(Dân trí) - Ông Steve Darby, chuyên gia bóng đá giàu kinh nghiệm người Anh đã thẳng thắn bình luận rằng nhiều người không có chuyên môn về bóng đá đang chỉ trích HLV Philippe Troussier chỉ để thỏa mãn sự tự cao.
Ông Steve Darby, chuyên gia bóng đá giàu kinh nghiệm người Anh đã thẳng thắn bình luận rằng nhiều người không có chuyên môn về bóng đá đang chỉ trích HLV Philippe Troussier chỉ để thỏa mãn sự tự cao. Ngoài ra, vị cựu HLV này cũng nhận định Đông Nam Á có thể hình thành Big Four (4 ông lớn) và thúc đẩy sự phát triển của nền bóng đá khu vực, thậm chí giành vé dự World Cup 2026.
Đội tuyển U22 Việt Nam kết thúc kỳ SEA Games 32 với tấm huy chương đồng, kết quả không được như kỳ vọng của một số người hâm mộ. Thậm chí xuất hiện những ý kiến chỉ trích thầy trò HLV Philippe Troussier, từ lối chơi, trình độ cho đến cái gọi là "di sản" của HLV Park Hang Seo. Ông đánh giá như thế nào về màn trình diễn của U22 Việt Nam?
- Đầu tiên cần đặt kết quả vào bối cảnh. Chẳng có đội bóng hay đội tuyển quốc gia nào có thể thắng mọi trận đấu. Thật tự mãn và ngô nghê để tin rằng bóng đá Việt Nam sẽ giành chiến thắng ở mọi kỳ SEA Games.
Thứ hai, nếu bạn là người hâm mộ bóng đá thực sự và hiểu về môn thể thao này, bạn sẽ nhận ra rằng SEA Games đối với Việt Nam và Thái Lan nên là giải đấu tạo cơ hội để các cầu thủ trẻ lứa U18 hoặc U19 thi đấu cọ xát tích lũy kinh nghiệm cũng như phát triển kỹ năng. Việt Nam và Thái Lan cần xem SEA Games như sự chuẩn bị cho tầm nhìn World Cup 2030 và Asian Cup.
Đối với những lời chỉ trích, tôi thường so sánh như thế này: Tôi biết lái ô tô, kinh nghiệm 50 năm đấy, nhưng liệu tôi có nên chỉ dạy Lewis Hamilton cách đua xe F1? Vậy tại sao những người có thể từng chơi bóng cấp nhà trường lại xúc phạm cầu thủ chuyên nghiệp?
Sự chỉ trích chỉ duy nhất hợp lý và công bằng nếu cầu thủ ấy không nỗ lực hết sức để thi đấu hoặc cố tình gian lận, và tôi tin với những gì thầy trò Troussier đã thể hiện, không hề có chuyện như vậy xảy ra! Họ đã cố gắng từng trận và trận sau đều thi đấu tốt hơn trận trước!
Vậy còn những áp lực HLV Troussier đang phải gánh chịu? Chắc hẳn ông có rất nhiều kinh nghiệm về vấn đề này!
- Khi tôi còn là một huấn luyện viên trẻ tuổi, một tiền bối giàu kinh nghiệm và giỏi giang hơn tôi nhiều từng chia sẻ với tôi rằng đừng làm việc bằng cách lắng nghe chỉ trích từ người hâm mộ, vì nếu tôi làm vậy, sớm muộn tôi cũng lên khán đài ngồi cạnh họ thôi.
Đối với một huấn luyện viên, thành hay bại là tại kết quả! Nếu một HLV được bổ nhiệm, ông ấy nên nhận được sự ủng hộ và nếu xảy ra kết quả tồi tệ, ông ấy sẽ bị sa thải. Ông Park đã đạt được những thành quả tuyệt vời, nhưng hãy để ông Troussier có thời gian và cơ hội để thực hiện điều tương tự.
Ông Troussier là HLV có kinh nghiệm ở trình độ ưu tú với bóng đá Nhật Bản và từng làm việc tại Việt Nam nên rất hiểu văn hóa bóng đá nơi đây. Tôi nghĩ ông ấy là lựa chọn tuyệt vời và ông ấy sẽ nhìn ra được những mục tiêu cao và xa hơn. Rất khó khăn khi HLV nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng lại rất dễ nhận chỉ trích.
