1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phong trào phản chiến từng làm "dậy sóng" nước Mỹ thời Chiến tranh Việt Nam

(Dân trí) - Vào tháng 5/1970, khoảng 4 triệu sinh viên từ hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trung học đã xuống đường biểu tình trên khắp nước Mỹ yêu cầu kết thúc Chiến tranh Việt Nam.

Steve Early, người từng tham gia phong trào phản chiến vào tháng 5/1970, đã có bài viết trên Tạp chí Jacobin nhân kỷ niệm 50 năm diễn ra các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam rầm rộ trên khắp nước Mỹ, góp phần kết thúc cuộc chiến cách đây 45 năm.

Dưới đây là lược dịch bài viết của ông. Tít và lời dẫn cho báo Dân trí đặt.

Phong trào phản chiến từng làm dậy sóng nước Mỹ thời Chiến tranh Việt Nam - 1

Một cuộc biểu tình phản chiến tại Đại học Kent (Ảnh: Corbis)

“Các binh sĩ và Nixon đang đến

Cuối cùng chúng tôi cũng phải tự hành động,

Mùa hè này, tôi nghe tiếng trống

4 người chết ở Ohio”.

(Một trích đoạn trong bài hát “Ohio” viết về phong trào biểu tình rầm rộ phản đối Chiến tranh Việt Nam tại Mỹ vào năm 1970.)

Tổng thống Richard Nixon vẫn thường tự hào về khả năng tiên đoán chính trị của ông. Ông đã rất chính xác trong một trao đổi với thư ký cách đây 50 năm, trước khi có bài phát biểu tại Nhà Trắng công bố Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia.

“Có thể các trường đại học sẽ thực sự bùng nổ sau bài phát biểu này”, ông Nixon nói với thư ký.

Và đúng như dự đoán của ông, các trường đại học đã “bùng nổ”, khi quyết định bất ngờ leo thang chiến tranh của Tổng thống Nixon - trong một cuộc chiến vốn không được người Mỹ ủng hộ tại Việt Nam - đã gây ra một loạt các sự kiện dẫn tới làn sóng biểu tình lớn nhất của sinh viên trong lịch sử Mỹ.

Vào tháng 5/1970, ước tính khoảng 4 triệu thanh niên Mỹ đã tham gia các cuộc biểu tình phản chiến, đóng cửa các lớp học tại hàng trăm trường đại học, cao đẳng và trung học trên khắp nước Mỹ. Hàng chục ngôi trường đã buộc phải đóng cửa trong thời gian còn lại của kỳ học mùa xuân.

Trong quá trình diễn ra các cuộc biểu tình lớn chưa từng có, khoảng 2.000 sinh viên đã bị bắt. Sau khi 30 tòa nhà của Lực lượng huấn luyện sĩ quan dự bị (ROTC) bị ném bom hoặc đốt phá, lực lượng Vệ binh cách mạng - được trang bị vũ khí hạng nặng - đã được triển khai tại 21 trường đại học ở 16 bang trên khắp nước Mỹ.

Vào ngày 4/5, tại Đại học Kent ở bang Ohio, các thành viên của Vệ binh cách mạng đã nổ súng, bắn chết 4 sinh viên và làm 9 người khác bị thương. 10 ngày sau đó, cảnh sát bang Mississippi đã nổ súng vào một phòng ký túc xá dành cho nữ tại Đại học Jackson, khiến 2 người thiệt mạng.

Cuộc chiến hao tiền tốn của Mỹ tại Đông Nam Á cuối cùng đã kết thúc một phần nhờ sự ảnh hưởng kinh ngạc mà một ủy ban do Tổng thống Nixon thiết lập tên là Ủy ban về bất ổn tại các trường đại học (viết tắt: Ủy ban Scranton) gọi là “một cuộc khủng hoảng chưa có tiền tệ” trong giáo dục đại học tại Mỹ.

Cuộc biểu tình trên khắp các đại học Mỹ đã cho thấy sức mạnh của một hành động tập thể. Đã xảy ra sự bùng nổ các hoạt động biểu tình của hàng trăm nghìn sinh viên trước đó không tham gia vào các hoạt động phản chiến, tạo ra các cơn địa chấn chính trị lớn trên khắp nước Mỹ và góp phần “hạ màn” sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á.

Như tác giả Neil Sheehan từng viết trong cuốn sách “Sự lừa dối hào nhoáng”, “ngọn lửa biểu tình” xuất phát từ quyết định của Tổng thống Nixon mở rộng chiến tranh sang Campuchia lớn tới nỗi Nhà Trắng “không có lựa chọn nào khác là phải đẩy nhanh việc rút các binh sĩ Mỹ khỏi khu vực.

Không may là sự can thiệp của Mỹ vẫn tiếp diễn trong 5 năm sau đó, gây thêm nhiều mất mát và đổ máu.

