(Dân trí) - Trên cương vị HLV trưởng, ông Steve Darby đã dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 21 năm 2001, tấm HCV SEA Games môn bóng đá đầu tiên của Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất.
Trên cương vị HLV trưởng, ông Steve Darby đã dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 21 năm 2001, tấm HCV SEA Games môn bóng đá đầu tiên của Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất. Trước thềm SEA Games 32 sắp diễn ra tại Campuchia, Dân trí có dịp trò chuyện cùng ông về chiến thắng lịch sử này cũng như cơ hội của cả đội tuyển nữ và U22 Việt Nam tại kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á trước mắt.
SEA Games 32 sắp khởi tranh. Đối với chúng tôi, những người sinh trước năm 2000, Đại hội thể thao Đông Nam Á là một phần ký ức tuổi trẻ. Thời bấy giờ, vì điều kiện kinh tế khó khăn cũng như nền thể thao còn kém phát triển, SEA Games là giải đấu hiếm hoi phát sóng trực tiếp qua truyền hình và chúng tôi được cổ vũ vì màu cờ sắc áo quốc gia. Ông cũng là một phần ký ức tươi đẹp của chúng tôi khi ông dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam giành tấm HCV SEA Games 21 tại Malaysia. Đây là tấm HCV SEA Games đầu tiên của bóng đá Việt Nam. Ông còn nhớ về chiến thắng này? Kỷ niệm nào đối với ông đáng nhớ nhất?
- Vâng, tôi luôn nhớ về kỷ niệm giành tấm HCV SEA Games cùng đội tuyển nữ Việt Nam bằng tình cảm trìu mến nhất. Lý do là tôi cảm nhận được ý nghĩa đặc biệt từ chiến thắng này đối với các học trò, cả trên phương diện cá nhân lẫn niềm vinh dự khi mang vinh quang về cho tổ quốc.
Mỗi khi quốc ca vang lên, các tuyển thủ đồng thanh hát và toát lên niềm kiêu hãnh xen lẫn tự hào về đất nước Việt Nam. Không nhiều đội tuyển quốc gia trên thế giới thể hiện tình yêu quê hương mãnh liệt như thế.
Tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp, đặc biệt là với các học trò. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với tôi là trong những phút cuối trận chung kết với Thái Lan (tuyển nữ Việt Nam thắng 4-0), tôi đã tung thủ môn dự bị và một cô gái 16 tuổi vào sân. Điều đó có nghĩa mọi thành viên đều góp mặt vào chiến thắng.
Các cầu thủ đã tập luyện chăm chỉ suốt một năm trời, họ xứng đáng được tôn vinh. Tôi rất vui vì biết rằng nhiều học trò của tôi đến nay vẫn hoạt động trong lĩnh vực bóng đá, bao gồm cả huấn luyện viên và quản lý. Những cô gái ấy có thể đóng góp rất nhiều cho bóng đá Việt Nam và nên được trọng dụng.
Ngoài lề một chút, ông còn nhớ tên cô học trò nào của đội tuyển nữ Việt Nam năm ấy? 20 năm là cả một quãng thời gian dài. Và với ông, cầu thủ nào để lại ấn tượng lớn nhất?
- Tôi vẫn nhớ tên từng cầu thủ đấy nhé! Và ấn tượng nhất với tôi là đội trưởng Hiền Lương (cựu cầu thủ Bùi Thị Hiền Lương). Cô ấy không chỉ là cầu thủ xuất sắc và rất thông minh mà còn trung nghĩa.
Tôi nhớ trợ lý của tôi đã bị một "cấp trên" ra lệnh bắt các cầu thủ phải tập luyện vào ngày nghỉ. Lương ngồi đó và không đồng ý ra sân tập vì biết một ngày nghỉ là điều tốt nhất cho các đồng đội. Cố ấy đã thể hiện khả năng lãnh đạo và bản lĩnh tuyệt vời để đứng lên chống lại can thiệp từ những người không có chuyên môn.
Tôi cũng nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ Linh, phiên dịch viên và bà An, HLV thể lực. Tôi dễ dàng để phản ứng lại những can thiệp thái quá nhưng các trợ lý của tôi thật dũng cảm khi "bất tuân thượng lệnh". Thật may là tôi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ ông trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 21, vì ông ấy biết những gì tôi đang làm là vì lợi ích của các cầu thủ.
Về phần các cầu thủ, thủ môn Hồng (Nguyễn Thị Kim Hồng) đã thi đấu xuất sắc và giúp chúng ta giành vé dự chung kết SEA Games bằng những pha cản phá trong loạt đá luân lưu (với Myanmar tại bán kết). Mai Lan (số 5 - Nguyễn Thị Mai Lan) cũng chơi tuyệt hay, cô ấy là cầu thủ đi trước thời đại và đáng lẽ phải ra nước ngoài thi đấu để phát triển sự nghiệp.
Không cầu thủ nào khiến tôi thất vọng. Thái độ của họ thật tuyệt. Chúng tôi thi đấu với sơ đồ 3-4-1-2 và các cầu thủ đều rất thông minh về mặt chiến thuật, nắm rõ vai trò của mình trên sân.
Sau 20 năm, đội tuyển nữ Việt Nam đã giành được 7 tấm HCV SEA Games, kỷ lục của giải đấu, cũng như lần đầu giành vé dự vòng chung kết World Cup. Đó là bước tiến xa mà ông có thể xem là một trong những người đặt nền móng. Ông nghĩ thế nào về sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam?
Sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam thật đáng kinh ngạc và tôi rất tự hào về những cô học trò của tôi đã khởi phát cho hành trình thăng tiến ngoạn mục này. Đó là cuộc đấu tranh thực thụ của nữ quyền.
Bằng nỗ lực không ngừng, các cầu thủ và lãnh đội đã đưa danh tiếng của đội tuyển lên tầm cao mới và thu hút được những khoản tài trợ lớn. HLV Mai Đức Chung cũng thật xuất sắc. Giành vé dự World Cup là thành tích quá đỗi tuyệt vời và các cầu thủ nữ nên được tài trợ và hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Khác biệt lớn nhất giữa lứa cầu thủ ông dẫn dắt giành HCV SEA Games vào năm 2021 và đội tuyển nữ Việt Nam hiện tại là gì?
Khác biệt lớn nhất có lẽ là thể lực. Các cầu thủ ngày nay có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong thời gian dài. Họ cũng có nhiều kiến thức về lối sống và dinh dưỡng hơn.
Bóng đá luôn phát triển và không thể so sánh về mặt kỹ chiến thuật. Tôi cũng tin rằng các "cấp trên" cũng ít can thiệp vào đội tuyển hơn trước đây. Hãy để chuyên gia (huấn luyện viên, giám đốc thể thao...) làm công việc của họ và nếu không thành công, hãy sa thải! Nhưng hãy luôn ủng hộ để họ được "sống hoặc chết" với phương pháp họ đã chọn lựa.
Tôi hy vọng sẽ được theo dõi trực tiếp đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023 tại Australia, nơi tôi cũng có mặt để tái bản cuốn sách về sự nghiệp của tôi. Trong cuốn sách này tôi nhắc đến rất nhiều những cầu thủ xuất sắc của Việt Nam mà tôi cảm thấy may mắn vì được làm việc cùng.
Tại kỳ SEA Games 32 trước mắt, theo ông đâu là thách thức lớn nhất cho đội tuyển nữ Việt Nam? Sự trở về của Huỳnh Như từ Bồ Đào Nha chắc chắn quan trọng đối với đội tuyển Việt Nam nhưng liệu có hợp lý cho bản thân cô ấy?
- Bóng đá nam và bóng đá nữ ở các cấp độ phát triển khác nhau. Tôi cảm thấy thật điên rồ khi Quang Hải trở về từ Pháp để tham dự AFF Cup.
