(Dân trí) - Nhà môi giới Jernej Kamensek hy vọng những cầu thủ Việt Nam ra thi đấu ở châu Âu trong tương lai gần, để tăng chất lượng đội tuyển quốc gia.
"Siêu cò" bóng đá: "Quang Hải, Hoàng Đức đủ khả năng thi đấu ở châu Âu"
Theo nhà môi giới Jernej Kamensek, thất bại ở AFF Cup 2020 không phải là điều gì quá tồi tệ với đội tuyển Việt Nam. Nhưng thông qua đó, ông hy vọng bóng đá Việt Nam có thể nhìn ra những bài học quan trọng để tạo một cú hích mạnh mẽ trong tương lai.
PV: Xin chào nhà môi giới Jernej Kamensek, cảm ơn ông đã có cuộc trao đổi cùng Dân trí. Đội tuyển Việt Nam đã không thể giành chức vô địch AFF Cup. Đội hình mạnh nhất của chúng ta đã không thể thắng Thái Lan và bảo vệ ngôi vương. Ông có thay đổi suy nghĩ rằng giải đấu này nên chỉ dùng cho đội U21 và U23 là đủ với Việt Nam vốn từng chia sẻ trước đó?
Jernej Kamensek: Tôi chắc chắn rằng sẽ không thay đổi quan điểm ấy đâu. Bởi với tôi, AFF Cup không phải là giải đấu để Việt Nam cứ phải đau đáu về chức vô địch. Các bạn cần nhìn xa hơn, rộng hơn. Đó là Asian Cup hay World Cup. Chả lẽ chúng ta cứ quanh quẩn với ám ảnh phải thắng Thái Lan hay phải vô địch AFF Cup mới thỏa lòng.
Tôi nghĩ rằng quá trình quan trọng hơn kết quả. Hãy nhìn ở giải đấu này, chúng ta đạt được điều gì và rút ra bài học gì. Chúng ta có phát triển được những gương mặt mới hay không. Ai sẽ có tiềm năng để sẵn sàng cho một bước ngoặt của nền bóng đá Việt Nam. Đấy mới là quan trọng. Với tôi, ngay cả khi Việt Nam vô địch nhưng với cách sử dụng cầu thủ như suốt các trận đấu vừa qua, đó vẫn là thất bại với bóng đá Việt Nam. Bởi trong khi Indonesia, Singapore, Campuchia hay ngay cả Thái Lan vẫn trình làng các cầu thủ trẻ thì Việt Nam gần như giữ nguyên một bộ khung cũ kỹ từ trận này qua trận khác.
Đồng ý rằng ở giải đấu này, Việt Nam có giới thiệu được 3 cầu thủ tốt là Hoàng Đức, Thành Chung và Tấn Tài. Nhưng họ đều đã trên 23 tuổi. Ở góc độ của một nhà môi giới, tôi muốn thấy những cầu thủ 19, 20, 21 tuổi trình làng. Bởi như thế, họ sẽ dễ xuất ngoại hơn so với các cầu thủ đã trên tuổi 23.
Theo ông, đâu là lý do khiến cho đội tuyển Việt Nam không vô địch AFF Cup?
Như tôi đã nói, Việt Nam vô địch hay không vô địch không phải là điều mà tôi quan tâm hàng đầu. Tôi muốn thấy những cầu thủ mới được phát triển và thể hiện khả năng. Dù sao thì, nguyên nhân của việc HLV Park Hang Seo duy trì một bộ khung đội hình cũng đến từ yếu tố khách quan. Đó là V-League đã hoãn giải quá sớm, ngay từ đầu tháng 5. Để rồi từ đó, đội tuyển Việt Nam hội quân trong một quãng thời gian dài chưa từng có, từ 6-7 tháng.
Với quãng thời gian tập trung, tập luyện, thi đấu quá dài như vậy thì tinh thần của các cầu thủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ không phải là robot hay một thứ hàng hóa. Cầu thủ là con người. Họ có cảm xúc, cần thời gian cho gia đình, muốn được nghỉ ngơi và được hưởng những thú vui của bản thân không liên quan đến bóng đá. Đấy là cách để họ thoát khỏi sự căng thẳng, bí bách trước khi trở lại sân cỏ với cảm xúc trào dâng nhất và niềm cảm hứng lớn nhất.
Tôi cũng cho rằng HLV Park Hang Seo đã sai trong cách dùng người. Bởi nếu như ông linh hoạt hơn trong việc sử dụng cầu thủ, giảm tải cho những trụ cột thì đó cũng có thể xem là những quãng nghỉ ngắn để các cầu thủ quan trọng không rơi vào cảm xúc chai sạn và mất phong độ khi thi đấu. Bản thân những cầu thủ dự bị cũng có động lực hơn khi ra sân. Tôi cho rằng nguyên nhân chủ quan đến từ chính Việt Nam mới là điều khiến cho các bạn dừng bước sớm ở vòng bán kết. Còn với tôi, đó cũng là nguyên nhân khiến cho Việt Nam không thể trình làng các cầu thủ dưới 23 tuổi như mong đợi của chính bản thân tôi.
