(Dân trí) - TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Nghị quyết 98 đã có nhiều nội dung mang tính thử nghiệm thể chế cho TPHCM. Tuy nhiên, nghị quyết này vẫn còn cách xa khái niệm "phòng thí nghiệm thể chế" mà ông nhắc tới.
"Cần để người dân, doanh nghiệp hiểu Nghị quyết 98 tác động tới họ ra sao"
(Dân trí) - TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, khi phân tích kỹ bản Nghị quyết 98 cho TPHCM, nhiều nội dung trong đó đã tiệm cận với khái niệm "phòng thí nghiệm thể chế" được ông đề cập tới. Khi triển khai, TPHCM cần để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ bản Nghị quyết 98 có tác động tới họ ra sao.
***
"Phòng thí nghiệm thể chế" hay "sandbox thử nghiệm thể chế" là khái niệm được TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, góp ý cho TPHCM trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết mới, thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trước đây.
Khái niệm này được hiểu, trong khuôn khổ sandbox, TPHCM được kích hoạt thực hiện các thí điểm nếu các cơ chế, chính sách hiện hành không còn phù hợp mà không cần xin ý kiến về các nội dung cụ thể.
Trong trường hợp thành công, những cơ chế, chính sách thí điểm sẽ được nhân rộng cả nước. Nếu thất bại, việc thí điểm sẽ không ảnh hưởng trong diện rộng và không bên nào phải chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn chính trị, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM mà Quốc hội vừa ban hành thiết thực và thực tế hơn trong bối cảnh hiện nay. Khi phân tích kỹ bản nghị quyết này, nhiều nội dung trong đó đã tiệm cận với khái niệm "phòng thí nghiệm thể chế" được ông đề cập tới.
"Thực tế, tôi muốn những cơ chế, chính sách đặc thù lớn hơn, rộng hơn cho TPHCM, theo nghĩa "phòng thí nghiệm thể chế" hoặc "sandbox". Tuy nhiên, với điều kiện thực tế hiện nay, điều đó là không dễ dàng, và Nghị quyết 98 sẽ phù hợp hơn", TS Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Trong những lần góp ý xây dựng dự thảo mới về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM, ông từng đưa ra khái niệm "phòng thí nghiệm thể chế" hay "sandbox thử nghiệm thể chế". Theo ông, bản Nghị quyết 98 mà Quốc hội vừa ban hành đã đủ để hiện thực hóa khái niệm này hay chưa?
- Khái niệm "phòng thí nghiệm thể chế" được hiểu là khi địa phương muốn thử nghiệm vấn đề mới gì thì kích hoạt các điều khoản để làm thí điểm mà không phải chịu các rào cản về quy định pháp luật hiện hành. Điểm mấu chốt, quan trọng nhất mà việc thí điểm, thử nghiệm chính sách hướng tới là kết quả đạt được trong những cách làm mới.
Bản Nghị quyết 54 trước đây đã cho phép TPHCM thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Nhưng, các nội dung của bản nghị quyết cũ chưa tiến tới khái niệm tôi nhắc đến, khi địa phương chỉ áp dụng thí điểm trong các nội dung, lĩnh vực cụ thể.
Tôi đánh giá Nghị quyết 98 có rất nhiều nội dung đột phá về cơ chế, chính sách cho TPHCM. Tuy nhiên, các nội dung này vẫn còn cách xa so với khái niệm "phòng thí nghiệm thể chế" hay "sandbox" mà tôi nhắc tới trước đây.
Bản nghị quyết mới vẫn chỉ cho phép TPHCM thí điểm ở những nội dung cụ thể. Dù có nhiều điểm mới so với các quy định pháp luật hiện hành, cho TPHCM quyền chủ động trong một số vấn đề, nhưng việc thí điểm vẫn mang tính ràng buộc và trong khuôn khổ.
Trong thực tế, tôi đánh giá những nội dung thí điểm trong Nghị quyết 98 mang tính thiết thực hơn trong bối cảnh hiện tại. Việc áp dụng "sandbox thử nghiệm thế chế" để áp dụng trong thời điểm này là không dễ.
Trong số các nội dung của Nghị quyết 98, theo ông, những cơ chế, chính sách mới nào cho TPHCM gần nhất với khái niệm "phòng thí nghiệm thể chế"?
- Điểm chung nhất của các cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 98 tôi thấy là tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền nhiều hơn cho TPHCM. Đó là sự đột phá lớn và nếu TPHCM thành công, những nội dung phân cấp, phân quyền này có thể được thúc đẩy để áp dụng trên phạm vi cả nước.
Đối với các nội dung cụ thể, Nghị quyết 98 đã hé mở cơ chế cho TPHCM đối với việc triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đặc biệt, TPHCM được mở rộng phạm vi đầu tư đối với hình thức này đối với các lĩnh vực chưa có trong quy định pháp luật như y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao.
Đây là những lĩnh vực TPHCM có thế mạnh, và giờ có thêm cơ chế, chính sách mới để thực hiện.
Rất nhiều cơ chế, chính sách khác trong Nghị quyết 98 tôi thấy mang ý nghĩa thực chất và mang tính thí nghiệm thể chế trong các lĩnh vực hẹp. Nếu bản Nghị quyết này được thực hiện thành công tại TPHCM, các cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội sẽ có những minh chứng rõ nét để nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Nghị quyết 98 cho TPHCM rất nhiều công cụ giải quyết các vướng mắc, hạn chế tồn tại, khơi thông các nguồn lực để tạo sức bật phát triển trong giai đoạn mới. Với những công cụ này, TPHCM cần ưu tiên cho vấn đề nào trước?
