên lở/Cầu Hiền Lương bên nhớ, bên thương/Cách nhau đằng đẵng năm trường/Biết khi mô nối lại đoạn đường vô - ra/Bây giờ cầu lại bắc qua/Ván thơm, gỗ mới cho ta gặp mình", bài thơ do ông Nghi sáng tác tặng bà Hoa lúc 2 người tổ chức hôn lễ.
Lễ cưới của ông Nghi và bà Hoa được tổ chức tại một hội trường đơn sơ, dựng bằng tranh, tre, 2 dãy bàn được đan vội bằng tre nhưng đong đầy niềm vui và cả nước mắt hạnh phúc, với sự tham dự của gia đình, đồng đội, chính quyền và người dân địa phương.
"Ngày đó khó khăn, vất vả, tôi về nhà chồng cũng chỉ mang theo vài bộ quần áo. Ngày đưa dâu đi qua cầu Hiền Lương, bà con thấy, gặp đều bắt tay chúc mừng, vợ chồng xúc động rơi nước mắt. Không vui sao được khi chúng tôi về chung một nhà, hòa bình đã lập lại sau bao năm chờ đợi, đôi bờ Hiền Lương không còn bị chia cắt. Sau này, mỗi lần đi qua cầu Hiền Lương, bao kỷ niệm lại ùa về trong tôi", bà Hoa tâm sự.
Đám cưới của ông Nghi và bà Hoa là minh chứng cho tình yêu lứa đôi thủy chung son sắt, sự gắn kết sắt son đôi bờ Nam - Bắc, cũng như khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của dân tộc ta.
Năm 1975, đất nước thống nhất, niềm vui nhân đôi khi vợ chồng ông Nghi đón con trai đầu lòng, sau đó ông bà có với nhau thêm 4 người con. Bên nhau gần nửa thế kỷ, vượt qua sự khốc liệt của chiến tranh, bao thăng trầm cuộc sống, ông Nghi và bà Hoa đã tạo nên một câu chuyện tình vượt thời gian nơi vĩ tuyến 17.