DNews

Bất cập, hiểm nguy trên cao tốc 5 không

Phước Tuần

(Dân trí) - Sự việc ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây như "giọt nước tràn ly" khiến người dân lo lắng, bất an khi quá nhiều bất cập, hiểm nguy trên tuyến cao tốc mới vận hành từ Vĩnh Hảo đến Dầu Giây.

Bất cập, hiểm nguy trên cao tốc 5 không
Bất cập, hiểm nguy trên cao tốc 5 không - 1

Trong các cuộc họp gần đây, dù Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần khẳng định không đánh đổi chất lượng công trình để lấy tiến độ, song việc các cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây vừa thi công vừa vận hành đã lộ ra nhiều bất cập khiến tài xế, người dân lo ngại khi lưu thông.

Bò tung tăng trên cao tốc

Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Dây dài hơn 200km hiện được gọi vui là cao tốc "5 không": Không trạm dừng nghỉ, không làn khẩn cấp, không thoát kịp nước, không nhà vệ sinh và không đèn đường. Gần ba tháng đưa vào vận hành, các tuyến cao tốc này xảy ra gần 10 vụ tai nạn nghiêm trọng làm hơn 20 người thương vong.

Giữa tháng 7, một clip được quay lại bởi camera hành trình của ô tô người dân với nội dung ghi lại cảnh hai chiến sĩ CSGT dừng xe đặc dụng, bước xuống cao tốc "lùa" bò vào lề đường.  Clip được quay khi "chú bò" đi lạc vào tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Hình ảnh "dở khóc dở cười" bò tung tăng hiên ngang đi giữa cao tốc khiến cánh tài xế phải lo lắng.

Ngoài tình huống hy hữu này, gần 3 tháng qua nhiều tài xế cho biết thường xuyên gặp chó, mèo chạy ngang qua cao tốc mới cực kỳ nguy hiểm. Nguyên nhân xuất hiện gia súc vào cao tốc nhiều do các đơn vị thi công chưa hoàn thiện khép kín hệ thống hàng rào hành lang cao tốc như thiết kế.

Bất cập, hiểm nguy trên cao tốc 5 không - 2

Ô tô cùng xe máy đi chung trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: Phước Tuần).

Anh Lê Văn Khiêm (lái xe tải tuyến Ninh Thuận - TPHCM) cảm nhận: "Khi chạy với tốc độ cao trên 100km/h gặp gia súc đi lạc như bò, chó, mèo sẽ rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp tai nạn cũng do tránh những gia súc. Rất mong cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hệ thống hàng rào bảo vệ".

Ở Bình Thuận, không những gia súc lạc lên cao tốc, việc chưa thi công hàng rào khiến người dân có thói quen trèo qua cao tốc lên rẫy thanh long. "Nếu đi vòng đường gom dân sinh thì rất xa, có những đoạn đường gom thi công chưa xong, hay hầm chui cao tốc bị ngập nước khiến bà con có thói quen leo rào băng qua cao tốc rất nguy hiểm. Có trường hợp chúng tôi bắt gặp người dân chạy xe máy lên cao tốc; thậm chí ô tô lùi, chạy xe ngược chiều", Thiếu tá Hoàng Xuân Ân, Đội trưởng Đội 6, Phòng 8, Cục CSGT Bộ Công an, cho biết. 

Công trường ngổn ngang, lần đầu cao tốc ngập sâu

Dù đã vận hành nhưng cả 3 cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đều phải trong hoàn cảnh vừa thi công, vừa khai thác.

Đầu tháng 8, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, nhiều đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết các nhà thầu tiếp tục thi công, hoàn thiện phần việc còn dang dở như kè ta luy sạt lở, hàng rào bảo vệ, đường gom dân sinh…

Bất cập, hiểm nguy trên cao tốc 5 không - 3

Một công nhân làm rào ngăn giữa dòng xe di chuyển tốc độ cao trên cao tốc (Ảnh: Phước Tuần).

Tài xế lưu thông trên tuyến cao tốc này luôn cảnh giác, nơm nớp lo sợ tai nạn rình rập, không dám chạy đúng tốc độ cao khi tuyến đường chưa hoàn chỉnh thiết kế. Các đơn vị thi công phải đặt biển cảnh báo giảm tốc độ, đảm bảo an toàn cho công nhân thi công khi các xe di chuyển tốc độ cao.

Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ khi vận hành, hàng ngày có khoảng 15.000 lượt xe qua lại, riêng ngày cuối tuần hơn 20.000 lượt. Đây là tuyến cao tốc có mật độ lưu thông khá cao. Tuy nhiên, tuyến cao tốc này chỉ mới đưa vào sử dụng khoảng ba tháng đã xảy ra tình trạng ngập cục bộ tại địa phận xã Sông Phan, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) làm nhiều ô tô chết máy, trôi dạt xuống lề, ùn tắc hàng km kéo dài nhiều giờ.

Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, khẳng định đợt ngập cao tốc là do mưa lớn và nước từ đập Sông Phan xả lũ về chứ không phải do vấn đề đặt cống hay thiết kế. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương đã bác ý kiến này.

Về hướng khắc phục, ông Thái cho biết để giải quyết trước mắt không lặp lại ngập úng trên cao tốc, đơn vị sẽ khơi thông tất cả dòng chảy, kể cả những dòng chảy nằm ngoài dự án. Cạnh đó sẽ cho nạo vét kênh mương, lòng sông để tạo dòng chảy tối ưu nhất.

Bất cập, hiểm nguy trên cao tốc 5 không - 4

Điểm ngập tại Km25 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: Phước Tuần).

Về các công trình thi công dang dở, ông Thái cho biết chậm nhất trong tháng 8 sẽ hoàn thiện các nút giao, đường gom dân sinh. Sau khi hoàn thiện dự án, đơn vị thi công sẽ tiếp tục hoàn trả mặt bằng các tuyến đường dân sinh xuống cấp cho người dân địa phương hai bên dự án Phan Thiết - Dầu Giây. 

Còn ông Nguyễn Thái Hà, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) phụ trách quản lý cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng thông tin các hạng mục còn lại trong hợp đồng dự án còn dang dở, các nhà thầu quyết tâm thi công hoàn thành chậm nhất trong tháng 8.

Theo ông Hà, hiện cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết còn khoảng 5,5km hàng rào bảo vệ, 65km đường gom dân sinh, nút giao đã cơ bản hoàn thành, đang trải thảm nhựa. Các nhà thầu đang trồng cỏ mái taluy và hệ thống an toàn giao thông đường gom.

Không trạm dừng nghỉ, không làn khẩn cấp, tai nạn rình rập

Gần 3 tháng đưa vào hoạt động, ba tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, số lượng thương vong lớn. Theo ghi nhận dọc tuyến cao tốc qua tỉnh Bình Thuận, nhiều ô tô gia đình thường đậu xe ở làn dừng khẩn cấp để các thành viên đi vệ sinh, tài xế nghỉ ngơi sau một chặng đường dài. Thậm chí nhiều tài xế xe tải dừng bên đường cao tốc để ngủ.

Mối lo nguy hiểm, tiềm ẩn trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết được dự báo từ trước nhưng đến nay vẫn chưa có trạm dừng nghỉ. Người dân bí bách tìm nơi "giải quyết", xe đậu dừng nghỉ ngay trên làn khẩn cấp dẫn đến tiềm ẩn tai nạn giao thông lớn.

Người dân ở huyện Bắc Bình (Bình Thuận) còn sáng kiến tạo ra những nhà vệ sinh "0 đồng" hỗ trợ người dân trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Bất cập, hiểm nguy trên cao tốc 5 không - 5

Không có trạm dừng nghỉ, nhiều người dân dựng lên các nhà vệ sinh 0 đồng hỗ trợ bà con đi xe (Ảnh: Phước Tuần).

Thậm chí cao tốc phía Bắc tỉnh Bình Thuận này chưa có làn đường khẩn cấp xuyên suốt mà chỉ có các đoạn dừng khẩn cấp dài 170m/đoạn và cách nhau từ 8-10 km. Đáng lo là các đoạn dừng khẩn cấp không có đèn chiếu sáng, dẫn đến rủi ro xe sau tông vào đuôi xe trước khi đang đậu trên điểm dừng khẩn cấp. Đây là nguyên nhân được cho là dẫn đến cả 2 vụ tai nạn khiến 8 người bị thương ngày 24/7 vừa qua.

Việc chưa có trạm dừng nghỉ gây áp lực đối với giới tài xế do phải lái xe với một khoảng thời gian khá dài, khả năng mất tự chủ, mệt mỏi hay ngủ gật… là điều có thể xảy ra. Đối với hành khách, những nhu cầu cá nhân là hết sức cần thiết khi phải di chuyển trên một đoạn đường dài. Chưa hết, nếu một khả năng bất khả kháng xảy ra đối với xe, như hết xăng/dầu, nổ lốp… thì tài xế sẽ rất khó để xoay xở.

Thiếu tá Hoàng Xuân Ân, Đội trưởng Đội 6, Phòng 8, Cục CSGT Bộ Công an, cho biết, việc cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ là rất nguy hiểm cho lái xe. Tài xế lái xe trên đường dài thường mỏi mắt, mệt mỏi cần nghỉ ngơi. Hiện đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ có 2 làn chạy nên có sự cố là nguy hiểm vô cùng. Trạm dừng nghỉ cũng giúp tài xế, người dân giải tỏa những nhu cầu thiết yếu như đi vệ sinh. Mong rằng các trạm dừng nghỉ sẽ sớm được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Bất cập, hiểm nguy trên cao tốc 5 không - 6

Hai vị trí xây dựng trạm dừng nghỉ tại cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Ảnh: Phước Tuần).

