DNews

"Miếng bánh" hangar tại dự án sân bay Long Thành

Ngọc Tân

(Dân trí) - Bộ GTVT sẽ ưu tiên triển khai trước 2/4 hạng mục nhà bảo dưỡng máy bay tại sân bay Long Thành theo hình thức kêu gọi nhà đầu trong nước với chi phí 785 tỷ đồng/hangar.

"Miếng bánh" hangar tại dự án sân bay Long Thành

Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định phê duyệt thông tin dự án đối với 2 hạng mục hangar (nhà bảo dưỡng máy bay) số 1 và số 4 tại sân bay quốc tế Long Thành.

Đây là tiến triển mới nhất sau khi lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về việc đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần 4 gồm ga hàng hóa, khu logistics, khu bảo dưỡng máy bay, cung cấp suất ăn…

Đấu thầu rộng rãi trong nước

Theo kế hoạch, hạng mục nhà bảo dưỡng máy bay tại sân bay Long Thành sẽ không đầu tư công mà kêu gọi nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, nhận quyền kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng máy bay sau khi xây xong. 

Miếng bánh hangar tại dự án sân bay Long Thành - 1

Công trường nhà ga sân bay Long Thành (Ảnh: Phước Tuần).

Hangar sẽ phải đảm bảo tiếp nhận, sửa chữa 1 máy bay code E và 2 máy bay code C cùng lúc; có nhà điều hành và các hạng mục phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ sản xuất kinh doanh.

Cục Hàng không xác định tổng vốn đầu tư khoảng 785 tỷ đồng/hangar; hangar số 1 rộng khoảng 45.525m2; hangar số 4 khoảng 45.454m2.

Nhà chức trách đánh giá mức đầu tư như trên là phù hợp với năng lực tài chính của các nhà đầu tư tiềm năng (các hãng bay Việt) trong bối cảnh thị trường hàng không chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19

Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam là bên mời thầu, hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là quý II-III năm 2024.

Nhà đầu tư trúng thầu sẽ có 18 tháng kể từ ngày hợp đồng dự án có hiệu lực để triển khai thi công. Thời hạn thực hiện dự án khoảng 24 năm 8 tháng (kể từ ngày hoàn thành đầu tư).

Quyết định phê duyệt 2 dự án hangar tại sân bay Long Thành cho thấy bước đi khẩn trương của Bộ GTVT sau khi tiến độ dự án thành phần 4 bị chậm lại, có nguy cơ kéo chậm cả dự án sân bay Long Thành. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã cảnh báo Bộ trưởng GTVT sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả dự án.

Hạng mục thiết yếu với hãng bay

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một cựu lãnh đạo Cục Hàng không nhận định hangar bảo dưỡng là hạng mục mà hãng bay nào cũng muốn được sở hữu, đặc biệt tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất hay sắp tới là Long Thành.

Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất tự chủ được khâu bảo dưỡng máy bay thông qua doanh nghiệp thành viên là Công ty Kỹ thuật máy bay VAECO. Công ty này có 6 hangar tại 2 cơ sở ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Miếng bánh hangar tại dự án sân bay Long Thành - 2

Hangar bảo dưỡng máy bay của VAECO (Ảnh: VAECO).

Các hãng hàng không còn lại phải thuê hangar hoặc đưa máy bay ra các cơ sở nước ngoài để bảo dưỡng (như Vietjet Air đang sử dụng một hangar tại Viêng Chăn, Lào).

Sân bay Tân Sơn Nhất từng có 3 hangar của Công ty Ngôi Sao Việt, đáp ứng phần nào nhu cầu của các hãng. Khi các hangar này phải di dời để lấy mặt bằng thi công nhà ga T3, việc tìm kiếm nơi bảo dưỡng máy bay càng trở nên khó khăn.

Việc không tự chủ được hạ tầng bảo dưỡng máy bay khiến chi phí vận hành của các hãng hàng không bị đội lên, là một thành tố đáng kể khiến giá vé máy bay tăng cao.

Trước thông tin tìm kiếm nhà đầu tư cho 2 hangar tại sân bay Long Thành, chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cho rằng nên ưu tiên nhà đầu tư là các hãng hàng không bởi họ rành nhất về kỹ thuật và có nhu cầu sử dụng dịch vụ này thường xuyên. 

Trước cơ hội thiết lập cơ sở bảo dưỡng máy bay tại "siêu dự án" sân bay Long Thành, 2 ông lớn trong ngành hàng không là Vietnam Airlines và Vietjet đều đã bày tỏ quan tâm.

Vietnam Airlines từ năm 2021 đã nêu định hướng chiến lược của hãng từ nay đến năm 2030 là đầu tư và khai thác cơ sở hạ tầng tại sân bay Long Thành. Định hướng này tiếp tục được khẳng định vào cuối năm 2023, khi lãnh đạo hãng kiến nghị Chính phủ chấp thuận giao Vietnam Airlines là nhà đầu tư tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại Long Thành.

Đối với Vietjet, hãng bay này cũng đã kiến nghị Bộ GTVT duy trì cơ chế đấu thầu công khai và tạo điều kiện cho cách hãng bay lớn nhưng chưa có điều kiện đầu tư hangar như Vietjet được tham gia vào dự án Long Thành.