Cụ bà bật khóc khi được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại nhà
(Dân trí) - Với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", huyện Hóc Môn (TPHCM) triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại nhà cho những người già yếu, người khuyết tật... gặp khó khăn trong đi lại trên địa bàn.
Vừa rút kim tiêm ra khỏi tay, nước mắt bà Lâm Thị Mỹ Hưng (67 tuổi, khu phố 6, đường Trưng Nữ Vương, Thị trấn Hóc Môn) chảy dài trên hai gò má.
Cung cấp thông tin cho đội vắc xin ngừa Covid-19 làm giấy chứng nhận em gái bà Hương cho biết: "Di chứng tai biến khiến chị tôi không đi lại được, nhà chỉ có hai chị em, các y bác sĩ không tới tôi không biết làm sao, chị Hưng được tiêm vắc xin tôi mừng lắm".
Di chứng bệnh tai biến khiến việc đi lại của bà Mỹ Hưng gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi chích xong, bà Hưng chỉ nói bập bẹ được hai tiếng: "Cảm ơn".
Ngoài di chứng do bệnh tai biến để lại, bà Hưng còn mắc nhiều bệnh nền nên trước khi tiêm vắc xin đội nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho bà rất cẩn thận.
Bên cạnh việc thăm khám sức khỏe, đội tiêm chủng còn kiểm tra kỹ các loại thuốc mà bà Hưng đang dùng để đảm bảo an toàn.
Bà Trần Thị Mai đã được tiêm vắc xin mũi một, bà tỏ ra vui mừng khi lực lượng y tế đến tận nhà tiêm vắc xin cho chồng là ông Nguyễn Mạnh Khiêm.
"Tôi và ông nhà bằng tuổi, năm nay được 80 rồi, tuổi cao sức yếu nhưng ông còn bị tai biến, liệt nửa người, không thể đi lại được. Nay ông nhà tôi được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 là tôi an tâm lắm", bà Mai nói.
Bị tai biến nên ông Khiêm gặp khó khăn trong việc phát âm. Nhận được giấy chứng nhận trên cánh tay còn cử động tốt, ông Khiêm nở nụ cười cám ơn đội tiêm vắc xin lưu động.
Cùng trong ngày 13/9, ngoài việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người già yếu, đội tiêm lưu động còn đến tận nhà tiêm cho người khuyết tật trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (55 tuổi, thị trấn Hóc Môn) phấn khởi khi được tiêm vắc xin tại nhà. Bà Tâm bị khuyết tật về chiều cao, các khớp chân khá yếu và béo phì nên không thể tự đi lại hay ngồi xe máy đến các điểm tiêm vắc xin cố định.
Đo huyết áp ở tư thế ngồi khiến bà Tâm gắng sức khiến huyết áp trên 140 mmHg. Đội tiêm cho bà Tâm đo ở tư thế nằm, huyết áp xuống còn 120, mức an toàn có thể tiêm vắc xin.
"Nhẹ nhẹ nha cô chú, tui sợ đau", bà Tâm nói với đội tiêm.
Bị khuyết tật nên cánh tay bà Tâm ngắn, không thể tự mình giữ bông cầm máu ngay vết tiêm, bà phải nhờ người thân giữ giúp.
Bạn Nguyễn Thị Lan (sinh viên Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam) cho biết: "TPHCM hay xuất hiện mưa thất thường, khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng mỗi khi nghĩ đến sự chờ mong được tiêm vắc xin của các cô, các bác... cả nhóm lại có động lực bước tiếp".
Trước mắt, đội nhận nhiệm vụ tiêm chủng cho 22 trường hợp người cao tuổi, khuyết tật... gặp khó khăn trong việc đi lại. Pfizer là vắc xin được sử dụng trong nhiệm vụ đặc biệt này.
Đội tiêm là các bạn sinh viên đến từ Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam và trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai. Các bạn đã tham gia công tác chống dịch tại TPHCM suốt hai tháng qua.
Trong ngày 13/9, Trung tâm Y tế thị trấn Hóc Môn (huyện Hóc Môn) đã triển khai tiêm chủng tại nhà cho các trường hợp người cao tuổi, khuyết tật... không có điều kiện sức khỏe đến các điểm tiêm chủng cố định ở thị trấn.
Theo Cổng Thông tin điện tử TTYT huyện Hóc Môn, từ ngày 27/4 đến chiều ngày 12/9, huyện Hóc Môn ghi nhận 14.550 bệnh nhân bao gồm có mã số và chưa có mã số.
Tính đến hết ngày 11/9, có 384.692/404.118 người được tiêm mũi 1 (tỷ lệ 95,25%) và có 84.610/404.118 người được tiêm mũi 2 (tỷ lệ 20,93%) trên tổng số người dân 18 tuổi trở lên.