Khát vọng bứt phá của thể thao Việt Nam và mục tiêu lớn ở Olympic 2024
(Dân trí) - Sau hai sân chơi mang tính bàn đạp là SEA Games và Asiad trong năm 2023, thể thao Việt Nam bước sang năm 2024 với khát vọng vươn cao ở đấu trường lớn nhất hành tinh Olympic Paris tại Pháp.
Cú chạy đà SEA Games - Asiad
Tại SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) giành 136 huy chương vàng (HCV), 105 huy chương bạc (HCB) và 118 huy chương đồng (HCĐ), xuất sắc giành vị trí số một chung cuộc, bỏ xa đoàn xếp thứ hai là Thái Lan tới 28 HCV.
Lần đầu tiên TTVN đứng đầu bảng tổng sắp trong một kỳ SEA Games được tổ chức ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đây là thành tích mang tính khích lệ rất lớn, bởi dù SEA Games là giải đấu "ao làng" nhưng có nhiệm vụ rất quan trọng, cả về chuyên môn lẫn hình ảnh, vị thế.
Người hâm mộ có lẽ không thể quên hình ảnh một Nguyễn Thị Oanh thống trị ở cả 4 nội dung mà cô tham dự. Với giới chuyên môn, họ còn "choáng váng" hơn khi "cô gái vàng" của thể thao Việt Nam giành 2 HCV ở 2 nội dung chỉ cách nhau khoảng 20 phút.
Vượt qua mọi giới hạn của bản thân, Nguyễn Thị Oanh đã làm được điều không tưởng, trở thành một trong những hình ảnh đẹp nhất ở đấu trường Đông Nam Á. Điều quan trọng, những gì mà Nguyễn Thị Oanh vượt lên khó khăn chính là nguồn cảm hứng vô tận với giới trẻ Việt Nam.
Không chỉ có Nguyễn Thị Oanh, người hâm mộ Việt Nam cũng đã rất tự hào khi được chứng kiến những chiến thắng đầy cảm xúc của kình ngư Phạm Thanh Bảo (giành 2 HCV ở nội dung 100m và 200m ếch đồng thời phá kỷ lục SEA Games), những chàng trai thể dục dụng cụ, các nữ võ sĩ xinh đẹp của Wushu, taekwondo, bóng rổ... và đặc biệt là tấm HCV thứ 8 trong lịch sử của tuyển bóng đá nữ.
Từ thành công của SEA Games, TTVN có một cú hích bước vào sân chơi Asiad. Tại Á vận hội lần thứ 19 diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc), đoàn TTVN giành được 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp ở vị trí thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương.
Ba tấm HCV của Việt Nam thuộc về Phạm Quang Huy (bắn súng), đội tuyển cầu mây nữ và đội tuyển Kata (Karate). Thành tích này giúp đoàn TTVN hoàn thành chỉ tiêu (2-5 HCV), nhưng vẫn để lại nhiều điều suy ngẫm.
So với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, TTVN cho thấy rõ những hạn chế về sức cạnh tranh. Thực tế thì đây là điều mà chúng ta đã lường trước, bởi Asiad luôn rất khốc liệt, trong khi sự đầu tư của ngành thể thao chỉ ở mức tối thiểu, khiến các nhà quản lý, huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV)… phải "giật gấu vá vai".
Dù có nhiều vấn đề về sự đầu tư, thiếu VĐV trọng điểm, ít chuyên gia chất lượng, thiết bị tập luyện lạc hậu… nhưng TTVN không thể mãi mang những lý do này để lý giải cho thất bại.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh TTVN phải trả lời được câu hỏi vì sao không có được thành tích cao ở sân chơi lớn như Asiad hay Olympic.
"Ngành thể thao cần phân tích để thấy rõ được nguyên nhân của những thành công và những tồn tại, hạn chế mà qua việc tham dự các kỳ Đại hội, gần đây nhất là tại Asiad 19, từ đó rút ra bài học cần thiết", người đứng đầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói.
"Tấn công" Olympic 2024 được không?
Sau năm 2023 với những thành công và cả mặt chưa được, TTVN bước sang năm 2024 với thử thách lớn nhất là Olympic. Đây chính là sân chơi tạo nên vị thế thực chất nhất với mỗi nền thể thao, và việc giành được huy chương là mục tiêu vô cùng khó, với ngay cả những nền thể thao phát triển.
Với TTVN, mục tiêu của chúng ta trước mắt vẫn là phấn đấu có nhiều suất tham dự Olympic. Khi đạt được về "điều kiện cần", TTVN mới có nhiều cơ hội tranh chấp huy chương.
Tính đến thời điểm này, TTVN mới tạm đạt ba suất chính thức Olympic Paris 2024 gồm môn xe đạp (Nguyễn Thị Thật), bắn súng (Trịnh Thu Vinh) và bơi (Nguyễn Huy Hoàng).
Ngành thể thao đề ra mục tiêu là giành từ 12-15 suất dự Thế vận hội, được tập trung ở các môn thế mạnh như xe đạp, bắn súng, bơi lội, điền kinh, cử tạ, thể dục dụng cụ, taekwondo, Boxing, đua thuyền, bắn cung, cầu lông…
Xa hơn, TTVN phấn đấu đến Olympic Los Angeles (Mỹ) 2028 có trên 20 VĐV giành quyền tham dự Olympic. Với sân chơi Asiad 20 tại Aichi Nagoya (Nhật Bản) 2026, TTVN phấn đấu giành từ 5-6 HCV ở các môn: bắn súng, karate, cầu mây, xe đạp, điền kinh, đua thuyền, thể thao điện tử, taekwondo, Wushu… Chuẩn bị lực lượng để có thể giành từ 7-8 HCV ở Asiad 21 tại Doha (Qatar) 2030.
Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch tổ chức Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, với rất nhiều những đóng góp ý kiến có giá trị.
Theo đánh giá của Cục Thể dục thể thao, những nguyên nhân chính khiến thể thao thành tích cao Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế là do nguồn lực về tài năng VĐV trẻ chưa nhiều; các VĐV tranh chấp thành tích trên đấu trường Olympic và Asiad chưa thực sự đạt và duy trì sự ổn định thành tích, cùng với đó là nguồn HLV nội có trình độ cao còn rất khiêm tốn, thiếu chuyên gia nước ngoài.
Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu thiếu thốn, VĐV thiếu các đợt tập huấn nước ngoài do vấn đề kinh phí, hệ thống thi đấu trong nước thiếu hiệu quả.
Những giải pháp được đưa ra nhằm giúp TTVN đi lên trong giai đoạn tới bao gồm: Quy hoạch, phân môn thể thao, xác định nội dung thế mạnh có khả năng cạnh tranh HCV ở Asiad 2026 và Olympic 2024, 2028; Hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả huấn luyện tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia; Chăm lo, cải thiện chế độ, chính sách đặc thù với HLV, VĐV; Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ y học; Đẩy mạnh xã hội hóa; Bảo đảm nguồn lực về tài chính và phát triển kinh tế thể thao.
Tuy nhiên, với kinh phí eo hẹp (khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm), việc đòi hỏi thành tích cao thực sự là một thách thức với ngành thể thao. Đề cập đến ngân sách tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp nâng tầm thể thao Việt Nam, Cục TDTT ước tính từ năm 2024-2030 cần khoảng 6.000 tỷ đồng.
Đây là số tiền nằm ngoài khả năng huy động của ngành thể thao bởi ngoài ngân sách được rót hàng năm, số tiền từ xã hội hóa rất khó thực hiện. Thế nhưng, nếu không có thay đổi, không chịu áp lực từ sự phát triển, TTVN sẽ mãi giậm chân tại chỗ, không thể bứt phá.
Olympic 2024 chỉ còn hơn nửa năm nữa sẽ khai mạc, và sự chuẩn bị của TTVN cần phải nghiêm túc, khẩn trương hơn, cùng với đó là những kế hoạch dài hơi để sẵn sàng cho cuộc bứt phá trong tương lai.