DNews

Vì sao Israel quyết liệt đối đầu nhiều thế lực cùng lúc?

Ngô Tiến Long

(Dân trí) - Israel đang cùng lúc đối mặt với các lực lượng trong "Trục kháng chiến" do Iran hậu thuẫn, từ Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Li Băng đến Houthi tại Yemen.

Vì sao Israel quyết liệt đối đầu nhiều thế lực cùng lúc?

Sau cuộc tập kích ồ ạt đầy bất ngờ của lực lượng Hamas vào sâu trong lãnh thổ Nhà nước Do Thái ngày 7/10/2023, chính quyền Israel được Mỹ ủng hộ đã tỏ rõ quyết tâm làm tất cả những gì có thể để nhanh chóng hàn gắn vết thương lòng, khôi phục điều mà họ luôn tự hào là đất nước "bất khả xâm phạm" và luôn "đi trước kẻ thù một bước" nhờ năng lực quân sự và tình báo vượt trội.

Thực tế thì sự kiện 7/10 đó đã phá vỡ hoàn toàn chiến lược răn đe của Israel với các đối thủ ở khu vực và đây là điều rất khó chấp nhận đối với Tel Aviv. "Họ cần một chiến thắng mang tính bước ngoặt để khôi phục vị thế", tiến sỹ David Cohen, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Georgetown, Mỹ đã từng nhận định.

Để trả đũa, Israel đã sử dụng tất cả sức mạnh quân sự, kể cả mở các chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza nhằm làm suy yếu tiến tới xóa sổ phong trào Hamas, nhóm vũ trang mạnh nhất của người Palestine.

Sau khi đã phá nát hầu hết các cơ sở của Hamas ở cả các đường hầm chằng chịt dưới lòng đất dải Gaza, Israel triệt hạ và làm suy yếu đáng kể lực lượng này, mà đỉnh điểm là việc sát hại thủ lĩnh chính trị tối cao của Hamas Ismail Haniyeh ở thủ đô Tehran (Iran) hồi tháng 7.

Sau đó, Israel quay sang tấn công Hezbollah, phong trào kháng chiến mạnh nhất trong "Trục kháng chiến" (liên minh các nhóm quân sự do Iran hậu thuẫn suốt hơn 40 năm qua, trong đó có Hamas, Hezbollah, Houthi để đối phó với Israel và Mỹ tại Trung Đông).

Mở đầu bằng việc ám sát chỉ huy quân sự của nhóm Hezbollah Fuad Shukr, trong tháng 9 vừa qua, quân đội Israel đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công khác vào Hezbollah, bao gồm cả việc kích nổ hàng nghìn máy nhắn tin bị gài thuốc nổ từ trước.

Israel cũng thực hiện một chiến dịch không kích nhằm vào kho tên lửa và rocket của Hezbollah ở miền nam Li Băng. Trong đó, việc sát hại thủ cao cấp nhất và dày dạn kinh nghiệm Hassan Nasrellah tối 27/9 chính là giọt nước tràn ly dẫn đến hành động trả đũa khá mạnh mẽ và cương quyết của Iran đêm 1/10 vừa qua.

Tiếp theo, Israel đã đưa quân bộ tấn công vào miền Nam Li Băng nhằm "quét sạch" các căn cứ cả trên mặt đất lẫn các đường hầm mà Hezbollah đã kỳ công xây dựng.

Như vậy, có thể nói Israel đã công khai tuyên chiến trên hầu hết tất cả các mặt trận, các hướng với tất cả các lực lượng chủ chốt chống Israel trong "Trục kháng chiến", kể cả Iran là nước bảo trợ toàn diện và liên tục.

Thời điểm hội tụ nhiều yếu tố quyết định

Vì sao Israel quyết liệt đối đầu nhiều thế lực cùng lúc? - 1

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và và các quan họp trong đêm 1/10, khi Iran ồ ạt phóng tên lửa về phía Israel (Ảnh: GPO/Anadolu).

Câu hỏi đặt ra là tại sao Israel lại chọn thời điểm này (chứ không phải là lúc khác) để cùng một lúc bắt đầu các hoạt động tấn công vào nhiều quốc gia, tổ chức "thù địch" ở khu vực như vậy và họ có thể đạt được gì trong ván cờ đầy rủi ro này?

Theo tin tức từ phía Israel lộ lọt với báo chí, quyết định tiến hành cuộc không kích ác liệt sát hại thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallay ngay trong đêm 27/9 được đưa ra là do tình báo Israel đã nhận được tin cho thấy ông này sắp rời chỗ ở cũ mà Israel đã nắm được lâu để chuyển đến một địa điểm mới chưa rõ.

Nhưng cơ bản hơn, theo các chuyên gia nghiên cứu về khu vực, sau khi đã triệt hạ Hamas ở Gaza, gần đây Israel đã thấy có một "cửa sổ cơ hội" hiếm có để thực hiện tham vọng thay đổi cục diện khu vực Trung Đông.

Đầu tiên là về phía đối thủ Hezbollah, lực lượng dân quân hùng mạnh nhất của Iran, lại đang ở thế yếu khi ngày càng bị chính người dân Li Băng nghi ngại, lảng tránh. Theo nhà phân tích chính trị quốc tế Gideon Rachman nhận định trên báo Financial Times, "Hezbollah không còn được xem là "lực lượng kháng chiến" mà đã trở thành gánh nặng đối với Li Băng. Điều này tạo không gian chính trị cho Israel tấn công mà không phải lo ngại quá nhiều về phản ứng của thế giới Ả rập".

Và quan trọng hơn cả là Iran, đầu não của "Trục kháng chiến", lại đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan" nghiêm trọng. Nếu không kịp thời đưa ra hành động can thiệp để bảo vệ nhóm dân quân Hezbollah, Tehran không chỉ sẽ mất uy tín và thậm chí là cả niềm tin của các lực lượng ủy nhiệm này và các đồng minh khác trong khu vực, mà còn gửi đi tín hiệu về yếu kém của Iran khiến Israel có thể tận dụng triệt để hơn.

Nhưng nếu phản ứng quá mạnh dẫn đến trực tiếp là bên tham chiến, Iran sẽ đứng trước nguy cơ đối đầu trực diện với Mỹ, điều Tehran không hề mong muốn bởi ưu thế vượt trội về quân sự và vũ khí của Mỹ - Israel có thể dễ dàng áp đảo Iran. Điều đó có thể sẽ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ thần quyền hiện nay ở Tehran.

Trong khi đó, quan hệ của Iran với nhiều nước Ả rập ở khu vực hiện cũng không được suôn sẻ, có nước thậm chí còn khá thù địch như Ả rập Xê út…, nhiều nước Vùng Vịnh cũng chỉ "bằng mặt không bằng lòng" với Tehran.

Không chỉ vậy, một số nhà nghiên cứu còn cho rằng với sự ủng hộ ngầm từ các nước Ả rập như Ả rập Xê út và UAE, những quốc gia vốn lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran, đây sẽ là lần hiếm hoi Israel có thể tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn mà không sợ bị phản đối rộng rãi và bị cô lập hoàn toàn trong khu vực như đã xảy ra trong các cuộc chiến tranh trước đây.

Theo Tiến sỹ Sarah Williams, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Brookings, Mỹ, "các nước Vùng Vịnh nhìn thấy lợi ích trong việc Israel làm suy yếu Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran. Họ không thể công khai ủng hộ nhưng chắc chắn sẽ không phản đối mạnh mẽ".

Việc Israel đồng loạt tiến hành các hoạt động quân sự vào thời điểm này chắc hẳn còn có tính toán kỹ càng đến yếu tố chính trị nội bộ nước Mỹ. Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần, nhìn chung chính quyền của Tổng thống Joe Biden khó có thể công khai phản đối các hành động của đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông.

Không chỉ vậy, theo nhận xét của chuyên gia David Cohen, "Israel đang tạo ra một tình huống "việc đã rồi"; và bằng cách này, họ buộc Washington phải có cam kết mạnh mẽ hơn, bất kể ai thắng cử vào tháng 11 tới". Đây là điều rất quan trọng với Israel bởi trong cuộc ganh đua đang rất quyết liệt hiện nay, 2 ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Kamala Harris lại có quan điểm không thống nhất nhau trên vấn đề này.

Không chỉ Israel đã tuyên bố coi hành động bắn hàng trăm quả tên lửa siêu vượt âm vào lãnh thổ Israel đêm 1/10 "là sai lầm nghiêm trọng mà Tehran sẽ phải trả giá đắt", Washington cũng đã nhanh chóng lên tiếng lên án đợt tấn công trả đũa của Iran vừa rồi và lập tức điều thêm tàu chiến và thiết bị quân sự đến khu vực để hỗ trợ Israel một khi đối đầu trực tiếp với Iran xảy ra.

Ngoài ra, cũng theo ông David Cohen, việc Israel mở các cuộc tấn công quân sự như trên bất chấp cả những lời kêu gọi kiềm chế của Mỹ còn nhằm giúp Tel Aviv định hình được chính sách Trung Đông của Mỹ trong nhiệm kỳ tới, bởi một khi xung đột đã leo thang, tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, dù là Dân chủ hay Cộng hòa, cũng sẽ khó có thể rút lui hoặc giảm sự ủng hộ dành cho Israel.

