DMagazine

Bố vợ Việt "lấy hết can đảm" hỏi con rể gốc Nga về cuộc chiến tại Ukraine

(Dân trí) - Ông Trần Quốc Quân kể, chàng rể luôn thần tượng và yêu đất nước Nga vô điều kiện. Trong bữa cơm gia đình hôm đó, chuyện về chiến sự Ukraine giống như cuộc "chạm trán" khó lường giữa mình và con rể...

Bố vợ Việt "lấy hết can đảm" hỏi con rể gốc Nga về cuộc chiến tại Ukraine

Ông Trần Quốc Quân kể, chàng rể luôn thần tượng và yêu đất nước Nga vô điều kiện. Trong bữa cơm gia đình hôm đó, chuyện về chiến sự Ukraine giống như cuộc "chạm trán" khó lường giữa ông và con rể...

Gia đình ông Trần Quốc Quân (64 tuổi) sinh sống ở Warszawa - Ba Lan đã 35 năm, ông là một doanh nhân, vợ ông là cử nhân toán kinh tế, vợ chồng ông Quân có 2 người con 1 trai 1 gái. Kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, Ba Lan trở thành vùng hậu phương quan trọng hàng đầu giúp ứng cứu dân thường ở Ukraine sơ tán; gia đình ông Quân cũng tham gia nhiều hoạt động giúp đỡ bà con người Việt, người tị nạn Ukraine đến Ba Lan.

Hơn một tháng qua, xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa tìm ra lối thoát, bất chấp nỗ lực đàm phán và cuộc chạy đua ngoại giao của các bên nhằm tháo ngòi căng thẳng. Trong bối cảnh giao tranh, chúng tôi liên hệ với ông Quân để tìm hiểu về cuộc sống của những người Ukraine đang tị nạn ở Ba Lan, tuy nhiên một trong những điều khiến chúng tôi ấn tượng chính là câu chuyện giữa ông Quân và con rể người Nga.

Bố vợ Việt lấy hết can đảm hỏi con rể gốc Nga về cuộc chiến tại Ukraine - 1
Bố vợ Việt lấy hết can đảm hỏi con rể gốc Nga về cuộc chiến tại Ukraine - 3

Ông Quân kể, con rể ông tên là Stepan Lavrov, mang trong người 3/4 dòng máu Nga và 1/4 dòng máu Do Thái, được sinh ra và lớn lên tại thành phố Saint Petersburg - quê hương của cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Mẹ đẻ của Stepan Lavrov là biên tập viên Đài Truyền hình nhà nước thành phố Saint Petersburg.

"Năm 16 tuổi, Stepan Lavrov sang London - Anh để học A level (tương đương với phổ thông trung học của Việt Nam). Năm 20 tuổi, Stepan Lavrov và con gái tôi quen nhau, khi đó con gái tôi đang học thiết kế thời trang tại Đại học Tổng hợp nghệ thuật London. Sau đó, cậu ấy sang học violon tại Đại học Nghệ thuật Berlin - Đức, học thạc sĩ violon tại Đại học Nghệ thuật Salzburg - Áo" - ông Quân nói và bày tỏ niềm tự hào về chàng con rể "có số, có má" của mình trong làng nhạc công violon thế giới với thành tích vào vòng 2 giải vionlon mang tên Paganini, một giải nhất ở Singapore, một giải nhất ở Chile, một giải nhì ở Nhật Bản…

Kể thêm về nhân duyên này, ông Quân cho biết, con gái cả của ông học hết cấp 3 thì sang Anh du học, quá trình học ở Anh đã quen với Stepan Lavrov và sau 10 năm con gái ông mới dẫn chàng trai người Nga về ra mắt bố mẹ tại Ba Lan. Vốn rất yêu quý đất nước và con người Nga nên khi con gái dẫn bạn trai về ông rất vui, nhưng điều bất ngờ trong lần đầu gặp mặt lại nằm ở phía chàng rể tương lai.

"Lần đầu con gái đưa bạn trai về ra mắt bố mẹ nhưng tôi không mời đến nhà mình mà bảo đưa ra nhà hàng. Tôi muốn quan sát và nói chuyện với cậu ấy trong quá trình ăn uống ở nơi không phải là nhà để xem mọi thứ thế nào. Sau bữa ăn tôi mới nói với con gái rủ cậu này về, nhà gần và có thể đi bộ. Mời về nhà để cậu ấy nhìn thấy sinh hoạt và văn hóa của một gia đình Việt là như thế nào, có thích hợp với cậu ấy hay không… và cậu ấy rất thích.

Bố vợ Việt lấy hết can đảm hỏi con rể gốc Nga về cuộc chiến tại Ukraine - 5

Con gái tôi và Stepan Lavrov cưới năm 2014, kể từ đó đến nay con rể tôi thường gọi tôi bằng cụm từ tiếng Việt rất dễ thương là "Bố Quân". Cậu ấy từng kể lại rằng hôm ra mắt bố mẹ vợ, nhìn mặt "Bố Quân" nghiêm nghị quá mà nhiều lúc cảm thấy không thể thở nổi. Cậu ấy phải nhịn thở, cảm thấy căng thẳng suốt bữa ăn" - ông Quân chia sẻ.

