Trung Đông: "Miếng mồi ngon" của các thế lực và đấu trường địa chiến lược
(Dân trí) - Một khu vực hay lãnh thổ chứa đựng những mâu thuẫn sẽ là "miếng mồi ngon" của các thế lực và "sân khấu" để cạnh tranh địa chính trị, có thể trở thành chiến trường bất cứ lúc nào.
Trung Đông và Israel trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược toàn cầu
Với vị trí địa chiến lược, địa chính trị cực kỳ quan trọng ở Đông bán cầu, Trung Đông trở thành đấu trường cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị giữa các cường quốc thế giới cũng như cường quốc khu vực.
Ngay khi khói súng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai còn chưa tan thì cuộc chiến đầu tiên đã nổ ra chỉ một ngày sau khi người Anh kết thúc sứ mệnh ủy trị của họ tại miền Bắc Israel, bao gồm cả Jerusalem ngày 14/5/1948.
Quân đội của 4 nước Ai Cập, Syria, Jordani, Iraq kéo vào lãnh thổ Israel. Các nước Saudi Arabia, Yemen, Morocco, Sudan cũng gửi quân tham chiến. Tất cả chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất: Ngăn chặn việc thành lập một nhà nước Do Thái trên vùng đất truyền thống của người Arab với tâm điểm của tâm điểm là ngôi đền thiêng Al Aqsa.
Kể từ ngày đó, mâu thuẫn giữa Israel với các quốc gia Arab khi thì ngấm ngầm, khi thì bùng nổ nhưng chưa bao giờ chấm dứt hoàn toàn hoặc được giới hạn một cách cơ bản.
Trong thế giới hiện đại, bất cứ một khu vực, trong một lãnh thổ nào chứa đựng những mâu thuẫn chồng chéo lên nhau, đan cài lẫn nhau như vậy đều trở thành "miếng mồi ngon" của các thế lực đế quốc, thành "sân khẩu" để thi thố các thủ pháp cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị, có thể trở thành chiến trường bất cứ lúc nào.
Sự sụp đổ của Liên Xô cùng sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã làm thay đổi cán cân so sánh lực lượng ở Trung Đông. Trong 30 năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, Mỹ hầu như nắm toàn bộ "quyền sinh sát" tại khu vực này và việc lập ra một nhà nước Palestine độc lập tồn tại song song với nhà nước Israel chỉ còn lại trên những trang giấy.
Còn Israel, họ cũng được hưởng sự yên ổn phần nào trên biên giới để tập trung thực hiện chiến thuật "tằm ăn dâu", đưa dân thường tới các khu định cư Do Thái nhằm lấn chiếm đất đai của người Palestine, tiến hành Do Thái hóa các sắc dân Palestine hoặc ít ra cũng vô hiệu hóa ý chỉ phản kháng của họ.
Đây chính là lúc các cường quốc khu vực mới nổi như Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia bắt đầu bước ra sân khấu chính trị Trung Đông. Sau các sự kiện 11/9/2001 và lọ chứa chất bột trắng mà Ngoại trưởng Mỹ Colin Powel bảo rằng đó là chất độc hóa học, trưng ra ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, dường như thế giới Hồi giáo bắt đầu quay lưng lại với Mỹ.
Quá trình phục hồi của các cường quốc Hồi giáo khu vực thực sự trở thành mối nguy cơ một lần nữa đe dọa an ninh của Israel.
Sau khi Al Qaeda đã sử dụng hết các chiêu trò, người Mỹ và Israel đối phó bằng cách tuyên chiến với một thế lực khủng bố Hồi giáo cực đoan khác là IS để mong giành lại quyền điều khiển tiến trình tái thống trị Trung Đông. Nhưng người Nga đã không cho phép Mỹ thực hiện điều đó.
Chiến dịch Syria của Nga diễn ra ngay sau khi họ sáp nhập bán đảo Crimea không chỉ gây bất ngờ cho Mỹ - phương Tây mà còn cho thấy vị thế "siêu cường độc tôn" của Mỹ đang bị lung lay.
Sự lạnh nhạt dần quan hệ giữa Washington với Riyadh cũng như sự tái nhận thức của các chính trị gia Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ không còn tin tưởng vào Washington sau vụ đảo chính tháng 7/2018 cho thấy uy tín của Mỹ ở Trung Đông đã xuống thấp.
Thêm vào đó, việc Trung Quốc bắt đầu có những ảnh hưởng ngày càng tăng ở Trung Đông bằng sáng kiến "Vành đai - Con đường" càng làm giảm sút hơn nữa ảnh hưởng của Mỹ - phương Tây.
Nhận thức được xu thế đó, những người thuộc phái vũ trang Hamas trong PLO đã kiên trì, nhẫn nại tích lũy lực lượng trong hơn 2 năm để rồi mở một cuộc tấn công chiến lược vào đúng thời điểm ngày nghỉ Sabbath của người Do Thái, tương tự như cuộc tấn công ngày 6/10/1973, nhằm đúng Lễ Yom Kirrpir.
Nếu như không thành công triệt để thì cũng làm lộ ra mọi vấn đề chính trị tưởng như đã bị chôn vùi suốt 30 năm qua, buộc các cường quốc phải bắt đầu lại tiến trình thành lập một Nhà nước Palestine độc lập và đầy đủ, có lãnh thổ chiếm 44% diện tích (theo Hiệp định hòa bình Oslo 1995), có biên giới rõ ràng, có dân, có kinh tế riêng, có đối ngoại toàn vẹn (đặc biệt là được Liên Hợp Quốc công nhận đầy đủ), có Jerusalem là thủ đô…
Và cuộc Tổng tấn công Thu - Đông 2023 của nhóm vũ trang Hamas diễn ra như chúng ta đã biết.
Các mảng kiến tạo địa chính trị ở Trung Đông đang dịch chuyển quanh cuộc xung đột Israel-Hamas
Việc quân đội Israel sẽ bắt đầu chiến dịch tiến vào vùng lãnh thổ Gaza có thể diễn ra bất cứ lúc nào khi lực lượng của họ đã được điều động để phản công. Nhưng liệu Israel có đạt được mục tiêu mà thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố là "xóa sổ Hamas khỏi trái đất" thì lại là chuyện khác.
Nếu chỉ xét về tương quan lực lượng thì 170.000 quân thường trực và hơn 300.000 quân dự bị động viên với hỏa lực áp đảo từ trên bộ, trên không, Israel thừa sức đánh bại khoảng 35.000 quân Hamas trong vòng không quá một tuần. Nhưng Israel gặp phải bốn vấn đề cần giải quyết khi hạ quyết tâm phản công.
Một là vấn đề nhân đạo, Israel có thể giành lại toàn bộ dải Gaza nhưng cái giá mà họ phải trả đối với dư luận quốc tế về vấn đề nhân quyền - nhân đạo không hề nhỏ. Kể cả có Mỹ chống lưng bằng "tiêu chuẩn kép" thì Israel cũng khó mà lấy lại được hình ảnh của mình.
Và đáng sợ hơn nữa, việc gây thương vong lớn cho dân thường Palestine có thể khiến cả thế giới Arab nổi giận như những năm 1970 của thế kỷ trước, khi đó, Tel Aviv lại bị đặt vào thế đối đầu với cả thế giới Hồi Giáo, không chỉ ở Trung Đông mà còn ở khắp nơi trên toàn cầu.
Còn Mỹ thì sẽ hầu như không có bất cứ cơ hội nào để gia tăng hỗ trợ cho Tel Aviv. Vì cho dù Mỹ đã viết tên Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố nhưng họ sẽ phải lựa chọn Kiev hay Tel Aviv.
Hai là vấn đề con tin. Hamas đang nắm trong tay hàng trăm con tin không chỉ là các binh sĩ và dân thường Do Thái mà còn không ít người phương Tây. Đến ngày 15/10, chỉ có Bộ Ngoại giao Anh thừa nhận họ có khoảng 10 công dân của họ bị Hamas bắt làm con tin.
Các cơ quan tình báo Mỹ - phương Tây đang ráo riết tìm kiếm thông tin về số con tin còn lại trong khi các trang mạng xã hội đã tạo nên một "màn nhiễu" xung quanh vấn đề này tới mức không thể phân biệt thật - giả.
Ba là dưới lòng đất của dải Gaza có thể có một hệ thống đường hầm chằng chịt. Với hệ thống này, quân của Hamas có thể vô hiệu hóa hỏa lực pháo binh, không quân của đối phương, có thể tự do di chuyển để mở những trận tập kích ngắn vào một cánh quân Israel bất kỳ ở một hay nhiều địa điểm do họ lựa chọn trước.
Cuộc chiến tiêu hao kiểu này trước sau sẽ làm cho quân đội Israel tuy không thể sụp đổ nhưng sẽ dần dần "mất máu", buộc phải rút lui.
