1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ "thất thủ" ở cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Do lưới điện 500kV?

Hoàng Bình

(Dân trí) - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận thắc mắc điểm ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị võng xuống sâu, có phải do nằm dưới lưới điện 500kV, chủ đầu tư hẹn xin trả lời sau bằng văn bản.

Tại buổi làm việc tìm phương án khắc phục sự cố ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chiều 31/7, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận nhận định nền đường đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Km 25+419) rất thấp, võng xuống sâu bất ngờ so với đoạn đường hai bên. 

Vụ thất thủ ở cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Do lưới điện 500kV? - 1

Điểm ngập bất ngờ võng xuống sâu khiến mưa lớn gây ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: CTV).

"Vì sao vị trí ngập trên đoạn cao tốc này lại võng xuống? Thiết kế có dựa trên các dữ liệu mực nước dâng sông Phan và các con suối tại khu vực này hay chưa?", ông Thanh đặt vấn đề.

Theo ông Thanh, độ dốc của đường qua đoạn này cũng thiết kế quá sâu đến mức không cần thiết. Tại sao thiết kế hạ cốt nền dọc xuống quá thấp, có phải do lấy tĩnh không của đường điện cao thế theo quy định ngành điện lực.  

Trả lời thắc mắc này của Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, các đơn vị tư vấn thiết kế đến nay vẫn đang đo đạc lại và xin báo cáo sau bằng văn bản.

Vụ thất thủ ở cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Do lưới điện 500kV? - 2

Đơn vị truyền tải điện Bình Thuận khẳng định khoảng cách từ lưới điện chỉ cần 14m (Ảnh: Hoàng Bình).

Còn đại diện Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng 533, đơn vị tư vấn thiết kế dự án, khẳng định thiết kế dự án đúng theo các quy định và được thẩm tra kỹ.

Trong khi đó, đại diện Công ty truyền tải điện Bình Thuận cho biết, theo kỹ thuật, khoảng cách từ dây dẫn điện đường dây 550kV xuống mặt đường chỉ cần 14m là đảm bảo an toàn, còn thực tế tại điểm ngập khoảng cách hơn 22m. Do vậy, việc làm cống thấp tại đây không bị khống chế bởi đường dây 550kV.

Sáng 1/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải), khẳng định khoảng cách lưới điện 500kV không ảnh hưởng đến nguyên nhân điểm ngập võng xuống. Khoảng cách từ dây dẫn điện cách mặt đường 22m, trong khi quy định chỉ cần 14m là an toàn. 

"Cốt nền điểm ngập võng xuống do thiết kế kỹ thuật chứ không ảnh hưởng từ đường dây truyền điện 500kV. Đơn vị đã cho kiểm tra lại các số liệu mà tư vấn thiết kế đã tính toán để xem có phù hợp thực tế hay không trước khi đưa ra những giải pháp lâu dài", ông Minh thông tin. 

Vụ thất thủ ở cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Do lưới điện 500kV? - 3

Khu vực điểm ngập cao tốc nằm bên dưới lưới điện 500kV (Ảnh: Hoàng Bình).

Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Quốc Nam, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long cần phối hợp với các đơn vị tư vấn, thiết kế khảo sát địa hình, khảo sát thủy văn để có phương án lâu dài, bền vững trong thời gian sớm nhất. 

Trước đó, khoảng 3h ngày 29/7 nước ngập tràn tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn km25+300 - km25+400 do khu vực tỉnh Bình Thuận mưa lớn ở thượng nguồn sông Phan.

Đoạn ngập dài 100m, vị trí sâu nhất 1m. Bên phải tuyến các xe đi lại chậm, bên trái ngập sâu, các phương tiện không lưu thông được.

Sự cố ngập sâu khiến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kẹt xe kéo dài nhiều km trong hơn 4 giờ. Lực lượng chức năng kịp thời điều tiết phương tiện hướng TPHCM - Phan Thiết qua nút giao quốc lộ 55 để ra quốc lộ 1. 

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng vừa khai thác từ 29/4. Tuyến cao tốc có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai.

Vận tốc thiết kế của cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tối đa 120 km/h và tối thiểu 60 km/h.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm