(Dân trí) - Đội tuyển Brazil đã thất bại bởi đôi bàn tay của thủ môn Dominik Livakovic ư? Không. Họ đã gục ngã trước tinh thần bất diệt của những con người tới từ đất nước nhỏ bé Croatia.
Đội tuyển Croatia hạ gục Brazil: Thiên anh hùng ca bất tử ở xứ Balkan
Đội tuyển Brazil đã thất bại bởi đôi bàn tay của thủ môn Dominik Livakovic ư? Không. Họ đã gục ngã trước tinh thần bất diệt của những con người tới từ đất nước nhỏ bé Croatia.
Dùng trứng chọi thắng đá
"Chúng tôi chỉ như vùng ngoại ô, đặt cạnh thành phố lớn" - HLV Zlatko Dalic so sánh Croatia với Brazil trước trận đại chiến ở tứ kết World Cup 2022. Thậm chí, nếu so với quy mô, Croatia chỉ bằng một bang nhỏ của Brazil. Ông Dalic tiếp tục so sánh: "Brazil có dân số 200 triệu người. Chúng tôi chỉ có 4 triệu người".
Chỉ tính riêng ở châu Âu, hơn 30 quốc gia có dân số nhiều hơn so với Croatia. Thế nhưng, trong dòng chảy của thời gian, Croatia là quốc gia bất khuất. Họ đã bước qua đau thương của lửa đạn chiến tranh, không ngừng bám rễ vào đất để tạo nên sức sống mới. Đó là lý do Croatia kiên cường tới vậy.
"Đừng bao giờ đánh giá thấp Croatia. Chúng tôi là một quốc gia nhỏ, nhưng chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc" - HLV Dalic đã nói sau chiến thắng trước Nhật Bản. Đó dường như cũng là tuyên ngôn của những người Croatia trong xuyên suốt chiều dài lịch sử. Một quốc gia non trẻ nhưng bất khuất.
Trong đà hưng phấn, HLV Dalic còn tuyên bố: "Đội bóng này phản ánh tinh thần của những người Croatia. Chúng tôi siêng năng, chăm chỉ, chiến đấu vì những mục tiêu cao cả. Lịch sử sẽ lặp lại".
Thật vậy, nếu đặt "vùng ngoại ô" Croatia bên cạnh "thành phố lớn" Brazil, mọi thứ thật khập khiễng. Nó không khác gì trứng chọi đá (không bàn tới chất lượng cầu thủ). Nhưng trong một ngày đẹp trời tại Qatar, quả trứng khi được thổi hồn tinh thần chiến đấu bất diệt cũng có thể khiến hòn đá vỡ vụn.
Nhiều quan điểm cho rằng Brazil đã thua bởi đôi bàn tay của thủ môn Dominik Livakovic. Nhưng không, Selecao đã bị khuất phục bởi tinh thần Croatia. Với những đội bóng khác, việc để thủng lưới ở hiệp phụ, từ tình huống Neymar đã rê qua cả Livakovic thực sự là cú sốc tinh thần. Thế nhưng, những con người "không thể khuất phục" của Croatia vẫn đứng vững và xuất sắc vượt qua thử thách ấy.
Tinh thần của Croatia phản chiếu qua nét mặt đầy sức chiến đấu của Luka Modric, cầu thủ đang chống lại sự khắc nghiệt thời gian ở tuổi 37. Trên mảnh đất Nga 4 năm trước, Modric đã chiến đấu như một chiến binh để đưa Croatia vào chung kết. 4 năm sau, vẫn là người thủ quân ấy gồng mình trước phong ba bão táp với sức chiến đấu đáng nể.
Modric sinh ra trong thời kỳ khắc khổ nhất của Croatia, khi phải tị nạn vì cuộc chiến. Cầu thủ này đã tận mắt thấy ông nội bị bắn chết. Tuổi thơ của Modric là những tháng ngày chiến đấu với tử thần, khi bom đạn có thể cướp đi tính mạng của bất kỳ ai. Thưở lên 5 tuổi, Modric đã một mình chăn cừu và chống lại sự tấn công của chó sói.
Thế hệ sau này của nhiều cầu thủ Croatia may mắn hơn so với Modric. Họ lớn lên khi mưa bom bão đạn đã tắt. Nhưng tinh thần bất diệt của người dân Croatia vẫn còn đó. Nó giống như một "liều doping" dễ bị lan tỏa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngay trong những bài học đầu đời, họ đã hiểu được sự khắc nghiệt mà cha ông từng trải qua. Thứ tinh thần ấy được nung nấu qua từng trái tim non nớt cho tới khi trưởng thành. Họ luôn sống và chiến đấu như những chiến binh thực thụ.
Con đường khẳng định bản sắc dân tộc
Làm thế nào mà đất nước nhỏ bé Croatia có thể sản sinh ra nhiều cầu thủ xuất sắc tới vậy? Vấn đề này được tác giả Loïc Trégourès lý giải trong cuốn Football dans le Chaos yougoslave (Bóng đá Nam Tư hỗn loạn).
Ông giải thích: "Bóng đá đã chiếm một vị trí đặc biệt trong quá trình xây dựng nước Croatia độc lập. Tổng thống Franjo Tudjman, một người hâm mộ bóng đá, đã sử dụng môn thể thao này như một cách để đất nước khẳng định bản sắc dân tộc khi tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư cũ".
Ngay trong giải đấu đầu tiên là Euro 1996, các cầu thủ Croatia đã ra sân với nhiệm vụ cần phải chứng minh rằng họ tồn tại và đất nước của họ có quyền tồn tại. Cho tới ngày nay, nó vẫn là tuyên ngôn của người Croatia. Thông điệp trên đã được Luka Modric nhắc lại: "Việc được khoác áo và chiến đấu cho đội tuyển Croatia là điều thiêng liêng".
Bóng đá Croatia may mắn được thừa hưởng những nét tinh túy của bóng đá Nam Tư trước đây. Ông Loïc Trégourès giải thích thêm: "CLB Dinamo Zagreb biết cách "sản xuất" cầu thủ. Họ đào tạo ra những lứa kiệt xuất, rồi bán đi để kiếm tiền. Không phải nơi nào cũng có thể làm được điều đó".
Luka Modric, Mateo Kovacic, Andrej Kramaric và Dejan Lovren đều là những sản phẩm của lò đào tạo trẻ Dinamo Zagreb. Như Andrej Kramaric tâm sự: "Lò đào tạo trẻ của Dinamo Zagreb thuộc nhóm tốt nhất ở châu Âu thời điểm này. Nếu có cầu thủ lọt vào đội một, anh ta sẽ được trang bị mọi thứ cần thiết để vươn ra chơi bóng ở những CLB hàng đầu châu Âu".
Người Croatia mê mẩn bóng đá. Chính vì thế, niềm đam mê bóng đá luôn được bồi đắp qua từng thế hệ. Như Luka Modric thừa nhận: "Bóng đá là thứ duy nhất giúp chúng tôi thoát khỏi thực tế tàn khốc trước mặt". Nhưng với thế hệ sau thì khác. Tình yêu bóng đá là sự tiếp nối và là "ngôn ngữ" giúp đất nước Croatia khẳng định mình. Vedran Ćorluka chia sẻ: "Khi bạn lớn lên một chút, cha của bạn sẽ tặng món quà đầu tiên là trái bóng. Bóng đá cứ như thế trở thành máu chảy trong tim của tôi. Trên đường phố, bạn dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ say mê với trái bóng".
Cũng bởi lẽ đó, Croatia là quốc gia duy nhất thuộc Nam Tư cũ có thể phát triển môn thể thao này lên tới đỉnh cao. Chẳng có thành công nào là ngẫu nhiên. Nó là kết quả của sự bồi đắp và phát triển rực rỡ.
Trái bóng chính là ngôn ngữ để đất nước nhỏ bé này khẳng định mình. Mỗi cầu thủ không chỉ đơn thuần tham dự giải đấu nào đó, mà họ còn đang thực hiện nghĩa vụ dân tộc. Họ tự hóa thân thành những chiến binh thực sự và không đầu hàng trước bất kỳ khó khăn nào.
H.Long