Bốn là pháp luật Israel chỉ cho phép tổng động viên lực lượng dự bị trong vòng không quá 30 ngày. Điều đó có nghĩa rằng "thời gian" cũng đang là "kẻ thù" của Israel.
Trong vòng 30 ngày kể từ khi ban bố lệnh tổng động viên, đặt đất nước trong tình trạng chiến tranh, chính quyền Tel Aviv buộc phải lựa chọn: Hoặc là đánh nhanh, thắng nhanh để giải quyết dứt điểm đối phương một lần và mãi mãi, hoặc là ngồi vào bàn đàm phán mà trọng tâm sẽ là việc thực thi Hiệp định hòa bình Oslo năm 1995 với sự chủ trì của Liên Hợp Quốc cùng với sự bảo trợ của các cường quốc thế giới và khu vực.
Nếu diễn ra khả năng đàm phán, Israel sẽ ở vào thế "thiểu số" ngay cả khi họ được Mỹ chống lưng.
Cho dù Israel có thể đánh bại Hamas trong một cuộc chiến tổng lực hoặc họ buộc phải chọn giải pháp hòa bình sau khi giành ưu thế tương đối trên chiến trường thì có một điều rõ ràng là vào lúc này, Israel sẽ phải đối mặt với những tổn thất mà họ chưa từng phải gánh chịu trong lịch sử.
Trong "Cuộc chiến sáu ngày" năm 1967, Israel đã mất khoảng 1.000 người, trong Chiến tranh Yom Kippur, số thương vong của họ khoảng 3.000 người. Còn bây giờ, rất khó có thể dự báo được những thiệt hại về nhân sự mà Israel có thể phải gánh chịu nếu như họ tấn công vào Gaza dưới bất kỳ hình thức nào.
Ngày 15/10/2023, tại Qatar, lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian. Điều này cho thấy những đồn đoán về việc Tehran không có ảnh hưởng gì đến Hamas là sai lầm.
Trên thực tế, có những dấu hiệu cho thấy Tehran đã hợp tác khá chặt chẽ với Hamas từ năm 2017. Và họ cũng "chia sẻ trách nhiệm" với Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên mang màu sắc Hồi giáo duy nhất của NATO.
Mặt khác, nếu Israel "mạnh tay" với Hamas nói riêng và người Palestine nói chung thì nguy cơ đổ vỡ các mối quan hệ mà họ đã gây dựng lại được với UAE, với Ai Cập cũng như tiến trình bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia là không nhỏ.
Trong khi đó, Công đảng Israel với đường lối ôn hòa hơn chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế trên chính trường Israel, tạo ra nguy cơ đẩy đảng Likud của ông Benjamin Netanyahu vào thế thiểu số tại "Knesset" (Quốc hội Israel).
Vì vậy, cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông chắc chắn không chỉ mang tính khu vực hay tình huống. Đây là một phần của quá trình kiến tạo địa chiến lược, địa chính trị đang diễn ra trên toàn thế giới.
Cùng với cuộc xung đột tại Ukraine và các diễn biến căng thẳng gia tăng ở một số nơi khác như bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, cuộc xung đột mới này gắn liền với những thay đổi khi trật tự toàn cầu đang chuyển đổi từ thế giới đơn cực sang hệ thống đa cực - nhiều trung tâm.
Trong những chuyển biến ấy, đương nhiên là các quốc gia Trung Đông sẽ nỗ lực để hình thành trung tâm quyền lực của riêng mình, thường được gọi là "Khối Hồi giáo Arab". Và lẽ dĩ nhiên là cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đóng một vai trò nào đó trong việc hình thành trung tâm quyền lực này trong khi Saudi Arabia cũng dần thoát khỏi sự kiềm tỏa của Mỹ để khẳng định vai trò đứng đầu khối APEC+ cùng với các đối tác mới là Nga và Trung Quốc.
Những mâu thuẫn dường như vĩnh cửu giữa người Sunni và người Shia đang mờ dần vì bây giờ mục tiêu chung của thế giới Arab đã được tái định hình: Đó là tạo nên một thất bại quyết định cho Israel, qua đó vẽ lại bản đồ địa chính trị của Trung Đông.
Nếu xem xét tình hình từ quan điểm tiếp cận tổng thể ba vòng tròn đồng tâm gồm: vấn đề Israel với Palestine, vấn đề thế giới Arab với Mỹ và phương tây (thông qua Israel), vấn đề quan hệ giữa Cộng đồng Arab với bộ ba Mỹ - Nga - Trung, thì thất bại của Israel là không thể tránh khỏi.
