DMagazine

Người lính pháo binh và vành tang trắng trong ngày toàn thắng

(Dân trí) - Giải phóng rồi, Sài Gòn giải phóng rồi! Niềm vui vừa đến, người lính Kiều Đình Kiểm nghẹn lại khi nghe tin em trai hi sinh ở cửa ngõ Sài Gòn, cách giờ toàn thắng chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ.

Những năm tháng không quên

Tôi gặp cựu chiến binh Kiều Đình Kiểm (SN 1951) trong chuyến cùng đoàn cựu chiến binh mặt trận B4-B5 vào thăm chiến trường xưa. Ông sống ở Hà Nội đã lâu, cũng đã đi khắp chốn nhưng giọng nói vẫn hào sảng, nặng thổ âm của vùng quê ven dòng sông La (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Người ta vẫn biết đến ông là nhà thơ, nhạc sĩ với nghệ danh Kiều Anh Hương nhưng có lẽ điều tôi ấn tượng hơn cả là những chia sẻ về quãng đời trận mạc trong hồi ký của ông…

Người lính pháo binh và vành tang trắng trong ngày toàn thắng - 1
Cựu chiến binh Kiều Đình Kiểm trong lần về thăm lại chiến trường B4-B5 (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế).

Gia đình ông là Việt kiều Thái Lan, theo tiếng gọi của tổ chức “gồng gánh” nhau về quê hương năm 1960. “Mẹ tôi tài lắm, sinh 9 người con nhưng có đến 3 đứa cùng 1 năm. Đứa nọ chỉ cách đứa kia có vài tháng”, ông hóm hỉnh nói đùa. Hóa ra, khi về Việt Nam, Kiều Đình Kiểm và người em kế đã quá tuổi vào lớp 1, buộc phải khai sinh “lùi” tuổi để đi học. Thế mới có chuyện trong giấy tờ cả 3 anh em ông đều chung năm sinh 1953 (!).

Vốn tư chất thông minh, Kiều Đình Kiểm giành một suất trong lớp chuyên toán đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 5/1971, khi chỉ còn cách thời điểm tốt nghiệp cấp 3 đúng 1 tháng nữa thì cậu học sinh chuyên toán này khoác ba lô lên đường nhập ngũ.

Người lính pháo binh và vành tang trắng trong ngày toàn thắng - 2
Cùng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tại lễ kỉ niệm 50 năm chiến dịch Mậu Thân 1968.

Sau 3 tháng huấn luyện, Kiều Đình Kiểm có mặt trong đội hình Tiểu đoàn Độc lập 101, Sư đoàn 367, Bộ tư lệnh Phòng không không quân chiến đấu ở mặt trận Tây Nam Huế. Trong suốt những năm 1972-1974, đơn vị pháo phòng không này có mặt ở hầu khắp các mặt trận ác liệt nhất của chiến trường B4-B5 (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế) và ghi dấu ấn trong các trận đánh bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh ở A Sầu, A Lưới, A So, sân bay Ta Lương (1972), Thượng Đức (1974)…

Năm 1973, quân đoàn 2 được thành lập, Kiều Đình Kiểm biên chế về Tiểu đoàn 12 pháo 37 ly, Trung đoàn 78, Sư đoàn 324.... “Cuối năm 1974, đơn vị chúng tôi đang ở A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên Huế). Dọc đường, bộ đội, phương tiện khí tài quân sự ùn ùn đi qua. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều dự cảm có một trận đánh lớn sắp diễn ra nên rất sốt ruột…”, cựu chiến binh Kiều Đình Kiểm nhớ lại.

Giải phóng rồi! Anh em ơi, Sài Gòn giải phóng rồi!”. Hạnh phúc quá! Sung sướng quá! Chúng tôi cứ thế mà đứng giữa đường ôm nhau khóc cười vì niềm hạnh phúc quá đỗi lớn lao này”.

Tháng 2/1975, đơn vị được lệnh tiến theo hướng đường 73 – Đông Nam Khe Tre - Huế, chứng kiến anh em bộ binh chiếm cao điểm núi Bông, núi Nghệ. Một cuộc giằng co ác liệt giữa hai bên diễn ra ở đây. Tuy nhiên, do yêu cầu của tình hình mới, đơn vị được lệnh bỏ qua cao điểm này để tiến về Huế.

Người lính pháo binh và vành tang trắng trong ngày toàn thắng - 3
Gặp lại đồng đội.

Tối 25/3, đơn vị ông đã có mặt ở Huế. 2 ngày sau có mặt ở Đà Nẵng, tham gia bảo vệ sân bay Nước Mặn. Chỉ một thời gian ngắn củng cố lực lượng, ông cùng đồng đội của mình được lệnh hành quân khẩn trương vào Nam. Sau 2 ngày tham gia bảo vệ sân bay Phù Cát (Bình Định), đơn vị tiếp tục hành quân tốc hành vào Sài Gòn, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

“Có sống trong không khí những ngày tháng đó mới cảm nhận hết sự khẩn trương của thời cuộc. Từng đoàn quân rầm rập tiến về Nam. Đường hẹp, quân mình tràn xuống cả những thửa ruộng chưa kịp cày bừa để tiến lên. Ai cũng mong muốn được góp mặt ở trận chiến cuối cùng – trận chiến cả dân tộc đã chuẩn bị hơn 20 năm trời”, ông hồi tưởng.

Người lính pháo binh và vành tang trắng trong ngày toàn thắng - 4
Cựu chiến binh Kiều Đình Kiểm và vợ.

Sáng 30/4/1975, đơn vị đang trên đường hành tiến về Đồng Nai. Lúc này, Kiều Đình Kiểm là cán bộ tuyên huấn của Trung đoàn. Lệnh hành quân phát ra, như thường lệ, ông nhảy lên xe, bật chiếc đài Orioton để theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh.

“Lúc này đài Hà Nội không bắt được nên tôi dò sóng đài Sài Gòn. Một giọng nói vang lên trong đài “Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mà mơ ước của tất cả chúng ta đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam…

Chỉ kịp nghe đến đây, tôi nhảy xuống xe, hét vang “Giải phóng rồi! Anh em ơi, Sài Gòn giải phóng rồi!”. Hạnh phúc quá! Sung sướng quá! Chúng tôi cứ thế mà đứng giữa đường ôm nhau khóc cười vì niềm hạnh phúc quá đỗi lớn lao này”, ông vẫn nguyên vẹn cảm xúc của ngày mà ông bảo là ngày đặc biệt trong cuộc đời – ngày đất nước thống nhất, Nam Bắc chung một nhà.

Lời hẹn không thành

Trong đoàn quân tiến về Thành Đô mùa Xuân 1975, ngoài Kiều Đình Kiểm còn có 2 người em trai người chú ruột là Kiều Đình Minh và Kiều Đình Thọ. Họ hẹn nhau sẽ gặp mặt vào thời khắc Sài Gòn giải phóng.

Người lính pháo binh và vành tang trắng trong ngày toàn thắng - 5

Thế nhưng lời hẹn ước đó mãi mãi không thành khi một người đã nằm lại ở cửa ngõ Sài Gòn, chỉ cách giờ thời điểm giải phóng hơn 1 tiếng đồng hồ. Bởi vậy, ngày 30/4 với ông không chỉ là hạnh phúc và tự hào của người lính đi đến thời khắc cuối cùng của cuộc chiến mà còn ẩn giấu nỗi đau, một nỗi đau âm ỉ, dai dẳng và phồng tấy lên trong những ngày tháng Tư lịch sử…

 “Kiều Đình Thọ thời điểm đó là Đại đội trưởng của đơn vị thuộc Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Đơn vị của Thọ từ hướng Tây Ninh - Đồng Dù - Củ Chi - Ngã Bảy Hiền để tiến vào dinh Độc Lập. Khi đến trại sĩ quan Quang Trung (trường đào tạo sĩ quan của quân đội Ngụy Sài Gòn ở Củ Chi) thì vấp phải sự phản kháng dữ dội của địch cố thủ ở đây. Cậu ấy ngã xuống khi đang lao lên xung phong vào lúc gần 10h ngày 30/4, khi chỉ cách Sài Gòn mấy chục cây số…”, ông nghẹn giọng.