- Tôi cho rằng, với Nghị quyết 98, TPHCM phải thúc đẩy bằng được việc xây dựng, cải thiện và tạo đột phá về cơ sở hạ tầng. Ngoài chỉnh trang diện mạo đô thị, đây chính là nguồn lực lớn phục vụ nhu cầu phát triển của TPHCM.
Nghị quyết mới đề cập tới việc cho phép thành phố thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), HĐND thành phố được quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai các dự án đầu tư công độc lập, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong một số trường hợp.
Đồng thời, thành phố cũng được phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động nhiều hơn trong công tác đầu tư, vay vốn, bổ sung nguồn lực đầu tư dự án.
Tôi cho rằng tất cả nội dung trên đều rất quan trọng, cần ưu tiên và hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này.
Bên cạnh đó, với việc mở rộng hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với những ngành, lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh (y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao), TPHCM cần tận dụng để sớm hình thành những đòn bẩy trong quá trình phát triển sau này. Một khi kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, những lĩnh vực trên sẽ đóng vai trò rất quan trọng.
Kế đến là địa phương cần sớm cụ thể hóa để thực thi hàng loạt nội dung phân cấp, trao quyền cho HĐND trên diện khá rộng để tạo ra những nguồn lực thực tế.
Đây chính là sự đột phá lớn của bản nghị quyết khi HĐND thành phố có quyền tự quyết trên nhiều vấn đề như quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, quyết định các khoản lương, trợ cấp, quyết định các loại phí, lệ phí mới chưa có trong quy định và được điều chỉnh mức phí, lệ phí hiện tại.
Việc đưa một bản nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù mới đi vào cuộc sống là điều không dễ dàng, và việc thí điểm cũng có thời hạn nhất định. Theo ông, TPHCM cần chú trọng điều gì trong công tác chuẩn bị để tránh việc không tận dụng được chính sách như kết quả thực hiện Nghị quyết 54 trước đây?
- TPHCM đã tiếp cận với bản nghị quyết mới có phần chủ động và có vẻ sốt sắng hơn so với bản Nghị quyết 54 trước đây. Đây là cách tiếp cận tốt và hứa hẹn sẽ cải thiện được vấn đề mất nhiều thời gian để chuẩn bị.
Nghị quyết 98 có nhiều nội dung, cơ chế, chính sách đột phá thuộc nhiều lĩnh vực. Điều đầu tiên là TPHCM cần phân định rõ các phần việc nào, thuộc lĩnh vực nào thì các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cần lên kế hoạch ngay thời điểm hiện tại.
Nếu các nhiệm vụ chỉ tập trung ở UBND thành phố thì sẽ rất khó triển khai và mất nhiều thời gian, nên cần đi kèm đó là cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng.
Thành phố cần sớm triển khai một chiến dịch truyền thông để quán triệt rất rõ cho toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức về nội dung, tính cần thiết của việc thực hiện bản nghị quyết mới. Và các sở, ngành liên quan phải nắm thật rõ, thật chắc những gì mình cần làm, kèm theo đó là tiến độ trong khâu thực thi.
Tôi lấy ví dụ, các nội dung về cán bộ, công chức, biên chế thì Sở Nội vụ phải là cơ quan nắm chắc; các nội dung về vốn, đầu tư thì sở Kế hoạch và Đầu tư phải nhận thức được rõ ràng. Từ việc hiểu được Nghị quyết 98 có nội dung nào mới so với trước đây, các đơn vị sẽ đưa ra kế hoạch thực hiện của mình.
Bước tiếp theo là TPHCM cần chuẩn bị năng lực, đội ngũ đủ sức để triển khai nghị quyết mới được thông suốt. Trong khâu này, địa phương cần xác định rõ, với đội ngũ hiện tại, TPHCM có đủ sức thực thi bản nghị quyết mới hay không, và nguồn nhân lực mới (nếu cần) thì phải đáp ứng được những tiêu chuẩn gì.
Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị cho việc thực thi, TPHCM cần để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ bản Nghị quyết 98 có tác động tới họ ra sao. Công tác truyền thông cần được thực hiện tập trung, bài bản để các doanh nghiệp hiểu, bản nghị quyết mới có tác động đến ngành, nghề, lĩnh vực của họ ra sao.
Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh, các cơ chế, chính sách đặc thù mới cho TPHCM có nhiều nội dung liên quan tới huy động vốn từ các nguồn xã hội hóa.
Ngoài ra, Nghị quyết 98 có nhiều nội dung được giao cho Chính phủ thể chế hóa, việc thành lập một ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết của TPHCM để theo sát quá trình này là rất cần thiết. Nếu không có sự tương tác giữa thành phố và Chính phủ, công tác phối hợp, đưa nghị quyết vào cuộc sống sẽ khó diễn ra thuận lợi.
Và cuối cùng, Nghị quyết 98 có rất nhiều nội dung cho TPHCM thử nghiệm các cơ chế, chính sách mới để huy động nguồn lực, tạo sức bật trong phát triển, tuy nhiên, việc thí điểm này cũng có thời gian hạn chế.
Do đó, thành phố cần phân định kế hoạch, tiến độ, đánh giá hiệu quả từng công việc khi bản nghị quyết đi vào cuộc sống. Nếu không tập trung cho công tác này, thời gian cứ trôi qua, những bất cập của bản Nghị quyết 54 trước đây sẽ lặp lại.
Mời quý độc giả đón đọc tuyến bài liền quan Nghị quyết 98:
- Nghị quyết 98: Cú hích cấp thiết cho đầu tàu TPHCM
- Nghị quyết 98, "chìa khóa" mở bung điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM
- Những dự án hạ tầng ở TPHCM đang chờ Nghị quyết 98 mở đường
- Nghị quyết 98: Những cơ chế, chính sách mới nào cho TPHCM?