DMagazine

Vũ khí "sát thủ thầm lặng" và nắm đấm thép dưới đại dương của Mỹ - Anh

(Dân trí) - Đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, với dàn vũ khí uy lực, được xem là khí tài hàng đầu của Mỹ - Anh khi có thể vừa tấn công, vừa theo dõi, răn đe chiến lược đối thủ.

VŨ KHÍ "SÁT THỦ THẦM LẶNG" VÀ NẮM ĐẤM THÉP DƯỚI ĐẠI DƯƠNG CỦA MỸ-ANH

Đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, với dàn vũ khí uy lực, được xem là khí tài hàng đầu của Mỹ - Anh khi có thể vừa tấn công, vừa theo dõi, răn đe chiến lược đối thủ.

Tháng trước, lãnh đạo Mỹ, Australia, Anh công bố chi tiết thỏa thuận cung cấp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia từ đầu những năm 2030, hay còn gọi là thỏa thuận Aukus.

Động thái này thu hút sự chú ý của các bên vì cả Mỹ và Anh đều sở hữu đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân uy lực. Việc Washington và London chia sẻ một trong những vũ khí mạnh hàng đầu được xem sẽ giúp Canberra có tàu ngầm "khủng" giống 2 đồng minh.

Đội tàu "sát thủ thầm lặng"

Theo báo cáo mới nhất của chuyên trang vũ khí Global Firepower, tính đến năm 2023, Mỹ đứng thứ 3 trong danh sách quốc gia có số lượng tàu ngầm nhiều nhất thế giới với 68 chiếc, sau Trung Quốc (78) và Nga (70). Anh đứng thứ 11 trong danh sách với 10 chiếc.

Tuy nhiên, cơ cấu của đội tàu ngầm Trung Quốc phần lớn là các tàu chạy bằng diesel-điện, không ưu việt bằng dòng tàu sử dụng năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử của Trung Quốc hiện vẫn được xem là khá non trẻ và còn nhiều thiếu sót về thiết kế, cũng như khí tài trang bị kèm theo nếu so với 2 quốc gia còn lại.

Vũ khí sát thủ thầm lặng và nắm đấm thép dưới đại dương của Mỹ - Anh - 1

Bàn điều khiển phóng vũ khí trong một tàu ngầm của Mỹ (Ảnh: ABC News).

Vì vậy, theo Popular Mechanics, Mỹ và Nga hiện là 2 nước đi đầu về tàu ngầm trên thế giới. Mặt khác, Anh là quốc gia đầu tiên được Mỹ chia sẻ công nghệ chế tạo tàu ngầm năng lượng hạt nhân vào năm 1958, vì vậy các vũ khí của họ cũng được xem rất có uy lực dưới lòng đại dương.

Trong một nền hải quân, tàu ngầm có khả năng tấn công trên biển và trên bộ thông qua vũ khí thường và hạt nhân. Ngoài ra, tàu ngầm có thể được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động của lực lượng đặc biệt và nhiệm vụ trinh sát. Nhiều lực lượng hải quân thế giới sử dụng tàu ngầm như công cụ răn đe đối thủ nhờ khả năng lặn sâu dưới đáy biển, tấn công bất ngờ và có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Thông thường, hải quân các nước chia làm 2 loại tàu ngầm dựa vào nguồn cấp năng lượng cho khí tài là tàu dùng diesel - điện và tàu dùng lò phản ứng hạt nhân.

Tàu ngầm hạt nhân được cấp năng lượng bằng một hoặc nhiều hơn các lò phản ứng hạt nhân theo cơ chế phân tách các nguyên tử. Nhiệt lượng thu được từ quá trình này sau đó được sử dụng để tạo hơi nước cho các tuabin nhằm tạo ra điện năng cho cả động cơ và hệ thống máy tính bên trong tàu. Điểm làm nên sự khác biệt của tàu ngầm năng lượng hạt nhân là nó có tầm hoạt động không giới hạn, nếu so với các tàu ngầm thông thường chạy bằng diesel - điện. Lò phản ứng trên tàu ngầm hạt nhân sẽ không cần tiếp liệu trong suốt vòng đời 25 năm. Vì vậy, quân đội một nước sở hữu tàu ngầm năng lượng hạt nhân sẽ chỉ cần đảm bảo con tàu được cung cấp đầy đủ lương thực và nhu yếu phẩm cho các thủy thủ. Tàu ngầm hạt nhân cũng không cần phải nổi lên nhiều lần như tàu ngầm diesel/điện, cho phép nó hoạt động với khả năng tàng hình tối đa và đảm bảo tốc độ trong suốt thời gian vận hành. 

Hải quân Mỹ hiện có 3 loại tàu ngầm chính: Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN), tàu ngầm tấn công nhanh (SSN) và tàu ngầm mang tên lửa hành trình (SSGN). Tất cả các tàu này đều chạy bằng năng lượng hạt nhân.

SSN Mỹ gồm 3 lớp Los Angeles, Seawolf và Virginia. Tàu ngầm lớp Los Angeles, chế tạo từ đầu những năm 1970 - 1996, được trang bị ngư lôi Mk 48, tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk. Tàu ngầm lớp Virginia mới hơn, bắt đầu biên chế hoạt động giữa những năm 2000 và tàu thuộc lớp Seawolf, trị giá 3 tỷ USD cũng được trang bị cùng loại vũ khí.

Vũ khí sát thủ thầm lặng và nắm đấm thép dưới đại dương của Mỹ - Anh - 2

Khu vực chứa tên lửa Trident của Mỹ trong tàu ngầm USS Maine (Ảnh: ABC News).

Ngoài ra, Mỹ có các tàu ngầm SSBN lớp Ohio. Chúng được chế tạo trong những năm 1976 -1997. Đây chính là một phần trong lực lượng răn đe chiến lược của Mỹ, nhờ được trang bị 24 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II. Mỗi quả Trident có thể mang đầu đạn hạt nhân với công nghệ nhiều đầu đạn tấn công mục tiêu độc lập phân hướng (MIRV). Vì vậy, theo lý thuyết Trident có thể mang lượng đầu đạn với sức công phá tương đương hàng nghìn tấn thuốc nổ có khả năng tấn công mạnh mẽ mục tiêu.

Trong khi đó, các tàu ngầm SSGN của Mỹ lại đóng vai trò rất đặc biệt. Đây thực chất là các tàu SSBN được cải hoán thành. Các tàu này không còn có khả năng mang vũ khí hạt nhân nhưng vẫn được xem là một trong những khí tài linh hoạt và đáng sợ nhất của Mỹ. Tàu ngầm SSGN có thể mang tối đa 154 tên lửa hành trình "sứ giả chiến tranh" Tomahawk, nhiều hơn 50% so với tàu khu trục tên lửa dẫn đường và hơn gần 4 lần so với tàu ngầm tấn công mới nhất được Mỹ phát triển. Mỗi tên lửa Tomahawk có thể mang theo đầu đạn chứa hơn 450kg chất nổ.

"154 tên lửa Tomahawk có thể mang tới những cú đấm khiến không đối thủ nào của Mỹ có thể bỏ qua", Carl Schuster, giám đốc vận hành tại Trung tâm Tình báo Bộ chỉ huy liên hợp Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định.

Vũ khí sát thủ thầm lặng và nắm đấm thép dưới đại dương của Mỹ - Anh - 3

Tên lửa Tomahawk (Ảnh: Reuters).

Ngoài khả năng tấn công, SSGN thường được điều động làm những nhiệm vụ trinh sát có tính tối mật cao gần đối thủ, nhờ khả năng tàng hình ấn tượng. 

Trong khi đó, Hải quân Anh sở hữu 6 tàu ngầm SSN và 4 tàu ngầm SSBN. Toàn bộ 10 tàu đều chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trong 6 chiếc SSN, Anh có 1 chiếc lớp Trafalgar và 5 chiếc lớp Astute. SSN của Anh được trang bị ngư lôi Spearfish để chống tàu ngầm và chống tàu nổi. Chúng có khả năng bắn tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công các mục tiêu trên đất liền. Các tàu ngầm của Hạm đội cũng có khả năng thực hiện các nhiệm vụ giám sát và trinh sát.

Vũ khí sát thủ thầm lặng và nắm đấm thép dưới đại dương của Mỹ - Anh - 4

Tàu HMS Vanguard của Anh (Ảnh: Quân đội Anh).

Toàn bộ 4 chiếc SSBN của Anh đều thuộc lớp Vanguard. Tương tự như Mỹ, các tàu này có nhiệm vụ răn đe hạt nhân, sử dụng tên lửa Trident. Mỗi tàu có thể mang tối đa 16 quả Trident II D5, mỗi quả có khả năng tích hợp tối đa 12 đầu đạn hạt nhân.

