(Dân trí) - Thất bại trước Man City khiến Man Utd chật vật giành vé dự Champions League mùa giải tới. Một lần nữa, tương lai của HLV Erik Ten Hag lại bị đặt dấu hỏi.
Gần một năm trước, Man Utd trông có vẻ không thua kém Man City xa đến thế. "Quỷ đỏ" thành Manchester đứng thứ ba trên bảng xếp hạng Premier League, giành chức vô địch League Cup và mặc dù thua 1-2 trước Man City trong trận chung kết FA Cup, nhưng không phải theo một kịch bản thường thấy trong quá khứ.
Và trong khi Man Utd từng vài lần đánh bại Man City dưới triều đại Pep Guardiola, hầu hết chiến thắng đều đến theo kiểu chớp tình huống và phòng ngự sâu. Tuy nhiên, thất bại của Man Utd tại Etihad cuối tuần qua trông giống như một đội bóng đã nỗ lực hết sức và chấp nhận thất bại trước đối thủ đẳng cấp cao hơn.
Tỷ số trận đấu "chỉ" là 3-1, nhưng tỷ số dứt điểm là 27-3 và đội khách chỉ cầm bóng vỏn vẹn 26%.
Minh chứng cụ thể khác, sau khởi đầu ấn tượng và có được bàn mở tỷ số nhờ tình huống phản công xuất thần kết thúc bằng cú sút ngoạn mục của Rashford, pha bóng không phải lúc nào cũng thực hiện được, từ phút 23 đến khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc, Man Utd không tung ra được pha dứt điểm nào nữa.
Nhìn chung, tương tự những người tiền nhiệm, HLV Ten Hag đã có khởi đầu tuyệt vời đầy hứa hẹn tại Old Trafford để rồi sau đó tất cả sụp đổ.
Man Utd kết thúc mùa giải 2022-23 với 14 điểm kém Man City. Mùa này, họ đang kém 16 điểm và… còn đến 12 vòng đấu nữa Premier League mới hạ màn. Đáng quan ngại hơn, thầy trò Pep Guardiola không phải đội đứng đầu bảng.
Man Utd đang kém 14 điểm so với đội xếp thứ ba, vị trí thầy trò Ten Hag có được ở mùa trước. Và "Quỷ đỏ" cũng kém 8 điểm so với đội xếp thứ tư, vị trí cuối cùng có vé dự Champions League.
Tin vui duy nhất trong thời điểm tuyệt vọng này là có một tỷ phú, cổ động viên ruột của đội bóng, sinh trưởng ngay trong thành phố, đến và bảo cần làm gì để hồi sinh thế lực vĩ đại một thời chưa xa này. Sir Jim Ratcliffe đã đạt thỏa thuận mua lại 25% cổ phiếu của Man Utd từ nhà Glazers, lượng cổ phần tối thiểu để kiểm soát hoạt động bóng đá của CLB.
"Chúng tôi có nhiều điều phải học hỏi từ gã hàng xóm ồn ào của mình và gã hàng xóm khác", Ratcliffe phát biểu vào tuần trước, ám chỉ Man City và Liverpool, như sự nhấn mạnh đến câu nói nổi tiếng của Sir Alex Ferguson.
"Họ là những đối thủ trên hết. Tôi không khao khát gì hơn hạ gục cả hai đội bóng này. Họ đã chiếm vị thế cao trong một khoảng thời gian và có nhiều điều để học hỏi từ cả hai".
Nếu muốn đánh bật Man City, rốt cuộc Man Utd cần làm gì?
Khái niệm "bản sắc" khá mơ hồ và trừu tượng. Song, không khó nhận ra bất cứ đội bóng vĩ đại nào đều có bản sắc. Đó là giá trị cốt lõi và mang tính tương hỗ cho CLB.
Bóng đá là môn thể thao khó lường và ngẫu nhiên, tới mức không ai dám chắc các bản hợp đồng bom tấn đều thành công. Man Utd là minh chứng sống động, họ đã chi rất nhiều tiền để chiêu mộ cầu thủ được đánh giá cao và họ chỉ xuất sắc trở lại khi rời Old Trafford.
Nói cách khác, hầu hết bản hợp đồng đắt giá của Man Utd thời hậu Sir Alex đều thất bại.
Tóm tắt bằng số liệu: Theo Deloitte, từ năm 2013 đến nay, Man Utd vẫn là đội bóng có doanh thu cao bậc nhất thế giới, chỉ kém 2 CLB khác. Tuy nhiên, trong cùng khoảng thời gian, vị trí trung bình của Man Utd trên bảng xếp hạng Premier League nằm ngoài top 4.
Thế nên Old Trafford không phải là bến đỗ lý tưởng để các cầu thủ gặt hái vinh quang hay đạt được bước tiến lớn trong sự nghiệp.