Tuy nhiên, SEA Games là sự chuẩn bị tuyệt vời dành cho World Cup, thật hợp lý và khôn ngoan khi Huỳnh Như trở về tập trung cùng đội tuyển nữ để tham dự. Cô ấy sẽ có nhiều đóng góp giá trị cho đội tuyển nữ Việt Nam rồi quay lại Bồ Đào Nha và trở về tham dự World Cup với phiên bản còn tốt hơn nữa.
So với đội tuyển nữ, đội tuyển nam Việt Nam có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn phải không thưa ông? Phải chăng như ông từng chia sẻ, đối thủ chính của U22 Việt Nam vẫn là U22 Thái Lan khi nằm chung ở bảng B?
- Chắc chắn rồi! Khó có thể bốc một bảng đấu khốc liệt hơn như thế. Hẳn nhiên người Indonesia cười rất tươi khi được nằm ở bảng A. Kết quả hợp lý nhất là U22 Việt Nam, U22 Thái Lan chia nhau hai vị trí đầu bảng và giành vé vào bán kết.
Ngôi đầu có thể được phân định dựa trên kết quả thi đấu của hai đội trước U22 Malaysia. Ngoài ra, hiệu số bàn thắng bại hay đúng hơn là số bàn thắng ghi được vào lưới các đối thủ yếu cũng đóng vai trò quan trọng.
Tất nhiên, cục diện sẽ được định đoạt ở trận đấu trực tiếp giữa Việt Nam và Thái Lan tại lượt trận cuối vòng bảng. Đội nào thắng chắc chắn đi tiếp và có nhiều cơ hội đứng đầu bảng. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng tham dự SEA Games là sự lãng phí thời gian cho cả tuyển U22 Việt Nam lẫn U22 Thái Lan. Ở độ tuổi này, các cầu thủ cần nhắm mục tiêu vòng loại World Cup.
Vậy trong số các đội bóng còn lại, ông đánh giá cao đội bóng nào không? Chẳng hạn chủ nhà Campuchia? Hoặc Indonesia, đội bóng may mắn nằm ở bảng A? Liệu Indonesia có thể "phá dớp" để giành HCV SEA Games?
Indonesia chắc chắn sẽ đi tiếp còn bảng đấu của Việt Nam là bảng tử thần. Tuy nhiên điều đó không quan trọng lắm đâu, bởi vì kết quả chỉ được định đoạt ở bán kết. Tài năng bóng đá tại Indonesia là có. Đất nước này đã sản sinh ra một số cầu thủ xuất sắc như Bambang và Ponarayo. Họ cũng đầu tư đáng kể để thuê những HLV giỏi.
Không ai có thể hoài nghi Indonesia là quốc gia bóng đá tuyệt vời. Tuy nhiên, điểm yếu của bóng đá nước này ở khâu quản trị. Sự điều hành hỗn loạn của giới chức bóng đá khiến các cầu thủ sa sút đồng thời đẩy lùi sự phát triển.
Cần nhấn mạnh lại rằng, các đội bóng xuất sắc nhất trên thế giới đều để các chuyên gia toàn quyền trong công việc của họ.
Câu hỏi cuối cùng, chúng ta đã nói khá nhiều về những áp lực HLV Philippe Troussier đang phải gánh chịu. Vậy ngược lại, theo ông, HLV Troussier có những lợi thế nào ở kỳ SEA Games này hay không?
- Troussier không chỉ là huấn luyện viên giỏi mà ông ấy còn có kinh nghiệm làm việc tại châu Á với Nhật Bản và đã gắn bó với bóng đá Việt Nam trong một thời gian trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Việc này sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc HLV thích nghi với lối sống của người Việt Nam và ông ấy cũng sẽ hiểu về văn hóa bóng đá, bao gồm phương tiện truyền thông mạnh mẽ tạo ra dư luận.
Tôi không bao giờ nói một người đồng nghiệp phải làm gì. Mọi huấn luyện viên đều thành bại dựa trên kết quả. Ở trường hợp ông Troussier, ông ấy cần sự hỗ trợ hết lòng từ VFF và giới truyền thông. Điều đó rất cần thiết.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Thủy Tiên