DMagazine

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn

(Dân trí) - Khi chuẩn bị đề cương cho ĐH IV (1976), TBT Lê Duẩn đã muốn cải cách kinh tế, ủng hộ nền kinh tế nhiều thành phần... Nhưng cuối cùng, bản đề cương đã không được lựa chọn.

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 1

(Dân trí) - Năm 1975, khi chuẩn bị đề cương cho Hội nghị TW lần thứ 24, Tổng Bí thư (TBT) Lê Duẩn đã ấp ủ những cải cách kinh tế mạnh mẽ: Ủng hộ nền kinh tế nhiều thành phần, không đưa mô hình kinh tế ở miền Bắc vào miền Nam... Nhưng cuối cùng, đường lối của Đại hội IV (1976) lại khác hoàn toàn với bản dự thảo đó, công cuộc Đổi Mới đã chậm lại 10 năm…

Những năm sau khi đất nước thống nhất đã chứng kiến các cuộc đấu tranh, tự đấu tranh và chuyển biến về tư duy vô cùng đặc biệt của những nhà lãnh đạo Việt Nam.

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 3

Khi đặt bút viết trong cuốn "Lê Duẩn - Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam" (Hồi ký) - NXB Chính trị Quốc gia - 2002, ông Võ Văn Kiệt từng kể rằng, vào năm 1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Lê Duẩn vào Nam. Trong cuộc gặp đó, ông Lê Duẩn đã chia sẻ những dự định, ấp ủ của mình với việc thực hiện những cải cách về kinh tế. Ông Võ Văn Kiệt nói: "Khi đó anh Ba nói tới sự cần thiết phải duy trì nhiều thành phần kinh tế ở miền Nam, không thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp như miền Bắc, coi trọng vai trò của trung nông. Nó rất gần với những chính sách trong Đổi Mới của chúng ta sau này…".

Trong bài viết đăng trên Tạp chí Xưa và Nay (số 281, quý IV - 2017), GS. Đặng Phong (Nhà sử học kinh tế nổi tiếng của Việt Nam), cũng chia sẻ về nội dung một tập tài liệu quý giá mà ông tìm được trong phòng lưu trữ của Viện Kinh tế Việt Nam, ghi lại bài phát biểu của ông Lê Duẩn chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 24 (13/08/1975) - Hội nghị chuẩn bị đường lối cho ĐH IV. Đó là một tập tài liệu dài 14 trang, trong đó, ông Ba Duẩn ghi nhận qua thực tế và ông thẳng thắn thừa nhận những nhược điểm của mô hình kinh tế ở miền Bắc trong thời kỳ xây dựng CNXH.

Theo GS. Đặng Phong, "điều rất có ý nghĩa đối với giới nghiên cứu lịch sử hiện nay là: Khi xem xét những phân tích và đánh giá của Lê Duẩn về tình hình Miền Nam và những chủ trương của ông đối với kinh tế cả nước sau giải phóng, chúng ta thấy rằng nó có nhiều khía cạnh hơi khác so với những văn kiện chính thức của Hội nghị Trung ương 24 hơn một tháng sau đó... Ngược lại, nó gần gũi hơn với sự đánh giá tình hình kinh tế của Đại hội Đảng lần thứ VI/1986, trong đó chứa đựng rất nhiều những cách suy nghĩ về một nền kinh tế thị trường, một nền kinh tế mở, một nền kinh tế nhiều thành phần, nhấn mạnh tới việc sử dụng tối đa những tiềm lực của mọi thành phần kinh tế để phát triển…".

Điều đáng tiếc là, dù ông Ba Duẩn "có cái nhìn rất độc lập và sắc sảo về thực trạng kinh tế lúc đó; dù đã có can đảm vượt qua những định kiến cũ kỹ trong việc lựa chọn một mô hình kinh tế cho Việt Nam" (trích lời GS Đặng Phong), nhưng cuối cùng, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 24, nhiều ý kiến khác muốn áp dụng mô hình kinh tế của miền Bắc cho cả miền Nam. Kết quả của ĐH IV cũng không nằm ngoài xu hướng đó: xóa bỏ thị trường tự do và sở hữu phi xã hội chủ nghĩa, thiết lập mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp mệnh lệnh.

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 5

Rất nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao TBT Lê Duẩn - nhà lãnh đạo có vị trí hàng đầu trong Đảng và có uy tín lớn nhất lúc đó lại không thể thực hiện được những tư tưởng đổi mới về kinh tế của mình ngay từ thời điểm đó? 

GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng, một trong những trợ lý kinh tế thân cận nhất của TBT Lê Duẩn nhớ lại, vào một buổi sáng, khi nhóm trợ lý đang họp, TBT Lê Duẩn "đi vào "quẳng" xuống bàn chúng tôi một tờ báo và nói: "Các anh đọc đi!". Rồi anh nhếch mép cười, đi ra... Chúng tôi cầm tờ báo lên: Trên trang nhất là một bài dài phê phán anh Kim Ngọc và quan điểm khoán hộ của anh. Có lần, tôi hỏi Anh: "Tại sao Anh không công khai phản bác lại quan điểm bảo thủ của bài báo...". Anh nói: "Quan trọng nhất là phải giữ sự đoàn kết trong Đảng...".

TS Lê Kiên Thành (con trai cố TBT Lê Duẩn) nhớ lại: "Có lần tôi hỏi ba tôi về chuyện này, ông trầm ngâm: Không phải điều gì mình muốn thực hiện cũng có thể thực hiện được ngay. Trong chiến tranh, có rất nhiều người, nhiều phía đã phải nhượng bộ trước quyết tâm giải phóng miền Nam của ba, nên cũng sẽ có lúc, ba phải nhượng bộ lại ở những điểm khác để không làm mất đi sự đoàn kết và hòa khí trong Đảng".

Những năm sau giải phóng là một giai đoạn vô cùng khó khăn với Việt Nam, khi mà quan hệ với Trung Quốc đi vào khúc quanh ngặt nghèo, Việt Nam mất đi nguồn viện trợ từ nước láng giềng, sau đó là chiến tranh ở hai đầu đất nước. 

Vào thời điểm phải đối mặt cùng lúc với hai cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc và Chiến tranh Biên giới Tây Nam, cùng với lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ, Việt Nam đã gia nhập khối SEV.

Khi trở thành thành viên của SEV, Việt Nam nhận được nhiều sự viện trợ về kinh tế và quân sự của Liên Xô và các nước Đông Âu. Bên cạnh khoản viện trợ quân sự lên tới cả tỷ USD, Liên Xô còn giúp Việt Nam xây dựng công trình thủy điện, khai thác dầu khí, các công trình giao thông lớn, toàn bộ các cơ sở công nghiệp, chuyển giao kỹ thuật cũng như đào tạo chuyên gia. Nhưng bên cạnh mối quan hệ đồng minh và sự trợ giúp đó, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng về tư duy kinh tế bao cấp.

Trong hệ thống các nước XHCN ngày đó, Nam Tư được coi như một "trường hợp cá biệt". Nam Tư chính là nước XHCN đầu tiên mạnh dạn có những cải cách về chính trị và kinh tế ngay từ những năm 1950: Ủng hộ thị trường tự do, xây dựng mô hình Chủ nghĩa Xã hội Thị trường, mở cửa với các nước tư bản phương Tây, có xu hướng cách biệt dần với Liên Xô và bị lên án gay gắt nhiều năm vì phá hoại mô hình XHCN.

Trong cuốn "Lê Duẩn - Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam", ông Sáu Dân kể: "Khi đó, những cách làm khác so với "tư duy chính thống" đều bị quy kết nặng nề.  Một số cơ sở công nghiệp của TPHCM mới chỉ có những sáng kiến gọi là "cởi trói", "tự tháo gỡ", tuy không thấm tháp gì so với yêu cầu, mà đã có đồng chí nhận xét: "Bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất là đã thấy mùi Nam Tư".  

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 7

Khung cảnh một nhà máy của Việt Nam thời bao cấp.

Những năm này, các đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam có không ít những chuyên gia đến từ các cơ quan Chính phủ. Họ theo dõi rất sát những thay đổi trong tư duy và chính sách của Việt Nam.

TS Lê Kiên Thành kể, có một lần, khi ông Lê Duẩn sang Liên Xô vào đầu những năm 1980, một nhà lãnh đạo Liên Xô đã có phần trao đổi thẳng thắn khi biết nhiều nhà máy ở Việt Nam đang sản xuất và vận hành một phần theo cơ chế thị trường, mà không theo giá do Ủy ban Vật giá Nhà nước quy định và quy kết đó là dấu hiệu của tư bản.

Ông Ba Duẩn đáp lại: "Thưa Đồng chí, những nhà máy đó của chúng tôi buộc phải mua nguyên liệu đầu vào với giá cao, nếu các đồng chí buộc họ bán theo giá nhà nước quy định, thì sẽ giết chết nền sản xuất của chúng tôi". Đó chỉ là một trong rất nhiều cuộc trao đổi gay gắt mà ông Ba Duẩn phải đối mặt cho mỗi sự thay đổi mà nước bạn lo ngại có thể khiến Việt Nam đi lệch khỏi quỹ đạo chung của khối các nước Xã hội Chủ nghĩa.  

Những áp lực, thách thức đến từ nhiều phía đã khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam không thể tiến hành những cải cách mạnh dạn về kinh tế ngay sau ngày đất nước thống nhất. Đó cũng là điều mà ông Sáu Dân luôn tiếc nuối - như chính ông đã viết trong cuốn sách kể trên: "Ước gì Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) chỉ được một phần của Đại hội Đảng VI (1986) thì đất nước ta đã khác nhiều so với hiện nay".

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 8
Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 10

Nhưng đó là thời điểm mà sự thay đổi sẽ quyết định sự tồn vong của chế độ.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kể lại: "Những năm 1980, vào thời điểm mà tôi vẫn nghĩ Liên Xô là một tượng đài, một hôm Đại tướng Lê Đức Anh gọi tôi đến và giao cho tôi một nhiệm vụ: Cậu hãy tìm hiểu và phân tích xem bao giờ Liên Xô sẽ sụp đổ và kịch bản sự sụp đổ đó sẽ diễn ra như thế nào". Tướng Nguyễn Chí Vịnh thừa nhận, đó là một mệnh lệnh khiến ông không khỏi bất ngờ. Vì cho đến thời điểm đó, những người như ông vẫn nhìn Liên Xô như ngọn cờ đầu không thể sụp đổ của các nước XHCN. 

Không chỉ riêng mình ông Lê Đức Anh nhận ra điều đó. Những bất ổn về kinh tế dẫn đến bất ổn về chính trị ở Liên Xô, cùng với hiện thực không hề dễ dàng của kinh tế Việt Nam trong những năm sau giải phóng, đã khiến những nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rằng phải thay đổi.

Vì thế, dù công cuộc Đổi Mới của Việt Nam chỉ chính thức bắt đầu từ ĐH VI, nhưng trên thực tế, những mầm mống của Đổi Mới đã bắt đầu được gieo mầm từ những năm trước đó, ở chính những nhà lãnh đạo vốn từng được cho là "nguyên tắc nhất".

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Võ Văn Kiệt, tức Sáu Dân - Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa đầu tiên sau khi đất nước thống nhất - đã trải qua những ngày tháng không hề dễ dàng trên cương vị Bí thư Thành ủy TPHCM. Đỉnh điểm của những khó khăn ấy có lẽ là vào năm 1979, khi 3,5 triệu dân TPHCM đứng trước nguy cơ nạn đói cận kề. Khó khăn đến mức, đã có những trí thức, quan chức của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vốn lựa chọn ở lại để xây dựng đất nước cũng nản lòng với hoàn cảnh sống khi ấy và ấp ủ ý định ly hương. Khi biết chuyện, Bí thư Thành ủy Sáu Dân đã tổ chức một cuộc gặp những trí thức ấy và đưa ra lời cam kết của mình: "Các anh cố gắng ở lại. Trong vòng 3 năm nữa, nếu tình hình không thay đổi, tôi sẽ tự mình tiễn các anh lên máy bay".