Đường dẫn tới phong trào phản chiến

Một số sinh viên trong các trường đại học bắt đầu phản đối chính sách của Mỹ tại Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Lyndon B. Johnson, người tiền nhiệm của ông Nixon. Ông Johnson đã vận động tranh cử vào năm 1964 với tư cách là một “ứng viên hòa bình” trong cuộc đối đầu với Thượng nghị sĩ Barry Goldwater của đảng Cộng hòa. Nhưng trong 2 năm sau đó, Tổng thống Johnson bắt đầu tăng cường quân đội để hỗ trợ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam.

Sự chỉ trích nhằm vào Tổng thống Johnson ban đầu được miêu tả bằng những cụm từ “mềm mỏng” nhất như các cuộc tranh luận trên giảng đường và các bài giảng về Việt Nam. Nhưng những lời chỉ trích đã nhanh chóng biến thành hành động. Hàng trăm và cuối cùng là hàng nghìn cuộc biểu tình địa phương đã được tổ chức nhằm phản đối tình trạng nghĩa vụ quân sự bắt buộc, việc huấn luyện sĩ quan dự bị ngay trong trường đại học, các nghiên cứu đại học do Lầu Năm Góc tài trợ và chuyến thăm của các nhà tuyển dụng doanh nghiệp từ các hãng chế tạo vũ khí như Công hóa chất Dow.

Chiến dịch Mậu Thân tháng 2/1968 và số binh sĩ thương vong Mỹ gia tăng đã làm tiêu tan hi vọng của Tổng thống Johnson về một chiến thắng quân sự. Thậm chí sau khi Tổng thống quyết định không tái tranh cử, người biểu tình phản chiến vẫn đổ về thủ đô Washington. Vào năm 1967, khoảng 50.000 đã biểu tình gần Lầu Năm Góc. Hai năm sau đó, 300.000 người đã tập trung biểu tình gần Nhà Trắng.

Tổng thống Nixon đã kế nhiệm ông Johnson vào tháng 1/1969, sau khi ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hubert Humphrey, phó tướng của ông Johnson và là người ủng hộ trung thành Chiến tranh Việt Nam, thất cử. Nixon khẳng định có một “kế hoạch bí mật” để đưa hòa bình tới Việt Nam và rút 500.000 binh sĩ được triển khai tại đây.

Thực tế, khi công bố, kế hoạch của Nixon hóa ra là “Việt Nam hóa chiến tranh”, chuyển vai trò chiến đấu sang cho các lực lượng trung thành với chính quyền thân Mỹ ở Sài Gòn, trong khi vẫn tiến hành chiến dịch ném bom quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu trên khắp Việt Nam, Lào và Campuchia. Đến ngày 30/4/1970, Mỹ đã đưa các binh sĩ trên bộ đến Campuchia.

Sinh viên tại các trường tư danh tiếng từ lâu gắn liền tới tâm lý chống chiến tranh là những người đầu tiên lên tiếng. Các cuộc biểu tình nhanh chóng nổ ra tại các trường đại học như Columbia, Princeton, Brandeis, và Yale, nhiều sinh viên đã bỏ phiếu tẩy chay lớp học để ủng hộ phong trào phản chiến và sau đó bị xét xử.

Trong khi đó, một vụ nổi loạn bên ngoài các quán bar sinh viên ở trung tâm Kent, bang Ohio đã xảy ra vào một đêm thứ 6, sau đó là vụ đốt phá tòa nhà ROTC tại Đại học Kent vào cuối tuần. Thống đốc Ohio James Rhodes khi đó đã ra lệnh cho hàng nghìn binh sĩ Vệ binh cách mạng bao vây khuôn viên trường và ngăn chặn mọi hình thức biểu tình.

Lực lượng vệ binh xuất hiện với nhiều loại vũ khí như lựu đạn, súng ngắn, súng trường. Rượt đuổi một đám đông sinh viên biểu tình không có vũ khí khắp khuôn viên trường vào ngày 4/5, một đơn vị Vệ binh cách mạng đã bất ngờ nổ súng, làm 4 sinh viên thiệt mạng.

Phong trào phản chiến từng làm dậy sóng nước Mỹ thời Chiến tranh Việt Nam - 2

Những người biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam giương cao thông điệp "Hòa bình" trong cuộc tuần hành ở thủ đô Washington DC ngày 9/5/1970 sau vụ 4 sinh viên bị bắn chết ở Đại học Kent, bang Ohio. (Ảnh: Photoshelter)

Kết thúc chiến tranh

Như các sử gia Nancy Zaroulis và Gerald Sullivan đã miêu tả trong cuốn “Ai đã lên tiếng”: Đó là khoảnh khắc khi cả đất nước bị cuốn vào việc sử dụng vũ khí chiến tranh nhằm vào thanh niên, một khoảnh khắc khi tất cả bạo lực, sự hận thù và xung đột thế hệ của thập niên trước đã bị dồn nén trong 13 giây khi các lính Vệ binh quốc gia giận dữ và kiệt sức, có lẽ là hành động trong hoảng sợ và tức giận, đã nhằm vào những người chống lại họ và trả thù họ.

Sau đó, giới chức Vệ binh quốc gia đã dàn dựng một vụ che đậy, vốn bị vạch trần trong cuốn sách: “Các vụ giết người tại Đại học Kent: Bằng cách nào hành vi giết người không bị trừng phạt” của nhà báo điều tra I. F. Stone. Thậm chí FBI sau đó cũng nhận thấy rằng vụ nổ súng hàng loạt là “không cần thiết”.

