1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lo ngại căng thẳng gia tăng sau thỏa thuận tàu ngầm Aukus

Thanh Thành

(Dân trí) - Các nhà phân tích cho rằng, Australia sẽ phải có động thái nhằm xoa dịu những lo ngại về vấn đề an ninh sau khi thỏa thuận Aukus về tàu ngầm được công bố.

Lo ngại căng thẳng gia tăng sau thỏa thuận tàu ngầm Aukus - 1

Các nhà lãnh đạo Australia, Mỹ và Anh họp báo công bố thỏa thuận Aukus ngày 13/3 tại San Diego, Mỹ (Ảnh: Getty).

Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh và Australia hôm 13/3 đã công bố chi tiết thỏa thuận cung cấp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia từ đầu những năm 2030, hay còn gọi là thỏa thuận Aukus.

Phát biểu trong buổi lễ công bố diễn ra ở căn cứ hải quân Mỹ tại San Diego cùng với Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi thỏa thuận hợp tác Aukus là một phần trong cam kết hướng đến một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Theo thỏa thuận, Australia được phép mua tối đa 5 tàu ngầm lớp Virginia, đánh dầu lần đầu tiên nước này sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các tàu ngầm, chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng không trang bị vũ khí hạt nhân, sẽ được phép tuần tra gần lục địa châu Á mà không cần cập cảng.

Trong khi Tổng thống Biden nói rằng không lo ngại về việc Bắc Kinh sẽ coi Aukus là "hành động hung hăng", phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc hôm 14/3 cho rằng, thỏa thuận tàu ngầm sẽ gây ra những rủi ro phổ biến hạt nhân nghiêm trọng, làm suy yếu hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, thúc đẩy chạy đua vũ trang, và làm phương hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực".

Và sau khi thỏa thuận này được công bố, đã có những lo ngại về nguy cơ làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung và kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, nhất là tại khu vực Đông Nam Á.

Lo ngại căng thẳng gia tăng sau thỏa thuận tàu ngầm Aukus - 2

Một tàu ngầm của Mỹ (Ảnh minh họa: Reuters).

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc chắc chắn không hài lòng với động thái này và xem thương vụ này là dấu hiệu cho thấy Australia đã tham gia sâu hơn vào một liên minh đối trọng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.

Giám đốc điều hành Viện Lowy ở Sydney, ông Michael Fullilove cho rằng, vụ việc sẽ khiến hợp tác giữa Australia và Trung Quốc vướng phải nhiều trở ngại, nhất là trong bối cảnh cả hai đang trên đà cải thiện quan hệ sau nhiều năm sóng gió.

Tuy nhiên, ông Joshua Bernard Espena, thành viên thường trú tại Cơ quan Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế có trụ sở tại Manila, Philippines cho rằng các nước Đông Nam Á đã "cẩn trọng chào đón Aukus như một thực tế đang phát triển" trước sự cạnh tranh giữa Mỹ -Trung, đồng thời cho biết thêm rằng ông tin thỏa thuận này sẽ tăng cường an ninh và ổn định khu vực.

Và ông cho biết, Philippines nhìn nhận liên minh này một cách tích cực, trong bối cảnh Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr đang nỗ lực hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản, và có thể thông qua quan hệ đối tác ba bên.

"Aukus có thể được xem như một kế hoạch chi tiết để phát triển nhóm Quad (Hội nghị thượng đỉnh an ninh bốn bên bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) mới nhằm tăng cường kiến trúc an ninh khu vực", ông Espena nói thêm.

Quad ra đời từ năm 2007, nhưng sau đó tạm dừng sau khi Australia rút dưới thời Thủ tướng Kevin Rudd. Nhóm này được hồi sinh trong những năm gần đây trong bối cảnh ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc gia tăng.

Ông Espena nói, thỏa thuận này sẽ giúp Australia sẽ có thể giám sát tốt hơn các thông tin liên lạc dưới nước, trong khi các tàu này cũng có thể hoạt động dưới nước lâu hơn so với các tàu ngầm diesel-điện. Tuy nhiên, ông cho rằng, "giới ngoại giao Australia còn rất nhiều việc phải làm" để giải thích tình hình mới cho các nước trong khu vực" như Indonesia và Malaysia.

Hôm 14/3, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho biết, Washington đã có các cuộc tham vấn và đối thoại thường xuyên về Aukus với nhiều đối tác khác nhau, bao gồm các nước ASEAN.

Đề cập đến chuyến thăm Jakarta và Kuala Lumpur vào tuần trước, ông Kritenbrink cho biết đã giải thích rõ ràng về Aukus, với trọng tâm tuyên bố là Australia tìm kiếm thỏa thuận tàu ngầm Aukus chỉ nhằm "đảm bảo tốt hơn chiến lược an ninh quốc phòng, tạo thế cân bằng chiến lược".

"Aukus ra đời là nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trên khắp khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, đó là sự hiện đại hóa các liên minh và đối tác hiện có của chúng ta", ông nhấn mạnh.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Australia Penny Wong khẳng định Canberra có kế hoạch "đối thoại với các nước trong khu vực và lắng nghe bất kỳ vấn đề như thế nào". Phát biểu với hãng tin CNA của Singapore, ông Wong nhấn mạnh Australia "sẽ không bao giờ tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân".

Trong khi đó, giáo sư Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan nhận định rằng thỏa thuận Aukus giúp hải quân Australia nâng cao năng lực và "có đủ biện pháp" để ứng phó với Trung Quốc.

Theo SCMP