Phân tích sâu hơn, thật khó để thành công tại Man Utd khi các cầu thủ bước vào đội bóng đang ở giai đoạn khủng hoảng về bản sắc lẫn chiến lược. Bởi lẽ chưa bao giờ có bất kỳ sự thống nhất nào từ ban lãnh đạo xuống đến ban huấn luyện và các cầu thủ về những gì họ muốn thể hiện trên sân cỏ.
Các cầu thủ không bổ sung cho nhau, không được định hướng dài hạn cho sự nghiệp và cũng chẳng có sự nhất quán khi ra sân.
Trường hợp của Arsenal thì ngược lại. Khác với một Jurgen Klopp ưa phiêu lưu tại Liverpool, HLV Mikel Arteta của Arsenal cẩn trọng trong từng bước đi. Hầu hết tân binh của Arsenal trong vài năm qua đều là những chân chuyền xuất sắc trong vai trò của họ.
Không phải tân binh nào của Arsenal đều có khả năng tung đường chuyền xé toạc hàng thủ đối phương, nhưng hiếm khi họ chuyền hỏng. Thống kê chỉ ra, không ai trong số 11 cầu thủ được sử dụng nhiều nhất tại Arsenal mùa này đạt tỷ lệ chuyền bóng chính xác thấp hơn 75%. Trong khi đó, Liverpool có tới 3 cầu thủ không đạt được cột mốc này.
Điều đó có nghĩa, bất luận lối chơi như thế nào, bất cứ đội bóng nào đều cần hạn chế phạm sai lầm hay cụ thể trong khía cạnh chuyền bóng là ít chuyền hỏng trong không gian phòng thủ, được tính ở khu vực 1/3 phần sân đầu tiên tính từ khung thành đội nhà.
Tiếp đến, phải biết làm thế nào để đạt được mục tiêu cả trong phòng ngự (giữ sạch lưới) lẫn tấn công (ghi bàn). Đó là tầm nhìn chiến lược. Từ tầm nhìn ấy chọn ra những cầu thủ cần chiêu mộ để phát huy hiệu quả nhất chiến lược. Man Utd chưa làm được điều đó.
Ryan O'Hanlon, cây bút của ESPN đưa ra quan điểm: "Bất cứ ai cố gắng lặp lại những gì Klopp đã làm ở Liverpool, hoặc những gì Guardiola đang làm tại Man City, đều đang theo đuổi ánh hào quang xưa cũ có lẽ không còn hiện hữu.
Tuyển dụng một HLV ngày nay, không nên kỳ vọng ông ta gắn bó với CLB lâu dài. Trung bình tại Premier League, thời gian gắn bó của một HLV là 2 năm, gấp đôi là kỳ tích. Điều đó không có nghĩa HLV không quan trọng. Klopp và Arteta là những nhà cầm quân giúp tầm nhìn của đội bóng trở thành hiện thực.
Nhưng tôi nghĩ bản sắc của một CLB cần xác định trước và HLV phải phù hợp với bản sắc ấy, không phải ngược lại".
Dường như Ratcliffe và cộng sự nhận thức được vấn đề này, khi công khai theo đuổi Dan Ashworth, Giám đốc thể thao của Newcastle United. Chưa vội bình luận cái tên này có đủ năng lực hay phù hợp hay không, hãy nhìn vào bức tranh rộng hơn: Man Utd cần Giám đốc thể thao, họ chưa có một người đảm nhận đúng vai trò này kể từ năm 2021.
HLV đơn giản là không thể giám sát hoạt động của cả CLB. Ngày nay lịch thi đấu quá dày đặc, và nếu một HLV thực sự muốn huấn luyện theo kiểu tướng cầm quân ra trận, không có cách nào ông ta giám sát và quản lý việc tuyển mộ tân binh và kế hoạch xây dựng đội hình dài hạn.
Nếu cứ cố tham lam quyền lực, HLV ấy sẽ khiến Man Utd tiếp tục thất bại. Đơn giản Liverpool hay Man City sở hữu những bộ phận chuyên biệt, quy tụ những chuyên gia giàu kinh nghiệm để thực thi nhiệm vụ này.
Thêm vào đó, việc không bị ám ảnh bởi một HLV, Man Utd sẽ tránh được tình thế khó khăn thường trực suốt thập niên qua: Ký hợp đồng với HLV, HLV ấy chiêu mộ vài cầu thủ phù hợp với quan điểm, sa thải HLV trước khi HLV ấy có đủ đội hình tương thích với quan điểm, và sau đó toàn bộ quy trình lặp đi, lặp lại, lặp đi, lặp lại…
Vậy ai sẽ là HLV trưởng đầu tiên trong kỷ nguyên Ratcliffe? Dường như ít có cơ hội cho Ten Hag. Bất chấp những tuyên bố gần đây, Man Utd vẫn chưa đi đúng hướng. Dưới sự dẫn dắt của vị chiến lược gia người Hà Lan, "Quỷ đỏ" chưa thể hiện tầm nhìn nào thực sự rõ ràng trên sân cỏ.