Cái chết của các sinh viên Jeffrey Miller, Allison Krause, Sandy Scheuer và Bill Schroeder đã có ảnh hưởng rất lớn đối với hàng trăm nghìn sinh viên tại Đại học Kent và lớn hơn thế. Lần này, thương vong của cuộc chiến không phải là quân nhân từ các cộng đồng nghèo tại Mỹ hay những người Việt. Đó cũng không phải là những người Mỹ gốc Phi, như 3 sinh viên tham gia biểu tình bị bắn chết tại Đại học South Carolina 2 năm trước đó, hay 2 người bị quân đội bắn chết tại Đại học Jackson vào cuối tháng 5.

Các sinh viên bị bắn chết ở Đại học Kent chủ yếu là da trắng và tới từ các gia đình trung lưu. Một số người đã thách thức mạnh mẽ sự hiện diện của lính Vệ binh cách mạng, nhưng nhiều người cơ bản chỉ là những người ngoài cuộc, nghỉ ngơi trên các bãi cỏ giữa các tiết học.

Trong các bức ảnh đăng tải trên báo chí và bản tin trên truyền hình, những người sống sót tại Đại học Kent giống các sinh viên ở những nơi khác. Như một người tổ chức biểu tình tại Đại học Middlebury ở bang Vermont nhớ lại, những bức ảnh đã “gây ra cảm giác về sự tổn thương và cuộc khủng hoảng mà nhiều người chưa từng chứng kiến trước đó”.

Kết quả là, những lời kêu gọi đóng cửa các trường đại học đến từ mọi hướng. Các cuộc biểu tình chủ yếu diễn ra trong hòa bình và hợp pháp. Các hoạt động bao gồm như các hội sinh viên bỏ phiếu biểu tình, sau đó là các cuộc mít tinh quy mô lớn, các bài diễn thuyết và phát biểu, các lễ cầu nguyện và tưởng niệm, cùng với lời hát không dứt về chính trị và chiến tranh.

Làn sóng biểu tình đã có sự tham gia rộng rãi của đông đảo các sinh viên, cả các giảng viên và các nhân viên quản lý, dù trước đây họ không đồng tình về các hoạt động biểu tình trong trường đại học. Tổng cộng 34 chủ tịch các trường đại học và cao đẳng đã gửi một lá thư công khai tới Tổng thống Nixon kêu gọi nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Cuộc biểu tình cũng thu hút các sinh viên từ các trường đại học công và tư, các trường trung học địa phương trong các cộng đồng lao động.

Vào ngày 8/5 tại Philadelphia, các sinh viên từ nhiều cộng đồng dân cư và có nguồn gốc khác nhau đã xuống đường tuần hành tại 5 hướng khác nhau dẫn tới tòa nhà Độc lập, nơi đám đông khoảng 1.000 người đã tụ tập bên ngoài. Số học sinh trung học đi học tại Philadelphia trong ngày hôm đó đã giảm xuống chỉ còn khoảng 10%.

Một giáo sư Đại học Hamilton tin rằng chính các sinh viên ôn hòa - những người từng phản đối chiến tranh nhưng đã dịu đi bởi những lời hoa mỹ của chính quyền vào những năm cuối 1960 - là những lực lượng dẫn đầu trong giai đoạn sau của làn sóng biểu tình. Trên thực tế, nhiều tân binh cũng tham gia vào việc vận động hành lang chống chiến tranh, kiến nghị và vận động bầu cử thay vì tham gia trực tiếp.

Chính Ủy ban Scranton do Tổng thống Nixon lập ra phải thừa nhận rằng, sự chính trị hóa giáo dục đại học là một chiến thắng cho các sinh viên cấp tiến. Theo một báo cáo sau đó của ủy ban này, “các sinh viên không biểu tình chống lại các trường đại học của họ, mà là họ đã thành công trong việc đưa các trường biểu tình chống lại một chính sách quốc gia”. Để ngăn điều đó tái diễn và đưa các trường đại học trở lại bình thường, các thành viên của ủy ban đồng tình rằng “không có gì quan trọng hơn là chấm dứt chiến tranh”.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Boston Globe trong dịp kỷ niệm 30 năm phong trào phản chiến, giáo sư Maurice Isserman từ Đại học Hamilton cho rằng “đó là một sản phẩm của những hoàn cảnh chưa từng có, vốn làm kích động sự phẫn nộ của một thế hệ sinh viên đã quen với các cuộc biểu tình và tuần hành. Nhiều khả năng chúng ta sẽ không chứng kiến một phong trào như thế lặp lại”.

Điều đó chắc chắn đã đúng trong vài năm tiếp đó, khi Chiến tranh Việt Nam đi vào hồi kết và Tổng thống Nixon, sau khi tái đắc cử, đã đối mặt với luận tội, sự phẫn nộ của công chúng và cuối cùng buộc phải từ chức vì vụ bê bối nghe lén Watergate vào năm 1974.

An Bình
(Lược dịch)