Tiếp theo, không thể không nhắc đến một yếu tố quốc tế nữa là Nga, một nhân tố thường vẫn có vai trò nhất định trên các vấn đề ở khu vực, nay lại quá bận với cuộc chiến ở Ukraine và đang bị Mỹ và phương Tây trừng phạt rất nặng nề.

Nga sẽ rất khó dành ra được cả thời gian lẫn tiền của để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng phức tạp và kéo dài này, mà trong đó lập trường nguyên tắc của Moscow thường không có lợi cho các hành động quân sự của Israel.

Cuối cùng là chính trị nội bộ bên trong chính trường và xã hội Israel. Thực tế là nội các hiện tại và cá nhân Thủ tướng Benjamin Netanyahu lâu nay khá yếu và đang đứng trước sự chia rẽ ngày càng to lớn.

Tỏ ra cứng rắn, kiên quyết tiến hành cuộc chiến đến cùng ở thời điểm này là cách tốt nhất để đoàn kết nội bộ và duy trì sự tồn tại chính trị của chính mình. Thực tế, ông Netanyahu tại vị được đến hôm nay có lẽ cũng là vì ông đã thỏa hiệp với các nhân vật cứng rắn diều hâu cực đoan nhất trong chính phủ; chớp cơ hội tuyên chiến quyết liệt và không khoan nhượng với không chỉ Hamas mà còn cả Hezbollah và thậm chí cả Iran như vừa qua.

Canh bạc đầy rủi ro với cái giá không nhỏ

Vì sao Israel quyết liệt đối đầu nhiều thế lực cùng lúc? - 2

Ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Nevatim của Israel bị hư hại sau cuộc tấn công tên lửa của Iran hôm 1/10 (Ảnh: Planet Labs).

Tuy nhiên, những tính toán chiến lược đang được quân đội Israel triển khai hết sức kiên quyết và rộng khắp khu vực cũng chứa đựng những nguy cơ và rủi ro về nhiều mặt. Nguy cơ lớn nhất là khả năng xung đột lan rộng tới nhiều mặt trận đến mức Israel cũng không thể kiểm soát nổi, trong khi Israel vẫn đang sa lầy trong cuộc chiến ở Gaza. 

Cũng như trong những cuộc chiến tranh ở Li Băng trước đây, dù hiện tại Hezbollah vừa bị tổn thất nặng nề, thậm chí còn được coi như "rắn mất đầu", phong trào kháng chiến chống Israel lớn mạnh nhất này vẫn còn khả năng tung ra những đòn trả đũa mạnh mẽ nhắm vào không chỉ các địa điểm gần biên giới với Li Băng mà cả các thành phố lớn, trung tâm kinh tế quan trọng của Israel.

"Một cuộc tấn công quy mô lớn bằng kho tên lửa còn lại từ Hezbollah có thể gây tổn thất nặng nề về dân sự và buộc Israel phải mở mặt trận thứ hai ở Li Băng", Tiến sỹ Williams cảnh báo.

Thực tế trong mấy ngày giao tranh trên bộ ở Nam Li Băng vừa qua, Israel cũng đã phải gánh chịu những tổn tất đáng kể, trong đó có cả một số sỹ quan thiệt mạng cùng trang thiết bị, súng ống các loại bị phá hủy.

Nguy cơ sa lầy ở Li Băng cũng là một mối lo ngại lớn. Lịch sử cho thấy các cuộc can thiệp quân sự của Israel vào quốc gia láng giềng này thường kéo dài và tốn kém. "Việc thiếu vắng một chính quyền Li Băng đủ mạnh để kiểm soát tình hình sau khi Hezbollah bị đánh bại có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn kéo dài", chuyên gia Williams nhận định.

Trong khi chi phí cho một cuộc chiến luôn vô cùng lớn, nền kinh tế của bất kỳ đất nước nào, dù mạnh đến mấy, trong thời chiến đều khó khăn bộn bề, thậm chí là đi vào suy thoái.

Nếu chiến tranh bùng phát rộng và kéo dài, mặc dù vẫn được Mỹ và phương Tây hết lòng ủng hộ, Israel cũng rất khó có khả năng tránh được suy giảm về phát triển, thậm chí là đi vào suy thoái với những hậu quả tiềm tàng nặng nề trên nhiều lĩnh vực, bất ổn xã hội gia tăng, kể cả ở thượng tầng chính trị có thể dẫn đến thay đổi ở Tel Aviv...