Tại Etihad cuối tuần qua, Man Utd chọn đấu pháp phản công, thay vì "chơi bóng theo cách của mình". Liệu Scott McTominay, Casemiro và Kobbie Mainoo có đủ giỏi để vượt qua hàng tiền vệ đẳng cấp nhất Châu Âu? Tất nhiên là không, vậy tại sao lại phải dại dột thử làm điều đó?!
Đấy chính là nơi Man Utd đang đứng. Đấy là đẳng cấp của đội bóng này - thua vài bậc so với Man City về khả năng chơi bóng, sự táo bạo và tính gắn kết.
Độ tuổi trung bình, tính theo số phút thi đấu, của 10 nhà vô địch Premier League gần nhất là 27. Độ tuổi đỉnh cao của cầu thủ bóng đá thường ở giai đoạn 24-28 tuổi, vì vậy không bất ngờ khi các đội bóng sở hữu nhiều cầu thủ đang ở độ tuổi đỉnh cao thường đăng quang.
Liverpool, đội đang dẫn đầu trên bảng xếp hạng Premier League có độ tuổi trung bình là 27,1. Man City đứng thứ hai có độ tuổi trung bình 27,2. Trong khi đó, Arsenal chỉ có độ tuổi 25,5.
Dữ liệu này cho thấy "Pháo thủ" thành London đang có được vị thế và tiềm lực để chinh phục đỉnh cao bóng đá Anh trong thời gian tới, đặc biệt là khi so sánh độ tuổi với Liverpool và Man City.
Man Utd lại là câu chuyện khác, cho dù trên lý thuyết, độ tuổi đội hình "Quỷ đỏ" thật lý tưởng.
Bên cạnh vấn đề từ thượng tầng, một trong những nguyên nhân chính khiến Man Utd liên tiếp thất bại trong thập niên qua là việc thường xuyên chiêu mộ ngôi sao luống tuổi: Casemiro, Nemanja Matic, Henrikh Mkhitaryan, Raphael Varane, Christian Eriksen, Alexis Sánchez, Zlatan Ibrahimovic, Bastian Schweinsteiger, Radamel Falcao, Cristiano Ronaldo và nhiều cái tên khác.
Những cầu thủ này đều đã bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp. Có thể phù hợp nếu thực hiện vài bản hợp đồng như vậy để giải quyết vấn đề ngắn hạn, ví dụ như giải khát danh hiệu. Vì thế, Man Utd chiêu mộ những cầu thủ này với kỳ vọng họ có thể tỏa sáng trong vòng 1-2 năm trước khi sa sút.
Quả thực có những trường hợp như vậy, nhưng vẫn không đủ để "Quỷ đỏ" chinh phục danh hiệu lớn. Vấn đề là hệ quả của sự đánh đổi quá lớn. Man Utd có nhiều tiền, thế nên những ngôi sao luống tuổi được hưởng đãi ngộ rất cao và không dễ gì để đẩy họ ra đi.
Casemiro, 32 tuổi và Varane, 30 tuổi, là hai trong số 11 cầu thủ được Ten Hag sử dụng nhiều nhất mùa này. Bruno Fernandes đã 29 tuổi. Scott McTominay, tiền vệ trung tâm ra sân nhiều nhất cũng 27 tuổi. Harry Maguire sắp sửa bước sang tuổi 31. Và Victor Lindelof, cầu thủ chưa bao giờ đáp ứng được kỳ vọng nhưng vẫn tồn tại ở Old Trafford, đã 29 tuổi.
Tổng kết lại, độ tuổi trung bình của Man Utd là… 26,9, độ tuổi rất đẹp để vô địch Premier League nhưng bất khả đăng quang. Nếu Arsenal cần 4 năm "nằm gai nếm mật" cùng HLV Arteta, một lựa chọn đúng, để tiến tới đẳng cấp của Man City thì Man Utd cũng cần thời gian tương tự hoặc lâu hơn cùng HLV nào đó xuất sắc như Arteta.
Ngoài ra, thực tế Man Utd chỉ có 3 cầu thủ bước vào giai đoạn đỉnh cao trong 4 năm nữa, bao gồm cầu thủ chạy cánh Alejandro Garnacho (19 tuổi), tiền đạo Rasmus Hojlund (21) và tiền vệ Kobbie Mainoo (18). Và cần nhấn mạnh, đầu tư vào ngôi sao đã khó, đầu tư vào tài năng trẻ yếu tố may rủi càng nhiều hơn.
Thế nên, để có thể tiến tới đẳng cấp của Man City chứ chưa bàn đến chuyện giành những danh hiệu cao quý, trước nhất Man Utd phải đại tu đội hình, với những cầu thủ dưới 25 tuổi và chờ đợi vài năm để lứa cầu thủ này "may mắn" trưởng thành.