Các tàu SSGN của Anh phụ trách thực hiện nhiệm vụ Răn đe liên tục trên biển (CASD). Điều này có nghĩa là Anh luôn triển khai ít nhất một tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân vào mọi thời điểm để sẵn sàng hành động khi nhận được lệnh từ ban lãnh đạo.

Chia sẻ công nghệ tàu ngầm nhạy cảm

Theo thông báo tháng trước, dưới thỏa thuận AUKUS, Mỹ sẽ bán cho Australia 3 tàu ngầm lớp Virginia bắt đầu từ đầu những năm 2030 và Canberra sẽ được mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết. Sau đó, Mỹ và Anh sẽ giúp Australia chế tạo lớp tàu hoàn toàn mới dựa trên công nghệ của Mỹ và Anh.

Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Australia sẽ được trang bị hệ thống phóng tên lửa hành trình thẳng đứng và dự kiến đưa vào biên chế đầu những năm 2040. Ước tính, chi phí chế tạo và vận hành các tàu này đến giữa những năm 2050 có thể ngốn của Australia từ 268 tỷ USD đến 368 tỷ USD.

Như vậy, Australia là quốc gia thứ 2 trong lịch sử sau Anh được Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà giới chức Washington mô tả là "rất nhạy cảm". Australia cũng sẽ trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân dù không phải là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như 6 nước còn lại gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ấn Độ.

Theo Hải quân Mỹ, tàu ngầm lớp Virginia - một SSN - được thiết kế để tìm và diệt tàu ngầm đối thủ, tàu nổi, được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, thực hiện các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát, hỗ trợ hiệp đồng tác chiến, hoạt động chống mìn".

Vũ khí sát thủ thầm lặng và nắm đấm thép dưới đại dương của Mỹ - Anh - 5

Một tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Đây là một trong những lớp tàu ngầm tấn công mạnh nhất thế giới thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh. Tàu ngầm lớp này dài 115m, rộng 10,3m với lượng choán nước 7.800 tấn. Mỗi tàu được trang bị 12 ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa Tomahawk, 4 ống phóng ngư lôi 533 mm, ngư lôi Mk 48 ADCAP và ống phóng ngư lôi phóng ra các thiết bị không người lái. Ngoài nhiệm vụ tấn công, tàu ngầm lớp Virginia còn có khả năng trinh sát và tình báo với hệ thống sonar dày đặc được trang bị quanh thân tàu.

Mk 48 là ngư lôi hiện đại vừa có thể sử dụng làm vũ khí tấn công tàu đối phương hoặc hoạt động như bộ cảm biến từ xa nhằm mở rộng tầm hoạt động của tàu ngầm trong khi tuần tra dưới đáy biển. Bí mật nằm sau khả năng tấn công "trăm phát trăm trúng" của Mk 48 là hệ thống máy tính điều khiển tiên tiến, động cơ đẩy mạnh mẽ và lượng thuốc nổ lớn. Khi tấn công tàu bề mặt, ngư lôi Mk 48 sẽ di chuyển xuống đáy tàu và phát nổ. Điều này sẽ gây ra một áp lực cực lớn và khiến thân tàu và đáy tàu hư hại nghiệm trọng và chìm nhanh chóng.

Tên lửa Harpoon là một loại tên lửa chống hạm hiện đại do Boeing chế tạo. Với khả năng hoạt động trong mọi thời tiết và được dẫn đường bằng cả hệ thống định vị toàn cầu và ảnh hồng ngoại, đây được cho là một trong các loại tên lửa chống hạm hiệu quả và đáng sợ nhất hiện nay.

Việc Washington bán cho Australia các tàu ngầm lớp Virginia uy lực cũng như chia sẻ công nghệ nhạy cảm đã khiến nhiều bên lo ngại Aukus sẽ làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung và kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Phía Trung Quốc tháng trước cảnh báo thỏa thuận tàu ngầm sẽ "gây ra những rủi ro phổ biến hạt nhân, làm suy yếu hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, thúc đẩy chạy đua vũ trang, và làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực". Giới quan sát cho rằng Trung Quốc không hài lòng với động thái này vì xem thương vụ này là dấu hiệu cho thấy Australia đã tham gia sâu hơn vào một liên minh đối trọng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Mỹ nhấn mạnh, Australia tìm kiếm thỏa thuận tàu ngầm Aukus chỉ nhằm "đảm bảo tốt hơn chiến lược an ninh quốc phòng, tạo thế cân bằng chiến lược". Mặt khác, Australia nhấn mạnh, dù các tàu ngầm trong Aukus chạy bằng năng lượng nguyên tử, nhưng Canberra "sẽ không bao giờ tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân".

Tàu ngầm hạt nhân sẽ sớm không thể tàng hình?

Dù được xem là vũ khí uy lực và là "sát thủ thầm lặng", nhưng giới chuyên gia nhận định, tàu ngầm năng lượng hạt nhân đang đối mặt với nguy cơ có thể mất khả năng tàng hình dưới lòng đại dương do sự phát triển của công nghệ. Nếu mất đi khả năng tàng hình, việc bị lộ diện sẽ rất nguy hiểm cho tàu ngầm do các vũ khí này di chuyển tương đối chậm, kích thước lớn, từ đó dẫn tới nguy cơ bị đối thủ phá hủy rất cao.

National Interest dẫn lời giáo sư James Holmes, chuyên gia nghiên cứu về hoạt động tác chiến chiến lược của Hải quân Mỹ, cảnh báo rằng, công nghệ mới có thể sẽ giúp các đối thủ xác định quỹ đạo di chuyển mà trước đây rất khó dò ra của các tàu ngầm tàng hình.

Vũ khí sát thủ thầm lặng và nắm đấm thép dưới đại dương của Mỹ - Anh - 6

Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut của Mỹ (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Hơn 7 thập niên trước, tàu ngầm tàng hình đã trở thành "vũ khí thay đổi cuộc chơi" trong cuộc chiến dưới mặt biển, khi sự ra đời của động cơ hạt nhân cho phép tàu ngầm di chuyển dưới mặt nước trong khoảng thời gian dài mà không cần nổi lên. Ngoài ra, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân khá yên ắng so với tàu ngầm diesel/điện ồn ào, nên các công nghệ dò tàu ngầm bằng âm thanh trở nên không hiệu quả.

Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi. Trên thực tế, một vật thể kim loại kích thước lớn như tàu ngầm có thể phát ra nhiều thay đổi trong nước biển về khía cạnh vật lý, hóa học và sinh học. Chúng có thể làm xáo trộn từ trường Trái đất và chắc chắn phát ra bức xạ vì sử dụng lò phản hạt nhân.

Công nghệ ngày nay đang liên tục thay đổi và có khả năng phát hiện những sự xáo trộn này. Trí thông minh nhân tạo (AI) có thể thực hiện các phân tích nhanh chóng, dễ dàng trong thời đại kế tiếp. Vì vậy, theo The Conversation, kỷ nguyên tàng hình của tàu ngầm năng lượng hạt nhân có thể không còn kéo dài trong tương lai và sự hiệu quả của những vũ khí này có thể sẽ giảm sút khi khả năng bị phát hiện dưới lòng biển sâu cao hơn.

Mặt khác, công nghệ cũng mang tới những cơ hội để các nền quân sự cải tiến công nghệ và cho ra đời những vũ khí mới. Ví dụ, để có thể đạt được ưu thế trước đối thủ trong tác chiến hiện tại, cả Mỹ và Anh đều đang có các dự án phát triển tàu ngầm không người lái (UUV). Vào tháng 4/2022, Hải quân Mỹ đã ra mắt tàu ngầm không người lái cỡ lớn Orca với nhiệm vụ ban đầu là rải mìn ở đáy biển và mang theo ngư lôi chống tàu ngầm. Các chuyên gia quân sự tin rằng trong thời gian tới, các tàu ngầm Orca sẽ được trang bị thêm các thiết bị kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và tác chiến điện tử.

Hải quân Hoàng gia Anh đã công bố dự án CETUS nhằm thiết kế, chế tạo và thử nghiệm một tàu ngầm không người lái. Bên cạnh đó, Anh cũng đang nghiên cứu chế tạo tàu ngầm không người lái Manta.

Điểm nổi bật của UUV là nó có khả năng hoạt động ở nhiều địa hình đại dương, lặn xuống được sâu hơn các khu vực không phù hợp với con người. UUV có thể vẽ bản đồ đáy biển,  thu thập dữ liệu tình báo đối phương để phát hiện mối nguy hiểm nhằm mở đường cho các tàu ngầm có người lái di chuyển an toàn. 

Đức Hoàng

Theo National Interest, The Conversation, Reuters