(Dân trí) - Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã để lại nhiều bài học quý báu cho giới phân tích quân sự về nghệ thuật tác chiến và sử dụng vũ khí trong chiến tranh hiện đại.
XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE VÀ BÀI HỌC VỀ TÁC CHIẾN TRONG CHIẾN TRANH HIỆN ĐẠI
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã để lại nhiều bài học quý báu cho giới phân tích quân sự về nghệ thuật tác chiến và sử dụng vũ khí trong chiến tranh hiện đại.
Ngày 24/2, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã tiến hành một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Hơn 4 tháng trôi qua, cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Quân đội Nga vẫn đang nỗ lực thực hiện các cuộc tấn công nhằm nhanh chóng đạt được các mục tiêu chiến lược nhằm kiểm soát cả vùng Donbass lẫn khu vực miền Nam Ukraine, qua đó tạo thành một hành lang trên bộ nối liền các nước Cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng với bán đảo Crimea. Hành lang này sẽ là một vùng đệm an toàn cho Nga khỏi ảnh hưởng của phương Tây một khi Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và có thể là cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Về phía Ukraine, các lực lượng phòng thủ của nước này, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các vũ khí hiện đại được phương Tây viện trợ, đang làm hết sức có thể để chống đỡ những đòn tấn công từ Nga cũng như tổ chức các cuộc phản công để giành lại lãnh thổ.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, dù vẫn đang tiếp diễn, đã để lại nhiều bài học về nghệ thuật tác chiến và sử dụng vũ khí trong chiến tranh hiện đại.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VŨ KHÍ TẤN CÔNG TẦM XA
Khác với các hình thức chiến tranh trước đây khi quân đội 2 phe giao chiến trực tiếp bằng bộ binh với vũ khí hạng nhẹ dưới sự yểm trợ của hỏa lực hạng nặng từ pháo binh và không quân, các cuộc chiến tranh hiện đại ngày càng ghi nhận vai trò đặc biệt quan trọng của vũ khí tấn công tầm xa trong việc chế áp đối phương.
Loại vũ khí này không chỉ giúp tấn công chính xác và hiệu quả vào các mục tiêu quan trọng mà còn làm tiêu hao sinh lực và áp đảo tinh thần của đối phương. Hơn nữa, khi tấn công ở khoảng cách xa, loại vũ khí này tạo ra một vùng đệm an toàn nhằm bảo vệ tính mạng của binh sĩ.
Ngay từ khi xung đột nổ ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng các quan chức cao cấp của chính phủ đã liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các vũ khí tấn công chính xác tầm xa và đề nghị các đồng minh phương Tây gửi những hệ thống vũ khí "có khả năng thay đổi cuộc chơi" này cho Kiev.
Các hệ thống vũ khí hạng nặng của phương Tây, bao gồm lựu pháo M777 cỡ nòng 155mm do Mỹ sản xuất cùng nhiều pháo tự hành được gửi từ các nước châu Âu, đã sớm được gửi đến Ukraine. Tuy nhiên, tầm bắn của những loại vũ khí này là không thể so sánh được với những vũ khí tầm xa như pháo phản lực phóng loạt hay tên lửa hành trình của quân đội Nga.
Tại nhiều khu vực giao tranh, đặc biệt là tại miền Đông Ukraine, hỏa lực vượt trội từ những cuộc tấn công hợp đồng binh chủng của quân đội Nga là lý do chính khiến cho các lực lượng Ukraine chịu nhiều tổn thất. Các kho vũ khí và trang bị quân sự nằm sâu bên trong phòng tuyến của quân đội Ukraine cũng bị hỏa lực Nga dễ dàng tiêu diệt, qua đó gây thiệt hại lớn cho sinh lực chiến tranh của Ukraine. Thêm vào đó, việc sử dụng các vũ khí tầm xa khiến quân đội Ukraine khó xác định vị trí tấn công của Nga và qua đó không thể tổ chức các cuộc phản công nhằm giành lại thế trận.
Giới chức Ukraine liên tục khẳng định rằng vũ khí với tầm bắn xa và chính xác hơn sẽ giúp quân đội nước này cân bằng ưu thế trên chiến trường với Nga. Các loại vũ khí này sẽ cho phép Ukraine nhằm mục tiêu vào các hệ thống pháo binh của Nga, các cơ sở hậu cần của Moscow ở miền Đông, thậm chí giúp Kiev phá ưu thế áp đảo của Hải quân Nga ở Biển Đen.
Trong một cuộc họp báo ngày 14/6, Tổng thống Zelensky nhắc lại yêu cầu của ông khi tha thiết kêu gọi các đồng minh tăng cường viện trợ vũ khí tầm xa trước hỏa lực áp đảo của quân đội Nga.
"Chúng tôi có đủ vũ khí. Những gì chúng tôi chưa có đủ là vũ khí có tầm bắn xa để làm giảm lợi thế của quân đội Nga. Chỉ khi có đủ các hệ thống pháo phản lực hiện đại, Ukraine mới có thể đảm bảo đà tiến công và cuối cùng là đẩy lùi chiến dịch của Nga ở Donbass", ông Zelensky nói.
Đáp lại những lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine, Mỹ và Anh cuối cùng đã đồng ý chuyển những hệ thống pháo phản lực đầu tiên cho Kiev. Dù đã bị hạn chế tầm bắn nhằm ngăn khả năng Ukraine sử dụng những vũ khí này để tấn công lãnh thổ Nga, đây vẫn được cho là một sự bổ sung đáng kể cho sức mạnh hỏa lực của quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, một số quan chức Ukraine đã bày tỏ sự thất vọng vì sự chậm trễ của quyết định viện trợ này từ các đồng minh. "Tình hình có thể đã rất khác nếu chúng tôi nhận được số vũ khí này sớm hơn", Yuriy Sak, một cố vấn thân cận cho Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine chia sẻ.
Tầm quan trọng của các hệ thống vũ khí tầm xa nhìn từ bài học tại Ukraine đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho quân đội các nước châu Âu.
Giáo sư Michael Clarke từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh nhận định rằng số lượng vũ khí tầm xa, đặc biệt là pháo phản lực phóng loạt, của quân đội Anh cùng các đồng minh NATO hiện là không đủ nếu xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga. Chính vì vậy, ông khuyến nghị Bộ Quốc phòng Anh nên tiến hành mua sắm thêm các hệ thống vũ khí này trong thời gian sớm nhất.
VAI TRÒ CỦA MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã khẳng định vai trò không thể thay thế của các máy bay không người lái (UAV) trong chiến tranh hiện đại.
Ngay từ trước khi xung đột nổ ra, chính quyền của Tổng thống Zelensky đã đầu tư trang bị cho quân đội nước này nhiều máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh các UAV hạng nhẹ được sản xuất trong nước và viện trợ từ nước ngoài, loại UAV này đã cho thấy hiệu quả đáng kinh ngạc trên chiến trường.
Với chiều dài 6,5m, sải cánh rộng 12m và khả năng bay với tốc độ tối đa 220 km/h trong phạm vi tác chiến tối đa khoảng 6.000km, UAV Bayraktar TB2 đã làm rất tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin tình báo và cập nhật tình hình chiến trường theo thời gian thực, qua đó hỗ trợ quân đội Ukraine trong việc trinh sát và chỉ thị mục tiêu.
Ngoài ra, với trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 650kg, UAV Bayraktar TB2 có thể mang theo các tên lửa MAM L và MAM C nhằm nhiệm vụ tấn công các lực lượng đối phương trên mặt đất.
Vai trò của các UAV Ukraine đã góp phần rất quan trọng trong việc ghìm bước tiến của quân đội Nga ở giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến, đặc biệt là khi khả năng đánh nhanh thắng nhanh của Nga phụ thuộc rất lớn vào sự cơ động và sức mạnh của các xe tăng và xe chiến đấu bộ binh hạng nặng.
Không chỉ chỉ điểm cho pháo binh và vũ khí chống tăng của Ukraine khai hỏa vào các vị trí tập kết của quân đội Nga, UAV của Ukraine đã nhiều lần thực hiện những phi vụ tấn công và trực tiếp tiêu diệt nhiều xe quân sự của Nga. Không chỉ có vậy, giới chức Ukraine còn khẳng định các UAV Bayraktar TB2 đã góp phần đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen.
Nhận xét về điểm mạnh của các UAV Ukraine, giáo sư Clarke nói: "Các máy bay không người lái của quân đội Ukraine, đặc biệt là UAV Bayraktar TB2 có một đặc tính nổi bật là giá thành rẻ. Do đó, quân đội Ukraine có thể huy động một lực lượng lớn UAV để tấn công các phương tiện quân sự đắt tiền của Nga. Những đòn tấn công này tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và đặc biệt an toàn cho các binh sĩ Ukraine".
Giáo sư Clarke tin rằng hiệu quả của các máy bay không người lái trong xung đột Nga - Ukraine sẽ thúc đẩy quân đội các nước phương Tây tập trung phát triển loại vũ khí này trong tương lai. Còn với nhà sản xuất máy bay Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ, sự thành công của UAV Bayraktar TB2 tại Ukraine đã giúp sản phẩm này nhận được sự quan tâm của các khách hàng từ khắp nơi trên thế giới
Selcuk Bayraktar, người điều hành công ty Baykar có trụ sở ở Istanbul, khẳng định các máy bay không người lái của ông là một minh chứng cho thấy công nghệ đã cách mạng hóa chiến tranh hiện đại như thế nào.
"Bayraktar TB2 đang làm những gì nó phải làm - hạ gục các hệ thống phòng không, pháo và xe bọc thép tiên tiến nhất thế giới. Cả thế giới đang muốn là khách hàng của chúng tôi", ông Bayraktar nhấn mạnh.
KỶ NGUYÊN CỦA CHIẾN TRANH VŨ TRỤ ĐÃ BẮT ĐẦU
Theo giáo sư Michael Clarke, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đánh dấu bước khởi đầu của kỷ nguyên chiến tranh vũ trụ, nhất là trên phương diện cung cấp thông tin liên lạc trên chiến trường. Điều đặc biệt của loại hình tác chiến này là ngoài các tổ chức chính phủ, những công ty công nghệ tư nhân cũng thể đóng một vai trò quan trọng.
Trong thời gian đầu của cuộc xung đột, quân đội Nga đã liên tục thực hiện những nhiệm vụ bị Ukraine cáo buộc là "tác chiến không gian mạng" nhằm vào hệ thống viễn thông của Ukraine. Các nhiệm vụ này đã đạt được những thành công đáng kể khi làm gián đoạn đường dây liên lạc của các đơn vị vũ trang Ukraine.
Hồi tháng 4, các quân nhân Ukraine cố thủ trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol đã bị cắt hoàn toàn liên lạc với Kiev. Thêm vào đó, nhiều cuộc chuyển quân đã bị bại lộ do phía Nga bắt được sóng liên lạc giữa các đơn vị Ukraine. Hậu quả của sự bại lộ này là pháo binh và không quân Nga đã tiến hành tập kích và tiêu diệt nhiều khí tài cũng như binh sĩ Ukraine.
Chính quyền Ukraine đã phải ngay lập tức yêu cầu sự hỗ trợ về liên lạc vệ tinh từ các đồng minh. Trong bối cảnh kết nối vệ tinh liên lạc quân sự được coi là tuyệt mật và các nước không thể dễ dàng chia sẻ cho nhau, một công ty tư nhân đã vào cuộc.
SpaceX, công ty của tỷ phú Elon Musk, cho biết họ đã chuyển 15.000 thiết bị Starlink cho Ukraine. Việc cung cấp cho Ukraine quyền truy cập vào hệ thống Starlink của tỷ phú Elon Musk đã thay đổi cuộc chơi về khả năng liên lạc trên thực địa của các lực lượng quân đội nước này.
Kết nối Starlink cho phép quân đội Ukraine sở hữu một hệ thống thông tin đáng tin cậy và mạnh mẽ. Bằng cách sử dụng hệ thống Internet dựa trên vệ tinh, kết nối với mạng lưới hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn tàu vũ trụ nhỏ vòng quanh trái đất ở quỹ đạo thấp, các đơn vị Ukraine có thể duy trì liên lạc nhằm phối hợp tác chiến một cách nhanh chóng và bảo mật.
"Starlink hoạt động rất hiệu quả. Nó đã giúp chúng tôi rất nhiều. Trong nhiều trường hợp khi các thành phố bị phong tỏa, đôi khi chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với những nơi đó", Tổng thống Zelensky cho hay.
Chính vì những ưu thế vượt trội của vệ tinh trong chiến tranh hiện đại, giáo sư Clarke khẳng định nhiều quốc gia đang tập trung nguồn lực khổng lồ cho việc nghiên cứu các công nghệ liên quan đến vệ tinh nhằm đảm bảo kết nối thông tin an toàn và liên tục trong trường hợp hệ thống viễn thông thông thường bị đối phương chế áp. Bên cạnh đó, nhiều cường quốc còn quyết định đầu tư phát triển các loại vũ khí không gian với mục đích tiêu diệt vệ tinh quân sự của đối phương.
Tùng Nguyễn
Theo NYT, Guardian, The Drive