Về tiến độ xây dựng trạm dừng chân, Ban quản lý dự án 3 tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đều cho biết các đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ mời thầu để kêu gọi các nhà đầu tư khai thác. Dự kiến nhanh nhất cuối năm 2024 cả 3 cao tốc này mới có trạm dừng nghỉ.

Ngập nước, tai nạn trên cao tốc: Trách nhiệm thuộc về ai?

Về trách nhiệm xảy ra ngập cao tốc, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết đơn vị đã cho kiểm tra lại các số liệu mà tư vấn thiết kế đã tính toán để xem có phù hợp thực tế hay không trước khi đưa ra những giải pháp lâu dài.

Ông Minh cho biết thêm Ban đang tổng hợp các báo cáo từ các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, ban quản lý điều hành dự án… để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.

Ngay sau sự cố ngập cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban quản lý dự án Thăng Long chủ trì, phối hợp với đơn vị vận hành, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế và các cơ quan địa phương xử lý triệt để nguyên nhân sự cố, bảo đảm ổn định lâu dài đúng yêu cầu kỹ thuật của dự án, báo cáo kết quả trước ngày 3/8.

Bất cập, hiểm nguy trên cao tốc 5 không - 7

Sự cố ngập trên cao tốc được xem là sự cố nghiêm trọng hiếm có ở cao tốc Việt Nam (Ảnh: P.V).

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, đặc biệt là tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra.

Về các vụ tai nạn gần đây trên các tuyến cao tốc qua tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Bộ Giao thông Vận tải thông tin, ban quản lý, Cục CSGT vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra nguyên nhân. Khi có kết luận của cơ quan điều tra mới biết được chính xác lý do xảy ra tai nạn. Khi đó, chủ thể nào là tác nhân thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận mới đây cũng yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công khắc phục ngay các hầm chui, đường dẫn bị ngập nước… gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án để tuyến cao tốc được khai thác đúng theo thiết kế phê duyệt.

Giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải vừa chấp thuận gia hạn hoàn thành các đoạn cao tốc từ Vĩnh Hảo đến Dầu Giây tới giữa năm 2024 để bổ sung một số hạng mục của dự án. (Kế hoạch ban đầu 30/6 phải hoàn thành).

Bất cập, hiểm nguy trên cao tốc 5 không - 8

Tai nạn trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tối 24/7 làm 6 người bị thương nặng (Ảnh: P.V).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, lý do chấp thuận gia hạn như trên nhằm phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại cho người dân. Theo Ban quản lý Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải), thực chất hiện nay các đoạn cao tốc đang vận hành chỉ là đang khai thác tạm thời tuyến chính, tiếp tục hoàn thiện các hạng mục phụ trợ như: đường gom dân sinh, nút giao, cầu vượt ngang, hàng rào, hệ thống an toàn giao thông…

Vì vậy, dù đã đưa vào khai thác gần ba tháng qua nhưng các đoạn cao tốc trên vẫn chưa bắt đầu tính thời gian bảo hành, chưa hoàn thành nghiệm thu để bàn giao lại cho các cơ quan thẩm quyền khai thác quản lý theo quy định. Hiện nay các tuyến cao tốc qua Bình Thuận, Khánh Hòa vẫn chưa thu phí cao tốc.

Cao tốc không có giải phân cách, không sóng điện thoại

Cao tốc La Sơn - Túy Loan đi qua 2 tỉnh, thành Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng được đưa vào sử dụng hơn  một năm qua nhưng sau một thời gian ngắn được cánh lái xe cũng như ngành chức năng phát hiện nhiều bất cập, tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Bất cập, hiểm nguy trên cao tốc 5 không - 9

Cao tốc La Sơn - Túy Loan không có dải phân cách giữa, không có sóng điện thoại nhiều đoạn đường (Ảnh: Phước Tuần).

Cao tốc này chỉ có 2 làn xe nhưng phần lớn không có dải phân cách cứng, lại còn thiếu biển báo, không có đèn điện chiếu sáng.

Dù đường quanh co, không có dải phân cách cứng nên nhiều xe lái nhanh, vượt ẩu. Có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đoạn cao tốc này do tài xế vượt ẩu.

Đặc biệt cao tốc có nhiều đoạn không có sóng điện thoại khiến lái xe gặp khó khi xảy ra sự cố cần điện cứu hộ.