Ngày 30/4 với người lính Kiều Đình Kiểm không chỉ là hạnh phúc và tự hào của người lính đi đến thời khắc cuối cùng của cuộc chiến mà còn ẩn chứa nỗi đau, một nỗi đau âm ỉ, dai dẳng và phồng tấy lên trong những ngày tháng Tư lịch sử…

Khi đến Sài Gòn, cuộc hội ngộ chỉ có Kiều Đình Kiểm và Kiều Đình Minh. Khi nơi nơi rực rỡ cờ hoa, đoàn người tiến vào nội đô như thác cuộn thì hai anh em tìm mọi cách lên Củ Chi. Phần mộ liệt sỹ Kiều Đình Thọ được đồng đội tạm an táng bên vệ đường để kịp giờ hành quân vào trung tâm thành phố. Ngôi mộ vẫn xám xịt màu khói súng…

Đã từng bị bom vùi, bị sức ép đến hộc máu mồm, máu mũi, đã có những lần đứng giữa lằn ranh sinh tử, chứng kiến nhiều cái chết khốc liệt của đồng đội nhưng đứng trước nấm mộ đắp vội trong ngày chiến thắng của người em, nước mắt ông tuôn ra. Bài thơ “Trước giờ toàn thắng” được ông viết trước mộ em mình:

Người lính pháo binh và vành tang trắng trong ngày toàn thắng - 6
Người lính pháo binh năm xưa nay là một nhà thơ, nhạc sỹ với những nỗi niềm đau đáu về quá khứ...

Tin sét đánh, anh nhận giữa ngày vui

Em ngã xuống trên đường vào thành phố

Sài Gòn cách em chỉ một tầm tay với

Toàn thắng cách em, đúng chỉ một giờ !

***

Trại Quang Trung nơi dừng bước chân về

Máu còn loang trên thành xe tăng khét lẹt

Đồng đội ôm em và khóc

Tiếng súng rền mặt đất tiễn đưa !

Người lính pháo binh và vành tang trắng trong ngày toàn thắng - 7

Kiều Đình Kiểm (bên phải) và người em trai Kiều Đình Minh tại Sài Gòn năm 1975. Lời hẹn của 3 anh em gặp nhau giữa Sài Gòn trong ngày toàn thắng đã không thành...

Sài Gòn – Củ Chi xe anh phóng nhanh

Chỉ mong được nhìn thấy em lần cuối

Nhưng không kịp nữa rồi, nấm mồ em chôn vội

Rưng rưng cỏ cháy vệ đường…

***

Đâu cũng đỏ cờ hoa, đâu cũng tiếng cười

Chỉ riêng mình anh, dải băng đen trước ngực

Thắp nén hương, em như hiện về trước mặt

Miệng vẫn cười, khói thuốc vẫn xạm đen !

***

Em vẫn cười sáng tưng cả hàm răng…

Đặt lên đầu anh vành khăn tang ngày toàn thắng

Nước mắt nhòa cả đô thành trước mặt

Nước mắt đắng cay của ngày đoàn viên…

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đơn vị ông quay ngược ra Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) tham gia tiểu phỉ Fulro. Tháng 10/1976, người lính Kiều Đình Kiểm xin xuất ngũ, tự ôn và thi đậu vào Trường ĐH Bách khoa (Hà Nội), tiếp tục sự nghiệp học hành đang dang dở...

Hoàng Lam