(Dân trí) - Chia sẻ cùng Dân trí, chuyên gia Steve Darby đưa ra quan điểm rằng triết lý hay chiến lược chỉ là ngôn từ sáo rỗng của thời đại chứ không phải thước đo thành công ở cấp đội tuyển quốc gia.
Chia sẻ cùng Dân trí, chuyên gia Steve Darby đưa ra quan điểm rằng "triết lý", "chiến lược" chỉ là ngôn từ sáo rỗng của thời đại chứ không phải thước đo thành công ở cấp đội tuyển quốc gia. Ngoài ra, ông còn có những nhận xét thẳng thắn về Quang Hải và chuyện xuất ngoại tại V-League.
Cách đây một tháng, ông từng chia sẻ với Dân trí rằng áp lực đè lên HLV Troussier không đáng có và chủ yếu xuất phát từ "anh hùng bàn phím", những người thiếu chuyên môn nhưng thích chỉ trích để thỏa mãn sự tự cao. Sau loạt trận FIFA Days, áp lực của HLV Troussier phần nào được giải tỏa nhờ màn trình diễn ấn tượng trước Syria. Ông có thể nhận xét thêm về những ý kiến trái chiều xoay quanh triết lý hay chiến lược của HLV trưởng đội tuyển Việt Nam?
- Thực tế công việc của các huấn luyện viên cấp đội tuyển quốc gia thì chỉ có kết quả mới là quan trọng nhất! Với hai chiến thắng liên tiếp trước Hong Kong (Trung Quốc) và Syria, đơn giản là HLV Troussier đã đạt được mục tiêu trong đợt tập trung đội tuyển quốc gia vừa qua.
Hãy bỏ qua tất cả những "triết lý" và "chiến lược" sang một bên đi, đó chỉ là những câu chữ sáo rỗng tưởng như thời thượng của thời đại ngày nay. Ở cấp đội tuyển quốc gia (ĐTQG), số liệu duy nhất quan trọng là tỷ số và triết lý duy nhất cần thiết là giành chiến thắng mỗi trận đấu.
Nếu đội tuyển Việt Nam thi đấu sôi nổi, hấp dẫn ở những trận vừa qua và để thua 3-4 thì truyền thông, mạng xã hội và người hâm mộ vẫn quay lưng với HLV Troussier mà thôi. Chỉ có cách giành chiến thắng trong những trận đấu với Hong Kong (Trung Quốc) và Syria, áp lực mới được giải tỏa đối với HLV trưởng và các cầu thủ, qua đó cho HLV Troussier thêm thời gian để phát triển đội hình.
So với người tiền nhiệm, HLV Troussier đã tạo ra khá nhiều điều chỉnh trong đội hình. Tuy nhiên, Quang Hải vẫn khá được ưu ái" khi xuất hiện ở vị trí chủ công nơi hàng tiền vệ và thi đấu gần trọn cả hai trận giao hữu của đội tuyển Việt Nam, mặc dù tiền vệ này hầu như không có cơ hội ra sân trong thời gian gần đây. Cách sử dụng Quang Hải của HLV Troussier cho thấy điều gì thưa ông?
- Tôi nghĩ ông Troussier đưa Quang Hải vào vị trí này là cực kỳ hợp lý và chuẩn xác. Cậu ấy là cầu thủ rất thông minh, sở hữu cảm quan không gian tốt và có khả năng tung ra những đường chuyền tuyệt hảo trong khu vực gây nguy hiểm cho đối phương. Tôi cũng tin rằng ông Troussier muốn cậu ta phòng ngự tích cực và chạy nhiều hơn.
Đương đầu với các đội trình độ cao như Asian Cup hay vòng loại World Cup 2026 thì mỗi cầu thủ đều phải cần chạy nhiều nhất có thể để hỗ trợ phòng ngự, nhiều hơn rất nhiều so với trình độ của các đối thủ ở Đông Nam Á hay các đội bóng V-League.
Về phần Quang Hải, sau một năm phiêu lưu tại Pháp, cầu thủ này đã chọn trở lại V-League và đầu quân cho CLB Công An Hà Nội. Quyết định này liệu có hợp lý?
