15 năm rối ren của metro số 1
(Dân trí) - Lệch, rơi gối dầm, tàu bị vẽ bậy, va chạm khi vận hành thử nghiệm và hàng trăm khiếu nại từ các nhà thầu là những sự cố đáng chú ý mà dự án metro số 1 trải qua sau gần 15 năm xây dựng, từ 2012.
15 năm xây dựng, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đạt 98% tổng khối lượng. Dự án trải qua ít nhất 5 lần lùi thời gian vận hành khai thác thương mại, kể từ mốc đầu tiên là năm 2010.
Metro số 1 từng xảy ra hàng loạt sự cố kỹ thuật trong quá trình xây dựng. Tiến độ hoàn thành dự án dù chỉ còn cách 2% tổng khối lượng vẫn đang là câu hỏi khi mới đây, chủ đầu tư metro vấp phải hàng trăm khiếu nại được cho là đơn phương của các nhà thầu yêu cầu thanh toán các chi phí phát sinh. Thậm chí, nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) khởi kiện đến Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và yêu cầu bồi thường 23,72 tỷ yen (gần 4.000 tỷ đồng) vì nhiều lần gia hạn thời gian hoàn thành do lỗi của chủ đầu tư.
Va chạm tàu metro
Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, hồi tháng 4/2023, đoàn tàu metro số 6 từng va chạm với những mảnh gạch cắt nhô ra từ mép ke ga đoạn qua ga Đại học Quốc gia (TP Thủ Đức) trong quá trình thử nghiệm. Đoàn tàu sau đó được sửa chữa và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm cho các tác động về thời gian, chi phí liên quan.
Sự cố này được xếp vào loại cận nguy tuy nhiên chưa từng được công bố trước đó.
Sau đó, tuyến metro số 1 tiếp tục gặp một số sự gây hư hại trên công trường như va chạm phương tiện chạy trên ray. Thậm chí, quá trình thi công, cần lấy điện của đoàn tàu số 4 từng va chạm với một cấu kiện của hệ thống tiếp điện trên cao (Overhead Contact System - OCS). Sự cố được xếp loại vào mức độ nguy hiểm.
Ngoài ra, vấn đề mất cắp, người lạ đột nhập vẽ bậy lên các đoàn tàu cũng từng là những sự cố thu hút sự chú ý của dư luận vào năm 2022, 2023.
Trong đó, các đoàn tàu metro số 1 đặt tại depot Long Bình (TP Thủ Đức) đã xảy ra hai lần bị người lạ đột nhập vẽ bậy (hình graffiti) lên thân tàu. Lần đầu vào tháng 6/2022 và vụ việc tương tự lần 2 xảy ra sau đúng một năm vào tháng 6/2023.
Hai trong số 51 toa tàu của tuyến metro số 1 cũng bị sơn, vẽ graffiti trên thân và đầu tàu. Sau đó, nhà thầu Hitachi và chủ đầu tư cũng rà soát, xác định thủ phạm đồng thời báo cơ quan chức năng địa phương.
Các đoàn tàu metro số 1 bị vẽ bậy lên thân tàu tại depot Long Bình (Ảnh: MK).
Sau nhiều sự việc mất an ninh như đoàn tàu bị vẽ bậy, mất cắp vật tư, chủ đầu tư metro số 1 từng cho hay phải bổ sung chó nghiệp vụ để hỗ trợ đảm bảo an ninh cho công trường.
Rơi gối cầu
Tháng 10/2020, gối cao su tại trụ P14-10 (đoạn ga Công Nghệ cao, hướng Bến Thành - Suối Tiên) bị rơi khỏi đá kê. Trong đó, mũ trụ, đá kê gối, gối cao su và dầm cầu cạn tại vị trí này đã thi công và nghiệm thu từ năm 2016.
Sau 2 tháng chưa đưa ra được nguyên nhân, ngày 28/12/2020, nhà thầu tiếp tục tìm thấy một gối cầu khác tại trụ P12-34 (đoạn ngã tư Thủ Đức - Bình Thái) bị xê dịch vị trí 100mm.
Tháng 3/2021, sau khi nhà thầu SCC đệ trình báo cáo nguyên nhân sơ bộ, trong báo cáo này, nhà thầu cho rằng nguyên nhân xuất phát từ 2 yếu tố: một là thay đổi nhiệt độ ngày và đêm, hai là tác động của ray và kết cấu gối dầm có khe hở.
Song, sự cố làm xê dịch gối cao su không dừng lại ở lần phát hiện thứ 2 khi tháng 1/2022, chủ đầu tư và nhà thầu lại tiếp tục ghi nhận 4 gối cao su khác trong tình trạng tương tự. Sự việc cũng khiến các chuyên gia trong tổ cố vấn xử lý sự cố vào thời điểm đó hoài nghi việc này có tính hệ thống (xảy ra hàng loạt).
Cho đến 2 năm sau, vào tháng 6/2023 kết luận nguyên nhân và biện pháp khắc phục gối cầu bị rơi, chuyển vị mới chính thức được Ban quản lý dự án đường sắt đô thị đưa ra.
Kết luận cuối cùng được chủ đầu tư đưa ra không có nhiều khác biệt so với báo cáo sơ bộ, trong đó chỉ ra 2 yếu tố tác động gây ra sự cố là có khe hở giữa gối cầu và đá kê gối và tác động ray do sự biến thiên của nhiệt độ trong quá trình thi công.
Nhà thầu kiện
Theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM, một trong những vướng mắc làm chậm tiến độ dự án là tại gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy, toa xe, đường ray và bảo dưỡng) do nhà thầu Hitachi thực hiện.
"Dù đã được quy định trong hợp đồng, việc đào tạo nhân viên, công tác chạy thử bị kéo dài do những tranh cãi và thoái thác công việc của nhà thầu Hitachi. Đến nay, các nội dung này vẫn chưa được các bên thống nhất", chủ đầu tư nêu.
Theo quy định của hợp đồng, nhà thầu sẽ được hưởng các chi phí liên quan nếu việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng (Extension of Time - EoT) do lỗi từ chủ đầu tư. Ngược lại, họ phải bồi thường thiệt hại nếu việc chậm tiến độ là lỗi của nhà thầu.
Tại hợp đồng CP3, thời gian hoàn thành gói thầu vào ngày 8/4/2018 (244 tuần, kể từ ngày khởi công vào 5/8/2013). Tuy nhiên theo tiến độ điều chỉnh thời gian, hoàn thành gói thầu lùi đến 20/11/2024, nhà thầu Hitachi đã khởi kiện chủ đầu tư tại Trung tâm trong tài quốc tế Việt Nam với yêu cầu gia hạn thời gian hoàn thành ít nhất 2.773 ngày và chi phí bồi thường khoảng 527 tỷ đồng.
Đồng thời nhà thầu Hitachi cũng đã đơn phương yêu cầu các chi phí phát sinh cho việc lùi ngày hoàn thành gói thầu, tính đến hiện tại các khiếu nại nhà thầu này đệ trình có tổng chi phí vào khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Trước đó, dự án trải dài qua nhiều thời kỳ, giai đoạn, dẫn đến những tồn đọng kéo dài và chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện dự án hình thành 3 vụ kiện tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà thầu chính, gồm: 2 vụ kiện với Liên danh Sumitomo - Cienco 6 và một vụ kiện với nhà thầu Hitachi.
Metro số 1 dài 19,7km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM và là một trong 10 tuyến thuộc hệ thống metro của TPHCM theo quy hoạch chung TPHCM.
Tuyến metro số 1 hiện đạt 98% tổng khối lượng. Sau nhiều lần chậm tiến độ và lùi thời gian hoàn thành, chủ đầu tư đặt mốc vận hành toàn tuyến vào tháng 11/2024.