1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

"Hội nghị Diên Hồng" của thể thao Việt Nam và bài học từ Asiad 19

Trọng Vũ

(Dân trí) - Hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH,TT&DL) chủ trì sắp được tổ chức, nhằm nhìn thẳng vào điểm yếu, cũng như tìm ra lối ra cho thể thao Việt Nam, hướng đến đấu trường châu lục.

Bài học từ Asiad 19

Thể thao Việt Nam (giành 3 huy chương vàng) thua xa một loạt đối thủ Đông Nam Á ở Asiad 19, cho dù ngay trước đó, chúng ta đứng đầu 2 kỳ SEA Games liên tiếp 2022 và 2023.

Việc bỏ xa các đối thủ trong khu vực ở đấu trường SEA Games, nhưng lại thua xa Thái Lan (12 HCV), Indonesia (7 HCV), Malaysia (6 HCV) tại Asiad đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả trong đầu tư của thể thao Việt Nam, xung quanh mục tiêu hướng ra châu lục và thế giới?

Hội nghị Diên Hồng của thể thao Việt Nam và bài học từ Asiad 19 - 1

Thể thao Việt Nam đầu tư thiếu hiệu quả, khiến cho thành tích ở nhiều môn rất thất thường (Ảnh: Tuấn Bảo).

Cũng từ việc đoàn thể thao Việt Nam không thành công tại Asiad, Bộ VH-TT&DL sẽ tổ chức một hội nghị mang tính chất "Hội nghị Diên Hồng" lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, những người tâm huyết với thể thao nước nhà. Hội nghị này nhằm tìm ra giải pháp và định hướng đúng cho thể thao Việt Nam, hướng ra các đấu trường lớn, cụ thể là Asiad và Olympic.

Hội nghị này cũng nhìn thẳng vào những khó khăn và những mặt hạn chế của ngành thể thao. Khó khăn không thể phủ nhận về nguồn kinh phí đầu tư cho thể thao, xét trong bối cảnh chung của nền kinh tế đất nước.

Khó khăn khác liên quan đến vấn đề tầm vóc và thể chất của người Việt Nam so với tầm châu Á và thế giới, khi thi đấu các môn thể thao đòi hỏi thể chất.

Tuy nhiên, khi nói về những khó khăn, "Hội nghị Diên Hồng" của bóng đá Việt Nam có lẽ cũng không thể không nhìn thẳng vào chuyện khó khăn khách quan là một chuyện, khó khăn chủ quan lại là chuyện khác.

Hội nghị Diên Hồng của thể thao Việt Nam và bài học từ Asiad 19 - 2

Bàn về khó khăn của thể thao Việt Nam, có cả những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan (Ảnh: Tuấn Bảo).

Ví dụ như câu chuyện các VĐV bóng bàn trẻ khi tập trung đội tuyển bị cắt xén khẩu phần ăn nghiêm trọng. Sự việc cho thấy tiền đầu tư cho thể thao là một chuyện, những người làm công tác "trồng người", những người nắm trong tay tương lai của thể thao nước nhà có thật sự tâm huyết và có thật sự vì sự phát triển chung hay không, lại là chuyện khác.

Bên cạnh đó khi xét về mặt thể trạng, về tố chất, các vận động viên (VĐV) đến từ Indonesia, từ Malaysia và Thái Lan chưa hẳn hơn các VĐV Việt Nam, nhưng họ thành công hơn hẳn ở đấu trường Asiad, thành tích của họ ổn định hơn hẳn. Vậy nguyên nhân do đâu?

Cần sự thay đổi về thực chất

Câu chuyện thể thao Việt Nam chiếm vị trí độc tôn ở đấu trường SEA Games, nhưng thua xa các đối thủ cùng khu vực ở Asiad và xa hơn nữa là Olympic, cho thấy việc đầu tư của chúng ta vẫn mang tính dàn trải, thiếu trọng điểm.

Việc thiếu trọng điểm này thể hiện qua việc từ khi thể thao Việt Nam giành tấm HCV đầu tiên (của võ sĩ Taekwondo Trần Quang Hạ) tại Asiad năm 1994 ở Hiroshima (Nhật Bản), gần như cứ qua mỗi kỳ Asiad khác nhau, thể thao Việt Nam lại có một môn khác nhau lãnh trách nhiệm giành HCV.

Hội nghị Diên Hồng của thể thao Việt Nam và bài học từ Asiad 19 - 3

Đầu tư có trọng điểm để thể thao Việt Nam luôn có thế mạnh ở một số môn truyền thống, như môn bắn súng, võ thuật, cử tạ hạng cân nhẹ... (Ảnh: Quý Lượng).

Thể thao Việt Nam, vì thế, không có thế mạnh truyền thống, những thế mạnh có thể đảm bảo HCV qua các thời kỳ khác nhau, khi xung trận ở các đại hội lớn. Từ đó, cũng phần nào phản ánh sự thiếu trọng điểm và thiếu xuyên suốt trong vấn đề đầu tư của ngành thể thao nước nhà.

Ví dụ như môn bắn súng sau khi có HCV tại Olympic Rio (Brazil) năm 2014, tận đến năm 2023 chúng ta mới có HCV Asiad. Dù theo sự hình dung của nhiều người, môn bắn súng lẽ ra phải có HCV Asiad từ sớm hơn.

Hoặc như môn cử tạ, thể thao Việt Nam từng rất mạnh ở môn này, từng có HCV Asiad và huy chương tại Olympic. Nhưng cử tạ ở Asiad 19 gần như không còn đủ sức cạnh tranh với đối thủ ngay trong khu vực Indonesia. Đấy cũng là vấn đề cần được làm rõ trong công tác đầu tư.

Bắn súng, cử tạ, võ thuật ở các nội dung đối kháng các hạng cân nhẹ… là những môn không đòi hỏi quá nhiều về mặt thể chất, phù hợp với thể trạng và tố chất của VĐV Đông Nam Á nói chung, VĐV Việt Nam nói riêng.

Tại sao những môn này lại không có được sự ổn định để cạnh tranh liên tục, không phải là những môn mạnh truyền thống của thể thao Việt Nam ở các đấu trường lớn, dù chúng ta hoàn toàn có tiềm năng?

Cách đầu tư dàn trải, quá tập trung vào huy chương ở SEA Games khiến cho thể thao Việt Nam trở nên hụt hơi, khi bước ra đấu trường ở đẳng cấp cao hơn. Nguồn lực đầu tư của thể thao Việt Nam có hạn, khi đa phần vẫn đang dựa vào ngân sách (mỗi năm 800-900 tỷ đồng), tỷ lệ xã hội hóa hoặc chuyên nghiệp hóa chưa nhiều. 

Vì vậy, thể thao Việt Nam rất cần định hướng đúng, đầu tư đúng trọng điểm, thay vì dàn trải. Thay đổi chiến lược đầu tư, vừa tránh lãng phí, vừa có thể giúp tăng tỷ lệ thành công, tăng tính ổn định của thể thao Việt Nam khi hướng ra đấu trường lớn.

Hội nghị Diên Hồng của thể thao Việt Nam và bài học từ Asiad 19 - 4