Thất bại cũng đã khép lại 4-5 ngày. Nhưng chúng ta vẫn cần bài học để đội tuyển Việt Nam trở lại mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Theo ông, từ góc độ của một người đã có nhiều năm làm việc trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, đâu là những điều mà Việt Nam nên làm sau thất bại tại Singapore?
Đúng là với tôi, thành tích của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2020 không quá quan trọng. Nhưng dẫu sao, việc các bạn hụt chức vô địch cũng là thời cơ thuận lợi để tôi hy vọng vào sự thay đổi lớn với bóng đá Việt Nam. Tôi cho rằng đây là thời điểm không thể tốt hơn để Liên đoàn bóng đá Việt Nam suy nghĩ nghiêm túc và tái cơ cấu nền bóng đá.
Thứ nhất, điểu cốt lõi và đường dài chính là hệ thống phát triển cầu thủ trẻ. Đó chưa phải là điều mà Việt Nam làm tốt, dù các bạn cũng đã có những học viện, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ trong thời gian qua. Thứ hai, điều cấp thiết hơn là Việt Nam phải nâng trình độ chuyên nghiệp của V-League lên hơn nữa. Hệ thống về luật, điều lệ, quy định dành cho V-League nói riêng và bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung phải chặt chẽ và tốt hơn nữa. Thứ ba, chúng ta cần có một thang đo chuẩn xác để đánh giá về HLV Park Hang Seo, ở một mức độ khác thay vì duy trì những thành tích như hiện tại.
Thứ tư, Quang Hải, Hoàng Đức với tôi bây giờ nên sang châu Âu. Các bạn ấy đừng chần chừ gì nữa. Ngoài ra, cầu thủ số 16 của Việt Nam là Thành Chung cũng xứng đáng để được thử sức ở môi trường tốt hơn. Và điều cuối cùng với tôi, AFF Cup không phải là mục tiêu mà Việt Nam cứ phải đau đáu. Giờ là lúc để chúng ta theo đuổi giấc mơ World Cup chứ không phải quanh quẩn ở hạng đấu khu vực.
Ông có nói đến câu chuyện Quang Hải và Hoàng Đức xuất ngoại. Rõ ràng trong suốt thời gian vừa rồi, nhiều đội bóng nước ngoài đánh tiếng để có 2 cầu thủ này. Nhưng tại sao đến giờ, họ vẫn ở lại Việt Nam. Là do họ sợ sang nước ngoài hay các CLB chủ quản như Hà Nội FC và Viettel từ chối?
Đầu tiên, tôi khẳng định một lần nữa là Quang Hải, Hoàng Đức nên thử sức mình ở nước ngoài trước khi quá muộn. Hoàng Đức đã qua tuổi 23 còn Quang Hải cũng sắp sửa 25 tuổi rồi. Tôi cho rằng, điểm đến của Quang Hải hay Hoàng Đức không cần thiết là Thái Lan nữa. Trình độ của các bạn ấy đủ để họ có thể thử sức mình tại Hàn Quốc, Nhật Bản hay một số hạng đấu vừa phải tại châu Âu.
Tôi cho rằng, châu Âu sẽ là điểm đến phù hợp để Quang Hải và Hoàng Đức phát triển khả năng. Tất nhiên, xin được nhấn mạnh là tùy giải đấu và CLB tại châu Âu nhé. Tôi lấy ví dụ như giải Serbia hay Slovakia, Slovenia. Đó không phải là giải đấu quá mạnh ở châu Âu nhưng đẳng cấp có thể xem là gấp 10 lần ở V-League hay bất cứ giải VĐQG nào tại Đông Nam Á.
Mọi người hãy sớm gạt suy nghĩ cầu thủ Việt Nam mình chơi ở Pháp hay Anh đi. Tôi cho rằng, Quang Hải hay Hoàng Đức đủ khả năng để chơi ở Luxembourg, San Marino hay Gibraltar. Mọi người đừng coi thường những giải đấu ấy. Bởi chắc chắn chất lượng tại đây tốt hơn nhiều so với Việt Nam. Quan trọng hơn, họ tạo điều kiện để Quang Hải và Hoàng Đức được chơi bóng, thay vì mục đích thương mại.
Ngoài sự phát triển của cá nhân Quang Hải hay Hoàng Đức, tôi nghĩ nếu những thương vụ xuất ngoại thành công, họ sẽ mở đường cho nền bóng đá Việt Nam phát triển. Biết đâu đấy sau 5-10 năm nữa, chúng ta sẽ có những ngôi sao thực thụ, chứ không phải đi nhặt bóng hay phát tờ rơi ở nước ngoài nữa.
Còn lý do tại sao các CLB như Hà Nội và Viettel từ chối thì tôi không phải là người trong cuộc nên rất khó để xác định. Nhưng với thời gian làm nghề đủ lâu, tôi tin rằng không có CLB châu Âu nào sẵn sàng trả một mức giá cao để lấy một cầu thủ Việt Nam về thi đấu. Họ thường lựa chọn một cách an toàn hơn. Đó là mượn và trả cho CLB chủ quản một chi phí nhỏ. Và sau 1-2 mùa giải đánh giá, họ sẽ đề nghị mua đứt kèm theo những điều khoản để giúp các đội ở Việt Nam được giành thêm lợi nhuận nhờ công sức đào tạo.
Ông có cho rằng ngay cả những cầu thủ Việt Nam cũng sợ xuất ngoại không, nhất là trước những bài học đến từ Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh hay mới đây là Văn Hậu?
Đúng là có những yếu tố chủ quan tác động ngay trong suy nghĩ các cầu thủ. Tôi cho rằng đấy là một phần trong văn hóa và nhân sinh quan. Đó là họ lo lắng sẽ thất bại, ngại giao tiếp, sợ va chạm. Tôi cho rằng phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ hơn cánh đàn ông Việt Nam. Họ quyết đoán hơn nhiều. Và đó là lý do mà đội tuyển nữ thành công hơn đội tuyển nam Việt Nam.
Với tôi, bóng đá không thể nói trước được điều gì. Có thể cầu thủ Việt Nam thậm chí cũng nhận thất bại ở những giải hạng trung ở châu Âu như tôi nói kể trên. Nhưng tôi tin các bạn ấy sẽ học được những giá trị thực chất và tạo ra sự thay đổi dù ít hay nhiều cho chính mình và bóng đá Việt Nam.
Một vấn đề của bóng đá Việt Nam là chúng ta không phát triển bài bản từ gốc rễ. Vậy nên, cách vận động của bóng đá Việt Nam mình không thể tới tầm cao. Cầu thủ hiện giờ cũng vậy. Giống như việc chúng ta biết chơi đàn, biết hát nhưng chỉ có thể chơi ở quán cafe, bar hay sân khấu nhỏ thay vì một nhà hát đỉnh cao. Đơn thuần, cách phát triển của chúng ta chưa đến nơi đến chốn dẫn đến việc cầu thủ Việt Nam cũng không thể vượt tầm. Và điều đó được khắc phục bằng những va chạm thực sự khi sang châu Âu chơi bóng.
Vậy, đâu là tiêu chí để chúng ta xác định rằng đội bóng ở nước ngoài thật sự muốn cầu thủ Việt Nam? Cũng như đâu là căn cứ để đánh giá cầu thủ Việt Nam xuất ngoại là thành công, thưa ông?
Đầu tiên, tôi cho rằng các cầu thủ trước khi xuất ngoại cần phải xác định đâu là giới hạn của mình và chúng ta sẽ phát triển năng lực của bản thân đạt đến ngưỡng nào. Ngoài ra, họ cũng cần hiểu bước đầu về văn hóa bóng đá châu Âu nói riêng và đất nước mà họ sẽ đến nói chung. Thứ hai, chúng ta sẽ phải có sự kiên trì. Việt Nam có thể là đội bóng hàng đầu ở Đông Nam Á. Nhưng khi sang châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản, chúng ta sẽ phải bắt đầu từ con số 0.
Đặng Văn Lâm là một ví dụ và là tấm gương thành công để các cầu thủ Việt Nam nhìn thấy và học hỏi. Cậu ấy có sự kiên nhẫn, phương pháp tập luyện chuyên nghiệp và luôn muốn từng bước thử thách bản thân. Ngay cả ở hiện tại, dù ít được thi đấu cho Cerezo Osaka nhưng tôi luôn cảm thấy ở Văn Lâm một nỗ lực để tiến lên theo đúng con đường chuyên nghiệp. Cậu ấy luôn muốn chính bản thân mình của hôm nay giỏi hơn ngày hôm qua và sẽ tận dụng tốt từng cơ hội được trao.
Bóng đá đỉnh cao khắc nghiệt bởi tính cạnh tranh cao độ. Nhưng điều đó giúp cho các cầu thủ trưởng thành hơn và bản lĩnh hơn.
Ông có tin rằng nếu xuất ngoại, Quang Hải và Hoàng Đức sẽ thành công chứ?
Ồ, tôi ước rằng Quang Hải có thể xuất ngoại từ khi 19, 20 hoặc 21 tuổi. Nhưng không sao cả, với những gì mà tôi đã theo dõi Quang Hải suốt nhiều năm qua, tôi tin rằng cậu ấy sẽ tạo nên một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mình. Khi được tập luyện ở một môi trường tốt hơn, cậu ấy sẽ học hỏi nhiều điều thay vì chỉ quanh quẩn ở Việt Nam. Ngay cả với Văn Hậu, trường hợp mà bạn đề cập ban đầu, tôi nghĩ rằng nếu cậu ấy được chơi thêm 2-3 mùa giải nữa hay bắt đầu từ giải hạng Hai Hà Lan thì biết đâu đấy, mọi thứ sẽ khác. Tôi cảm thấy tiếc với Văn Hậu, khi nhiều người không có sự kiên nhẫn để cho cậu ấy thêm thời gian thể hiện mình.
Chung quy lại, Slovenia, Croatia, Slovakia, CH Séc, Lithuania, Latvia, Austria là những giải đấu ở châu Âu mà các cầu thủ Việt Nam có thể thử sức mình và phát triển một cách đúng nghĩa!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!