Cuộc chiến càng lan rộng và kéo dài thì khủng hoảng nhân đạo sẽ càng lớn và nghiêm trọng hơn, đặc biệt đối với dân thường Palestine. Theo số liệu của Liên hợp quốc, kể từ ngày 7/10/2023 đến nay, hơn 30,000 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có khoảng 70% là phụ nữ và trẻ em; hơn 80% dân số Gaza (khoảng 1,9 triệu người) đã phải di dời, gây ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Các cơ sở hạ tầng tại Gaza bị tàn phá nặng nề, bao gồm bệnh viện, trường học và hệ thống cung cấp nước sạch; và nạn khan hiếm lương thực, thuốc men và nhiên liệu đang đe dọa sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người dân.

Đây cũng sẽ là gánh nặng mà Israel, dù chiến thắng hay thất bại trong chiến dịch mở rộng chiến tranh lần này, cũng không thoái thác được trách nhiệm đóng góp giải quyết.

Cuối cùng, kinh nghiệm từ các cuộc chiến triền miên ở Trung Đông cho thấy bạo lực leo thang kéo dài cũng có thể tạo ra thế hệ chiến binh cực đoan mới, tiếp tục nuôi dưỡng vòng xoáy thù hận để lại quyết tử chiến đấu chống Israel, xung đột giữa người định cư Do Thái và người dân Palestine leo thang.

Theo thống kê, có khoảng 60% chiến binh Hamas hiện nay là những người mồ côi từ các cuộc xung đột trước đây giữa Palestine với Israel. Làn sóng bạo lực lan rộng tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng có thể sẽ lại đưa dến khả năng bùng nổ một Intifada mới tại Bờ Tây.

Kết quả liệu có tương xứng?

Israel kỳ vọng chiến dịch tấn công rộng khắp trên nhiều mặt trận hiện nay sẽ mang lại an ninh bền vững và một trật tự khu vực mới có lợi cho họ. Việc triệt hạ Hezbollah và làm suy yếu Iran sẽ giúp Tel Aviv củng cố an ninh trong nước và lấy lại vị thế răn đe trước các đối thủ, đồng thời tạo điều kiện cho việc bình thường hóa quan hệ với các nước Ả rập.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể chỉ là mong muốn không tưởng của những người cầm quyền ở Tel Aviv. "Lịch sử Trung Đông cho thấy bạo lực chỉ sinh ra thêm bạo lực. Thay vì một trật tự mới ổn định, kết quả nhiều khả năng sẽ là tình trạng hỗn loạn kéo dài gây bất ổn cho cả Israel và khu vực", tiến sỹ Gideon Rachman kết luận.

Còn về an ninh cho Israel, chiến thắng nếu có thể giành được lần này cũng chỉ giúp củng cố an ninh trong ngắn hạn, bởi mọi mâu thuẫn hầu như vẫn còn nguyên đó và khi đối phương phục hồi, họ sẽ lại đe dọa Israel còn lớn hơn, bởi lòng hận thù luôn nhân lên với thời gian bị thống trị.

Người Israel hẳn còn nhớ là thực tế trước đây, để chia rẽ và làm suy yếu Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Israel đã ngầm khuyến khích và ủng hộ Hamas để rồi nay, chính Hamas lại là lực lượng làm Israel chịu mất mát, khổ đau nhiều nhất.

Tựu chung lại, có thể nói Israel đang đặt cược lớn vào một chiến lược đầy rủi ro, với kết quả không lấy gì là chắc chắn và cái giá phải trả có thể rất cao. Liệu canh bạc này có đem lại kết quả như Tel Aviv kỳ vọng hay sẽ lại dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông?

Câu trả lời cuối cùng còn chứa nhiều ẩn số, nhưng lịch sử đã chứng minh rằng đấu tranh vũ trang chỉ là giai đoạn đầu của quá trình giải quyết xung đột, còn kết thúc xung đột, tìm giải pháp hòa bình thông qua đàm phán, nhân nhượng lẫn nhau vẫn là không có gì thay thế được nếu muốn có một nền hòa bình bền vững, nền an ninh công bằng và cùng phát triển phồn vinh.

Đáng tiếc là trong tình hình hiện nay, khả năng đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine cũng như đàm phán giữa Israel với Iran rất khó có khả năng xảy ra. Đây cũng chính là lúc Liên hợp quốc/Hội đồng Bảo an, Tổ chức các nước Hồi giáo/Liên đoàn Ả rập, các nước EU, Nga, Trung Quốc… cần (và phải) nỗ lực gấp bội để giúp các bên bớt thù địch nhau, từng bước tiến dần và gần hơn đến chấm dứt các hành động thù địch, ngừng chiến và thiện chí đi vào đàm phán hòa bình.

Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).