Ngay sau ngày cưới của con gái, gia đình ông Quân tổ chức một chuyến về Việt Nam vừa để ra mắt chàng rể người Nga với họ hàng bên vợ, vừa hưởng tháng trăng mật. Ông Quân cho biết, suốt chuyến về thăm Việt Nam, câu xuýt xoa cửa miệng của con rể luôn là: Ôi! Việt Nam đẹp thế. Ôi! Việt Nam ngon thế (ý nói món ăn). Ôi! Việt Nam thích thế (kể cả những lúc xe nườm nượp không đi bộ sang được đường ở thủ đô). Đại loại là chàng rất yêu Việt Nam và nhất là... vợ Việt Nam.

Cuối năm 2014, thông gia mời gia đình ông Quân đến thành phố Salzburg - Áo để dự lễ bảo vệ thạc sĩ của con rể. "Những phút cuối cùng của đêm giao thừa năm 2014-2015, con rể tôi đã mở laptop xem chương trình Tổng thống Putin đọc thông điệp Liên bang, chúc mừng năm mới tới nhân dân Nga và cả thế giới. Lúc đó, nhìn con rể tôi rơm rớm nước mắt, tôi biết chàng đang tự hào và xúc động ghê gớm lắm, không chỉ về nước Nga mà cả với thần tượng Putin" - ông Quân kể lại.

Bố vợ Việt lấy hết can đảm hỏi con rể gốc Nga về cuộc chiến tại Ukraine - 7

Khác với nhiều người Việt sinh sống ở nước ngoài, ông Quân hiện vẫn chỉ có duy nhất một quốc tịch là Việt Nam. Ông cho biết: "Hồn cốt của tôi là Việt Nam, tôi rất yêu quê hương mình. Sống giữa thủ đô của Ba Lan suốt 35 năm nhưng gia đình tôi vẫn rất thuần Việt, mọi sinh hoạt vẫn mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Ở nhà, các thành viên trong gia đình tôi nói chuyện với nhau hoàn toàn bằng tiếng Việt và không bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ, văn hóa Ba Lan. Mỗi năm tôi về Việt Nam một lần. Ngoài Việt Nam ra thì trên thế giới này tôi yêu nhất đất nước Nga. Dân tộc Nga, văn hóa Nga, con người Nga một thời đã bắt hồn tôi".

Bố vợ Việt lấy hết can đảm hỏi con rể gốc Nga về cuộc chiến tại Ukraine - 9

Trong cuộc trò chuyện với ông Quân, chúng tôi đề cập tới xung đột Nga - Ukraine, làn sóng người Ukraine sơ tán tới Ba Lan, bản thân ông từng coi đất nước Nga là biểu tượng, hay ngay trong chính gia đình ông đang có một thành viên mang dòng máu Nga vô cùng yêu nước và thần tượng Tổng thống Putin. Ông Quân tự nhận là người ôn hòa và có lập trường rõ ràng để bảo vệ quan điểm của mình rằng "không ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine", nhưng ông cũng biết tôn trọng quan điểm của người khác.

Ông Quân kể với chúng tôi về việc "nắn nót" thăm dò thái độ và quan điểm của người con rể khi nói về chiến sự Ukraine: "Từ ngày 24/2/2022, sau khi Tổng thống Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tấn công vào Ukraina, tôi rất ngại, không biết thái độ của con rể đối với việc này thế nào. Vợ chồng con gái sống riêng nên suốt những ngày chưa gặp nhau tôi vẫn dè chừng con rể, bởi rất có thể 2 cha con sẽ mang không khí chiến tranh trên chiến trường Ukraine vào tận gia đình.  Tính tôi thẳng, nghĩ gì làm nấy tuy có chút nhã nhặn ôn hòa. Trong những ngày đó, tôi vẫn đăng đều đặn các bài viết về cuộc chiến trên đất nước Ukraine theo quan điểm của tôi, mặc dù con rể là bạn trong facebook".

Bố vợ Việt lấy hết can đảm hỏi con rể gốc Nga về cuộc chiến tại Ukraine - 11

Vào một ngày chủ nhật, khoảng 10 ngày sau chiến sự Nga - Ukraine, ông Quân "rón rén" mời gia đình con gái sang nhà ăn shushi vào bữa trưa. Khi con rể bước chân qua cửa, ông theo dõi gương mặt của con rể và vẫn thấy nụ cười tươi rói thánh thiện. Chàng con rể không hề biểu lộ thái độ khác thường nào. Tuy nhiên, trước khi ngồi vào bàn ăn, ông vẫn cố gắng né tránh, không dám hỏi chàng và con gái về chuyện chiến tranh đầy nhạy cảm này.