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 12

Cảnh sản xuất lương thực ở Việt Nam sau 1975

Ông Lữ Minh Châu (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) từng kể: "Năm 1979 là năm TPHCM thiếu lương thực. Toàn bộ lương thực của cả thành phố khi ấy chỉ còn đủ ăn trong vài ngày. Trong khi các tỉnh ĐBSCL đang ê hề lúa gạo, thì người dân TPHCM lại không có cách nào mua được lương thực dù có tiền và sẵn sàng mua với giá cao. Nguyên nhân là vì giá gạo do Ủy ban Vật giá quy định quá thấp, chỉ bằng 1/5 giá chợ đen, nên nông dân ĐBSCL không chịu bán. Còn Sở Lương thực các địa phương thì không được phép tự thu mua và định giá lương thực.

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 13

Năm 1979, ĐBSCL được mùa gạo, nhưng người dân TPHCM lại không thể mua nổi gạo do cơ chế (Ảnh minh họa).

Vào thời điểm "nước sôi lửa bỏng" nhất, ông Sáu Dân đã gọi bà Ba Thi - Giám đốc (GĐ) Công ty Lương thực thành phố, ông Lữ Minh Châu, ông Năm Ẩn - Giám đốc Sở Tài chính và ông Năm Cam - Chánh Văn phòng Thành ủy, đến để tìm cách tháo gỡ vấn đề.

Sau cuộc họp riêng tại nhà ông Sáu Dân, "tổ thu mua gạo" của Thành ủy TPHCM đã được lập ra, trong đó bà Ba Thi phụ trách nhiệm vụ xuống các tỉnh ĐBSCL mua gạo, ông Lữ Minh Châu lo cấp tiền, ông Năm Ẩn phụ trách giấy tờ thu chi. Ngày hôm sau, mọi việc lập tức được triển khai. Bà Ba Thi xuống các tỉnh ĐBSCL mua gạo với giá thị trường, rồi mang về bán cho người dân TPHCM theo giá thỏa thuận. Mọi nguy cơ của TPHCM được giải quyết chỉ trong vài ngày.

Ông Lữ Minh Châu kể: "Chúng tôi tự gọi đùa mình là "tổ buôn lậu gạo của Thành ủy". Lúc mới nhận nhiệm vụ, chúng tôi lo lắng lắm, vì ai cũng hiểu đây là xé rào, đây là trái với chỉ đạo của Trung ương. Chị Ba Thi nói với anh Sáu Dân: Nếu như Trung ương biết chuyện này, thì chúng ta đều phải đi tù. Nhưng anh Sáu Dân trịnh trọng hứa: Nếu vì việc này mà phải đi tù, thì tôi sẽ mang cơm thăm nuôi các anh các chị. Anh Sáu Dân căn vặn: Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là để dân no, các đồng chí mất chức. Các đồng chí sẽ chọn cái nào?".

Cuối cùng, tất cả họ đều chọn đáp án thứ 2: Cùng nhau đánh cược vận mệnh chính trị của mình để mấy triệu người dân TPHCM không bị đói.

"Tổ buôn lậu gạo" của ông Sáu Dân năm đó không ai phải đi tù vì phá rào. Nhưng sau này, trong quá trình xây dựng đường dây 500KV Bắc - Nam, ông Sáu Dân đã chứng kiến người cộng sự của mình - Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải phải vào tù vì nhập 4.000 tấn thép từ một công ty tư nhân để phục vụ cho việc xây dựng đường dây 500KV, vì những vướng mắc của cơ chế.