- Quyền lựa chọn hoàn toàn thuộc về cậu ấy! Nếu một cầu thủ muốn thi đấu ở nước ngoài với trình độ cao hơn, cậu ấy phải có động lực từ bên trong để đối phó áp lực bên ngoài. Cuộc sống đối với cầu thủ ra nước ngoài thi đấu rất khó khăn. Đôi khi, nếu nhận được đề nghị thiếu thực tế nhưng hấp dẫn về mặt tài chính, anh ta chọn trở về quê nhà thi đấu.
Điều quan trọng là tư duy của cầu thủ. Điều gì quan trọng với anh ta? Anh ta muốn vượt qua giới hạn bản thân trên sân cỏ hay kiếm tiền. Tôi hy vọng Quang Hải đang được tư vấn bởi những người quan tâm thật lòng đến sự phát triển lâu dài của cậu ấy, thay vì chỉ là lợi ích tài chính ngắn hạn.
Chuyến phiêu lưu ở Pau FC sẽ mang lại cho Quang Hải những gì thưa ông?
- Tôi luôn ngưỡng mộ và tôn trọng quyết định vượt ra khỏi vùng an toàn và chấp nhận thử thách của cậu ấy. Cậu ấy sẽ trở về với phiên bản tốt hơn trên tư cách cầu thủ và quan trọng là mạnh mẽ hơn. Cậu ấy sẽ học được rằng mỗi buổi tập cũng là cuộc thi khốc liệt ở đẳng cấp cao. Cường độ cũng như sự ganh đua chẳng khác nào trận đấu chính thức.
Ngoài ra, cậu ấy cũng sẽ nhận thức nhiều hơn về nhiệm vụ tấn công và phòng ngự của mọi cầu thủ. Không những thế, thi đấu ở đẳng cấp càng cao thì cậu ấy càng phải chạy rất nhiều. Tất nhiên, càng không thể xem chuyến đi đến châu Âu của Quang Hải là thất bại được. Trải nghiệm cậu ấy có được vô cùng giá trị.
Không thể phủ nhận Quang Hải là tài năng lớn của bóng đá Việt Nam, nhưng so với đẳng cấp châu Á, cầu thủ này cần cải thiện thêm ở khía cạnh nào?
- Quang Hải có lẽ là một trong những cầu thủ hay nhất tại V-League. Tuy nhiên, cậu ấy cần thể hiện cái hay ấy mỗi tuần. Những cầu thủ xuất sắc thể hiện đẳng cấp cao nhất hàng tuần. Họ không bao giờ sử dụng chiêu trò hoặc thi đấu không hết sức trước những đối thủ yếu. Họ nỗ lực thể hiện phong độ cao nhất có thể trong mọi trận đấu.
Hãy nhìn cái cách những ngôi sao như Cristiano Ronaldo, Lionel Messi, Steven Gerrard hay Ilkay Gundogan thi đấu. Quang Hải có thể nổi bật ở V-League và Đông Nam Á, nhưng đối thủ tầm châu Á lại là chuyện khác. Như tôi đã nói, cậu ấy phải tích cực chạy và tham gia phòng ngự hơn. Thời gian quan sát, phân tích và ra quyết định trong mọi tình huống cũng ít đi.
Ngoài Quang Hải, ông đánh giá những cầu thủ nào của bóng đá Việt Nam nên ra nước ngoài thi đấu để rèn luyện và nâng cao trình độ?
- Đặng Văn Lâm. Quế Ngọc Hải. Hoàng Đức. Công Phượng. Tiến Linh. 5 cầu thủ này sở hữu những phẩm chất khác nhau và những phẩm chất ấy có thể giúp họ ra nước ngoài thi đấu ở các trình độ khác nhau. Nhưng tài năng và phẩm chất chỉ đưa họ đi xa chứ chưa thể vươn xa, quan trọng là họ phải tự tạo động lực chinh phục cho bản thân và sở hữu tinh thần thật mạnh mẽ.
Cá nhân tôi cho rằng Hoàng Đức là cầu thủ xuất sắc và cậu ấy nên ra nước ngoài thi đấu càng sớm càng tốt. Để bóng đá Việt Nam cải thiện và đạt được vị thế cao hơn, những cầu thủ giỏi nhất phải chuyển sang thi đấu ở các giải đấu nước ngoài như Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Tôi đã thấy sự tiến bộ vượt bậc của hai tuyển thủ Thái Lan là Theerathon và Teerasil Dangda, kể từ khi họ sang Nhật Bản thi đấu.
