DNews

Chuyên gia: "Trọng tài V-League non nớt, nhưng HLV cần tôn trọng cuộc chơi"

Trọng Vũ

(Dân trí) - Cựu Phó chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm bình luận một số trọng tài V-League còn non nớt, dẫn đến tranh cãi. Tuy nhiên, không ít huấn luyện viên (HLV) lại đang phản ứng quá đà.

Chuyên gia: "Trọng tài V-League non nớt, nhưng HLV cần tôn trọng cuộc chơi"

Ngoài cương vị là cựu Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF, ông Dương Vũ Lâm còn từng giữ cương vị trưởng Ban trọng tài Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ông Lâm vì thế vừa có chuyên môn bóng đá, vừa có kinh nghiệm trong việc điều hành công tác trọng tài.

Không chỉ từng điều hành giới trọng tài Việt Nam, ông Dương Vũ Lâm trong khoảng thời gian giữ vị trí Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), còn là trưởng ban điều hành công tác trọng tài của bóng đá khu vực.

Chính vì thế, ông Lâm không xa lạ cách thức cũng như nguyên nhân dẫn đến phản ứng của các đội bóng, nhằm vào trọng tài trong thời gian gần đây. Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 18/2, ông Dương Vũ Lâm bình luận về những phản ứng này.

Chuyên gia: Trọng tài V-League non nớt, nhưng HLV cần tôn trọng cuộc chơi - 1

Vòng 13 V-League khép lại với hình ảnh nhiều HLV tranh cãi dữ dội với trọng tài (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Trọng tài non nớt, nhưng một số HLV đang phản ứng quá giới hạn

Ông đánh giá thế nào về phản ứng mạnh của một số HLV tại giải V-League, nhằm vào các trọng tài trong ít ngày qua?

- Đầu tiên, những phản ứng này có thể xuất phát từ chuyện trọng tài mắc lỗi nhận định trong quá trình các trận đấu diễn ra. Thứ hai là các trận đấu, các vòng đấu dần đi vào giai đoạn căng thẳng, nên một số HLV cũng căng thẳng và mất bình tĩnh sau các tình huống nhận định của trọng tài, được HLV đánh giá rằng có lỗi, gây thiệt hại cho đội bóng của họ.

Hơn nữa, chúng ta không xa lạ cảnh một vài HLV ở V-League có rất nhiều chiêu trò khi đứng trên sân. Đôi khi họ phản ứng trọng tài để gây áp lực lên các "vua sân cỏ", đặc biệt là khi những HLV này phát hiện ra các trọng tài non nớt về mặt kinh nghiệm và bản lĩnh. Và thú thật, những trọng tài non nớt tại V-League hiện nay không ít.

Đây cũng là điều không xa lạ trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp toàn cầu, ví dụ như HLV Jose Mourinho (người Bồ Đào Nha) rất hay phản ứng. Có khi những phản ứng đấy chưa hẳn vì trọng tài sai, mà vì ông ấy muốn tác động tâm lý lên những trọng tài "non tay".

Tuy nhiên, nếu HLV đã chấp nhận phản ứng đến cùng với trọng tài, một khi phản ứng đó sai hoặc đi quá giới hạn, thì bản thân các HLV cũng nên chuẩn bị sẵn tâm lý bị cấm chỉ đạo một vài trận, đấy mới là công bằng.

Chuyên gia: Trọng tài V-League non nớt, nhưng HLV cần tôn trọng cuộc chơi - 2

Trọng tài Nguyễn Viết Duẩn là người bị HLV Lê Đức Tuấn của SHB Đà Nẵng phản ứng ở vòng 13 (Ảnh: SHB Đà Nẵng FC).

Theo ông, liệu có biện pháp nào để lập lại trật tự trên sân cỏ trong nước, để điều chỉnh những HLV thích phản ứng thái quá hay không?

- Những án phạt nghiêm khắc từ Ban tổ chức (BTC) giải chính là sự răn đe dành cho các HLV. Mọi HLV đều sợ các án phạt. Vì nếu HLV bị cấm chỉ đạo có thời hạn, bản thân ông ta chịu thiệt, đội bóng của ông ta sẽ chịu thiệt thòi theo.

Tôi lấy ví dụ, HLV Velizar Popov của CLB Thanh Hóa thường xuyên phản ứng trọng tài theo hướng lặp đi lặp lại. Như tôi đã phân tích, có thể vị HLV này có chiêu để gây áp lực lên trọng tài, cũng có thể trọng tài non nớt và đôi khi xử lý không chuẩn, nhưng bất kỳ điều gì quá đà cũng không tốt.

HLV phản ứng trọng tài, đánh giá trọng tài chưa làm đúng về luật thì trước tiên vị HLV đấy cũng phải tôn trọng luật chơi, đằng này cứ lao ra phản ứng thì còn gì là trật tự? Chưa kể HLV mang cương vị là người quản lý, là cấp trên mà mất bình tĩnh, thì làm sao để họ kêu gọi các cầu thủ trong sân bình tĩnh để thi đấu cho được!

V-League bây giờ có công nghệ VAR, trọng tài có muốn "ăn gian" trắng trợn, có muốn đổi trắng thay đen cũng không được. Nếu mọi thành phần tham gia tạo nên các trận đấu, tạo nên giải đấu đều phản ứng theo kiểu mất kiểm soát như một vài HLV thích phản ứng thì giải đấu sẽ đi về đâu?!

Tăng cường chuyên môn và bản lĩnh cho trọng tài

Về phía các trọng tài, có cách nào để giới trọng tài ít bị phản ứng?

- Bản thân từng trọng tài cần rèn luyện về chuyên môn, rèn luyện về thể lực để theo kịp tốc độ của các trận đấu mà họ điều khiển. Nâng cao bản lĩnh, dám làm dám chịu, dám quyết định những tình huống khó để vượt qua sự non nớt của chính mình.

Chuyên gia: Trọng tài V-League non nớt, nhưng HLV cần tôn trọng cuộc chơi - 3

Giới trọng tài Việt Nam cần được tăng cường chuyên môn và bản lĩnh (Ảnh: Hải Long).

Thật ra, giới trọng tài hiện nay có lợi thế hơn nhiều so với các đồng nghiệp, lợi thế hơn nhiều so với các đàn anh của họ trước đây. Đó là giới trọng tài hiện tại được sự hỗ trợ của công nghệ VAR, mỗi quyết định khó của họ trên sân vẫn có cơ hội sửa sai ngay lập tức, nhờ các đồng nghiệp trong phòng VAR xem lại tình huống, rồi tư vấn cho trọng tài ngay tại chỗ.

Thế thì các trọng tài ngại gì không dám quyết định. Sau khi rèn luyện chuyên môn và thể lực tốt, các trọng tài sẽ tự tin lên. Hơn nữa, một khi từng trọng tài đi lên bằng năng lực chuyên môn, thay vì dựa dẫm, giới bóng đá sẽ nhìn họ bằng cặp mắt tôn trọng hơn, từ đó những phản ứng nhằm vào những trọng tài phát triển nhờ chuyên môn, tự động sẽ ít đi.

Có tấm gương nào của chính giới trọng tài Việt Nam trong quá khứ, mà những trọng tài trẻ hiện nay có thể học hỏi về chuyên môn, về bản lĩnh điều hành các trận đấu không, thưa ông?

- Các cựu trọng tài FIFA Võ Minh Trí, Hoàng Anh Tuấn, trước nữa là Dương Văn Hiền đều là những trọng tài giỏi của bóng đá Việt Nam trước đây. Khi điều hành một trận đấu, sự bản lĩnh của chính các trọng tài này giúp họ nhận được sự tôn trọng của giới cầu thủ và HLV trong nước.

Đặc biệt là cựu trọng tài Võ Minh Trí, cậu ấy từng thuộc nhóm trọng tài Elite (nhóm trọng tài có trình độ tốt nhất) châu Á. Tôi nhớ ngày Võ Minh Trí còn làm trọng tài, cậu ta rèn luyện thể lực rất tốt, rất chuyên cần. Cậu ta không tập luyện gian dối, không kiểm tra gian dối.

Sự nghiệp của trọng tài Võ Minh Trí kéo dài và nhiều thành tựu cũng nhờ sự chuyên cần này. Những thành tựu mà cậu ta đạt được trong sự nghiệp trọng tài của mình đều là thật chất, đều nhờ năng lực thực.

Đừng đổ hết trách nhiệm khi thất bại lên giới trọng tài

Có nghĩa là để giải đấu tốt hơn, cần sự cố gắng từ nhiều phía, các trọng tài nỗ lực để tăng cường chuyên môn, còn các đội bóng, các HLV cũng phải tăng cường tính chuyên nghiệp của mình?

- Chúng ta cần khách quan ở chỗ, giải V-League đang có những dấu hiệu tốt lên. Những nhà điều hành bóng đá Việt Nam, những nhà điều hành các giải đấu trong nước cho thấy nỗ lực của họ trong thời gian qua.

Chuyên gia: Trọng tài V-League non nớt, nhưng HLV cần tôn trọng cuộc chơi - 4

Trọng tài FIFA Ngô Duy Lân là một trong những trọng tài tốt nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay (Ảnh: Đỗ Minh Quân).

Một trong những nỗ lực rất lớn để nâng chất V-League, liên quan đến công tác trọng tài, là áp dụng công nghệ VAR, rồi "phủ sóng" 100% công nghệ này ở các trận đấu tại V-League.

Đã là bóng đá thì không thể tránh khỏi những tranh cãi, bản thân VAR cũng chưa chắc đúng 100%, điều này xảy ra trên khắp thế giới, chứ không riêng gì ở V-League. Nhưng công nghệ này giúp cho tất cả các bên có cảm giác công bằng nhất trong khả năng có thể, giúp cho các bên có liên quan, kể cả khán giả có công cụ để giám sát giới trọng tài.

Có nghĩa là đôi khi một vài đội bóng, một vài nhà chuyên môn chậm chuyển đổi cho phù hợp với thực tế, chứ không phải là do nhà điều hành hay do trọng tài?

- Khi đã có công nghệ VAR, việc phản ứng thái quá nhằm vào giới "vua sân cỏ", theo tôi, không nên chút nào, vì bóng đá hiện tại đã khác xưa.

Ở một số giải đấu quốc tế lớn, người ta còn phạt thẻ bất cứ cầu thủ nào không phải là đội trưởng lao đến phản ứng trọng tài. Nguyên nhân là các tình huống căng thẳng nhất đã có VAR xem xét, thì tranh luận càng nhiều chỉ càng tốn thời gian bóng lăn trong cuộc, tốn thời gian thưởng thức trận đấu của khán giả.

Ngoài ra, nếu các HLV đã dám phản ứng mạnh, thì cũng nên dám chịu trách nhiệm về phản ứng của mình, đó cũng là cách chuyển biến cho phù hợp với xu thế mới. Như tôi đã nói, bất cứ việc gì cũng phải có giới hạn theo khuôn khổ của luật chơi, vượt ra khỏi khuôn khổ đó, phải chịu phạt.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!