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 14

Vào ngày đóng điện cho đường dây 500KV, vị Thủ tướng đương nhiệm của Việt Nam đã bất ngờ xuất hiện ở trại giam Thanh Xuân từ 5 giờ sáng, mang theo một chai rượu champagne để uống cùng với ông Vũ Ngọc Hải - người đã sát cánh bên mình trong quá trình xây công trình lịch sử đó. Cũng hôm ấy, ở trong trại giam, chiếc huy hiệu đầu tiên của công trình đường dây 500KV đã được ông Sáu Dân trịnh trọng đeo cho cựu Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải vì những đóng góp và cả hy sinh cho công trình ấy. Vào một thời điểm lịch sử khác, với một con người khác, ông Sáu Dân đã thực hiện lời hứa của mình…

Khi câu chuyện "xé rào" ở TPHCM được truyền ra ngoài Trung ương, bà Ba Thi đã ra Hà Nội báo cáo với TBT Lê Duẩn. Sau khi nghe bà Ba Thi trình bày về động cơ thúc đẩy và những việc mà TPHCM đã làm để cứu đói cho người dân thành phố, TBT Lê Duẩn chỉ nói một câu: "Chị Ba Thi và anh em trong đó làm đúng lắm".

Tổ thu mua gạo của TPHCM tồn tại suốt một thời gian dài, không chỉ giải quyết vấn đề lương thực cho người dân TPHCM, mà còn tạo ra một làn sóng "xé rào" ở nhiều địa phương trong cả nước.

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 16

Những cải cách táo bạo của ông Võ Văn Kiệt có thể không làm nhiều người bất ngờ, vì bản thân ông vốn luôn được coi như một biểu tượng của khát vọng cải cách và đổi mới kinh tế. Những năm trước Đổi Mới còn ghi dấu sự thay đổi từ nhà lãnh đạo nghiêm cẩn, rất coi trọng lý luận và hết sức nguyên tắc nhưng lại được coi là Tổng Bí thư của "Đổi mới". Đó là Tổng Bí thư Trường Chinh.

Ông Trần Việt Phương (người từng làm thư ký cho ba nhà lãnh đạo Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn và Nguyễn Duy Trinh), từng nhận xét rằng: "Ông Trường Chinh thường được anh em gọi là anh "Mười Nghiêm": Nghiêm túc, nghiêm nghị, nghiêm trang, nghiêm khắc... Ông quả là con người của những công thức hoàn chỉnh. Trong cách nói, cách viết, cách suy nghĩ, cách đối xử ông đều như thế. Cả đời ông có lẽ chỉ có một điều "không nghiêm", mà đó là điều rất tốt cho cả đất nước ta, đó là vào cuối đời ông có sự thay đổi 180 độ về quan điểm kinh tế. Có thể nói đó là sự lột xác, chuyển từ một người bảo thủ sang một người cấp tiến và là tác giả chính của sự nghiệp đổi mới. Cái "không nghiêm" này suy cho cùng lại là rất nghiêm về tính nguyên tắc, tức là kiên quyết bảo vệ cái mà mình đã tin là đúng".

Nhận định này được chính ông Trần Việt Phương tái khẳng định trong lần trả lời phỏng vấn của người viết: "Đó là sự thay đổi 180 độ... Thật may mắn vì sự thay đổi đó có lợi cho đất nước".

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 18

Năm 1956, tại Hội nghị TW X, khóa II bàn về vấn đề Sửa sai trong Cải cách ruộng đất, ông Trường Chinh từ chức Tổng Bí thư lần thứ nhất. Những năm 1966 - 1967, ông Kim Ngọc, Bí thư Vĩnh Phúc thực hiện mô hình khoán hộ. Tháng 11/1968, ông Trường Chinh (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) lên nói chuyện ở Hội nghị của Tỉnh ủy Vĩnh Phú và quyết định đình việc khoán lại.

Từ năm 1982, ông Trường Chinh đã lập nên một nhóm nghiên cứu và cố vấn (think tank) tập hợp các trí thức, những chuyên gia, những bộ óc hiểu biết trong lĩnh vực kinh tế và có tư tưởng đổi mới. Đó có thể coi là một trong những "think tank" đầu tiên do các nhà lãnh đạo Việt Nam lập nên. Không chỉ lắng nghe, ông Trường Chinh dành rất nhiều thời gian để đi cơ sở để "mắt thấy tai nghe" những điều mà trước đây ông từng không nhìn thấy được qua những báo cáo vốn không phải lúc nào cũng thành thật.

Có lần ông Trường Chinh đi thăm nơi chăn nuôi lợn của một HTX, ông rất vui vì đàn lợn của HTX con nào con đấy đều béo tốt. Nhưng sau đó, ông mới biết người HTX đó đã xuống những hộ gia đình chăn nuôi cá thể và mượn những con lợn béo tốt nhất để có "thành tích" mà báo cáo.

"Ông ấy không chỉ bực mình với những báo cáo sai, mà còn bực mình với chính mình vì đã có một thời gian "ngủ quên" trên những báo cáo ấy", lời của ông Hà Nghiệp - trợ lý của cố TBT Trường Chinh được GS Đặng Phong thuật lại.

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 20

Cố TBT Trường Chinh.

Cũng trong cuốn "Tư duy Kinh tế Việt Nam 1975-1989", GS Đặng Phong có viết: Năm 1983, ông Trường Chinh tham dự Hội nghị Đà Lạt, cùng với các nhà lãnh đạo cao cấp như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh. Tại đó, ông đã tiếp xúc với hàng trăm giám đốc các xí nghiệp quốc doanh để lắng nghe về những hiện tượng vô lý của cơ chế kinh tế cũ đã cản trở sản xuất, lưu thông như thế nào.

Sau này, ông Trường Chinh kể lại, ông đã đặc biệt xúc động khi nghe ông Thụy - Giám đốc Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội vừa rưng rưng khóc vừa nói về bi kịch của xí nghiệp mình: Ông Thụy đã tìm mọi cách bươn chải, tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất, chăm lo cho đời sống công nhân trong xí nghiệp, nhưng bản thân ông luôn bị quy kết là làm sai đường lối. Sau khi trở về từ Hội nghị Đà Lạt, ông Trường Chinh đã nói: "Kể từ hôm đó, tôi buộc phải suy nghĩ lại một loạt vấn đề".

Sự chuyển biến về tư duy của ông Trường Chinh trong giai đoạn từ năm 1982-1986 là tiền đề cho những cải cách mà ông đề ra trong Báo cáo Chính trị cho Đại hội VI, khi ông thay ông Lê Duẩn trở thành Tổng Bí thư (sau khi ông Lê Duẩn qua đời) năm 1986. Trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 4/4/1986, ông Trường Chinh đã thay mặt Bộ Chính trị đọc báo cáo với nội dung: "Bộ Chính trị, trong đó có tôi, đã thông qua một số quyết định sai, đã bố trí cán bộ sai mà không kịp thời sửa, đã không thẳng thắn nói hết được ý kiến để cùng nhau thảo luận đi đến nhất trí, đã không kiên trì cái đúng, phân tích đầy đủ cái sai… đó là khuyết điểm của Bộ Chính trị".

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 21

Trước ĐH VI, TBT Trường Chinh đã thừa nhận về những khuyết điểm của Bộ chính trị, trong đó có ông.

Trong những bộ óc được coi là mở đường đi cho Đổi Mới, không thể không nhắc tới Tổng Bí thư Đỗ Mười. Năm 1988, 2 năm sau Đại hội VI, ông Phạm Hùng qua đời. Ông Võ Văn Kiệt trở thành quyền Thủ tướng. Đến kỳ họp Quốc hội tháng 6 năm 1988, Phó Thủ tướng Đỗ Mười được Bộ Chính trị giới thiệu với Quốc hội vị trí làm Thủ tướng. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, có một Đại biểu do Bộ Chính trị đề cử, và một ứng viên khác (ông Võ Văn Kiệt) do Quốc hội đề cử. Kết quả, ông Đỗ Mười trở thành Thủ tướng Việt Nam từ năm 1988 đến năm 1991.

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 22

Cố TBT Đỗ Mười 

TS Võ Đại Lược, người từng tư vấn cho các Tổng Bí thư Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười; các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, kể: "Khi ông Đỗ Mười trở thành chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ), một nhà sử học Canada viết bài báo và đặt nghi vấn: Người bảo thủ nhất của Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình lại là người đổi mới quyết liệt. TBT Trường Chinh của Việt Nam cũng thế. Vậy liệu ông Đỗ Mười, cũng là người bảo thủ, có tiếp tục xu hướng này?". Sau khi bài báo đó được xuất bản, TS Võ Đại Lược đã mang đến cho ông Đỗ Mười đọc, ông chỉ cười.

Theo nhận định của ông Sáu Dân và GS Đặng Phong, thời điểm này đã cho thấy ông Đỗ Mười có những chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và điều hành kinh tế.  Ông lắng nghe ý kiến của giới trí thức trong nước, điều hành Chính phủ một cách dân chủ và chấp nhận cả những ý kiến trái chiều.

Có lần, khi Tiến sĩ Kinh tế học Việt kiều Vũ Quang Việt (một chuyên gia kinh tế gốc Việt làm việc cho Liên Hợp Quốc), chia sẻ với ông Đỗ Mười những nhận định về sai lầm trong chính sách kinh tế Việt Nam, ông Đỗ Mười "đã tức giận đến đập bàn đập ghế vì cho rằng đó là những lời nói khiến người ta hoang mang về đất nước". Nhưng sau đó, ông vẫn mời Nhà kinh tế Vũ Quang Việt đến gặp mình nhiều lần và lắng nghe không ít ý kiến từ đó.

TS Lê Văn Viện kể: "Ông Đỗ Mười làm Thủ tướng khi lạm phát vẫn còn ở mức 200%. Nó không cao như thời điểm 1986 (600-700%), nhưng cũng đủ để khiến chiếc ghế Thủ tướng của ông là chiếc ghế nóng không dễ ngồi. Sau khi lắng nghe những ý kiến từ các chuyên gia, ông Đỗ Mười đã quyết định tăng lãi suất huy động tiền gửi lên 12%, đồng thời áp dụng chính sách cho phép kiều bào gửi thuốc men, hàng hóa từ nước ngoài về hoàn toàn miễn thuế. Nhờ thế mà giảm phát liên tục giảm đáng kể trong một thời gian ngắn". Năm 1989, lạm phát Việt Nam xuống dưới mức 100%. Đến năm 1992, tỷ lệ lạm phát về mức dưới một con số. Đó là một trong những đóng góp to lớn nhất của ông Đỗ Mười khi nắm cương vị Thủ tướng những năm đầu Đổi Mới.

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 23

Ông Đỗ Mười đi thăm một cơ sở sản xuất kinh tế khi còn là Thủ tướng.

Khi viết về các nhà lãnh đạo Việt Nam và những quyết sách của họ trong giai đoạn trước và sau Đổi Mới, GS. Đặng Phong luôn bày tỏ sự kính trọng của mình. Ông nói "Tôi giữ thái độ cảm thông, thậm chí trân trọng đối với những sai lầm, vấp váp trên những bước tìm đường. Đoàn quân vạch đường vào lịch sử không giống như một đoàn đồng diễn với những người mặc đồng phục, những động tác đều răm rắp theo một nhịp điệu định sẵn. Họ là những người thám hiểm, đi trên con đường mà nhiều đoạn chưa có biển chỉ đường, thậm chí chưa có dấu chân người. Dù thế nào thì đó cũng là đội hình của những con người can trường và đầy tâm huyết. Những vấp váp, nhỡ bước đều là những trả giá khó tránh khỏi của sứ mệnh này và đáng được nhìn nhận bằng thiện cảm".

Đêm trước Đổi Mới: Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn - 24

*Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn "Tư duy Kinh tế Việt Nam 1975-1989" và cuốn "Lê Duẩn - Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam".

Kỳ 2: Khi rời Việt Nam năm 1968, TS. Vũ Quang Việt đã nghĩ, đất nước này không dành cho những người như ông - một người có cha bị chính quyền bắt rồi bặt vô âm tín kể từ đó, nên cả đời mình, ông không có cơ hội biết mặt cha. Nhưng nhiều năm sau này, trong những năm tháng khó khăn nhất trước và sau Đổi Mới, ông đều đặn trở về Việt Nam mỗi năm 2 lần, tự bỏ tiền vé máy bay, gặp gỡ những nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam để trao đổi, thuyết phục họ thay đổi những tư duy về điều hành kinh tế.

Nội dung: Tô Lan Hương

Ảnh: TTXVN và Đại hội Đảng VI

Thiết kế: Khương Hiền