1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Thể thao Việt Nam quyết tấn công vào đấu trường Asiad và Olympic

Trọng Vũ

(Dân trí) - Tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 diễn ra chiều 21/12, Thể thao Việt Nam đặt ra chỉ tiêu giành 5-6 HCV ở Asiad 2026 và 7-8 HCV tại Asiad 2030.

Nhìn thẳng vào thực trạng và tìm ra giải pháp

Đây được xem là "Hội nghị Diên Hồng" của thể thao Việt Nam, tìm định hướng đúng cho thể thao thành tích cao nước nhà ở các kỳ đại hội lớn tầm châu Á và thế giới.

Trước đó, đã xuất hiện thực tế buồn là thể thao Việt Nam liên tục dẫn đầu tại các kỳ SEA Games, với số lượng huy chương, nhất là HCV bỏ xa phần còn lại của Đông Nam Á. Thế nhưng, sau Asiad 19 vừa kết thúc tại Hàng Châu (Trung Quốc) hồi tháng 9, thành tích của chúng ta kém nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Thể thao Việt Nam quyết tấn công vào đấu trường Asiad và Olympic - 1

Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam đến năm 2030, diễn ra chiều 21/12 (Ảnh: T.H).

Chính vì thế, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao (TDTT), ông Đặng Hà Việt chia sẻ: "Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, thể thao thành tích cao Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ nét, khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á và bước đầu tiếp cận trình độ thể thao của châu lục và thế giới".

"Tuy nhiên, sự phát triển thể thao thành tích cao của nước ta so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn cần đổi mới tư duy và cách làm thể thao thành tích cao.

Thực tiễn qua kỳ Olympic 2020 (diễn ra năm 2021 tại Nhật Bản), Asiad các năm 2018 và 2023 gần đây cũng chỉ ra rằng, đã tới lúc thể thao Việt Nam tiếp tục cần có sự nhìn nhận mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao.

Nếu chúng ta không thay đổi cách đầu tư thì rất khó hướng tới Asiad và Olympic trong giai đoạn tới", Cục trưởng Cục TDTT, ông Đặng Hà Việt nhận định.

Từ thực trạng trên cho thấy thể thao thành tích cao của Việt Nam cần có sự điều chỉnh, nhằm đáp ứng với những thay đổi của điều kiện thực tế, giúp cho các vận động viên (VĐV) nâng cao năng lực cạnh tranh tại Olympic và Asiad.

Thể thao Việt Nam quyết tấn công vào đấu trường Asiad và Olympic - 2

Thể thao Việt Nam cần thay đổi cách đầu tư (Ảnh: Quý Lượng).

Hiến kế cho Hội nghị, GS.TS Lâm Quang Thành (nguyên Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục TDTT, nay là Cục TDTT) phát biểu: "Muốn phát triển thể thao thành tích cao, chúng ta phải đổi mới sáng tạo. Đưa khoa học công nghệ (KHCN) vào phục vụ trực tiếp việc phát triển thể thao thành tích cao, đặc biệt là lực lượng VĐV đỉnh cao".

Trong khi đó, GS.TS Lê Quý Phượng và chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao thuộc Tổng cục TDTT, nay là Cục TDTT) nêu ra vấn đề chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc y tế, chế độ cho vận động viên (VĐV) thành tích cao…

Các giải pháp này nhằm cải thiện thực trạng khó khăn hiện nay của nhiều VĐV khi theo đuổi đam mê thể thao, cũng như kéo dài tuổi nghề, góp phần nâng cao thành tích của các VĐV.

Tấn công thẳng vào các đấu trường tầm châu Á và thế giới

Có một chi tiết được trình bày tại Hội nghị chiều 21/12, thể hiện ngành thể thao Việt Nam sẵn sàng từ bỏ tư duy "ao làng" SEA Games, hướng thẳng đến đấu trường Asiad và Olympic, đó là chúng ta sẽ không dàn trải để tìm ngôi đầu SEA Games bằng mọi giá.

Thay vào đó, thể thao Việt Nam sẽ quyết liệt đầu tư vào các môn thể thao cơ bản, thường xuyên xuất hiện tại Asiad và Olympic.

Thể thao Việt Nam quyết tấn công vào đấu trường Asiad và Olympic - 3

Thể thao Việt Nam sẽ hướng đến việc chinh phục thành tích tại Asiad và Olympic (Ảnh: Quý Lượng).

Cục TDTT đề ra các mục tiêu, bao gồm mục tiêu tổng quát mang tính dài hạn và các mục tiêu cụ thể ngay trước mắt. Ví dụ như tại Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam phấn đấu có từ 15-18 VĐV vượt qua vòng loại, giành quyền tham dự Olympic.

Các môn có mặt tại Olympic Paris vào năm sau, được nhắm đến gồm xe đạp, bắn súng, bơi, điền kinh, cử tạ, thể dục dụng cụ, taekwondo, boxing, đua thuyền, bắn cung, cầu lông.

Sau đó, đến Olympic Los Angeles 2028, thể thao Việt Nam phấn đấu có trên 20 VĐV vượt qua vòng loại.

Còn đối với đấu trường Asiad. Ở kỳ Á vận hội lần thứ 20 vào năm 2026 (Aichi-Nagoya, Nhật Bản), chúng ta phấn đấu giành từ 5-6 HCV ở các môn bắn súng, karate, cầu mây, xe đạp, điền kinh, đua thuyền, thể thao điện tử, taekwondo, Wushu. Tiếp nữa, sau đó 4 năm, chúng ta đặt mục tiêu giành từ 7-8 HCV tại Asiad 21 Doha (Qatar) 2030.

Riêng ở các kỳ SEA Games năm 2025, 2027 và 2029, thể thao Việt Nam chỉ hướng đến việc giữ vị trí trong top 3 toàn đoàn, top 2 đối với các môn thể thao Olympic. Tận dụng cơ hội thi đấu tại SEA Games để phát triển lực lượng, chuẩn bị cho Asiad và Olympic.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng phát biểu: "Bộ yêu cầu Cục TDTT tập trung huy động tất cả các nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, về đích trước thời hạn. Từ đó sẽ đánh giá lại một cách toàn diện về sự phát triển của thể thao quần chúng cũng như thể thao thành tích cao.

Tìm kiếm giải pháp huy động các nguồn lực, xem xét nhiều góc độ để tập trung thực hiện chiến lược phát triển thể thao một cách bài bản, khoa học, nhằm góp phần cải thiện thành tích của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Ngành thể thao có ước mơ, có khát vọng thì hãy thức dậy, hãy tỉnh giấc để hành động, biến giấc mơ thành hiện thực", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm