(Dân trí) - Trả lời Dân trí, chuyên gia bóng đá người Anh Steve Darby đã có những chia sẻ giàu kiến thức và kinh nghiệm về câu chuyện xuất ngoại của các cầu thủ cũng như vấn đề nội tại của bóng đá Việt Nam.
Xin chào ông Steve Darby, cảm ơn ông vì đã tham gia cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Tôi xin đề cập lại một đề tài quen thuộc nhưng nóng của bóng đá Việt Nam, đó là việc các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Con đường xuất ngoại vẫn còn nhiều gian truân cho các cầu thủ Việt Nam. Quang Hải, Công Phượng hay Văn Toàn đều là những cầu thủ ưu tú, gặt hái được không ít thành công cùng các cấp đội tuyển quốc gia Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, họ chưa thể hiện được nhiều khi ra nước ngoài thi đấu. Khoảng cách trình độ giữa cầu thủ Việt Nam so với các quốc gia khác có phải là vấn đề thưa ông?
- Trước hết, tôi tôn trọng và khâm phục bất kỳ cầu thủ nào nỗ lực ra nước ngoài thi đấu. Dù cho điều gì xảy ra họ đều trở về với tư cách cầu thủ đã có kinh nghiệm chơi bóng bên ngoài biên giới. Họ trở nên hoàn thiện hơn về kỹ năng và mạnh mẽ hơn về tinh thần. Để trở thành "ngoại binh", các cầu thủ Việt Nam cần phải vững vàng về mặt tâm lý.
Họ phải vượt qua nỗi nhớ gia đình và quê hương, nói cách khác là trưởng thành. Ngoài ra, các cầu thủ Việt Nam cũng cần học tiếng Anh để giao tiếp tốt hơn trong công việc lẫn đời sống nơi xứ người. Như vậy sẽ giúp họ phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Về khoảng cách trình độ, tôi không nghĩ rằng đây là vấn đề chính ảnh hưởng đến việc các cầu thủ Việt Nam không thành công tại nước ngoài. Tôi nghĩ rằng có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng hơn, và như tôi đã đề cập, đầu tiên là sức mạnh tinh thần, các cầu thủ phải hiểu rằng ra nước ngoài thi đấu sẽ là thử thách cực kỳ khó khăn chứ không phải chuyến dạo chơi.
Họ phải học cách thích nghi với nền văn hóa nước ngoài và quên đi những thứ thân thuộc tại quê nhà như đồ ăn Việt Nam hay sự hiện diện bên cạnh thường xuyên của người thân. Vấn đề này càng đúng hơn trong thời hiện đại, khi các thiết bị điện tử có thể giúp liên lạc và nói chuyện với gia đình thường xuyên.
Ngoài ra, chọn đúng đội bóng để đầu quân cũng là điều cực kỳ quan trọng. Đội bóng mới phải đảm bảo cung cấp hệ thống hỗ trợ tốt cho các cầu thủ nước ngoài, bao gồm việc học ngôn ngữ, chỗ ở và phương tiện đi lại thuận tiện.
Các CLB hàng đầu đều cung cấp hệ thống hỗ trợ chất lượng như vậy. Các cầu thủ Thái Lan chọn đến Nhật Bản thi đấu và dễ dàng thích nghi. Các cầu thủ phải chọn lựa đội bóng nước ngoài khôn ngoan và không bị đánh lừa bởi những người đại diện chỉ muốn kiếm nhiều tiền hơn.
Đối với trường hợp Quang Hải, với những khó khăn cầu thủ này đang phải đối mặt ở Pháp, nếu quay ngược thời gian trở lại thời điểm Hải chưa xuất ngoại, theo ông đâu là bến đỗ thích hợp?
- Đầu tiên, tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm của cậu ấy khi đến Pháp thi đấu. Bất kể kết quả như thế nào, cậu ấy sẽ trở lại với tư cách một cầu thủ giỏi và mạnh mẽ hơn. Nhưng bất cứ ai mơ mộng cậu ấy sẽ ghi bàn vào lưới Paris Saint Germain đều quá ngây thơ.
Tôi tin sẽ là quyết định khôn ngoan hơn nếu cầu thủ Việt Nam đến Hàn Quốc hay Nhật Bản thi đấu. Các quốc gia này sở hữu hệ thống giải bóng đá chất lượng, môi trường tập luyện chuyên nghiệp và không gây ra nhiều sự thay đổi về văn hóa. Nếu Quang Hải thi đấu tốt ở Nhật Bản, cậu ấy sẽ đến được châu Âu.
Rồi ngày nào đó, sẽ có một cầu thủ Việt Nam đi theo lộ trình như vậy. Giống như Craig Johnstone (cựu tuyển thủ Australia và Liverpool) đã mở đường cho hàng trăm cầu thủ Australia đến Anh chơi bóng.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công cùng lứa cầu thủ Quang Hải, Văn Hậu v.v.. Những cầu thủ này từng là thành viên U19 Việt Nam do ông Hoàng Anh Tuấn làm HLV. Đội bóng này từng lọt vào tứ kết U19 châu Á 2016 và giành vé dự World Cup U20 2017. Bước sang nhiệm kỳ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam của HLV Philippe Troussier, ông Hoàng Anh Tuấn tiếp tục để lại dấu ấn khi dẫn dắt đội tuyển U20 Việt Nam tạo tiếng vang tại giải U20 châu Á 2023. Ông đánh giá như thế nào về màn trình diễn của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn? Tuy không thành công như thế hệ đàn anh nhưng theo ông, những cầu thủ nào có triển vọng tiến xa?