Kể cả không có nhiều cơ hội thi đấu, các cầu thủ vẫn nên ra nước ngoài?
- Ra nước ngoài thi đấu để trui rèn bản lĩnh, có thêm trải nghiệm và mở mang hiểu biết. Những cầu thủ đủ giỏi ở V-League nên thử sức ở tầm cao hơn.
Tất nhiên mọi lựa chọn đều có ưu và nhược điểm. Quan trọng là có định hướng rõ ràng và hợp lý trong thời gian dài. Chọn cuộc sống ổn định tại quê nhà hay chấp nhận thử thách ở nước ngoài, chỉ có chính các cầu thủ mới quyết định được điều gì tốt nhất cho họ.
Vậy V-League cần cải thiện chất lượng như thế nào để "giữ chân" cầu thủ giỏi?
- Tương lai của đội tuyển quốc gia vẫn phụ thuộc vào V-League. Giải đấu này vẫn cần cải thiện ở nhiều khía cạnh, chẳng hạn như chất lượng mặt cỏ, văn hóa ứng xử với người hâm mộ, ứng dụng Khoa học Thể thao và đặc biệt là nhận thức sâu sắc về các hành vi nhũng nhiễu hoặc gian lận.
V-League cũng cần nâng số lượng trận đấu. Theo tôi những tuyển thủ phải thi đấu ít nhất 40 trận mỗi năm.
Ngoài ra, V-League cần quy tụ được những cầu thủ nước ngoài trình độ cao. Tôi thấy gần đây một đội bóng đã chiêu mộ cầu thủ người Brazil từng thi đấu tại giải hạng ba của Romania và Moldova. V-League cần những cầu thủ chất lượng cao hơn, những cựu tuyển thủ quốc gia, những người có chuyên môn trên sân và sự chuyên nghiệp ngoài sân.
Những cầu thủ ngoại chất lượng trung bình là trở lực cực lớn khiến cầu thủ trẻ Việt Nam không thể phát triển. Việc đi đêm cần phải loại trừ, như chuyện "hối lộ" cho ban huấn luyện thông qua phí môi giới hoặc phí lót tay. Tuyển dụng phải trung thực mới có được hợp đồng chất lượng.
Hơn nữa, V-League cũng nên tổ chức các trận đấu vào thời điểm thuận lợi để đông đảo khán giả đến sân và ứng xử với người hâm mộ như khách hàng, những người mua vé xứng đáng nhận được giá trị tương xứng đồng tiền họ đã bỏ ra.
V-League hiện tại chỉ đáp ứng phân nửa số trận đấu như ông và chính HLV Troussier đã yêu cầu. Một số cầu thủ chọn đi đá phủi lúc nhàn rỗi, nhưng chủ yếu để cải thiện thu nhập. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Không! Việc này không được phép xảy ra. Một cầu thủ đang có hợp đồng không thể tham dự các giải đấu nếu không có sự cho phép từ CLB chủ quản. Mối lo lớn nhất là chấn thương! Liệu họ có được chi trả bảo hiểm trong những giải đấu này? Ai trả tiền nếu cầu thủ bị gãy chân?
Liệu cầu thủ có được nhận lương trong thời gian dưỡng thương? Thật ngốc nghếch nếu tham dự các trận đấu không được đội bóng chủ quản đồng thuận và không hề có sự đảm bảo.
Ông có kiến giải nào cho cầu thủ Việt Nam và V-League không?
- Tôi khuyên mỗi cầu thủ có khả năng nên thử vận may bằng cách ra nước ngoài thi đấu, để trải nghiệm môi trường bóng đá chuyên nghiệp như Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc chí ít nên thử sức với Johor Darul Tazim tại Malaysia, Buriram hoặc BG Pathum ở Thái Lan. Quan trọng tâm lý các cầu thủ như thế nào.
Anh ta muốn gì? Kiếm tìm sự nghiệp ổn định và viên mãn tại quê nhà hoặc mạo hiểm để có được sự nghiệp tuyệt vời hơn. Ví như Chanathip, sau 7 mùa giải chơi bóng tại Nhật Bản, cậu ấy trở về Thái Lan với sự giàu có.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ quý báu!