Chuyên gia: "Quần vợt Việt Nam không có nhiều nhân tố như Lý Hoàng Nam"
(Dân trí) - HLV đội tuyển quần vợt Việt Nam, Trương Quốc Bảo đánh giá tổng quan làng banh nỉ nước ta trong năm 2024. Ông Bảo cũng nói về triển vọng của các tay vợt Việt Nam ở các giải quốc tế.
Quần vợt Việt Nam sẽ có một năm 2024 bận rộn. Riêng trong những ngày đầu năm mới, đội tuyển quần vợt nam Việt Nam vừa trải qua trận play-off tranh vé lên nhóm 2 Davis Cup 2024 với đội tuyển Nam Phi.
HLV trưởng đội tuyển quần vợt Việt Nam, ông Trương Quốc Bảo trao đổi với phóng viên Dân trí, có cái nhìn toàn cảnh về quần vợt nước nhà trong năm mới 2024.
Một năm hứa hẹn bận rộn
Ông đánh giá thế nào về cơ hội của đội tuyển quần vợt nam Việt Nam tại Davis Cup 2024?
- Năm ngoái, chúng ta biết rằng đội tuyển Việt Nam dự Davis Cup vắng mặt Lý Hoàng Nam. Đội tuyển khi đó gồm Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Đắc Tiến, Nguyễn Văn Phương, Vũ Hà Minh Đức. Họ có triển vọng, bằng chứng là họ giúp đội tuyển có vé dự vòng đấu play-off lên nhóm 2, nhưng họ vẫn còn khoảng cách trình độ nhất định so với Lý Hoàng Nam.
Năm nay, Lý Hoàng Nam trở lại đội tuyển ở trận play-off tranh vé thăng hạng. Dĩ nhiên, việc cậu ấy có mặt không thể đảm bảo đội tuyển thắng mọi đối thủ, nhưng sẽ giúp đội tuyển có khả năng cạnh tranh thành tích tốt hơn. Còn về định hướng cho tương lai, chúng ta sẽ đưa một vài tay vợt trẻ vào đội tuyển.
Còn về đội tuyển quần vợt nữ thì sao, năm qua đội tuyển nữ cũng tham dự Billie Jean King Cup (trước đây mang tên Fed Cup, là giải đồng đội nữ thế giới, tương tự như Davis Cup của nam)?
- Thú thật, thực lực của đội tuyển quần vợt nữ Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với các đối thủ. Ngay cả khi so với các đội tuyển trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta vẫn còn có khoảng cách so với họ.
Tôi có thể nói hình tượng như thế này, nếu đội tuyển nữ Việt Nam không sử dụng các tay vợt Việt kiều, khi so sánh với các đội như Thái Lan, Indonesia, Philippines, chúng ta chỉ khoảng 3/10 so với họ. Có thêm các tay vợt Việt kiều, đội tuyển nữ Việt Nam khoảng 7/10 hoặc 8/10 so với họ. Tức là có thể tranh chấp, nhưng vẫn ở thế yếu hơn.
Việc đầu tư cho các tay vợt nữ luôn là bài toán khó, trong việc tìm nhà tài trợ, thuyết phục gia đình vận động viên (VĐV), rồi khó khăn còn đến từ chính quyết định lựa chọn nghề nghiệp của VĐV trong nước, đến từ quyết định của chính các VĐV nữ. Chính vì thế, thành tích của quần vợt nữ Việt Nam ở các giải quốc tế vài năm qua chưa ổn định.
Đi tìm Lý Hoàng Nam tiếp theo cho quần vợt Việt Nam
Quay trở lại với các sân chơi cá nhân, năm nay Lý Hoàng Nam có cơ hội để cải thiện thứ hạng của mình trên bảng xếp hạng ATP không, thưa ông?
- Cơ hội luôn luôn có, chỉ là thăng tiến tới đâu. Chúng ta đã biết Lý Hoàng Nam đã rơi ra ngoài top 500 thế giới, tức nằm ngoài nhóm các tay vợt đủ điều kiện để thi đấu vòng loại các giải Grand Slam (trong top 250 ATP mới được dự vòng loại các giải Grand Slam).
Hiện tại, Lý Hoàng Nam đang thi đấu các giải Challenge để tích điểm. Nhưng ở các giải Challenge, phải lọt vào vòng tứ kết trở về sau mới được cộng nhiều điểm, nhưng điều này cũng không dễ. Năm qua, Lý Hoàng Nam cũng không nhiều lần tiến xa hơn vòng tứ kết các giải thuộc hệ thống Challenge.
Ngược lại, nếu thi đấu các giải thuộc Men's Future, khả năng tiến xa sẽ cao hơn, nhưng số điểm được cộng khá ít. Khi đó, Lý Hoàng Nam hay bất kỳ tay vợt nào khác buộc phải đánh nhiều giải, sẽ tốn sức và tốn thời gian hơn nhiều.
Phía sau Lý Hoàng Nam và nhóm các tuyển thủ quốc gia, quần vợt nam có nhân tố nào vừa trẻ vừa giàu triển vọng?
- Nhóm các tay vợt trẻ hứa hẹn, theo tôi nổi bật nhất là Vũ Hà Minh Đức (sinh năm 2003). Đây là tay vợt vừa vô địch quốc gia. Ngoài ra, chúng ta có Từ Lê Khánh Duy (cũng sinh năm 2003) và Nguyễn Minh Phát (17 tuổi).
Tuy nhiên, họ vẫn còn quá trẻ, trình độ vẫn còn cách xa so với Lý Hoàng Nam. Quần vợt Việt Nam vào lúc này không dễ tìm ra một nhân tố đặc biệt như Lý Hoàng Nam. Các tay vợt trẻ này dĩ nhiên chưa thể thi đấu các giải lớn. Họ chủ yếu sẽ tranh tài ở các giải có quy mô vừa phải, ví dụ như một số giải đấu thường được tổ chức ở Thái Lan.
Vậy, để tìm ra một Lý Hoàng Nam mới, hoặc để phát triển các tay vợt triển vọng thành một Lý Hoàng Nam mới, chúng ta cần làm những gì?
- Quan trọng vẫn là vấn đề đầu tư. Quần vợt Việt Nam cần những nhà đầu tư mạnh, vừa có tiềm lực vừa tâm huyết. Đầu tư để các VĐV được tiếp cận với các phương pháp tiên tiến. Đầu tư để các VĐV được các chuyên gia ngoại có chất lượng chuyên môn cao huấn luyện, các VĐV được đi tập huấn và được tham gia nhiều giải quốc tế có chất lượng…
Sở dĩ Lý Hoàng Nam dù là nhân tố đặc biệt, nhưng chưa thể tiến lên cao hơn nữa vì bản thân anh cũng thiếu đối tượng cọ xát ngang tầm hoặc có trình độ cao hơn mình. Lý Hoàng Nam gần như một mình một chợ ở các giải trong nước trong thời gian dài, nên cậu ấy thiếu đi chất xúc tác để phát triển lên cao hơn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!