- HLV Hoàng Anh Tuấn đã làm rất tốt công việc của mình. Trên lý thuyết, ông ấy nên được sử dụng như trợ lý của HLV Troussier và được dìu dắt để trở thành huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam kế tiếp. Ông ấy cần và nên được hỗ trợ để phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên văn hóa bóng đá Việt Nam khá dị biệt và đúng logic thì dẫn dắt đội tuyển quốc gia nên là HLV nội.
Vấn đề duy nhất là các HLV nội có thể dễ dàng bị tác động bởi cấp trên. Vì họ sống và làm việc tại quê nhà mãi mãi, nên họ không thể "đập bể nồi cơm" của gia đình. Đối với các tuyển thủ U20, tôi chưa vội đánh giá những cầu thủ còn quá trẻ. Tôi muốn họ trưởng thành hơn nữa. Mọi chuyện vẫn quá sớm.
Nhiều ý kiến đánh giá chu trình phát triển của bóng đá Việt Nam chủ yếu xoay quanh các cấp từ U20 đến U23 rồi đội tuyển quốc, trong khi dấu ấn của V-League vẫn còn khá nhạt nhòa. Hiện tại, hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chỉ có 25 CLB, con số khá khiêm tốn và số CLB ở V-League (14) còn nhiều hơn hạng Nhất (11). HLV Troussier cũng cho rằng bóng đá Việt Nam cần phát triển hơn nữa các giải bóng đá chuyên nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Liệu V-League có đủ khả năng thi đấu liên tục trong vòng 10 tháng?
- Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ông Troussier, các cầu thủ nên thi đấu tối thiểu 40 trận một năm, đặc biệt là đối với những cầu thủ trẻ. Vấn đề lớn là các tiền đạo ngoại đã lấy đi cơ hội của các tiền đạo Việt Nam.
Hãy thử nhìn xem, tại V-League có bao nhiêu đội bóng sử dụng tiền đạo nội. Thay vì tung vào sân tràn lan ngoại binh, nên có ít ngoại binh hơn. Ít nhưng tinh. Nói cách khác là đi vào chất lượng thay vì số lượng.
Tương tự là vấn đề vận hành V-League. Việc nâng số lượng đội bóng tại V-League là cần thiết nhưng quan trọng hơn nữa là nâng cao chất lượng của từng CLB. Chất lượng ở đây không chỉ là chất lượng chuyên môn hay chất lượng đội hình. Điều cần cải thiện nhất là chất lượng mặt cỏ, sân tập, khoa học thể thao/đào tạo cầu thủ trẻ.
Ngoài ra, cần giảm thiểu nạn tham nhũng của các lãnh đội trong việc mua bán cầu thủ và tất nhiên là triệt phá nạn mua/bán độ.
Một câu hỏi khác về HLV Troussier. Qua cách làm việc của HLV Troussier trong đợt tập trung đội tuyển và U23 Việt Nam, ông đánh giá ra sao về cách tiếp cận công việc của người đàn ông này, từ phong cách làm việc đến triết lý thi đấu?
- Ông Troussier là huấn luyện viên xuất sắc, với kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại những nền bóng đá hàng đầu châu Á, đặc biệt là quãng thời gian dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản vào tới vòng đấu loại trực tiếp World Cup.
Ngoài ra, ông còn có thời gian gắn bó với bóng đá Việt Nam và phần nào hiểu được văn hóa. Tôi không bao giờ nói một người đồng nghiệp phải làm gì. Mọi huấn luyện viên đều thành bại dựa trên kết quả. Ở trường hợp ông Troussier, ông ấy cần sự hỗ trợ hết lòng từ VFF và giới truyền thông. Điều đó rất cần thiết.
Trở lại một chút với các cầu thủ trẻ, bao gồm các tuyển thủ U20 Việt Nam. Cơ hội ra sân thi đấu của họ tại V-League rất hạn chế, để thay đổi hiện trạng này vẫn cần nhiều thời gian. Vậy theo ông hướng đi nào phù hợp cho các cầu thủ trẻ. Và đến khi thành danh, khoảng bao lâu họ nên ra nước ngoài thi đấu?
- Trở lực lớn nhất để các cầu thủ trẻ Việt Nam phát triển là làn sóng ngoại binh chất lượng trung bình đang tràn vào V-League. Ngoại binh phải giỏi hơn nội binh và là hình mẫu về sự chuyên nghiệp cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Tôi từng chứng kiến những cầu thủ nước ngoài được ký hợp đồng chỉ vì họ to cao. Điều đó thật thảm hại. V-League nên hạn chế số lượng cầu thủ nước ngoài hơn nữa. Theo tôi chỉ cần 2 ngoại binh mỗi đội, tốt nhất là đến từ Nam Mỹ, Nhật Bản hoặc Đông Âu. Nhìn vào số trận V-League mà Tiến Linh thi đấu (14 trận trong năm 2022) thì… khiếp thật!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Đỗ Diệp