Truyền thông, báo chí cũng gánh trách nhiệm trong việc này bởi những nhà báo như anh sẽ tạo ra ý kiến công chúng hay mạnh hơn nữa là làn sóng dư luận. Và thật đáng tiếc, sự bùng nổ của mạng xã hội, nhiều "anh hùng bàn phím" chẳng hiểu gì về bóng đá vẫn có thể tạo ảnh hưởng đến người khác.
Đôi khi họ làm điều đó để thỏa mãn sự tự cao hoặc tìm kiếm "lợi nhuận" tiền bạc và danh tiếng cho bản thân chứ không phải vì tình yêu bóng đá.
Lứa cầu thủ này của đội tuyển U22 Việt Nam chịu khá nhiều thiệt thòi vì áp lực thành công của thế hệ đàn anh nhưng lại không có nhiều cơ hội thi đấu ở các giải đấu chất lượng. Rất ít cầu thủ có kinh nghiệm thi đấu tại V-League. Ông có kiến giải nào để lứa cầu thủ này cũng như các lứa cầu thủ trẻ sau được thi đấu thường xuyên hơn không?
- Đây là câu hỏi thông minh vì đang tìm kiếm lý do chính đáng chứ không phải bao biện cho kết quả. Việc các cầu thủ thi đấu càng nhiều trận ở trình độ cao nhất rất quan trọng. Ngồi dự bị sẽ chẳng cải thiện được kỹ năng nào cả.
Điều đáng tiếc, đặc biệt đối với các tiền đạo, là hầu hết đội bóng V-League đều sử dụng tiền đạo ngoại và một số tôi cho là không đáng giá về kinh tế lẫn chuyên môn. Tốt hơn là nên có hai cầu thủ ngoại chất lượng cao thay vì 5 cầu thủ trung bình, việc này sẽ ngăn cản các cầu thủ trẻ trong nước có cơ hội ra sân và phát triển.
Ví dụ thực tế là Tiến Linh, cậu ấy chỉ thi đấu vỏn vẹn 100 trận trong 7 mùa giải ở cấp CLB. Khi còn trẻ tại Anh, tôi thi đấu 60 trận mỗi năm, Tiến Linh chỉ khoảng 17 trận mỗi năm. Các cầu thủ Việt Nam cần được thi đấu nhiều hơn. Các nhà quản lý bóng đá phải nhìn vào suất ngoại binh. Ngoài ra, các giải trẻ cũng cần tổ chức nhiều trận hơn, trên mặt sân cỏ chất lượng hơn.
V-League rất cần thiết cho sự phát triển của đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Giải đấu cao nhất trong hệ thống thi đấu bóng đá chuyên nghiệp của cả đất nước thì phải cần mặt sân chất lượng cao, thời gian thi đấu hợp lý, chẳng hạn các trận không thể diễn ra trong điều kiện nhiệt độ cao và tăng cường phát triển đội ngũ nhân viên y tế cũng như khoa học thể thao để cầu thủ rút ngắn quãng thời gian điều trị chấn thương.
Ngoài ra, các cầu thủ trẻ phải được giáo dục về lối sống chuyên nghiệp như khoa học dinh dưỡng, không rượu chè, thuốc lá và giá trị của việc nghỉ ngơi.
Sau SEA Games 32, cơ hội tiếp theo để lứa cầu thủ này của đội tuyển U22 Việt Nam được thi đấu tích lũy kinh nghiệm là Asiad 19 (Asian Games 2022). Ông đã đưa ra ý kiến rằng Việt Nam chỉ nên cử đội U18 dự SEA Games. Tại kỳ Asiad được tổ chức vào tháng 9 tới tại Trung Quốc, Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ cử đội hình với nòng cốt là các tuyển thủ U20. Ông nghĩ sao về quyết định này?
- Quyết định này thật đúng đắn. Đó là cách các cầu thủ trẻ sẽ có được kinh nghiệm thi đấu. Họ có thể thất bại nhưng điều quan trọng là tiến bộ ở Asian Cup và hướng tới mục tiêu tham dự World Cup.
Tôi ủng hộ quyết định này và thành quả nên được đánh giá dựa trên số lượng cầu thủ phát triển thành tuyển thủ quốc gia hoặc cầu thủ hàng đầu tại V-League thay vì kết quả ở giải đấu đó.
Về phần đội tuyển quốc gia Việt Nam, giải đấu lớn đầu tiên HLV Troussier tham dự sẽ là Asian Cup được tổ chức vào tháng 1/2024. Theo kết quả bốc thăm, Việt Nam sẽ nằm chung bảng với Nhật Bản, Indonesia và Iraq. Ông nhận định như thế nào về bảng đấu này?
- Rõ ràng Nhật Bản sẽ là ứng cử viên hàng đầu và không có đội bóng yếu trong bảng đấu này. Indonesia tuy sở hữu nhiều tài năng như SEA Games vừa qua đã chứng minh, nhưng các cấp đội tuyển quốc gia, nước này thường xuyên gặp vấn đề từ khâu quản lý. Vì vậy, không thể dự đoán màn trình diễn của Indonesia.
Iraq cũng khó đoán do sự bất ổn trong nước. Liệu họ có thể đưa tất cả cầu thủ đang chơi ở nước ngoài trở lại? Liệu họ có thể tập luyện hay thi đấu giao hữu trong nước? Vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam có thể đạt được vị trí thứ hai trong bảng này. Đây là mục tiêu mà một nền bóng đá đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam nên hướng đến.
Ông có thể nói thêm về Indonesia? Bóng đá nước này đang rất hưng phấn sau tấm huy chương vàng SEA Games 32.
- Chiến thắng tại SEA Games sẽ chẳng ảnh hưởng nhiều đến Asian Cup. Bao nhiều cầu thủ giành huy chương vàng tại Campuchia sẽ hiện diện trong đội tuyển quốc gia Indonesia? Ai sẽ là HLV của đội bóng này? Indonesia liệu có được đội hình mạnh nhất? Một Indonesia sung mãn và được tổ chức tốt sẽ rất khó chơi.
Ngoài ra, nếu bạn dự đoán rằng cả hai đội có thể thua Nhật Bản, thì điều cần thiết cho hiệu số bàn thắng bại là một thất bại nhỏ. Vì vậy, có thể là cách tiếp cận phòng ngự trước Nhật Bản và một cách tiếp cận cởi mở hơn trước Indonesia.
Rẽ ngang một chút, chắc hẳn ông cũng theo dõi vụ ẩu đả giữa đội tuyển U22 Thái Lan và Indonesia trong trận chung kết SEA Games 32?
- Cuộc ẩu đả là nỗi ô nhục cho bóng đá Đông Nam Á và châu Á. Các trận đấu bóng đá tại SEA Games chẳng hề được đưa tin ở Anh và châu Âu cho đến khi vụ ẩu đả xảy ra, sau đó tin này lan đi khắp nơi.
Tôi nghĩ HLV trưởng của cả hai đội đều thể hiện được tính kỷ luật và liêm chính, nhưng các thành viên khác của đội tuyển U22 hai nước này nên bị cấm tham gia đội tuyển quốc gia suốt đời.
Cuộc cãi vã như trẻ con về việc ai đã khơi mào ẩu đả là không quan trọng, có đủ bằng chứng video để xử lý đúng những kẻ đã làm xấu hình ảnh bóng đá. Điều này là cần thiết để bảo vệ sự trọn vẹn và uy tín của môn thể thao này.
Câu hỏi cuối cùng, sự kình địch giữa Thái Lan, Indonesia và Việt Nam liệu có thể thúc đẩy nền bóng đá của cả ba quốc gia phát triển không?
- Trong vài năm qua, Việt Nam và Thái Lan vừa ganh đua vừa thúc đẩy lẫn nhau. Thật tuyệt cho bóng đá Đông Nam Á nếu Indonesia cũng như Malaysia vươn lên và tạo thành BIG FOUR ASEAN (4 ông lớn Đông Nam Á).
Nếu điều đó xảy ra, bóng đá Đông Nam Á sẽ tự nâng cao cơ hội để giành ít nhất một tấm vé dự vòng chung kết World Cup 2026. Cả Indonesia và Malaysia đều có đủ tài năng để thúc đẩy ganh đua cùng Việt Nam và Thái Lan.
Khởi đầu là chất lượng giải đấu quốc nội và sau đó là đưa những cầu thủ xuất sắc nhất sang thi đấu tại các giải có trình độ cao hơn. Thái Lan đã bắt đầu tiến trình này. Ngay cả Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang thực hiện tiến trình này và anh có thể thấy những cầu thủ như Kaoru Mitoma tại Brighton hay Kim Min Jae ở Napoli không chỉ chứng tỏ được tài năng mà còn tiến bộ không ngừng để đạt đến đẳng cấp hàng đầu.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Tuấn Huy