Tất nhiên, không có nghĩa là thất bại của Israel sẽ diễn ra trong những tháng tới nhưng Tel Aviv sẽ dần mất đi sức mạnh, nguồn lực cạn kiệt và áp lực ngày càng gia tăng. Tuy vậy, còn một nguy cơ cuối cùng tồn tại ở đây là khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nếu ở bước đường cùng ấy, Israel có thể sẽ đẩy Trung Đông vào tình trạng hỗn loạn, cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người. Rủi ro này không nên được đánh giá thấp.
Vì vậy, hãy quay trở lại cách tiếp cận tổng thể. Sự xuất hiện và tồn tại của Israel chỉ có thể được duy trì khi an ninh của nước này được Mỹ bảo đảm. Israel khó có thể hội nhập một cách hữu cơ vào Trung Đông vì dường như họ luôn là "người xa lạ" trong "căn nhà" này.
Có thể nói bao nhiêu tùy thích về việc người Do Thái đã sống trên vùng đất này hàng nghìn năm. Tất nhiên, điều này có thể là đúng vì kinh thánh không phải là dữ liệu lịch sử trực tiếp, nhưng theo những ước tính lạc quan nhất, nhà nước Do Thái cuối cùng đã tồn tại ở khu vực này là từ trước thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên.
Vì vậy, trong nhiều thế kỷ, nguồn gốc của nền văn minh Do Thái thông qua việc hình thành và phát triển nhà nước của chính nó đã không tồn tại. Nghĩa là, nền văn minh Do Thái chỉ tồn tại bên ngoài lãnh thổ. Đây vừa là nét độc đáo vừa là bi kịch của dân tộc Do Thái.
Sự độc đáo là nền văn minh Do Thái có khả năng phát triển và thích ứng với mọi điều kiện. Ví dụ: không có nước Nga thì cũng không có người Nga; không có nước Đức thì không có người Đức… nhưng sẽ không có gì xảy ra với người Do Thái nếu không có Israel.
Bi kịch là việc thiếu một nhà nước, một lãnh thổ có truyền thống lâu đời có thể khiến cho mọi thành tựu và nền văn hiến của người Do Thái đã, đang và sẽ trở thành thành tựu của các quốc gia và nền văn minh mà người Do Thái sinh sống. Và ngay cả Israel, trên thực tế là một phần của nền văn minh phương Tây, cũng không bao giờ có thể trở thành bàn đạp thực sự cho nền văn minh Do Thái để bước vào giai đoạn phát triển mới.
Israel là một phần của nền văn minh phương Tây chứ không phải của riêng người Do Thái. Điều này có nghĩa là Israel là một vùng đất xa xôi của phương Tây, và nó đòi hỏi nguồn lực hỗ trợ đáng kể để tồn tại.
Khi mà áp lực từ nền văn minh Hồi giáo - Arab ngày càng gia tăng, Israel sẽ càng cần nhiều nguồn lực hơn. Thật không may, khi hệ thống các "trung tâm quyền lực" phát triển, người Anglo-Saxon đương nhiên sẽ có ít nguồn lực hơn để duy trì vị thế của mình.
Sự tồn tại của một nhà nước Do Thái chưa bao giờ là mục tiêu chính của những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa. Hỗ trợ Israel đồng nghĩa với việc định hướng và chuyển hướng nguồn lực vô tận mà không có mục tiêu rõ ràng.
Nếu không nhìn thấy lợi nhuận, thì cái giá phải trả là khổng lồ thì trong con mắt các nhà tài phiệt, bất cứ mục tiêu dù cao cả hay tồi tệ đến đâu sẽ dần dần trở nên vô nghĩa.
Do đó, một mặt, áp lực sẽ ngày càng ngày càng gia tăng đối với Israel. Mặt khác, sự hỗ trợ cũng sẽ giảm dần. Và nếu không có Mỹ thì nguồn lực của Israel chẳng có mấy ý nghĩa ở khu vực này. Nền văn minh Hồi giáo - Arab sau 1.000 năm có thể đã đến thời điểm phát huy mạnh mẽ tiềm lực của nó để tiến tới một trong các cực của hệ thống quyền lực toàn cầu đang trong tiến trình đa cực hóa.
Đại tá Nguyễn Minh Tâm
Nguyên Gíám đốc Trung tâm Thông tin khoa học
và tư liệu giáo khoa - Học viện Chính trị CAND.