"Khi tôi đang cuộn miếng cá hồi sống trong cánh lá tía tô và rong biển, bất ngờ con gái tôi khoe: "Bố ơi! Vợ chồng con vừa ra siêu thị mua đầy một cốp xe toàn pamper (tã giấy) để mai chở đến trại tị nạn giúp trẻ em Ukraine. Hôm qua vợ chồng con mới gửi 2.000 USD vào quỹ giúp người Ukraine tị nạn chiến tranh nữa". Tôi nghe, mừng quá, lén lấy khăn giấy lau mồ hôi trán, nhưng tôi vẫn hỏi nhỏ con gái bằng tiếng Việt: "Thái độ của chồng con về cuộc chiến tranh này thế nào?" Con gái tôi nói bằng tiếng Việt, không nhỏ chút nào: "Bố đi mà hỏi anh ấy!".

Lấy hết can đảm, tôi quay sang hỏi con rể: "Con đánh giá thế nào về cuộc chiến tranh Nga - Ukraine?". Chàng rể nhún vai trả lời bằng tiếng Ba Lan rất dõng dạc rằng hoàn toàn không ủng hộ một nước lớn mang quân gây chiến sự tại một nước nhỏ, gây bao đau khổ cho người dân cả 2 nước. Việc này không phù hợp Hiến chương Liên Hợp Quốc" - ông Quân thuật lại.

Bố vợ Việt lấy hết can đảm hỏi con rể gốc Nga về cuộc chiến tại Ukraine - 13

Nói về lý do phải "lấy hết can đảm" mới dám hỏi con rể về cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, ông Quân cho rằng dù thế nào đi nữa thì có một điều không bao giờ khác được là ai cũng có quê hương, ai cũng yêu đất nước mình; quê hương, đất nước là máu thịt của họ. Dù có xung đột như thế nào đi nữa ít nhiều họ cũng có sự ủng hộ quê hương của họ và mình nói gì cũng sẽ động chạm đến tâm tư, tình cảm của họ, khiến họ nghi ngại. Kể cả con gái mình, khi đã làm dâu của nước Nga thì cũng có tình cảm nhất định với quê chồng. Vì thế, khi nghe con rể và con gái ủng hộ, bênh vực Ukraine thì ông Quân cảm thấy như được cởi trói, ông rất mừng vì gia đình ông có tiếng nói chung.

"Là người Nga nhưng lại không ủng hộ cuộc chiến và tìm cách giúp người Ukraine, tôi nghĩ rằng đó là suy nghĩ dân chủ và khách quan khi nhìn thấy những hình ảnh thực tế về chiến tranh. Sau bữa trưa hôm đó, tôi và con rể thỉnh thoảng cũng nói chuyện về số lượng người Ukraine sang tị nạn ở Ba Lan, về các thành phố bị tàn phá, khi tên lửa bắn vào khu chung cư và nhà của dân thường…" - ông Quân nói và cho rằng "nhận thức về lương tâm, đạo lý của con người phải được đặt ở trong não, chứ không phải ở trong tim".

Bố vợ Việt lấy hết can đảm hỏi con rể gốc Nga về cuộc chiến tại Ukraine - 15

Câu chuyện giữa ông Quân và chàng rể người Nga có thể nói là minh chứng điển hình về tư tưởng đại chúng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine thời gian qua. Trên thực tế, từ tư tưởng đến hành động của mỗi người cũng là những câu chuyện có ý nghĩa rất khác nhau, bởi khi một người Nga cùng vợ của mình giúp đỡ người Ukraine tị nạn đã cho thấy quan điểm của họ về cuộc chiến, về chính nghĩa, họ ủng hộ dân thường và chung tay bảo vệ dân thường. 

Vào thời điểm hiện tại, nêu quan điểm của cá nhân về vấn đề Nga - Ukraine, vị Việt kiều tại Ba Lan cho biết: "Tôi không ủng hộ chiến tranh tại Ukraine, bởi vì lý do gì thì chiến tranh khiến người dân phải khổ, hàng ngày nhìn người dân Ukraine di tản sang Ba Lan thực sự rất thương, chiến tranh gây ra bao nhiêu chết chóc. Nhưng tôi cũng ủng hộ Ukraine là một nước trung lập, bởi nếu Ukraine và NATO quá hung hăng thì cũng không tốt cho hòa bình khu vực. Khi Ukraine đã là một nước trung lập thì Nga phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine - đây là điều thiêng liêng với tất cả các quốc gia, dân tộc. Tôi vẫn rất yêu nước Nga nhưng tôi ghét chiến tranh".

Bố vợ Việt lấy hết can đảm hỏi con rể gốc Nga về cuộc chiến tại Ukraine - 17

Cảnh đổ nát của một ngôi nhà bị phá hủy do giao tranh ở làng Markhalivka, phía nam Kiev, Ukraine (Ảnh: Los Angeles Times).

Nội dung: Châu Như Quỳnh

Thiết kế: Thủy Tiên

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine