DMagazine

Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng và tương lai u ám sau Asian Cup 2023

(Dân trí) - Bóng đá Trung Quốc đặt mục tiêu ngang tầm các giải bóng đá hàng đầu châu Âu, nhưng khát vọng đó tan biến chóng vánh. Thất bại của Trung Quốc ở Asian Cup 2023 là kết quả được nhìn thấy từ trước.

Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng và tương lai u ám sau Asian Cup 2023 - 2

Hulk là một nhân vật siêu anh hùng xuất hiện trong các truyện tranh của Marvel Comics. Hulk tên thật là Bruce Banner, một nhà khoa học thông minh với chuyên môn về vật lý hạt nhân. Trong một thử nghiệm, anh ta bất ngờ bị chiếu tia gamma, dẫn đến sự biến đổi của cơ thể thành người khổng lồ xanh, với sức mạnh vô song nhưng khó kiểm soát.

Sân cỏ châu Âu cũng từng ghi dấu một cầu thủ to lớn, vạm vỡ và dũng mãnh có tên tương tự. Đó là Hulk, tiền đạo từng 49 lần ra sân trong màu áo đội tuyển Brazil, từng thi đấu cho Porto và Zenit Saint Peterburg, những đội bóng thuộc hàng số má.

Tuy chưa vươn tới tầm ngôi sao hàng đầu nhưng Hulk là tay săn bàn đáng nể, khi đã ghi hơn 400 bàn trong cả sự nghiệp và từng giành ngôi vua phá lưới ở giải vô địch quốc gia (VĐQG) Bồ Đào Nha lẫn Ngoại hạng Nga.

Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng và tương lai u ám sau Asian Cup 2023 - 4

Tuy nhiên, vừa trùng hợp thú vị vừa trớ trêu, thay vì ghi dấu bằng những khoảnh khắc tỏa sáng hay danh hiệu, điểm nhấn lớn nhất trong sự nghiệp của Hulk là thương vụ đầu quân cho Shanghai SIPG ở tuổi 29, giai đoạn đỉnh cao nhất sự nghiệp, với mức phí chuyển nhượng 46 triệu bảng và hưởng mức lương 320.000 bảng mỗi tuần.

Ngày Hulk đặt chân xuống sân bay, hàng trăm người hâm mộ tụ tập chung quanh để đón chào cầu thủ nổi tiếng nhất xưa nay chọn Thượng Hải làm bến đỗ tiếp theo cho sự nghiệp. Vừa bước ra khỏi cửa sân bay, những bó hoa tươi thắm được trao cho tiền đạo người Brazil, kèm theo chiếc khăn quàng của Shanghai SIPG.

Bóng đá Trung Quốc chưa từng chứng kiến thương vụ nào lớn đến mức ấy. Hulk trở thành người tiên phong cho trào lưu những ngôi sao hàng đầu sang quốc gia tỷ dân này thi đấu. Trong vòng 3 năm tiếp theo, nhiều tên tuổi lẫy lừng của bóng đá thế giới theo chân tiền đạo người Brazil và các mức phí càng ngày càng bị thổi phồng phi mã.

6 tháng sau, Oscar cũng gia nhập Shanghai SIPG. Phí chuyển nhượng khoảng 60 triệu bảng và mức lương ước tính 400.000 bảng/tuần. Thương vụ này khiến cả châu Âu chấn động. Thời điểm đó, Oscar là trụ cột tại Chelsea và mới chỉ 25 tuổi. Cả tương lai tươi sáng cùng bóng đá đỉnh cao đang chờ đợi tiền vệ tấn công có lối chơi hào hoa này.

Carlos Tevez, nhà vô địch Premier League cùng Man Utd lẫn Man City cũng đi theo tiếng gọi Trung Hoa. Ezequiel Lavezzi - ngôi sao khoác áo PSG, Alex Teixeira - mục tiêu Liverpool săn đuổi hay chân sút Jackson Martinez cũng bị thu hút với những khoản tiền khổng lồ các đội bóng đất nước tỷ dân đưa ra.

Sự trỗi dậy của Super League (giải VĐQG Trung Quốc) diễn ra cùng với mong muốn đưa nền bóng đá nước này đến với đẳng cấp World Cup (tham dự và đăng cai World Cup) của Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc. Các CLB ở Super League ngày càng chi đậm để biến đất nước tỷ dân thành siêu cường bóng đá.

Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng và tương lai u ám sau Asian Cup 2023 - 6

Sau khi chứng kiến cậu học trò Oscar di chuyển về phương Đông, HLV Antonio Conte lúc đó còn dẫn dắt Chelsea đã đưa ra lời cảnh báo: "Thị trường chuyển nhượng bóng đá Trung Quốc là mối nguy cho tất cả các đội bóng trên thế giới chứ không riêng gì Chelsea".

Trong khi đó, Arsene Wenger, người đồng cấp ở Arsenal đánh giá: "Trung Quốc có lẽ đủ sức mạnh tài chính để di dời toàn bộ các giải đấu tại châu Âu sang đất nước này".

Bởi vậy, vô hình trung Hulk trở thành biểu trưng cho tham vọng trở thành người khổng lồ của bóng đá Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với Hulk trong phim Mỹ, Hulk của bóng đá Trung Quốc chỉ là giấc mộng vĩ cuồng. Sau một thập niên, bong bóng vỡ và các ngôi sao lũ lượt rời đi.

Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng và tương lai u ám sau Asian Cup 2023 - 8

Jack Sealy nằm trong trào lưu đến Super League chơi bóng nhưng không thuộc hàng sao số. Tháng 12/2015, cầu thủ này chuyển từ Hong Kong (Trung Quốc) sang đại lục bằng bản hợp đồng với Changchun Yatai. Anh bị thu hút bởi làn sóng ngôi sao đến Trung Quốc chơi bóng và dĩ nhiên là cả khía cạnh kinh tế.

"Tôi đến Trung Quốc khi giải đấu đang trên đà phát triển chóng mặt, nên thật thú vị vì được sống trong giai đoạn đặc biệt ấy", Sealy chia sẻ. "Tất cả mọi người đều nghe về cuộc chuyển mình này, nhưng không ai thực sự hiểu điều gì đang xảy ra.

Và ngay khi bạn nói với ai đó biết về bóng đá, họ sẽ thốt lên: "Ồ! Cậu sắp tham gia Super League!". Tôi không hề tiếc nuối về điều này. Đó là trải nghiệm thú vị".

Thú vị nhưng kỳ lạ vô cùng. "Bạn phải quên đi họ là ai", Sealy nói thêm về những cầu thủ nổi tiếng anh đối mặt trên sân. "Tôi đã bước lên hay họ bước xuống trong sự nghiệp, tùy quan điểm. Tuy nhiên, khi vào sân thì tôi xem họ như người bình thường và luôn nỗ lực hết sức. Dù vậy, trải nghiệm này vẫn thật huyền bí".

Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng và tương lai u ám sau Asian Cup 2023 - 10

"Oscar, tôi đã xem anh ấy chơi bóng trong màu áo Chelsea và việc chơi trò chơi điện tử bóng đá giúp bạn biết tên nhiều cầu thủ. Bây giờ được đối mặt với họ bằng xương bằng thịt. Đó là điều thật tuyệt vời", cầu thủ này chốt lại.

Đến năm 2019, danh tiếng và ảnh hưởng (về mặt tiền bạc) của Super League lớn tới nỗi xuất hiện đồn đoán Jiangsu Suning sắp chiêu mộ Gareth Bale từ Real Madrid, với mức lương một triệu bảng mỗi tuần cho bản hợp đồng 3 năm.

Chưa đầy hai năm sau, Jiangsu Suning ngưng hoạt động vì tình hình tài chính tồi tệ. Đội bóng này bết bát tới nỗi phải bán đấu giá cả chiếc xe buýt chuyên chở toàn đội để bù đắp chi phí.

Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng và tương lai u ám sau Asian Cup 2023 - 12

Tại sao bóng đá Trung Quốc lại sụp đổ chóng vánh như vậy? Mọi thứ bắt đầu xuống dốc khi Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) áp thuế đặc biệt lên tới 100% đối với các vụ mua sắm cầu thủ người nước ngoài, để hạn chế tình trạng mua sắm tràn lan tại giải VĐQG.

Chưa dừng lại, CFA cũng nghiêm cấm gắn tên nhà tài trợ vào tên đội bóng và thông báo về việc áp đặt mức lương trần vào tháng 12/2020. Vào thời điểm đó, CFA kỳ vọng động thái này sẽ "kiềm tỏa bóng đá kim tiền" và tạo ra "bong bóng đầu tư" tại đội tuyển quốc gia (ĐTQG).

Trong quãng thời gian dài, cơ quan quản lý cao nhất của bóng đá Trung Quốc đã cảnh báo về việc tiêu xài hoang phí ở giải VĐQG. Đến năm 2017, CFA tuyên bố sẽ kiểm soát dòng tiền và quản lý chặt các khoản "đầu tư bất hợp lý", cũng như đưa ra cáo buộc đối với các CLB "đốt tiền" và trả cho cầu thủ ngoại quốc mức lương cao tới mức phi lý.

Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng và tương lai u ám sau Asian Cup 2023 - 14

Giới hạn lương đã đạt được tác động mong muốn. Mức lương trần khiến các ngôi sao bóng đá nước ngoài chỉ có thể kiếm được tối đa 52.000 bảng mỗi tuần, thấp hơn rất nhiều so với trước đó.

Một số CLB cần đến những ràng buộc như vậy vì vung tay quá trán dẫn đến nợ nần chồng chất. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn bởi đa số các chủ sở hữu đội bóng đến từ lĩnh vực bất động sản và gặp khó khăn về dòng tiền.

Trên hết, ảnh hưởng của đại dịch Covid. Chính sách kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc khiến lịch thi đấu trở nên thưa thớt và các trận phải tổ chức trên sân không khán giả. Doanh thu từ bản quyền truyền hình và quảng cáo sụt giảm đáng kể.

Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng và tương lai u ám sau Asian Cup 2023 - 16

Samir Memisevic, hậu vệ người Bosnia-Herzegovina, cầu thủ đã khoác áo Hebei FC từ tháng 2/2020, nhưng từ mùa giải thứ hai ở đội bóng này, anh đã cảm nhận được điều gì đó bất ổn từ phía sau.

"Mùa giải thứ hai, tôi nghĩ có điều gì đó không ổn", anh nói. "Sau một vài tháng, vấn đề tài chính bắt đầu nảy sinh. Sau đó, đội bóng gặp vấn đề lớn với các cầu thủ trong nước. Họ không được nhận lương trong nhiều tháng và tôi chắc rằng cuối mùa, Hebei sẽ không còn tồn tại".

Sau đó, Memisevic đồng ý chuyển đến Beijing Guan theo bản hợp đồng cho mượn. Đến hiện tại, anh chuyển sang Dubai (UAE) khoác áo Al Nasr.

Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng và tương lai u ám sau Asian Cup 2023 - 18

Về phía Hebei, đội bóng từng chiêu mộ Lavezzi, Mascherano và Gervinho phải giải tán đội trẻ trong nỗ lực tuyệt vọng để tồn tại. Một số nhân viên cũng được cho nghỉ việc không lương trong nhiều tháng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều vô ích. Đầu năm nay, Hebei đã giải thể.

"Tôi cảm thấy tiếc cho Hebei vì công sức và tiền bạc họ đã bỏ ra. Đáng lẽ đó phải là một đội bóng lớn với nhiều ngôi sao trong đội hình", Memisevic ngậm ngùi. "Bây giờ, tên tuổi ấy đã biến mất.

Điều đó thật đáng buồn và càng tồi tệ hơn khi nhiều đội bóng khác ở Quảng Châu và Vũ Hán cũng đang dần bị xóa sổ. Hy vọng bóng đá Trung Quốc sẽ trở nên tốt hơn vì họ đã đầu tư rất nhiều tiền. Nhưng tôi nghĩ không phải theo cách trước đây".

Đối với John Hassett, Super League không còn là Super League nếu thiếu đi Guangzhou City, đội bóng anh yêu mến. CLB này từng được dẫn dắt bởi HLV Eriksson và Giovanni van Bronckhorst, quy tụ trong đội hình hàng loạt tên tuổi lẫy lừng trong và ngoài nước, cuối cùng đã phải giải thể vào tháng 3/2022.

Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng và tương lai u ám sau Asian Cup 2023 - 20

Mỗi trận đấu trên sân nhà, Hassett đều mong muốn được gặp gỡ và đồng hành cùng các cổ động viên cổ vũ cho đội nhà. "Đối với nhiều người, khía cạnh xã hội cũng quan trọng như bóng đá", Hassett chia sẻ.

"Trước và sau trận đấu, chúng tôi đều tụ tập ở cửa hàng nhỏ xíu bên ngoài sân vận động để giải khát và tán gẫu. Đó trở thành nơi lui tới thường xuyên của các nhóm cổ động viên địa phương".

Anh chàng cổ động viên ngoại quốc của Guangzhou City cho biết thêm: "Tất cả chúng tôi đều đau buồn. Sau khi CLB giải thể, chúng tôi tự tổ chức một buổi tưởng niệm đội bóng yêu quý tại quán quen ấy. Chúng tôi cũng gặp một vài nhóm cổ động viên khác cũng đến ngoài sân vận động uống bia. Khoảnh khắc đó thật cảm xúc".

"Một phần nguyên nhân là không một đội bóng nào có thể tự chủ tài chính", Hassett phân tích. "Giá vé rất rẻ. Vé mùa của chúng tôi chỉ khoảng 50 hoặc 60 bảng (khoảng 1,5 triệu đồng). Sinh viên được mua vé với giá rẻ hơn. Hầu hết các CĐV không mua áo đấu chính thức của CLB. Họ mua áo "fake" bên ngoài sân với giá 3 bảng (chưa đến 100.000 đồng)".

"Tạo doanh thu cho các CLB là vấn đề lớn nhất của Super League. Khi nền kinh tế rơi vào tình trạng thắt lưng buộc bụng, tiền sẽ đến từ đâu?!".

Cuối năm ngoái, khi tất cả đếm ngược đến thời điểm các sân bóng được phép mở cửa cho khán giả vào sân, tất cả cũng phải giật mình đặt ra câu hỏi: Tiền đã đi đâu?!

Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng và tương lai u ám sau Asian Cup 2023 - 22

Không chỉ ném tiền qua cửa sổ trong các vụ chuyển nhượng đình đám, bóng đá Trung Quốc còn mục ruỗng từ bên trong bởi nạn tham nhũng. Bê bối liên quan đến Li Tie, cựu HLV đội tuyển Trung Quốc, đưa những góc tối nhất của nền bóng đá đất nước tỷ dân ra giữa ánh sáng.

Thất bại của đội tuyển Trung Quốc ở Asian Cup 2023 khi không ghi nổi bàn thắng nào trước Tajikistan, Lebanon, Qatar và bị loại ở vòng bảng, để lại nỗi đau lớn cho người hâm mộ. HLV Aleksandar Jankovic bị sa thải và bóng đá Trung Quốc tiếp tục đối mặt cuộc khủng hoảng mới.

Dân số hơn một tỷ người, là nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới, nhưng Trung Quốc không có nổi một giải VĐQG chất lượng, càng không có một ĐTQG đủ sức tranh đua ở tầm châu lục chứ chưa nói đến World Cup.

Đó là bài toán nhức nhối mà bóng đá Trung Quốc chưa tìm ra lời giải. Nhưng ít nhất trong những năm tháng đầy biến động vừa qua, các nhà quản lý biết được lời giải không phải chỉ đơn giản là tiền.

Nội dung: Ngọc Trung

Thiết kế: Patrick Nguyễn

Dòng sự kiện: Asian Cup 2023